Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Ông Tập Cận Bình tiếp tục đeo khẩu trang đi thị sát tại Bắc Kinh

Ngày 2/3, ông Tập Cận Bình lần thứ hai đeo khẩu trang rời Trung Nam Hải đến các đơn vị khoa học để khảo sát về công tác nghiên cứu dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19). Ông Tập Cận Bình từng nói, ông luôn đích thân chỉ huy, đích thân bố trí công tác ngừa dịch của Trung Quốc. Tuy nhiên đến hiện tại, ông vẫn chưa hề đích thân đến Vũ Hán – nơi bắt nguồn dịch bệnh và cũng là nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất để thị sát, việc này cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. 
Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình lần thứ hai đeo khẩu trang rời Trung Nam Hải, đến nhiều đơn vị nghiên cứu y học để khảo sát công tác nghiên cứu dịch COVID-19 (Ảnh cắt từ video)
ADVERTISEMENT
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 2/3, ông Tập Cận Bình lần lượt khảo sát hai đơn vị là Học viện Quân y và Học viện Y khoa – Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, và chủ trì hội nghị tọa đàm, lắng nghe báo cáo của Bộ Khoa học Trung Quốc và Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia, nội dung là tiến độ nghiên cứu thuốc và vắc xin ngừa COVID-19, tổng kết phương án ứng dụng và điều trị lâm sàng.
Ông Tập Cận Bình yêu cầu tăng tốc tiến trình nghiên cứu thuốc, và nhấn mạnh cần coi “an toàn sinh học” là “một phần quan của an ninh quốc gia nói chung”.
Theo bản tin công khai, đây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình rời Trung Nam Hải đi khảo sát kể từ khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát. Nhưng cả hai lần khảo sát của ông đều là ở Bắc Kinh, chưa đi đến các tỉnh thành khác.
Từ sau ngày 20/1, lần đầu tiên ông Tập chính thức phát “chỉ thị” về phòng và kiểm soát dịch, và hạ lệnh Vũ Hán phong tỏa thành phố ngày 23/1; đến ngày 25/1, ông Tập Cận Bình triệu tập Hội nghị Thường ủy “chống dịch” đầu tiên, tại hội nghị này, ông Tập đã có hành động hiếm thấy là để ông Lý Khắc Cường đảm nhậm chức Trưởng Tiểu ban ứng phó dịch bệnh.
Trong thời đại Tập Cận Bình, Trưởng Tiểu ban dường như là cách mà ông kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực khác nhau, ông cũng kiêm nhiệm đến mười mấy chức trưởng tiểu ban. Tuy nhiên, chức Trưởng Tiểu ban phòng chống dịch này, ông lại để cho ông Lý Khắc Cường gánh vác. Sau hai ngày, ông Lý Khắc Cường xuất hiện tại khu vực dịch bệnh nghiêm trọng – Vũ Hán, còn ông Tập Cận Bình lại lựa chọn ở sau màn chỉ huy. Do đó cũng khiến ngoại giới có nhiều nghi vấn.
Ngày 28/1, ông Tập Cận Bình tiếp đón Tổng Giám đốc WHO tại Bắc Kinh, ông Tập nói “tôi vẫn luôn đích thân chỉ huy, đích thân bố trí” công tác phòng và kiểm soát dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’. Ngày 10/2, dưới sự tháp tùng của Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ và Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh, ông Tập Cận Bình đã đến một số khu dân cư và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật để thị sát tình hình công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh; ông Tập còn nói chuyện video với nhân viên công tác ở tuyến đầu đang phòng ngừa dịch tại Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 10/2, Bắc Kinh chính thức “phong tỏa thành phố”, thời điểm đó, dịch bệnh tại Bắc Kinh bắt đầu trở lên nghiêm trọng, đe dọa đến Trung Nam Hải. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình trong buổi chiều cùng ngày đã đến tiểu khu An Hoa Lý trên phố An Trinh tại khu (quận) Triều Dương để “khảo sát và chỉ đạo” công tác phòng ngừa dịch. Đây cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đi đến khu dân cư kể từ khi Trung Quốc Đại Lục bùng phát dịch COVID-19.
Bức ảnh được Tân Hoa Xã đăng cho thấy, dù là ở trong phòng gặp mặt quan chức hay ở ngoài đường chào hỏi người dân, ông Tập Cận Bình đều đeo khẩu trang y tế.
Tuy nhiên cho đến hiện tại, ông Tập Cận Bình chưa hề đi đến khu vực dịch bệnh nghiêm trọng là Vũ Hán. Ngoại giới có nhiều phân tích về việc này.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trích dẫn phân tích của học giả Bắc Kinh cho rằng ông Tập Cận Bình không đi Vũ Hán, đầu tiên là sợ lây nhiễm, thứ hai là lo lắng tái diễn sự kiện “Bách vạn hùng sư” dẫn đến Mao Trạch Đông phải hốt hoảng chạy thoát trong thời Cách mạng Văn hóa.
Sự kiện Bách vạn hùng sư” còn được gọi là “Sự kiện Vũ Hán” hoặc “Sự kiện 20/7”. Theo giải thích của Baidu, tháng 7/1967, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đích thân đến Vũ Hán để giải quyết vấn đề Cách mạng Văn hóa tại Hồ Bắc. Bộ phận chỉ huy và chiến sĩ của sư đoàn độc lập tại Quân khu tỉnh Hồ Bắc cùng người dân Vũ Hán tổ chức “Bách vạn Hùng sư”, chống lại tinh thần xử lý vấn đề của Trung ương, tấn công Quân khu Vũ Hán và Nhà khách Đông Hồ Vũ Hán, bắt giữ và đấu tố thành viên của Tiểu tổ Văn cách Vương Lực, diễu hành biểu tình vũ trang trên toàn thành phố, phê phán đường lối và chính sách về Cách mạng Văn hóa của Trung ương, tạo thành “Sự kiện 20/7” có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng trong sự phát triển và biến hóa của Cách mạng Văn hóa.
Ông Hồ Bình, Tổng biên tập danh dự của Tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh cũng cho rằng ông Tập Cận Bình không đi đến Vũ Hán là xuất phát từ cân nhắc an toàn. Ngoài sợ lây nhiễm virus, ông còn lo lắng cho an toàn của bản thân, rất nhiều quan chức và người dân Vũ Hán đều bất mãn với ông, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì sẽ rất phiền phức.
Một học giả định cư tại Mỹ đã tổng kết 5 phân tích nguyên nhân có thể về việc ông Tập không đến Vũ Hán trên mạng với VOA:
(1) Ông Tập Cận Bình có thể bị bệnh, xuất phát từ tính toán cẩn thận, dưới sự kiến nghị của bác sĩ và đội ngũ cố vấn nên đã quyết định không đi Vũ Hán để tránh bị lây nhiễm;
(2) Thể hiện định lực chiến lược của ông, cũng có thể nói là tính bướng bỉnh thể hiện ra. Cùng với việc tình hình dịch bệnh ngày càng gay go, có lẽ ban đầu ông có dự tính đi Vũ Hán, nhưng phê bình của ngoại giới ngược lại khiến ông cho rằng không thể khuất phục kiểu áp lực này;
(3) Ông Lý Khắc Cường đã đại diện cho ông đi Vũ Hán rồi, nên có đi nữa cũng là thừa;
(4) Ông cảm thấy trong thời điểm quan trọng này, cần phải trấn giữ ở Bắc Kinh, đích thân bố trí và chỉ huy chiến “dịch” này, nắm và kiểm soát đại cục;
(5) Ông Tập Cận Bình có thể nghĩ đợi sau khi tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán có chuyển biến tốt rồi mới đi.
Về vấn đề ông Tập Cận Bình không đi Vũ Hán, một bài viết trên tờ The Guardian tại Anh trước đó có trích dẫn phân tích của chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nói rằng, có lẽ là ông Tập cố ý làm như thế. Bởi vì ông đã tập trung quyền lực lớn, xây dựng bản thân mình trở thành hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu virus dẫn đến biến động chính trị, thì rủi ro mà ông đối mặt có lẽ sẽ lớn hơn.
Trí Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.