Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích

30-1-2020
Giáo sư Charles Lieber, chủ nhiệm Khoa Hóa sinh và Hóa học tại Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: CNN
Sáng thứ 3 ngày 28-1-2020 khi báo Bloomberg đăng tin này đầu tiên, thì hầu như tất cả các GS ngành Hóa ở Mỹ và các nhà nghiên cứu về hóa học trên thế giới đều biết tin này. Là người trong cộng đồng hóa học ở Mỹ, cá nhân tôi biết Charles. Đây là một tin chấn động trong cộng đồng khoa học vì Charles Lieber là một nhà hóa học nổi tiếng trên thế giới.
Nhiều đồng nghiệp đặt vấn đề ‘Tại sao phải làm vậy?’, ‘Bộ ông ta cần tiền đến thế sao?’…
Để cho người đọc hiểu rỏ một tí xíu về vấn đề, tôi xin chia sẻ thêm một tí thông tin.
GS Đại học nghiên cứu Mỹ thường là hợp đồng lao động 9 tháng/năm (9 tháng dạy, 3 tháng hè không dạy nên không nhận lương). Nếu GS có tiền từ các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) thì có thể rút từ đó ra 3 tháng lương nữa. Cho nên cho dù GS có một đề tài vài trăm ngàn USD hay vài chục triệu USD từ nhiều đề tài, GS ấy chỉ có thể rút ra 3 tháng lương từ mức lương của mình mà thôi và không thể hơn. Yêu cầu của quỹ NCKH là GS ấy phải có mặt ở Mỹ trong mùa hè (ngoại trừ các chuyến đi hội nghị Quốc tế) để thực hiện nghĩa vụ quản lý NCKH đó.
Nếu có hợp tác với các phòng Lab ở nước ngoài trên hướng nghiên cứu của đề tài cũng phải nêu. Hai mục cuối là điều mà Charles bị nghi phạm tội chứ không phải từ việc nhận lương $50,000/tháng và hơn $150,000/năm tiền chi phí ăn ở từ ĐHCN Vũ Hán. Tuy nhiên với số tiền lớn như thế thì lòng tham của con người thật sự không có giới hạn. Tôi từng nghe từ vài người bạn ‘Ở VN cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được nó bằng rất nhiều tiền!’ Có thể câu nói đó đúng ở đây.
Năm 2009 tôi cũng có một cựu postdoc từ Bắc kinh qua Utah thăm và có nêu vấn đề về việc xây dựng phòng Lab ở TQ nhưng tôi từ chối.
Năm 2007 tôi về VN giúp thành phố HCM xây dựng Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán. Thành phố không trả lương cho tôi mà chỉ trả chi phí đi lại và ăn ở, vì lúc bấy giờ thật sự Thành phố không có một cơ chế về lương nào cho Việt kiều và nếu có thì không thể nào ở mức lương ở Mỹ. Nếu như thế thì không đáng để ‘bị lĩnh đủ’ như ông Lieber. Hahaha, còn nếu TP chấp nhận trả $50,000/tháng thì không chừng lòng tham của tôi cũng nổi dậy à!
Nhưng để tránh vị phạm cơ chế sử dụng kinh phí NCKH tôi đã không trích một phần nào trong quỹ NCKH để trả 3 tháng lương. Nói cách khác, về hợp tác với VN tôi chấp nhận mất 3 tháng lương/năm! Và dần dần tôi cũng đóng dần các đề tài NCKH ở trường và dần mất đi vị thế trong cộng đồng khoa học thế giới –> Đây là cái giá mà cá nhân tôi phải trả từ năm 2007 đến cuối 2017 khi quyết định về hợp tác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP HCM không biết sự hy sinh này. Không phải tôi muốn kể công ở đây, nhưng nói ra để các bạn hiểu rằng, để một GS Việt kiều Mỹ giúp một tổ chức NCKH ở nước ngoài nào có tính dài hạn, thì có rất nhiều hạn chế và chỉ có người đó biết những hạn chế đó và cái giá phải trả.
Tôi chấp nhận trả cái giá bằng việc mất rất nhiều thu nhập cho cá nhân hàng năm và chấp nhận mất nhiều uy tín khoa học trên diễn đàn thế giới để không để mình bị rơi vào những nguy cơ như ông Lieber bị ngày nay. Chắc chắn ông Lieber sẽ phải đi tù và cũng sẽ mất vài triệu tiền luật sư biện hộ. Nhưng cái ông thật sự mất mà là vô giá – đó là danh dự và lòng tự trọng. Thật đáng tiếc cho một tài năng!
_____

GS Harvard bị truy tố vì nhận tiền từ Trung Quốc

29-1-2020
Giáo sư tại Đại học Harvard là một trong ba người bị liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nói dối khi phủ nhận mối quan hệ của mình với chính phủ Trung Quốc.
Chính quyền liên bang ngày 28/1 cho biết, vụ việc của GS. Charles Lieber tại Đại học Harvard đã cho thấy “mối đe dọa đang diễn ra” bằng cách sử dụng các chương trình “câu kéo” học giả và nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và công trình nghiên cứu của Mỹ.
Luật sư Andrew Lelling cho biết, GS. Charles Lieber, 60 tuổi, chủ nhiệm khoa Hóa học và Hóa sinh học của Đại học Harvard, bị cáo buộc về tội nói dối mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức Trung Quốc, nơi ông đã nhận được hàng trăm nghìn USD tiền tài trợ.
Theo hồ sơ của tòa án ở Massachusetts, nhóm nghiên cứu của GS. Lieber tại Harvard đã nhận được hơn 15 triệu USD tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông được yêu cầu phải tiết lộ những xung đột lợi ích liên quan đến nguồn tài chính từ nước ngoài.
Tuy nhiên, cáo trạng cho biết, GS. Lieber đã nói dối về mối quan hệ của mình với Đại học Công nghệ Vũ Hán tại Trung Quốc và một hợp đồng mà ông đã ký theo chương trình chiêu mộ nhân tài của Trung Quốc nhằm thu hút các nhà khoa học cấp cao đến nước này.
Ông đã được trường đại học của Trung Quốc trả 50.000 USD mỗi tháng và được nhận thêm 1,5 triệu USD để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Đại học Harvard cho biết, các cáo buộc trên là “vô cùng nghiêm trọng”.
“Harvard đang hợp tác cùng các cơ quan liên bang, bao gồm cả Viện Y tế Quốc gia và đang tiến hành đánh giá riêng về các hành vi sai trái bị cáo buộc. Hiện GS. Lieber đã bị đình chỉ vô thời hạn”, tuyên bố của Đại học Harvard ghi.
Ngoài GS. Lieber, 2 người khác cũng bị liên bang Mỹ truy tố. Đây đều là công dân Trung Quốc bị buộc tội nói dối. Trong đó có Yanqing Ye, 29 tuổi, bị buộc tội gian lận visa, khai báo sai sự thật và có âm mưu làm đặc vụ nước ngoài không đăng ký.
Theo bản cáo trạng, Yanqing đã tự nhận mình là sinh viên trong đơn xin visa và không khai báo trung thực về nghĩa vụ quân sự của mình. Cô được tuyển dụng vào nghiên cứu khoa học tại Đại học Boston.
Yanqing thừa nhận mình giữ cấp bậc trung úy trong quân đội Trung Quốc. Cô đã bị truy tố tội truy cập trái phép trang web quân sự Mỹ và gửi tài liệu, thông tin về cho Trung Quốc.
Tuần trước, nhà nghiên cứu ung thư Zaosong Zheng cũng đã bị buộc tội vì buôn lậu 21 lọ vật liệu sinh học từ Mỹ về Trung Quốc và giấu các lọ thuốc vào tất để đem lên máy bay.
“Đây không phải là một tai nạn hay sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó là một phần trong chiến dịch đánh cắp công nghệ Mỹ để thu lợi từ Trung Quốc”, công tố viên Lelling nói.
Zaosong đã bị bắt giam từ ngày 30/12 và bị truy tố tháng trước.
Trường Giang (Theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.