Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Xin được góp vài lời

Xin được góp vài lời

21-2-2020
Không nên đòi hỏi Thủ tướng phải có thêm “nghề” thẩm thơ, nhất là khi những chuyên gia thẩm thơ đang thất nghiệp dài dài. Cũng đừng bắt ông đạo đức giả cứ phải vờ không thích người khác khen mình.
Một nhà thơ cả đời viết được một bài thơ hay đâu có nhiều: Nó nằm đâu đó trong khoảng từ 5-10 phần trăm số nhà thơ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Vì thế, không nên nhất định đòi hỏi điều đó ở một cô giáo dạy văn. Những câu thơ kém hơn như vậy đã từng được một nhà thơ cách mạng “hàng đầu” viết từ lâu rồi.
Đây chỉ là một ví dụ: “Nghe đảng khuyên, bỗng thấy mình giầu” (Tố Hữu-Bài ca xuân Bảy mốt).
Đừng coi cái giấy khen của ông Chủ tịch tỉnh là cái gì to tát. Nó tuyệt đối vô giá trị về mọi mặt, ngoài tác dụng làm lẫn lộn thật giả và cổ vũ thói háo danh, thói vụ lợi vốn đang là trọng bệnh của dân tộc này.
Nhưng công chúng có quyền đòi hỏi mọi sự phải minh bạch, sòng phẳng. 
Thứ nhất: Thủ tướng, nếu có khen hay cảm ơn tác giả bài thơ ca ngợi mình, thì chỉ nên trên danh nghĩa cá nhân. Ví dụ ông có thể gọi điện, viết thư tay một cách hoàn toàn riêng tư.
Thứ hai: Trong khi ca ngợi một bài thơ nghiệp dư, thì luôn còn vô số tác phẩm văn học có tính chuyên nghiệp cao ngày ngày đang bị Cục xuất bản, dưới danh nghĩa là cơ quan của Chính phủ canh chừng, triệt đường đến với công chúng, cấm đoán lưu hành, thậm chí còn dùng cả công văn mật để tiện bề qua mặt dư luận, phủi trách nhiệm với hậu thế; nhiều tác phẩm khác đang bị chính quyền đối xử bất công và báo chí không bao giờ được phép nhắc đến.
Nếu Thủ tướng muốn biết hiện trạng thê thảm đó thì tôi có thể nói cho ông biết, chỉ với một điều kiện: Ông phải thật lòng 100%.
Tôi là người khinh bỉ thói xu nịnh, khinh bỉ những kẻ dối trá, mồm miệng đỡ chân tay, vì thế tôi thích tính bộc trực, hành động của Thủ tướng bao nhiêu thì thấy tiếc cho ông bấy nhiêu khi trong hàng trăm, hàng ngàn người giúp việc, không có nổi một người dám nói thật với ông vài chuyện, khiến có lúc ông trở thành cái cớ cho những đàm tiếu vỉa hè (tất nhiên là ông không bao giờ biết) và giờ đây đang là nạn nhân của truyền thông dân chúng: một việc không nên có trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.