Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Vụ công an thua bạc, bắn chết người tại sới bạc ở Củ Chi

Vụ công an thua bạc, bắn chết người tại sới bạc ở Củ Chi

BTV Tiếng Dân
31-1-2020
Vụ Lê Quốc Tuấn, thượng úy công an quận 11, dùng súng bắn chết 4 người trong sới bạc ở Củ Chi, rồi bắn chết một người khác trên đường chạy trốn, sau hơn 2 ngày xảy ra vụ việc, đến tối 31/1/2020, Công an TP HCM vẫn chưa bắt được Tuấn, dù đã huy động 500 người đi vây bắt và lùng sục “đồng chí” của họ. 
Vụ việc xảy ra vào khoảng 14h20’ chiều 29/1/2020, tại sòng bạc thuộc ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM, Tuấn đã nổ súng giết chết 4 người, làm 1 người bị thương, theo báo Thanh Niên. Trước đó, Lê Quốc Tuấn cùng em trai là Lê Quốc Minh đến đây đánh bạc và thua hết tiền, rồi cầm luôn cả chiếc xe máy. Tuấn xin những người chơi cùng cho làm cái ván cuối để gỡ lại, nhưng không được, nên bỏ đi một lúc rồi quay lại và dùng súng AK-47, bắn chết 4 người trong sới bạc.    
Hung thủ Lê Quốc Tuấn cầm súng đi gây án. Ảnh: TN
Đến tối 29/1, Tuấn chặn bắn thêm 1 người nữa ở Củ Chi và cướp xe máy của nạn nhân để chạy trốn. Nạn nhân là người đàn ông khoảng 40 tuổi, ở Thủ Đức, được phát hiện bị bắn chết ở đường tỉnh lộ 15, xã Phú Hòa Đông, đoạn gần cầu Bến Nẩy. Tại hiện trường, công an tìm thấy vỏ đạn súng quân dụng, giống loại mà Tuấn đã gây án trước đó.
Đến chiều 30/1, CSCĐ huy động lực lượng khoảng 500 người để truy bắt Tuấn. Báo Thanh Niên đưa tin, “hàng trăm cảnh sát cơ động, Công an TP.HCM, Bộ Công an đã bao vây, phong tỏa các con đường ra vào khu cánh đồng thuộc ấp Bốn Phú, xã Trung An”. Mời xem clip 24 giờ bao vây tìm Lê Quốc Tuấn của VnExpress:
Đến tối cùng ngày, Công an TP HCM mới khởi tố, truy nã đặc biệt Lê Quốc Tuấn, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Tuấn bị truy nã và khởi tố về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. CSCĐ tiếp tục được huy động về bao vây, rà soát khu vực xã Trung An, huyện Củ Chi và các khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương. 
Nhưng hơn 500 CSCĐ vẫn không thể bắt được Tuấn. Đến chiều 31/1/2020, sau khoảng một ngày “bao vây”, CSCĐ thu quân, đổi phương án tìm Tuấn. Zing cho biết, vào thời điểm 15h45’, “lực lượng CSCĐ bên trong khu vực chốt chặn thưa dần, không còn nhiều những tốp cảnh sát đứng canh giữ hai bên đường. Tuy nhiên, người dân vẫn bị kiểm soát khi ra vào”. Đến 17h25’, phần lớn lực lượng CSCĐ đã rời Củ Chi. 
Cũng trong buổi chiều 31/1, Bí thư thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân tổ chức họp báo và nhận định, vụ án 5 người chết do Củ Chi ‘nắm địa bàn chưa tốt’, VnExpress đưa tin. Ông Nhân yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND 24 quận, huyện “nghiêm túc rút kinh nghiệm, lập tức rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng đánh bạc như ở huyện Củ Chi. Trong tháng 3, thành phố sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về tệ nạn xã hội, đặc biệt là xã hội đen cho vay nặng lãi”.
Nhận định về vụ án bắn chết người và cuộc vây bắt bất thành:
Trong tình hình xã hội ngày càng bất an, vụ Lê Quốc Tuấn đáng lưu ý vì đã chứng minh nhận định của một số người dân: Công an ngày nay giống như người dân gọi là “côn an”, tức là công an + côn đồ, những người là công an hoặc cựu công an, nhưng bản chất và cách hành xử như những tên lưu manh, côn đồ, xã hội đen. 
Có thể nói, dạng công an sống chết vì tiền như Tuấn ở VN không phải hiếm. Có những tay công an khu vực gần như kiêm luôn việc “bảo kê” và sẵn sàng o ép các cửa hàng buôn bán nhỏ, đòi tiền bảo kê hàng tháng để kiếm thêm lợi cho họ. 
Một chủ cửa hàng đã từng kể cho chúng tôi nghe rằng, tay công an phường nơi cô buôn bán, đã bắt cửa hàng của cô mỗi tháng phải “nộp” cho trụ sở của hắn ít nhất 3 thùng mì, nếu không thì hắn sẽ làm khó dễ. Chuyện công an liên kết với giang hồ và hành xử như giang hồ ngày nay có thể thấy nhan nhản khắp nơi. Điều hiếm ở Tuấn là anh ta biết cách sử dụng súng và kỹ năng lẩn trốn giỏi, nên đến giờ vẫn chưa bị bắt. 
Một vấn đề nghiêm trọng khác trong vụ Lê Quốc Tuấn là việc quản lý súng quân dụng quá lỏng lẻo. Cứ cho là Tuấn làm tới cấp thượng úy nhưng sao lại có thể để anh ta tùy nghi mang súng quân dụng ra ngoài kho mà không cần lý do rõ ràng, không cần kiểm tra, giám sát? Chẳng lẽ “công an nhân dân” tối ngày chỉ biết chăm chăm theo dõi những người bất đồng chính kiến, mà không cần để tâm xem “đồng chí” của mình đã tha hóa đến mức nào?
Công an luôn tự quảng cáo rằng, họ là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến nhưng hai vụ lớn gần đây cho thấy điều ngược lại. Trong vụ cưỡng chế ở Đồng Tâm, CSCĐ huy động lực lượng khoảng 3000 người về bao vây thôn Hoành, xã Đồng Tâm từ tối 8/1 đến rạng sáng 9/1, hoàn toàn đảm bảo yếu tố bất ngờ nhưng kết quả vẫn tổn thất 3 người, dù có thông tin những cái chết đó không phải do người dân chống trả. Vụ Lê Quốc Tuấn thì CSCĐ huy động khoảng 500 người thiết lập “vòng vây” trong khoảng một ngày nhưng vẫn để đối tượng lọt lưới. 
Tóm lại, sau vụ Đồng Tâm, người dân đã không còn chút niềm tin nào với công an, thì sau vụ Lê Quốc Tuấn, người dân càng nhận ra rằng, lực lượng công an chẳng làm nên trò trống gì ngoài “tài” ức hiếp dân, nhất là chuyện đòi tiền bảo kê, “bóp cổ” dân lành, không khác gì các thế lực kiêu binh ngày xưa. 
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.