Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Virus corona sẽ tiến hóa và tấn công loài người đến mức nào?

Virus corona sẽ tiến hóa và tấn công loài người đến mức nào?

BTV Tiếng Dân
6-2-2020
Đại dịch virus corona đang bùng phát ở Trung Quốc, lây lan cho hàng chục nước trên thế giới, hiện là thảm họa toàn cầu. Đây không phải lần đầu tiên virus corona tấn công con người ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Tổ tiên chung của tất cả các dòng virus corona được xác định đã tồn tại trên Trái đất từ hàng ngàn năm trước, các trường hợp nhiễm bệnh do virus corona được phát hiện từ năm 1960. 
Đến năm 2002-2003, một chủng của virus corona đã gây ra đại dịch SARS (SARS-CoV). Năm 2012, một chủng khác tiến hóa hơn gây ra dịch MERS (MERS-CoV) và đến năm 2019, chủng được cho là tiến hóa nhất trong các dòng virus corona (2019-nCoV) đã gây ra đại dịch viêm phổi cấp, kéo dài từ cuối tháng 1/2020 đến nay, tạo ra tác động hơn hẳn tất cả các chủng virus corona trước đó.
Ngày 29/1/2020, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Đạt Ân có bài phân tích tổng hợp: Liệu một trận dịch lớn đầy tiềm năng đang chờ ở phía trước? Ông Ân lưu ý, một trong các điểm đáng sợ nhất của virus corona là khả năng tiến hóa của nó: “Có vẻ chủng coronavirus 2019-nCoV kỳ này có tốc độ biến dị (mutation) nhanh hơn gấp 100 lần so với virus cúm. Đó là vì nó có khả năng dịch chuyển giữa động vật máu lạnh và máu nóng (dơi qua rắn và rắn qua người), cũng như lây lan giữa con người với nhau”.
Ngày 4/2/2020, báo Một Thế Giới đưa tin: Sau khi âm tính, 1 trong 2 bệnh nhân người Trung Quốc tại Chợ Rẫy lại dương tính với coronavirus. Theo đó, bệnh nhân Li Ding, 66 tuổi, một trong 2 bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm virus corona ở Việt Nam đang điều trị tại BV Chợ Rẫy “đã xác định là âm tính với coronavirus trước đó nhưng lại có kết quả dương tính với vi rút này sau khi xét nghiệm trở lại. Như vậy, hiện nay bệnh nhân này vẫn còn đang nhiễm coronavirus”.
Cũng trong ngày 4/2/2020, báo Tuổi Trẻ dẫn lại thông báo của một số nhà khoa học Trung Quốc: Phát hiện biến thể ‘bất thường’ của virus corona trong ổ dịch gia đình. GS Cui Jie và các cộng sự tại Viện Pasteur Thượng Hải cho biết, họ đã tìm thấy những biến thể gen “bất thường” rất đáng chú ý trong chủng virus corona mới và “những biến đổi gen này rất có thể đã xảy ra trong quá trình lây nhiễm giữa các thành viên ở một gia đình”.
Các thông tin trên cho thấy, chủng mới của virus corona không đứng yên, đợi con người tìm ra cách ngăn chặn chúng, mà chúng đang biến dạng, đang tiến hóa. Cho nên, chúng tôi đồng tình với bài viết của tác giả Amy Gunia, đăng trên báo TIME rằng, tuần này sẽ là thời điểm quan trọng để xem 2019-nCoV có thể lây nhiễm đến đâu. Nhưng để thật sự thấy hết tiềm năng của 2019-nCoV, thì có lẽ cần khoảng thời gian lâu hơn, ít nhất là một tháng.
Hơn nữa, các đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến virus corona trước đó cho thấy, cứ mỗi lần quay lại là loại virus này tiến hóa và trở nên mạnh mẽ hơn. Một người bạn của chúng tôi lớn lên ở Sài Gòn từ nhỏ, kể rằng, ngày SARS bùng phát, lần đầu mới biết thế nào là dịch bệnh. Nhưng bây giờ so với 2019-nCoV thì hóa ra dịch SARS ngày đó chẳng là gì, dù loại virus gây ra các trận đại dịch này đều có chung dòng, loại này là phiên bản mới của loại kia.
Nghĩa là, không có gì bảo đảm rằng, kể cả khi loài người chặn được đợt dịch 2019-nCoV này, thì sẽ không có thêm chủng virus corona mới, mạnh hơn, quay lại tấn công loài người và gây ra những tác hại mà cha mẹ, anh em của chúng trước đó không làm được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.