Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Văn minh ơi! Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Văn minh ơi! Bao giờ cho đến… ngày xưa?

5-2-2020
Tôi vừa đọc xong bài phóng sự của cộng tác viên Amy Qin đăng trên tạp chí lừng danh The New York Times viết về “Khủng hoảng khám và chữa trị coronavirus trong thành phố Vũ Hán.”
Đọc tên và xem ảnh tác giả bài viết, tôi đoán cô là người Trung Quốc. Cô có thể đang sống trên đất nước mình, có thể ở Mỹ, thậm chí có thể là người Mỹ gốc Hoa. Tôi thấy không cần thiết phải bỏ thời gian vàng ngọc của mình để điều tra về tác giả.
Đọc bài viết của Amy Qin, tôi có cảm giác Vũ Hán trung tâm vùng dịch viêm phổi cấp chủng virus corona mới, dưới ngòi bút (bàn phím) mô tả của cô hiện lên như một thành phố chết, tê liệt, hoang tàn, đâu đâu cũng chỉ vang lên những lời ta thán như “trong ngày tận thế.”
Nào là “tôi phải xếp hàng đợi 7 tiếng liền bên ngoài bệnh viện trong giá lạnh với hy vọng được xét nghiệm coronavirus“, nào là “mẹ tôi không được điều trị mà phải tự cách li tại nhà“, nào là “Vũ Hán đã bị khóa chặt, thành phố bị niêm phong và hầu hết giao thông công cộng bị ngăn cấm“, nào là “xe cứu thương rất khó gọi, trong những ngày này, gọi đến số 120 thì được trả lời rằng đang có hàng trăm người xếp hàng đợi xe“, nào là “chỉ các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng mới được ban quản lý khu phố gắn cờ, sắp xếp vận chuyển bằng xe cứu thương“…
Với thành phố có tới 11 triệu dân, trung tâm vùng dịch, mỗi ngày Vũ Hán có tới hàng triệu tiếng kêu la từ bên trong vọng ra “Chúng tôi sắp chết, chúng tôi không được chăm sóc, chúng tôi không được nhập viện… ”
Với thành phố có tới 11 triệu dân, trung tâm vùng dịch, lại bị cách li với thế giới bên ngoài thì việc quá tải về khả năng chăm sóc y tế so với nhu cầu tăng cao đột biến là đương nhiên.
Với thành phố có tới 11 triệu dân, trung tâm vùng dịch, có khi chỉ vì hoảng hốt, dù chưa phải là con bệnh nhưng hàng triệu cư dân của thành phố này, ai cũng muốn được khám và điều trị trước người khác.
Trong tình thế nguy cấp, sự hỗn loạn vì không được chăm sóc y tế tử tế, theo mong muốn là điều khó tránh khỏi, bởi chênh lệch cung – cầu vào thời khắc này quá khắc nghiệt.
Lúc này là lúc dư luận cần nhìn vào cuộc chiến giành lại sự sống, chống lại bệnh dịch của Vũ Hán ở góc độ tích cực hơn là tiêu cực. Lúc này là lúc người dân Vũ Hán cần sự thông cảm, chia sẻ và sự trợ giúp của cả thế giới, chứ không phải lòng thương hại trên truyền thông và bàn phím. Nhưng lúc này hơn bao giờ hết, người dân Vũ Hán phải mở lòng bao dung, vị tha, cao thượng trên tình đồng loại thay vì giành giật, cấu xé nhau.
Vụ Vũ Hán trong cơn nguy cấp chống lại virus Corona hiện nay khiến tôi nhớ lại vụ con tàu Titanic đang dần chìm cách nay hơn 1 thế kỷ qua lời kể của Charles viên thuyền phó.
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”
Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu.
Và trong cái đêm định mệnh chìm tàu Titanic ấy, có biết bao tấm gương nhường chỗ cho nhau lên các con thuyền cứu hộ rất cảm động khác nữa.
Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles đã nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “I love you! I love you!”
Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người.
Văn minh ơi! Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.