Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Tờ báo Đan Mạch không xin lỗi

Tờ báo Đan Mạch không xin lỗi

31-1-2020
Biếm họa trên báo Jyllands-Posten của Đan Mạch. Ảnh: internet
Báo Jyllands-Posten của Đan Mạch vừa thay mấy ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc bằng hình mô phỏng vi rút corona. Ngay lập tức Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen lên tiếng, cho rằng đây là hành động “xúc phạm đất nước Trung Quốc” và làm “tổn thương người dân Trung Quốc”.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc, bức biếm họa này đã “vượt quá ranh giới đạo đức của tự do ngôn luận” và yêu cầu tờ báo và họa sĩ Niels Bo Bojesen “công khai xin lỗi người dân Trung Quốc”.
Đáp lại, chẳng những tờ báo Đan Mạch không xin lỗi mà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng viện dẫn quyền tự do ngôn luận để bảo vệ tờ báo này.
“Ở Đan Mạch chúng tôi có bề dày truyền thống về tự do ngôn luận, bao gồm cả tranh biếm họa và điều đó sẽ được duy trì trong tương lai.”
“Đây là lập trường đã được biết đến rộng rãi và Đan Mạch sẽ không thay đổi điều đó,” bà Frederiksen nhấn mạnh.
Lập trường của chính phủ Đan Mạch xem ra nhất quán. Hồi năm 2005, chính Jyllands-Posten cũng đăng tải series tranh biếm họa đấng tiên tri Muhammad của đạo Hồi, trong đó có tấm tranh vẽ Muhammad đội khăn hình trái bom. Chuyện này đã gây nên một trường sóng gió, từ dân Hồi giáo cho đến một loạt chính phủ các nước xứ sở Hồi giáo đã lên tiếng phản đối. Jyllands-Posten lúc bấy giờ đã xin lỗi về việc làm tổn thương người Hồi nhưng vẫn bảo lưu quyền đăng tải các tranh biếm họa đó.
Chính phủ Đan Mạch lúc bấy giờ, dẫu chịu nhiều sức ép ngoại giao (đại sứ 11 nước thảo công thư chung để phản đối), một mặt thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng quan hệ quốc tế không tiền khoáng hậu trong lịch sử Đan Mạch mặt khác vẫn kiên quyết không can thiệp vào quyền tự do của báo chí. Căng thẳng còn lan qua kinh tế, với việc người tiêu dùng hai phía tẩy chay hàng hóa của nhau. Hồi đó tính ra mỗi ngày tập đoàn thực phẩm Arla của Đan Mạch mỗi ngày mất chừng 4 triệu USD do bị dân Hồi giáo tẩy chay.
Không liên quan trực tiếp, nhưng vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo của Pháp năm 2015 khiến 12 người chết cũng nằm trong dòng chảy của xung đột giữa một bên là quan điểm bảo vệ tự do biểu đạt và một bên là niềm tin tôn giáo của người Hồi.
(Nói thêm, Jyllands-Posten có vẻ cũng xài chuẩn kép. Hồi năm 2003, tờ báo này từng từ chối đăng tranh biếm họa Chúa Jesus của họa sĩ Christoffer Zieler với lý do là đăng tải tranh ấy có thể khiến giáo dân nổi giận.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.