Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam: Kết thúc hay khởi đầu?

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam: Kết thúc hay khởi đầu?

BTV Tiếng Dân
21-2-2020
Suốt chín ngày qua, Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 nào mới. Mặc dù có rất nhiều người Trung Quốc xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng đến nay, cả nước chỉ có 16 ca nhiễm virus corona. Có vẻ như Việt Nam là vùng đất thiêng, virus corona tới thì chỉ có chết!
Cho nên, các tờ báo “lề đảng” và các tuyên truyền viên khẳng định: Việt Nam đã “dập được dịch COVID-19”. Còn dư luận “lề dân” thì ngược lại, chẳng những không tin các thông tin “lề đảng”, mà còn cung cấp một số thông tin cho thấy, chính báo “lề đảng” đã để những sơ hở trong việc tuyên truyền.
Quan chức Y tế và tuyên giáo tự tin “dập được dịch”
Báo Tuổi Trẻ là một trong số các tờ báo đi đầu trong việc trấn an dư luận, với bài: Việt Nam – nước đầu tiên dập được dịch COVID-19?Một “chuyên gia” nặc danh nào đó của Bộ Y tế khẳng định, trong 4 ổ dịch thì: “Hiện hai tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa đã gần đủ thời gian để có thể công bố khống chế dịch, tỉnh Vĩnh Phúc cần thêm 12 ngày nữa nếu không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, TP.HCM cũng phải chờ”.
Bài báo còn dẫn lời  cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê quảng cáo: “Hiện có đến 3.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm bệnh dịch COVID-19. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã điều trị khỏi hoàn toàn cho 15/16 bệnh nhân, không có cán bộ y tế nào bị lây bệnh”.
Báo Thanh Niên cũng không chịu thua kém, khi dẫn lời lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị công bố hết dịch Covid-19 tại Thanh Hóa. Ông Trịnh Hữu Hùng, GĐ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa xác nhận, ông đã ký văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Y tế công bố Thanh Hóa hết dịch bệnh COVID-19. 
Theo ông Hùng, nữ bệnh nhân duy nhất nhiễm COVID-19 ở tỉnh này tên N.T.T đã xuất viện, toàn tỉnh không còn trường hợp nghi nhiễm nào nữa. Mặc dù đến ngày 21.2, còn hơn 300 người cần theo dõi, trong số 3.300 người bị cách ly, nhưng tỉnh này vẫn muốn được công bố… hết dịch!
Các quan chức Bộ Y tế tỏ ra rất tự tin trong cuộc chiến chống COVID-19. VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế: Chúng ta tự tin trong kiểm soát dịch Covid-19. Phát biểu tại hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ông Long nói: 
“Chúng ta tự tin có đủ khả năng cách ly và lượng cách ly có thể lên tới 30.000 người. Chúng tôi cũng tự tin nói rằng, chúng ta có đủ giường nằm điều trị về mặt y tế đối với bệnh nhân. Chúng ta đã phân tuyến tới tuyến huyện, 700 huyện, 1.300 bệnh viện trên toàn quốc có thể điều trị được”.
Những thông tin trái chiều 
Zing đưa tin: Bệnh nhân nhiễm virus corona cuối cùng tại TP.HCM xuất viện. Đó là ông Tạ Kiến Hòa, 73 tuổi, Việt kiều Mỹ, đã được xuất viện sau 3 tuần điều trị ở VN. Ông Hòa là bệnh nhân bị lây nhiễm sau 2 giờ quá cảnh tại sân bay Vũ Hán trước khi nhập cảnh vào VN ngày 16/1.
Mặc dù một số báo “lề đảng” tự tin khẳng định, ở TP HCM không còn ca nhiễm COVID-19 nào từ chiều qua, nhưng tại thời điểm đó, báo Một Thế Giới đưa tin: TP.HCM: Bé trai 17 tháng tuổi cách ly tại Bệnh viện dã chiến nghi nhiễm Covid-19. Đó là một bệnh nhi đã được cách ly khoảng 1 tuần ở BV dã chiến Củ Chi, “bất ngờ xuất hiện triệu chứng của bệnh Covid-19”.
Trước đó, bé trai này cùng gia đình đi từ TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc rồi quá cảnh ở Malaysia trước khi về lại VN qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất ngày 14/2. Bé trai này và người mẹ lập tức được cách ly và “vận chuyển theo đúng quy trình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đến Bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi”.
Trong nhiều ngày TPHCM không có ca nhiễm mới, thì ngày 19/2, Sở Y tế lại bổ nhiệm ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Bệnh viện mới mà không có bệnh nhân thì Ban Giám đốc bệnh viện sẽ làm gì? Với tốc độ lây lan chậm như rùa lật ngửa, thì làm gì TPHCM có bệnh nhân để vào bệnh viện dã chiến mà cần Ban Giám đốc?
***
Trong khi Việt Nam định trở thành nước đầu tiên dập dịch, nhưng đây đó có những ca nghi nhiễm như: Hà Nội thêm 3 ca nghi nhiễm nCoV, theo VnExpress. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, 3 ca nghi nhiễm mới nằm trong số 65 người đang được cách ly tập trung tại BV Công an TP Hà Nội: “Chiều 20/2, 3 người này có biểu hiện bệnh đường hô hấp nên được chuyển đến Bệnh viện Đống Đa để lấy mẫu xét nghiệm nCoV và điều trị cách ly”.
VOA có clip: VN sắp phóng thích hơn 100 người bị cách ly vì virus corona. Ngày 20/2, một giới chức cho Reuters biết, trong ngày 21/2, có tổng cộng 102 người sẽ được rời khỏi nơi cách ly tại doanh trại quân đội ở Lạng Sơn. Số người này nằm trong 503 người bị cách ly tại doanh trại quân đội ở Lạng Sơn, gần biên giới với Trung Quốc, sau khi họ trở về từ Trung Quốc nhưng hai người đã được chuyển tới một bệnh viện gần đó để theo dõi sức khỏe thêm.
***
Để thấy được sự nguy hiểm của dịch COVID-19, cần lưu ý một ca tái nhiễm bệnh gần đây bên TQ: Bệnh nhân Trung Quốc tái nhiễm COVID-19 sau 10 ngày xuất viện, theo báo Lao Động. Đó là một bệnh nhân nam ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã được phát hiện dương tính với virus trong đợt kiểm tra định kỳ dù xuất viện 10 ngày. 
Bài báo cho biết: “Một số bác sĩ từ Vũ Hán – tâm dịch COVID-19, tuần trước đã cảnh báo các bệnh nhân đã hồi phục có thể nhiễm virus lần thứ 2. Giới chuyên môn cũng cảnh báo tái nhiễm có thể gây hại nhiều hơn cho cơ thể người bệnh và các xét nghiệm dễ bị âm tính giả”.
Ngày 18/2, trang Thời Đại đưa tin: Trung Quốc xuất hiện hai ca ủ bệnh Covid-19 lên tới 34 và 94 ngày. Trường hợp thứ nhất là một phụ nữ họ Ngô, “từ nhà con gái tại Vũ Hán để trở về nhà ngày 14/1 và nhập viện hôm 28/1, từng được xét nghiệm 3 lần và có 2 lần âm tính. Như vậy, tổng thời gian ủ bệnh của người phụ nữ này là 34 ngày”
Trường hợp thứ hai là một người đàn ông họ Ninh, “đến chăm bố vợ ốm tại nhà ở Vũ Hán từ ngày 13/11/2019, đến ngày 31/1/2020 trở về nhà, đến ngày 15/2 được xác nhận là dương tính với Covid-19. Như vậy, nếu theo bản ghi chép, tổng thời gian từ khi ở Vũ Hán đến khi mắc bệnh của người đàn ông này lên tới 94 ngày”. Trường này có khả năng tính nhầm vì chưa chắc ông Ninh bị nhiễm bệnh từ ngày đầu tiên 13/11.
Nhận định về dịch COVID-19 ở VN:
Dựa trên thông tin về các ca nhiễm COVID-19, có thể kết luận: Vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì về tình hình dịch COVID-19 ở VN. Con virus này có một khả năng mà các anh em cùng họ trước đó của nó là virus SARS-CoV mà MERS-CoV… đều không có: Đó là khả năng tiềm tàng trong cơ thể vật chủ một thời gian dài, trước khi các biểu hiện bệnh thật sự bộc phát. Nhờ khả năng này mà COVID-19 đã lây lan với tốc độ chóng mặt ở TQ gần 2 tháng qua.
Trước đó, các chuyên gia y tế đều đồng ý với nhau rằng, thời gian ủ bệnh của COVID-19 dao động từ 5 đến 14 ngày. Nên các nước đã lập ra thời gian cách ly chuẩn kéo dài 14 ngày, rồi VN cũng học theo. 
Nhưng bây giờ ngày càng xuất hiện nhiều thông tin cho thấy thời gian ủ bệnh tối đa của COVID-19 không hề dừng lại ở con số 14 ngày, mà còn lâu hơn. Như trường hợp 13 du khách người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess, sau khi đã cách ly 14 ngày trên du thuyền này, kiểm tra âm tính, nên được đưa về Mỹ, nhưng 11 người trong số 13 người này đã cho kết quả dương tính ở Mỹ hôm nay.
Cho nên, ngay bây giờ ở một nơi nào đó trên lãnh thổ VN hoàn toàn nằm ngoài tầm đề phòng của cả quan chức CSVN và người dân, có thể một ổ dịch COVID-19 đang ngầm hình thành. Chỉ đến khi xuất hiện các bệnh nhân đầu tiên với triệu chứng rõ ràng thì ổ dịch mới hiện ra. 
Những ổ dịch COVID-19 nguy hiểm nhất là những ổ dịch mà lúc đầu không ai để ý đến nó, đến khi đột ngột xuất hiện một số lượng bệnh nhân quá lớn, tuyên giáo không bưng bít nổi, thì may ra những người đưa tin từ xa mới có thể tiếp cận thông tin về các ổ dịch như vậy.
Trong khi các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 với thái độ rất thận trọng, không làm rùm beng, thì báo chí Việt Nam, tận dụng từng trường hợp bệnh nhân COVID-19 được xuất viện để làm rùm beng sự việc. Quan chức Y tế cũng dựa vào đó để quảng cáo khả năng của họ, các lãnh đạo nghe theo đó để thổi phồng khả năng của mình.
Ngay cả khi COVID-19 tác động mạnh đến giao thương giữa VN-TQ, thì kinh tế VN vẫn rất phụ thuộc vào TQ. Ở Bình Dương, có không ít nhà xưởng toàn người TQ vào làm, tính trên cả nước cũng có không ít khu như vậy. Không có gì bảo đảm tất cả những lao động người TQ và du khách vào VN, được theo dõi đầy đủ. 
Nói chung, muốn quan sát thực hư tình hình COVID-19 ở VN, có lẽ phải đợi thêm ít nhất một tháng nữa, dựa trên những thông tin về thời gian ủ bệnh có độ dao động quá lớn của virus COVID-19. Vấn đề là VN hoàn toàn học theo TQ trong cách “dập dịch”, đó là bưng bít thông tin, dựa trên hệ thống hàng trăm tờ báo do họ kiểm soát hoàn toàn. 
Cho nên chúng ta chỉ có cách là tự đề phòng cho chính mình, bởi đó là sinh mạng của chúng ta. Mọi sự có thể thay đổi 180 độ chỉ trong một đêm như đang diễn ra ở Hàn Quốc, ngày 20/2 chỉ có 58 người nhiễm bệnh, nhưng đến 6h30′ sáng nay đã có 205 người, trong đó có 2 người tử vong.
Có 205 người Hàn Quốc bị nhiễm virus corona, tính đến 6h30′ sáng nay. Ảnh: Worldometers
Virus COVID-19 là một sát thủ thầm lặng và một sát thủ như vậy chỉ có thể lộ diện khi số lượng nạn nhân của nó đã trở nên quá đông, trong khi lãnh đạo CSVN và TQ thì đã quá quen với chiêu trò “giấu xác” để tạo thành tích.  
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.