Chuyện về một cuộc “mà cả”!?
Nguyễn Nguyên Bình
20-2-2020
Báo chí trong nước đưa tin, ngày 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 và Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về hợp tác ứng phó COVID-19 tổ chức ở Viêng Chăn, Lào.
Tại cuộc gặp song phương này, ông Vương Nghị đã trao đổi với ông Phạm Bình Minh một số ý kiến về hợp tác, trong đó nhấn mạnh đề nghị, Việt Nam “sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa tin, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã trả lời mấy ý như sau:
1. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm điều trị.
2. Về quan hệ Việt – Trung, tổng thể đang trên đà phát triển, hai bên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả cơ chế giao lưu hợp tác.
3. Ông Phạm Bình Minh còn nêu thêm một vấn đề đáng chú ý, như sau: “Trong vấn đề thương mại, đề nghị phía TQ tiếp tục áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng nhập siêu của VN, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa VN, nhất là hàng nông sản nhập khẩu vào thị trường TQ”.
Đề nghị 2 bên quan tâm giải quyết triệt để tồn tại trong một số dự án hợp tác, nhất là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại đề nghị sớm khôi phục việc đi lại của công dân TQ sang VN; nhấn mạnh TQ sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của VN, tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong các dự án hợp tác giữa 2 nước; mong muốn 2 bên tiếp tục hợp tác thực chất trên các lĩnh vực…
***
Xin được hỏi: Mấy ý đối thoại trên đây có rõ là 2 ngài ngoại trưởng đang ‘mà cả’ (tiếng trong Nam gọi là ‘trả treo’) với nhau không ạ? Nhưng xem ra đây mới là sự trao đổi bên lề hội nghị, chưa được chính thức hóa giữa hai bên. Vậy là còn may mắn lắm!
Nếu cuộc ‘mà cả’ này trở thành hiện thực, được phê chuẩn thành Hiệp định thì quá nguy hiểm cho Việt Nam. Bên Việt Nam chỉ có thua thiệt, thua thiệt không biết thế nào mà kể.
Không lẽ chỉ để xuất khẩu bán được một số nông phẩm đang cần ‘giải cứu’, hay để giải quyết tuyến đường sắt trên cao vô tích sự đang chềnh ềnh giữa thủ đô, Việt Nam lại chịu chấp nhận một nguồn lây nhiễm cực lớn từ COVID-19 ở Trung Quốc ồ ạt tuôn vào qua các công dân nước này mang qua Việt Nam?
Chỉ cần 1% công dân TQ, sẽ là 14 triệu người vào VN. Nếu số đó không mang dịch bệnh thì cũng đã quá tải cho Việt Nam, huống chi trong hàng chục triệu người đang thời kỳ dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở TQ, làm sao kiểm soát, cách ly cho kịp?
Ngày 18/2, báo Tuổi trẻ đưa ra con số đáng ngại: Số nhân viên y tế nhiễm virus corona ở TQ có thể hơn 3000 người. Đó là con số nghiên cứu mới ở TQ, cho thấy nó cao gấp đôi so với số liệu do chính phủ đưa ra. Nhân viên y tế còn lây nhiễm nhiều đến thế, thì dân thường sẽ nhiều đến thế nào?
Mà sao ông Vương Nghị lại yêu ác thế cơ chứ? Trong khi nội địa TQ đang phong tỏa nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh… Báo chí nước ngoài đưa tin, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, chính quyền Trung Quốc hiện đang cách ly 150 triệu người, có hơn phân nửa dân số Trung Quốc, gồm 780 triệu người, bị hạn chế đi lại.
Số dân Trung Quốc này hiện vẫn chưa được đi lại bình thường, nhưng ông Vương Nghị lại đòi VN “sớm khôi phục việc đi lại của công dân TQ sang VN”. Phải chăng ông Vương Nghị muốn diệt chủng Việt Nam bằng con virus nguy hiểm kia? Dân số nước ông đông gấp 14 lần VN, chẳng may bị dịch, chết mất trăm triệu, ông có tiếc không? Ấy là trăm triệu thì tỷ lệ mới là 1/14, còn VN, nếu mất 100 triệu dân, là mất tất cả. Ông thấy thế nào?
***
Trở lại ý kiến ông Phạm Bình Minh: Vừa rồi, dưa hấu, sầu riêng và một số nông sản VN bị ế đọng, không xuất sang TQ được, vì gặp dịch cúm corona. Nông dân VN quả thật điêu đứng vì thất bát; nhưng đến nay đã phần nào giải tỏa được vì một số cửa khẩu đã thông quan, và cũng nhờ người dân trong nước cùng nhau giải cứu…
Nói vậy, mùa này, cái gì mất thì cũng đã mất rồi, TQ có lòng nhập giúp thêm thì cũng chỉ là tính đến vụ sau. Vụ sau, một mặt, nông dân VN cũng sẽ phải điều chỉnh số lượng thế nào cho hợp lý, đỡ thừa ế; mặt khác, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp cũng đã có kế hoạch tìm thêm thị trường cho nông phẩm…
VN lại vừa được EU chấp nhận 2 hiệp định EV FTA và EV IPA, thì tương lai đầu ra của nông sản chắc cũng không quá phải lệ thuộc vào thị trường TQ. Vả lại, trong tình hình TQ hiện nay, dịch cúm lan rộng, con người bị phong tỏa gay gắt, sản xuất đình đốn, lại nghe như có nạn châu chấu đang đe dọa. Vậy nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm sắp tới sẽ không tránh khỏi. Lúc đó, nông sản từ VN có khi còn không đủ để xuất sang TQ. Đành rằng, nông sản VN chất lượng chưa cao bằng một số nước, nhưng được cái giá rẻ, vận chuyển gần. Khi đã thiếu đói liệu dân TQ có chê không?
Còn chuyện đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo thiển ý của tôi thì các lỗi về chậm tiến độ, đội vốn cao, chất lượng thấp… đều là của phía nhà thầu TQ. VN mà mạnh mẽ và sòng phẳng ra thì có thể đuổi thẳng, hoặc kiện nhà thầu để bồi thường. Việc gì phải bấm bụng trả nợ lãi và đề nghị TQ cùng “quan tâm giải quyết”?! Hơn nữa, cái đường sắt ấy dưới mắt người dân Hà Nội nó rất vô tích sự, tốt nhất để đó làm “bảo tàng” về kinh nghiệm thất bại, như tờ báo của nhà Đài VOV đã nêu.
Tóm lại, chỉ mong cuộc ‘mà cả’ giữa hai vị Ngoại trưởng dừng ở đây. Ngài Phạm Bình Minh đừng đưa việc này trình lên Chính Phủ hoặc cơ quan nào cao hơn nữa. Nếu nó được chính thức hóa thành hiệp định để hai bên ký kết, thì VN ta thua thiệt không không biết đâu mà kể. Dân Việt Nam lúc đó chỉ có chết mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.