Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Chính trị chống dịch

Chính trị chống dịch

24-2-2020
Trong thời đại mà tai họa ngày càng bất định thì “cửa” tồn tại của một xã hội dường như chỉ là tìm cách thích ứng, sống chung.
Mười bảy năm đã qua của dịch SARS, chẳng có gì là nhục nhã, con người nằm phục trong bãi nước bọt của mình để hiểu, và tìm cách… bắt tay chung sống với con siêu vi gây viêm phổi hô hấp cấp.
Giờ thì đến hậu duệ của nó.
Việt Nam đã chọn sách lược ứng phó theo kiểu tiêu thổ kháng chiến. Nhưng cuộc chiến trường kì chưa thể xác định sẽ trường kì đến bao lâu. Cuộc tiêu thổ làm đảo lộn các tập tính thường nhật có thể chưa kịp trừ được họa thì đã khiến xã hội tiêu tùng.
Rồi thì cũng sẽ phải thích ứng, sống chung với con Cô Vi gì đó thôi.
Vấn đề là xã hội với một cấu trúc tổ chức phức tạp được ủy thác cho chính trị liệu có thể đáp ứng đòi hỏi thích ứng đó hay không?
Như thông tin về cơn dịch Vũ Hán, họa tàng ẩn trong chính cơ chế điều hành quản lí xã hội. Đó là sự vô độ của quyền lực chính trị.
Nền chính trị chuyên chế được tô son trát phấn bởi hình ảnh một bộ máy tinh hoa lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, hay trách nhiệm vì dân vì nước của cán bộ đảng viên gì gì đi nữa, thì trận dịch Vũ Hán đã làm bộc lộ sự lỗi thời vượt ra ngoài tưởng tượng của nó.
Một xã hội cố kết bởi quyền lực chính trị đơn nhất đã khuếch đại kiểu sai lầm trong thái độ ứng xử với bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng thành tai họa hiện thời ở Trung Quốc.
Một chính quyền để cho bộ máy cảnh sát an ninh quyền định nghĩa thực tế vận động của xã hội, thì chống dịch cũng có thể là treo lơ lửng hiểm họa phát xít. Trước đòi hỏi dập tắt nhanh chóng dịch bệnh, kiểu xã hội nào giúp ý muốn chính trị nhanh chóng có được kết quả?
Một xã hội kiểm soát chặt chẽ tin tức, lại trong tình trạng đóng cửa, liên tục thay đổi cách thống kê, gọi tên dịch bệnh… sẽ chỉ có khả năng tạo lập đời sống cách li.
Kéo dài vô độ quyền năng khẩn cấp, tạm thời ấy, chính là nguy cơ cuốn xã hội vào cuộc đấu cờ người, hạnh phúc con người được tìm trong đấu tranh, lợi ích dễ thu hoạch từ đối kháng. Những tiếng nói ẩn chứa sâu xa mối lo lắng về những biểu hiện như vậy đã xuất hiện trong lòng người Vũ Hán.
Những chi tiết được tiết lộ kín đáo về một xã hội cung cấp theo kiểu tem phiếu đang dựng đầu dậy cái thị trường âm binh mậu dịch quốc doanh. Hàng ngày, hàng tuần người dân mua nhu yếu phẩm cho gia đình, dễ dàng, và đầy đủ nếu được tính toán kế hoạch hoá chu đáo. Nhất là tiện ích mạng có thể giúp mua sắm dễ dàng. Nhưng để ngăn chận dịch bệnh, dân chúng bị cách li khỏi các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao. Nhà nước tổ chức ra lực lượng đem hàng hoá đó đến địa điểm người dân cư trú. Hàng hoá qua logictic đó đã nhanh chóng biến những nhân viên giao hàng thành một thứ quyền lực tiếp cận thị trường. Còn những nhân viên giao nhận hàng đang đánh đổi quyền lực bằng công lao nhiễm dịch của mình. Một ghi chép của một nhà văn ở Vũ Hán cho thấy, lực lượng này là đối tượng phát dịch tập trung trong tuần lễ qua.
Cơn dịch đã cuốn xã hội vào những trạng thái mất cân bằng khi mà dịch vụ y tế bị lôi cuốn vào nhu cầu khẩn cấp dập dịch. Nền y học cổ truyền phải cãi vã với các bác sĩ tân thời liệu có khả năng tham gia phòng chống dịch bệnh. Nguồn lực truyền thống đã bị xao nhãng thành ra lãng phí đến mức đáng ngạc nhiên. Trong khi hoạt động thiện nguyện nhân đạo chưa thực hiện đã cờ đèn kèn trống rình rang. Xã hội như không có khả năng tạo ra sức đề kháng từ sức khỏe bên trong của nó.
Chống dịch như đặc tính chính trị Trung Quốc đang là thế trận toàn dân… ở trong các boongker do nhà nước phân công, nhất loạt chờ mệnh lệnh truyền đạt qua các loa. Trận chiến dằng dai đã xuất hiện tình cảnh người dân xả dao vào người bảo vệ toà nhà của mình để giành được quyền chạy đi mua sữa cho con. Những kiểu “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân” ấy đã trở thành tin tức chia sẻ theo kiểu hoạt động bán công khai. Xã hội thì thầm các mối lo của mình lại có đang được vẽ ra viễn cảnh thắng dịch bệnh sẽ phát triển gấp mười ngày xưa đấy.
Chính trị chuyên chế, cho dù có tuyên bố cùng vào cuộc mạnh mẽ, thì chống dịch chỉ là cách li, cách li khả năng tác phát cấp thời của dịch bệnh. Đó là thực tế diễn ra ở Vũ Hán.
Còn khi phải tiến hành cuộc trường kì chung sống với tác nhân gây bệnh, thì nền chính trị chuyên chế ấy đôi khi tìm thấy những hố thẳm quản lí đầy bất ngờ khiến cuộc chiến đình trệ. Kiểu như bệnh viện không có chế độ phụ cấp trực chiến chống dịch như người lính đánh trận. Hay những kiểu bận tâm đề xuất công nhận liệt sĩ với những thầy thuốc, cán bộ y tế chết vì bị lây nhiễm trong quá trình chống dịch.
Một xã hội phụ thuộc vào “chế độ nhà nước” để xác lập hành động cho mình, bạn có tưởng tượng được không chúng ta cũng sẽ lâm trận chống dịch với một khuôn khổ như vậy?
Nhà nước không thể bằng mệnh lệnh huy động sức chiến đấu với con Corona theo tư duy phân công chức năng mà nhà nước điều khiển hết thảy. Thì như hiện nay, sẽ phân công gì cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ tham gia mặt trận chống dịch? Lấp ló ở đâu đó trong cách chủ tịch Hà Nội triển khai cao điểm mới phòng chống dịch. Lại vẫn là công an phải sát từng nhà, từng khách.
Xã hội chúng ta đối diện với dịch bệnh như thể cũng nhang nhác nguy cơ Vũ Hán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.