Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Cây cộng sản

Cây cộng sản

Trần Gia Phụng
21-2-2020
“Cây cộng sản” là tên một truyện ngắn của Phan Khôi trong tập bản thảo Nắng chiều. Ông xin xuất bản năm 1957 ở Hà Nội, nhưng không được CS cấp phép.
Trong truyện “Cây cộng sản”. Phan Khôi kể rằng, một người Thổ (miền núi) giải thích với ông về lai lịch cây CS như sau: “Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thấy thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lâu mà đầy cả đường xá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy”. (Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959, tr. 90.) “Cụ Hồ” chỉ Hồ Chí Minh.
1.- HỒ CHÍ MINH DU NHẬP CÂY CỘNG SẢN
Hồ Chí Minh (HCM) tên là Nguyễn Sinh Cung (NSC), làm phụ bếp trên tàu biển, đến Pháp năm 1911, Lúc đó, HCM có tên là Nguyễn Tất Thành (NTT), viết đơn đề ngày 15-9-1911 xin vào học Trường Thuộc Địa Paris, nhưng bị từ chối.
Tiếp tục theo tàu biển một thời gian, NTT đến Anh năm 1915, rồi qua Paris năm 1919. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘Indochine au Vietnam, Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tr. 42.) Tại đây, NTT hoạt động trong nhóm các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Nhóm có bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc.
Trong bốn người dùng chung bút hiệu Nguyễn Ái Quốc (NAQ), thì ba vị Trinh, Trường, Truyền không tiện ra mặt công khai chống Pháp. Chỉ có NTT là người mới đến, chưa bị mật thám Pháp chú ý, thường đại diện nhóm, dùng tên NAQ để liên lạc với báo giới và chính giới. Dần dần NTT dùng bút hiệu NAQ làm tên riêng của mình. (Lữ Phương, “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh”, báo điện tử Talawas ngày 26-1-2007.)
Năm 1920, NAQ gia nhập đảng Xã Hội Pháp. Khi đảng Xã Hội họp tại Tours từ 26 đến 31-12-1920, đặt vấn đề nên theo Đệ nhị hay Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), thì NAQ bỏ phiếu theo ĐTQTCS. (Đệ tam QTCS do đảng CS Nga thành lập 1919.) Sau hội nghị Tours, đảng CS Pháp được thành lập. Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng này.
Tháng 10-1922, đảng CS Pháp họp đại hội II tại Paris. Đại diện ĐTQTCS là Dmitry Manuilsky đến dự họp, chọn NAQ để đưa qua Nga huấn luyện. (Nga đổi thành Liên Xô năm 1923.) Được công việc mới để sinh sống, NAQ đến Liên Xô giữa năm 1923, vào học Trường Đại học Lao động CS Phương Đông (Communist University of the Toilers of the East). Cuối năm 1924, ĐTQTCS gởi NAQ qua hoạt động gián điệp cho Liên Xô ở Quảng Châu (Trung Hoa). Năm 1930, NAQ có tên là Lý Thụy, thành lập đảng CS Việt Nam tại Hồng Kông. Năm 1945, NAQ có tên là HCM cùng đảng CS cướp chính quyền và thành lập nhà nước CS đầu tiên ở Á Châu.
2.- Ý KIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI LỚN TUỔI
Khi được tin con mình là NSC tức NAQ (sau nầy là HCM) vào đảng CS, phụ thân NAQ là Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Sắc, 1868-1901) rất bực mình, “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua mà còn đả phá luôn uy quyền của người gia trưởng”. (Daniel Hémery, sđd. tr. 134.)
Phan Châu Trinh (1872-1926) là bạn đồng khoa phó bảng năm 1901 với Nguyễn Sinh Huy, thân phụ của NAQ. Được tin NAQ gia nhập đảng CS Pháp, tại Paris Phan Châu Trinh viết thư gởi NAQ, cho rằng NAQ theo ĐTQTCS để chống Pháp, “thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi”. (Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, Amarillo TX: Nxb. Chuông Rè, 2000, tt. 39-40.) Như thế, theo Phan Châu Trinh, NAQ vào đảng CS tranh đấu, sẽ chỉ thay thực dân Pháp bằng ĐTQTCS, còn dân Việt Nam vẫn sẽ bị làm nô lệ.
Do Phan Châu Trinh không đồng tình về việc NAQ gia nhập đảng CS Pháp, và do chủ trương dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh, mà đảng CSVN đả kích Phan Châu Trinh. Văn công CS là Tố Hữu đã mỉa mai Phan Châu Trinh như sau: “Muôn dặm đường xa biết đến đâu?/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu…” (Tố Hữu, “Theo chân Bác”, viết năm 1970.) Phan Châu Trinh giữ vững lập trường dân tộc, không bao giờ lạc lối; chỉ những kẻ xin làm tay sai mới lạc lối mà thôi.
Một nhà cách mạng khác có kinh nghiệm cá nhân với ĐTCSQT là Phan Bội Châu (1867-1940). Trong hồi ký của mình, Phan Bội Châu kể rằng năm 1920 tại Bắc Kinh (Trung Hoa), Phan Bội Châu gặp hai người Nga: Một là Grigorij Voitinski và hai là một viên tham tán tòa đại sứ Nga tại Bắc Kinh. Khi Phan Bội Châu ngỏ ý muốn nhờ người Nga giúp đỡ, đưa học sinh sang Nga du học, viên tham tán Nga chỉ vẽ cặn kẽ, và hứa rằng Nga sẽ giúp đỡ tận tình, với điều kiện là phải chấp nhận “tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông … ra sức làm những sự nghiệp cách mạng”. Viên tham tán Nga còn yêu cầu Phan Bội Châu dùng tiếng Anh viết sách, kể hết chân tướng người Pháp.
Phan Bội Châu cho biết ông không viết được tiếng Anh, nên ông “không lấy gì trả lại thịnh ý ấy” (Phan Bội Châu, Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập tập 6, Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.) Từ đó, Phan Bội Châu tránh mặt người Nga. Có thể những yêu cầu của người Nga về “tín ngưỡng Lao Nông”, tức chủ nghĩa cộng sản, làm cho Phan Bội Châu e ngại, nên ông từ chối khéo, vì nếu cần thì Phan Bội Châu nhờ thông ngôn tiếng Trung Hoa ở tòa đại sứ Nga tại Bắc Kinh, có thể bút đàm với Phan Bội Châu.
Nếu viên tham tán Nga tại Bắc Kinh đưa ra cho Phan Bội Châu những điều kiện như thế, thì Dmitry Manuilsky hẳn cũng đã đưa cho NAQ những điều kiện như thế, và NAQ phải đồng ý, mới được đại diện Nga lo giấy tờ, đưa NAQ rời đất Pháp đi qua Nga. Năm 1924, ĐTQTCS gởi NAQ qua Trung Hoa làm gián điệp cho Liên Xô với tên là Lý Thụy.
Đến Quảng Châu, biết được Phan Bội Châu đã đổi tên tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lý Thụy nhiều lần liên lạc và viết thư đề nghị Phan Bội Châu sửa đổi cương lĩnh và chương trình của VNQDĐ, nhưng ông không chịu. Lý Thụy liền âm thầm bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi ông vừa từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải trưa ngày 1-7-1925. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Paris, 1962, tr. 38). Phải chăng Lý Thụy bán Phan Bội theo lệnh ĐTQTCS để trả thù vụ Phan Bội Châu từ chối năm 1920, đồng thời tiêu diệt một người không theo CS để trừ hậu hoạ, và kiếm tiền sinh sống? Pháp đem Phan Bội Châu về Việt Nam, đưa ra xét xử trước Hội đồng đề hình Hà Nội, và tuyên án khổ sai chung thân. Trước phản ứng mạnh mẽ của dân chúng Việt Nam, Pháp ân xá Phan Bội Châu và chỉ định cư trú tại Huế.
Về sau, trong cuộc phỏng vấn tại Huế năm 1938 của ký giả Maurice Detour, báo L’Effort,Hà Nội, đề tài là “Về vấn đề giai cấp đấu tranh”, Phan Bội Châu trả lời như sau: “Hô hào giai cấp đấu tranh ở xứ nầy là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế. Thế nào là “Tư bản”? Một người có năm, mười mẫu ruộng, một anh chủ tiệm may gọi là tư bản ư? Cứ xem bảng tổng kê ở các nước khác, thì đã có người Việt Nam nào đáng gọi là tư bản chưa? Tôi đã nói ở nước nầy chưa có sự phân biệt rõ ràng của hai giai cấp tư bản và lao động: người Việt Nam chúng ta đều là hạng người mất quyền, hạng người mất nước cả. Cùng một tai nạn, đã không chung sức để tùy theo cảnh ngộ mà lần hồi thu phục lại những quyền đã mất để gây dựng lại nền tảng quốc gia, lại còn kiếm cách tương tàn tương phấn, làm giảm mất lực lượng tranh đấu, thật là một điều thất sách!… Tóm lại là người ta lợi dụng phong trào xã hội để chia rẽ lực lượng trong nước, để phá hủy sự đoàn kết và để làm tiêu diệt tinh thần quốc gia của dân ta…“ (Báo Tràng An số ra ngày 7 tháng Mười năm 1938) (Chương Thâu trích lại, Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990. tt. 368-371.)
Xin thêm ở đây, Phan Bội Châu từ trần tại Huế năm 1940. Ông gốc người Nghệ An, được con cháu thờ ở nhà thờ tộc Phan tại Nghệ An. Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia hai. Bắc Vệt Nam tổ chức cải cách ruộng đất (CCRĐ). Ở Nghệ An năm 1955, đội CCRĐ đem Phan Bội Châu ra đấu tố và ảnh của Phan Bội Châu bị quăng vào chuồng trâu. (Lời kể của cháu nội Phan Bội Châu trên báo Kiến thức ngày nay, số 50, Tp.HCM ngày 15-12-1990, và thư của Lê Nhân gởi Phan Văn Khải, trên báo Đàn Chim Việt ngày 5-12-2005.) (Trong CCRĐ, có các cách đấu tố là: đấu lý, đấu lực, đấu pháp và đấu ảnh. Đấu ảnh là dùng ảnh người vắng mặt để đấu tố.)
3.- Ý KIẾN CỦA MỘT NGƯỜI ĐỒNG THỜI
Nhà văn Phan Khôi (1887-1959), hiệu là Chương Dân, cháu ngoại Hoàng Diệu, sinh ở Quảng Nam, lớn hơn HCM vài tuổi, kể như đồng thời. Trong cuộc mít-tin do CS tổ chức sau ngày 2-9-1945 tại Quảng Nam, Phan Khôi nói rằng ông hoan nghênh nền độc lập dân tộc, nhưng ông không đồng tình với con đường chủ nghĩa CS. (Phan Cừ, Phan An, “Phan Khôi niên biểu”, đăng trong Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng tái bản, 1996, tr. 161.)
Năm sau, Phan Khôi từ Quảng Nam ra Hà Nội. Tối 20-10-1946, CS tấn công tòa soạn báo Việt Nam, số 80 đường Quan Thánh (tên cũ Bouddha), Hà Nội. Phan Khôi có mặt ở đó, và bị CS bắt cùng với Khái Hưng và một số thân hữu. Cộng sản quản thúc Phan Khôi và bắt ông di tản lên chiến khu của CS khi chiến tranh bùng nổ ngày 19-12-194. Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Phan Khôi bị đưa về sống ở Hà Nội. Tại đây, ông tham gia vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956. Nhà nước CS bắt giam các nhà văn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng CS chỉ cô lập Phan Khôi mà không bắt giam, vì uy tín của ông quá lớn, sợ gây dư luận bất lợi cho CS.
Năm 1957, tại Hà Nội, Phan Khôi tập họp một số truyện ngắn, bút ký của ông từ năm 1946 trở về sau, thành một quyển sách, mà ông đặt tựa đề là Nắng chiều. Chẳng những nhà cầm quyền CS không cấp phép xuất bản, mà còn mở chiến dịch đả kích Phan Khôi. Trong số những bài báo chống Phan Khôi, có bài của Đoàn Giỏi, trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) số 15, tháng 8-1958, tựa đề là “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Bài báo nầy cho biết tập Nắng chiều của Phan Khôi gồm 2 phần: Phần truyện ngắn và phần tạp văn. Phần đầu gồm 3 truyện ngắn là “Cầm vịt”, “Tiếng chim”, và “Cây cộng sản”. Phần thứ hai gồm 4 tạp văn, mà theo Phan Khôi là sự thực chứ không phải tiểu thuyết. Đó là “Thái Văn Thu”, “Ông Năm Chuột”, “Chuyện ba ông vua Kiền Long, Quang Trung và Chiêu Thống”, và “Nguyễn Trường Tộ”. Theo bài báo nầy, trong truyện ngắn “Cây cộng sản”, có đoạn Phan Khôi viết như sau:
Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, ở Bắc Việt không chỗ nào là không có… Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931, đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng hoạt động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây cộng sản… Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên…”.
Phan Khôi còn viết rằng nhiều người gọi cây nầy là “cỏ bù xít”, vì nó hôi như con bọ xít, hoặc gọi là “cây cứt lợn”, hoặc “”cây chó đẻ”. Ông cho rằng gọi như thế là thiếu nhã nhặn, người có học không nên gọi như vậy, và ông chỉ gọi là “cây cộng sản”. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96.)
Bài báo của Đoàn Giỏi trên tạp chí Văn NghệHà Nội số 15, tháng 8-1958, trích dẫn nguyên văn những đoạn trên của Phan Khôi trong truyện ngắn “Cây cộng sản”. Nhờ đó dân chúng mới biết, chứ chẳng ai được đọc tập Nắng chiều của Phan Khôi. Chính vì vậy, Đoàn Giỏi bị nhà cầm quyền CS kết tội mượn cớ phê bình Phan Khôi để giới thiệu tập Nắng chiềuvà đưa ra những đoạn văn đả kích chế độ. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96.)
KẾT LUẬN
Những ý kiến trên đây của những nhà hoạt động chính trị và văn học trước và đồng thời với HCM, chứng tỏ ngay từ đầu, đã có nguời hiểu rõ chủ nghĩa CS không phải là giải pháp tốt đẹp cho tương lai Việt Nam.
Bản thân HCM sinh sống ở Liên Xô nhiều năm, tận mắt thấy được nền chính trị và sinh hoạt xã hội CS không thích hợp với nền văn hóa dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh còn chứng kiến nạn độc tài đảng trị, chứng kiến nạn đại khủng bố thời Stalin. Thế mà HCM vẫn quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa CS, tổ chức đảng CS, đưa về cướp chính quyền, và cai trị Việt Nam theo kiểu độc tài Stalin, và thực hành xã hội chủ nghĩa viễn vông, không tưởng.
Kết quả là nước Việt Nam bị cây CS bao phủ, tối tăm, suy sụp, lại còn thụt lùi so với các nước lân bang, để rồi từ năm 1985, CSVN phải cải tổ, nhưng vẫn giữ cái cơ chế độc tài đảng trị làm vỏ bọc bên ngoài, để duy trì địa vị và quyền lợi. Dùng chữ “cải tổ” cho hoa mỹ, đỡ mất mặt, chứ thực sự là đảng CSVN chuyển trở lại chủ nghĩa tư bản theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chủ nghĩa CS hay chủ nghĩa xã hội đã bị quăng vào sọt rác từ lâu rồi và đã bị Quốc hội Âu châu lên án nặng nề ngày 25-1-2006 bằng nghị quyết 1481, tựa đề là “Quốc tế cần lên án những tội ác của các chế độ toàn trị cộng sản”. Thế mà viên tổng bí thư đảng CS vẫn còn mộng du trước quốc hội Hà Nội ngày 23-10-2013 rằng: “Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” (Thanh Niên Online 26-3-2013).
Nói chuyện hoàn thiện một thứ chủ nghĩa không còn nữa, đã bị vùi dập trong sọt rác, thật là quái đản! Hãy vứt đi cái cơ chế độc tài đảng trị, hãy đốn bỏ cây cộng sản, cho bầu trời Việt Nam quang đãng trở lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.