Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Cần một sự tỉnh táo

Cần một sự tỉnh táo

24-2-2020
Tỷ phú Diêm Chí. Ảnh: Forbes
Ở Vũ Hán bây giờ người chết la liệt, lò thiêu hoạt động hết công suất và có bổ sung, quạ bay rợp trời sặc mùi tử khí… Hàn Quốc bây giờ đã nâng mức báo động lên cấp cao nhất. Iran bây giờ đã chết nhiều người dù ban đầu ngỡ không có dịch.v.v..
Thế giới bây giờ thực sự lo lắng Corona là siêu đại dịch! Việt Nam sắp chuẩn bị đón kiều bào vùng dịch về nước, nhất là số kiều bào ở Hàn Quốc. Nhưng đợt đón kiều bào về từ Trung Quốc ở Cao Bằng vừa qua đã lập tức quá tải, phải mở rộng khu cách ly nhưng không xong đành chuyển thêm qua tỉnh khác. Nguy cơ dịch lan lại tăng thêm.
Nhắc lại một chút, ở Hàn Quốc, dịch lan nhanh vì một bà già mắc dịch không chịu hợp tác với lực lượng y tế mà đi lung tung, nhất là chỗ đông người. Dịch lan theo bà ấy đến mức mất kiểm soát.
Với các kiều bào về từ vùng dịch, việc đón về nước là cần thiết song cũng cần ý thức hợp tác chống dịch của bà con cũng như sự nghiêm cẩn trước dịch của cơ quan chức năng.
Hôm qua, ông Chủ tịch Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi tiếp nhận người về từ vùng dịch. Nhưng cũng chính tại thủ đô, chiều qua, tôi chứng kiến dòng người lũ lượt đi cúng bái ở Phủ Tây Hồ. Điều này hoàn toàn bất nhất nếu xét về nỗi lo kỹ trị và thực tế cảnh báo dịch tễ chưa đủ làm người dân quan tâm.
Lại nhắc về Vũ Hán. Người giàu mắc dịch ném tiền qua cửa sổ bày tỏ nỗi thất vọng của mình. Nhưng có người giàu khác lại “vung tiền” để mua vật tư y tế để chống dịch đến cùng dù hoàn toàn có thể rời quốc gia khi Vũ Hán chưa bị cô lập.
1,5-2% người chết vì dịch là một tỉ lệ không cao nhưng nếu số lượng người nhiễm dịch lan đến mức 60% dân số thế giới như WHO cảnh báo thì con số chết người tương ứng sẽ là siêu lớn.
Cho nên cảm thấy vô cùng khó chịu khi có ai đó lo lắng trong một cuộc họp lớn kiều hối sẽ giảm bởi phải đón kiều bào về nước. Không phải chỉ kiều hối và kiều bào, mà thuế phí nói chung nuôi nhà nước và nhân dân mang danh người chủ đất nước trước giờ đã sống ổn hay sống mòn, đó mới là vấn đề cần lo lắng.
Người kinh doanh có đạo đức luôn coi khách hàng là thượng đế. Một chính quyền tốt sẽ thực sự coi nhân dân là chính chủ quốc gia. Chứ không phải chăm chăm nhìn túi tiền, tài sản của người ta mà ứng xử trong toan tính vơ phần có lợi nhất về mình.
***
Nói thêm một chút, sản phẩm của SafeLife Vietnam bán bình ổn giá và bị nhiều người bán hàng online ngoài hệ thống đại lý có hợp đồng, tăng giá vô tội vạ. Ban đầu, thái độ của tôi là tức giận và định làm cho ra lẽ vài vụ. Song nghĩ lại thấy không cần thiết, chuyện chung tay chống dịch quan trọng hơn. Và những bạn làm ăn thất đức như vậy sẽ có cuộc đời “xử lý”.
Tối qua, sau khi bày tỏ rằng doanh nghiệp xã hội SafeLife Vietnam chỉ còn 1 tỉ đồng trong tài khoản và sẽ mua khẩu trang vải kháng khuẩn với số tiền lớn hơn nhiều để bán bình ổn giá tặng các cơ quan y tế, quân đội, công an và hải quan vùng biên đang căng mình chống dịch; tôi nhận được sự đồng ý giúp đỡ. Cả sự giúp đỡ về mặt nguyên liệu giữa lúc đứt chuỗi cung ứng do nền sản xuất phụ thuộc Tàu.
Rất đơn giản là bày hết suy nghĩ trong lòng ra, đề nghị chung tay và nhận được sự đồng ý. Thật may là đã kiếm đúng người bởi trước đó, tôi gặp nhiều cá nhân giả người “nhứ mồi” nguyên liệu lúc khan hiếm để đòi cưa đôi thành phẩm và xuất đi kiếm lợi trong lúc khẩu trang bán cho dân nhỏ giọt.
Nếu ai hỏi quốc gia này có đang “đói” khẩu trang (và phần nào là nước sát khuẩn) để nhân dân chống dịch không, tôi sẽ đáp là không. Sự thú vị duy nhất lúc này là nhìn ra “ai là ai”, nó cần thiết cho đường dài sau này, chứ đâu phải “lướt sóng” hay “sang tay” mùa dịch?
Hãy tỉnh táo trước các con buôn, nhất là con buôn chính trị, cũng là cách bình thản ứng phó biến cố nói chung và dịch bệnh Corona nói riêng.
Chú thích: Tỷ phú Diêm Chí ở Vũ Hán có tài sản 2 tỉ đô la. Ông ở lại, bao 5 chuyên cơ vật tư y tế, xây 7 bệnh viện điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân giữa tâm dịch dù có thể chạy trốn khỏi thành phố này lúc chưa bị phong tỏa. Kiếm bồ tát chi cho xa, ai vì chúng sanh như Diêm Chí, người ấy đích thị bồ tát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.