Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Biên giới tháng Hai: Nỗi buồn vô danh và lưu danh…

Biên giới tháng Hai: Nỗi buồn vô danh và lưu danh…

Những nấm mồ liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới. Nguồn: FB Lê Đức Dục
Mười mấy năm nay, do đặc thù của mảng mình theo dõi nên tháng Hai và biên ải phía Bắc luôn là điểm đến gần như bắt buộc của công việc.
May mắn cho mình là “sự bắt buộc công việc” và ước nguyện tâm linh chính mình có điểm rơi trùng nhau, nên tháng Hai luôn là những chuyến đi lên ải Bắc cùng Đức Bình. Vừa lo chuyện bài vở, nhưng cũng thấy nguôi ngoai khi được ghé những nghĩa trang liệt sĩ, những nhà bia… thắp nhang bái vọng những người lính hy sinh vì đất nước.
Quê mình ở Quảng Trị, miền đất được các liệt sĩ nằm lại nhiều nhất, chuyện này nói nhiều rồi, nhưng những liệt sĩ trên biên giới Việt-Trung thì lại khác, luôn mang một niềm tha thiết khôn nguôi, khi mà người ta luôn đưa những lý do kì quặc để hạn chế nhắc đến.
Năm 2014 là năm kì lạ nhất, năm đó kỉ niệm 35 năm Bắc Kinh xua quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên cương phía Bắc theo ý chỉ của Đặng Tiểu Bình. Tòa soạn cũng phân công đi lo bài vở, mình cũng lên Lạng Sơn viết về những câu chuyện của Đoàn Khánh Khê (nay là đoàn Kinh tế Quốc phòng 337), rồi chuyện bi thương về pháo đài Đồng Đăng… Bài vở công phu như thế nhưng năm đó, dù là năm chẵn thì các báo chỉ có “quota” mỗi báo đăng một bài. Tuyến bài biên giới công phu như thế đành gác.
(Mở ngoặc là bài vở bị gác dịp đó nhưng đến tháng 5-6-7 năm 2014 thì Tàu chơi vụ giàn khoan HD-981 xâm lược biển Đông, những bài vở của tháng 2/2014 lại được huy động cho dịp 27/7 năm đó, và thế là không bài nào bị tồn kho, hic).
Mình thì quen với những chuyện như thế nên không lạ, trong nỗi buồn ấy, mình có viết mấy câu mà năm nào đến 17/2 anh em trên FB lại nhắc:
“Mặc báo chí cứ phập phồng chờ đợi
Nói hay im? ngồi nghe ngóng công văn
Những bông hoa không cần chỉ thị
Cứ ra giêng rụng thắm đất anh nằm”.
Mình cũng cố được như “những bông hoa không cần chỉ thị” kia, cứ làm những gì mà mình có thể. Mười một năm trước, mình xuống ga Hà Nội lúc 5h30 sáng để đi Hà Giang đúng ngày 17/2/2009.
Năm nay, cũng 5h30 phút sáng 17/2/2020 mình xuống ga Hà Nội và trưa đó có mặt ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Vẫn chỉ mong dâng một nén nhang cho người nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay mình mang theo trong ba lô chai rượu Hoàng Đế Quang Trung của Bá Phùng tặng hôm Tết để rót lên mộ cho anh em. Lần nào ghé đây cũng tưới rượu, nhưng mà rượu mang tên Hoàng Đế Quang Trung thì có sự “đã đời” riêng của mình, vì nhớ chính Cụ Hồ đã viết những câu thơ “nôm na” mà hào sảng về Quang Trung Nguyễn Huệ được khắc trong khu lưu niệm ở Vinh:
“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường /Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu/ Ông đà chí cả mưu cao /Dân ta lại biết cùng nhau một lòng /Cho nên Tàu dẫu làm hung/ Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà…”
Tưới rượu, thắp nhang cho các liệt sĩ ở Vị Xuyên xong rồi dài theo cung đường biên ải, đến được đâu thì dâng hương ở đó. Năm nay, mình biết thêm, không chỉ có hoa đào hoa mận “nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần” mà cả một miền hoa gạo đỏ ngang trời như máu tuổi 20.
Năm 2015 ở Vị Xuyên mình cũng viết:
“Tháng Ba hoa gạo lao xao
Máu bao lính trẻ thấm vào đá vôi
Máu bi phẫn tuổi hai mươi
Lặn trong hoa gạo đỏ trời Vị Xuyên…”
Nay thì qua Hoàng Xu Phì, Xín Mần, qua Xi Ma Cai, Tả Gia Khâu, Pha Long, Bản Lầu… hoa gạo đỏ đến nổi hết gai ốc. Lẽ ra đến đây mình không nói nữa !
Nhưng hôm ở Vị Xuyên, khi dâng hương thấy hai bộ bàn đá được cúng dường ở hai bên Đài Tổ quốc ghi công, người ta khắc tên họ chức vị danh sách người cúng dường, chữ nào chữ nấy to bá chấy, to hơn cả tên liệt sĩ trên bia, lại còn đình huỳnh ngay vị trí trang trọng nhất. Có lòng với các liệt sĩ thì cũng quý, nhưng khắc ghi tên tuổi ngay vị trí ấy thì quả là quá đáng, khi mà cạnh đó là hàng hàng bia mộ ghi: Liệt sĩ chưa biết thông tin.
Những ngôi mộ liệt sĩ vô danh hy sinh trong cuộc chiến biên giới. Nguồn: Lê Đức Dục
Mà cái bệnh ghi tuổi ghi tên lên vật phẩm cúng dường nơi xứ mình cũng như một thứ bệnh dịch, virus corona hay Covid-19 gì gì rồi cũng có thuốc chữa, riêng cái dịch khắc tên mình đình huỳnh bên những mộ bia còn ghi “Liệt sĩ chưa biết tuổi tên” e không tài nào chữa được!
À, mà mình lăn tăn thế thôi chứ các liệt sĩ sẽ không để tâm đâu, bởi mạng sống quý giá thế các anh còn không tiếc, lăn tăn gì mấy cái tên tào lao tạc lên để mong lưu danh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.