Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Trịnh Hữu Long: “Muốn dân chủ hóa thì phải có dòng chảy thông tin và tri thức”

Trịnh Hữu Long: “Muốn dân chủ hóa thì phải có dòng chảy thông tin và tri thức”

2-1-2020
Ông Trịnh Hữu Long – Nhà báo, TBT “Luật khoa Tạp chí”. Ảnh: internet
HỎI: Là một người viết, một nhà báo, một vị Tổng biên tập, anh có thể cho biết đánh giá của anh về không gian tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay, so với các thập niên trước và so với khu vực/thế giới?
THL: Về mức độ tự do ngôn luận ở nước ta thì rõ là ai cũng biết là rất thấp, cho dù có khá hơn so với trước đây. So với thế giới thì ta cũng hơn được vài nước nhược tiểu như Bắc Hàn hoặc mấy nước châu Phi thì quả thực không nói tới làm gì. Tôi không muốn nói nhiều đến chính quyền, vì có lẽ ta đều biết rõ họ là tác nhân chính kìm kẹp tự do.
Cái tôi muốn nói đến nhiều hơn là có một thứ tự do khác, một không gian tự do mà bản thân mỗi người dân chúng ta có thể tạo dựng được, kiểm soát được và vẫy vùng được. Đó là không gian tự do trong đầu chúng ta. Suy nghĩ là thứ tuyệt đối chỉ có ta mới kiểm soát được. Ta muốn nó tự do thì nó tự do, ta muốn nó là nô lệ thì nó là nô lệ.
Không ai ngăn chúng ta suy nghĩ độc lập. Không ai ngăn chúng ta lên Google hay vượt tường lửa tìm đến những tài liệu cần thiết. Chất liệu để ta suy nghĩ luôn có sẵn, chỉ cần ta chủ động đi tìm với một tâm thế cởi mở và một trí tò mò nhất định thì ta luôn tìm được. Còn nếu ta tự giam hãm đầu óc mình trong một không gian tri thức nào đó thì đó hoàn toàn là lỗi của ta, không trách ai được.
Suy nghĩ được rồi thì cũng không ai cản được ta viết ra và xuất bản nó bằng những danh tính khác so với danh tính thực của ta. Lập một blog, một trang Facebook, hay gửi bài cho một tờ báo độc lập (như Luật Khoa chẳng hạn) dưới một bút danh nào đó không ai biết, thì cũng gần như chẳng có công an nào tìm ra được. Bạn chỉ cần trang bị một số kiến thức bảo mật tối thiểu thì gần như bạn luôn có thể xuất bản được những gì mình viết một cách an toàn.
Trong lúc chưa có một không gian tự do đích thực cho người viết, ta có thể ngay lập tức làm được cái việc như vậy. Nó thực tế hơn là chờ có tự do. Mà bản thân việc đó cũng giúp cơi nới không gian tự do cho cả xã hội.
HỎI: Anh nói, “nếu ta tự giam hãm đầu óc mình trong một không gian tri thức nào đó thì đó hoàn toàn là lỗi của ta, không trách ai được”. Theo anh thì cái sự tự giam hãm này thuộc về văn hoá đọc hay văn hoá viết?
THL: Tôi bi quan về văn hóa viết chứ không bi quan về văn hóa đọc. Viết ra cái hay, cái bổ ích và dám xuất bản thì tự khắc có người đọc. Tôi không đồng ý với việc chê người đọc. Là người viết, tôi coi người đọc là khách hàng của tôi. Tôi không đi làm cái việc chê khách hàng. Nói vậy không phải là tôi không biết rằng khách hàng cũng có dăm bảy kiểu, trong đó có những kiểu thấy hàng không mua lại còn chửi. Nhưng mà xã hội nó thế, có gì đâu mà phải phiền lòng. Làm gì có cuốn sách hay bài báo nào mà cả xã hội xúm vào đọc và khen đâu.
Còn ai bi quan về văn hóa đọc thì cái cần làm để cải thiện văn hóa đọc chính là… cải thiện văn hóa viết.
Chuyện người đọc tìm đến sách lá cải, báo lá cải thì thực sự là ở nước nào cũng có. Sách lá cải, báo lá cải nước nào cũng có. Nó luôn chiếm một thị phần cực lớn. Thị trường nào chẳng thích những thứ xuôi tai, lọt mắt, có tính giải trí cao. Vấn đề của một không gian tri thức là có bao nhiêu sách tốt, báo hay. Không có được những sản phẩm tốt, hay thì tôi nghĩ là nên trách người viết, người xuất bản hơn là trách người đọc.
HỎI: Nên trách người viết hơn sao?
THL: Nói cái này ra là đụng chạm đến các đồng nghiệp, nhưng có khi cũng phải nói cho tỏ tường. Nói cho người nhưng cũng là nói cho mình nữa. Ấy là ở ta ít những bài báo hay, những cuốn sách tốt. Hay và tốt ở đây là không tự kiểm duyệt, là dễ hiểu và có hàm lượng tri thức ở một mức độ nhất định. Ta có nhiều người viết, nhưng người có kiến thức thì lại tự kiểm duyệt. Ta tự cấm ta nói lời hay ý đẹp thì sao lại trách độc giả tìm đến với những nội dung mà ta cho là không hay, không đẹp?
Rồi nữa là nếu không tự kiểm duyệt thì nếu ta hành văn khó hiểu quá ít ai có hứng thú đọc, mà kể cả có hứng thú đọc mà câu chữ trúc trắc quá thì cố lắm cũng chẳng đọc được bao nhiêu. Còn người viết mà ít kiến thức thì cũng khó viết được gì hay ho, cho dù không tự kiểm duyệt.
Cái chuyện viết dễ hiểu thì quả là cũng phải hiểu vấn đề rõ lắm thì mới làm được. Nhiều khi đang viết nửa chừng thì tôi đành phải gác phím vì phát hiện ra là mình không thực sự hiểu vấn đề mình đang viết. Sau đó đành phải ngâm đề tài đó một thời gian, đọc thêm, đi hỏi thêm rồi mới dám viết tiếp, mà thực ra nhiều khi là viết lại từ đầu chứ không phải là viết tiếp. Cái đấy là chia sẻ thật. Nhiều khi muốn viết mà lực bất tòng tâm vì kiến thức không đủ. Cái đáng tiếc ở ta là có nhiều người đủ kiến thức để viết nhưng tự trói tay, không viết, hoặc nếu viết thì câu chữ lòng vòng quá, nhiều ẩn ý quá.
Ta viết chưa hay, chưa tốt thì sau một thời gian ngó lại đến ta còn chẳng buồn đọc nữa là người khác.
HỎI: Theo anh, sách báo đóng vai trò như thế nào trong công cuộc dân chủ hoá? Anh có thể nói về kinh nghiệm của Đài Loan hoặc các nước anh từng sống để chứng minh nhận định của mình không?
THL: Cái này thì thực ra chẳng nói hầu như mọi người đều hiểu, đó là muốn dân chủ hóa thì phải có dòng chảy thông tin và tri thức. Chiến lược cai trị của các nhà độc tài là dựa vào súng và loa. Họ phải kiểm soát được thông tin và tri thức trong xã hội. Muốn dân chủ hóa thì phải phá được chiến lược đó của họ. Hơn nữa, dân chủ là một dự án tập thể của cả xã hội, nó là một phương pháp cùng nhau tổ chức một cuộc sống chung. Không có cái dòng chảy thông tin và tri thức thì người với người còn khó đến được với nhau, khó hiểu nhau chứ đừng nói gì đến việc cùng nhau làm một cái gì đấy. Dòng chảy đó cũng khó mà dựa hoàn toàn vào phương pháp truyền miệng được, nó cần có báo và sách.
Các nỗ lực thúc đẩy dân chủ hóa ở Đài Loan nơi tôi đang sống hiện nay bắt đầu từ những năm 1950, với… các tạp chí. Hồi đó gần như chỉ có mỗi hình thức đó thôi, chứ hội họp hay biểu tình đều bị Quốc Dân Đảng cấm đoán rất ngặt nghèo. Giới trí thức Đài Loan dùng các tạp chí để lan tỏa tri thức và kết nối với nhau. Họ có tạp chí “Trung Hoa Tự do” (Free China), “Đài Loan chính luận” (Taiwan Political Review), rồi “Mỹ Lệ Đảo” (Formosa). Họ có nhiều nhưng tôi nêu vài cái tên nổi bật như vậy.
Về sau này, từ những năm 1970 trở đi thì các tạp chí không chỉ đóng vai trò truyền bá tri thức mà một số tạp chí còn là vỏ bọc hợp pháp cho các lực lượng chính trị đối lập. Đảng Dân Tiến của bà Tổng thống Thái Anh Văn hiện nay ra đời năm 1986, vốn có gốc gác từ những tạp chí như vậy. Nói vậy không có nghĩa là tờ Luật Khoa và The Vietnamese mà tôi đang điều hành hiện nay là vỏ bọc của đảng phái nào nha. Cái này tôi phải nói rõ kẻo bị hiểu nhầm thì dở lắm, vì tôi thực tâm muốn làm báo chuyên nghiệp.
Có một cái này tôi rất muốn càng nhiều người hiểu càng tốt. Đó là báo chí Đài Loan, ngay cả khi đất nước đã dân chủ rồi, mang tiếng là tự do nhất châu Á, nhưng chất lượng thì có nhiều vấn đề và lại bị các công ty lớn và các đảng phái thao túng. Trung Quốc cũng rất nỗ lực chi phối báo chí Đài Loan. Thành ra báo chí của họ tự do nhưng mức độ độc lập lại thấp. Cái này tôi tin chắc là cũng sẽ xảy ra ở nước ta trong tương lai thôi, nên chúng ta cần chuẩn bị một nền tảng tốt cho báo chí độc lập và chất lượng cao, kẻo rồi lại đi vào vết xe đổ của Đài Loan.
HỎI: Cuối năm 2018, anh đã viết cuốn “Học chính sách công qua chuyện đặc khu” cùng hai tác giả Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Đoan Trang. Trong tương lai, anh có dự định viết thêm cuốn sách nào không?
THL: Tôi có nhiều dự định viết sách. Có những đề tài khó quá, muốn viết nhưng chưa đủ khả năng. Một số đề tài mình đủ khả năng viết nhưng lại vướng bận công việc điều hành Luật Khoa và The Vietnamese hiện nay nên chưa thu xếp thời gian để viết được. Khi nào viết, chắc chắn tôi sẽ nhờ cậy đến Nhà xuất bản Tự Do.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.