Quốc Hội Mỹ kiên quyết vạch mặt Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương
Mai Vân
31-12-2019
Sau khi đã thành công trong việc “thúc ép” tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật mà họ đã thông qua, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một ngón đòn thứ hai đánh vào Bắc Kinh, lần này trên vấn đề Tân Cương.
Cách thức tiến hành cũng giống như trường hợp bộ luật về Hồng Kông, tức là đảm bảo sao cho dự luật được thông qua với một đa số rộng rãi đến mức mà dù muốn phủ quyết, nhưng tổng thống Trump sẽ không thể làm nếu không muốn lâm vào cảnh quyết định của ông bị Quốc Hội bác bỏ đúng theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Quốc Hội (Mỹ) muốn buộc ông Trump mạnh tay trên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và xa hơn nữa”, nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/12/2019 đã nêu bật kế hoạch của giới lập pháp Mỹ là sẽ thông qua một đạo luật – mà tổng thống không thể phủ quyết – ngay vào năm 2020 nhằm trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cả hai đảng đều đồng lòng chống Trung Quốc
Theo tờ báo Mỹ, trong một động thái thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang lên một kế hoạch nhằm cố gắng buộc tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn về nhân quyền ở Trung Quốc, và sẵn sàng ký luật trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc về tội đã giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo trong các trại giam được gọi một cách mỹ miều là trại huấn nghệ.
Sở dĩ Quốc Hội Mỹ phải suy tính đến việc thúc ép và trói buộc ông Trump, đó là vì họ càng lúc càng thất vọng trước việc đương kim tổng thống Mỹ không sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, mặc dù trong năm đã có biết báo báo cáo, phúc trình cụ thể, nêu rõ các hành vi tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương. Thậm chí ông Trump còn không muốn nêu những vấn đề này ở cấp độ thế giới.
Để thúc đẩy ông Trump hành động đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp có kế hoạch thông qua đạo luật trừng phạt Bắc Kinh về tội đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với một đa số ủng hộ rộng rãi để buộc tổng thống phải ký nếu không muốn bị Quốc Hội qua mặt trước cuộc bầu cử năm 2020.
Một phiên bản của dự luật, mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua trong năm nay, nhưng con đường đến Nhà Trắng đã gặp trở ngại do vấn đề thủ tục.
Theo New York Times, vấn đề nhân quyền giành được sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong Quốc Hội Mỹ, và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề này, cho dù họ luôn luôn ủng hộ ông trên gần như mọi vấn đề khác, kể cả viêc bảo vệ ông chống lại thủ tục luận tội để truất phế.
Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Florida, thì một số người cho rằng chính quyền đã lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Suy nghĩ đó có thể là không đúng, nhưng rõ ràng là số người nghĩ như vậy đã tăng lên và họ cho rằng Quốc Hội cần phải can dự vào hồ sơ này.
Vào tháng 11 vừa qua, Quốc Hội đã nhất trí thông qua luật ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, buộc ông Trump phải ký dự luật. Là người từng nói rằng ông là người “đứng bên” lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có nguy cơ bị Quốc Hội phản bác và bị chỉ trích là yếu kém đối với Trung Quốc nếu ông phủ quyết luật về Hồng Kông.
Ông Trump do đó đã phải ký ban hành dự luật, tuy nhiên, ông đã đưa ra một tuyên bố cho biết rằng ông sẽ vận dụng đặc quyền của hành pháp trong việc thực thi các điều khoản của đạo luật mà ông buộc phải ký.
Nhân quyền Trung Quốc: Vấn đề mà tổng thống Mỹ xem nhẹ
Một số vấn đề nhân quyền thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng mạnh hơn là những vấn đề khác, và Trung Quốc nằm trong diện này. Số người cứng rắn với Trung Quốc ngày càng đông cả ở trong Quốc Hội lẫn trong chính quyền, trong lúc tỷ lệ người dân coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Hồi Giáo, bản thân ông Trump hầu như không nói gì.
Vào tháng 7 vừa qua, Jewher Ilham, con gái của Ilham Tohti, một giáo sư người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc kết án tù năm 2014, đã cùng với các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khác đến gặp ông Trump trong Phòng Bầu Dục. Khi cô cố gắng giải thích các trại cho ông Trump, ông tỏ ra không biết gì về tình hình…
Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW châm biếm: “Tìm được bằng chứng về mối quan tâm thực thụ của ông Trump đối với vấn đề nhân quyền thật là khó”. Theo chuyên gia này, về Trung Quốc, tối thiểu ra là tổng thống Trump nên ngừng việc mô tả một lãnh đạo độc đoán, hà khắc như là một “anh chàng tuyệt vời” vì làm như vậy tức là cho chính quyền Trung Quốc cơ hội lựa chọn giữa đặc tính được ông Trump mô tả với những nhận xét nghiêm khắc hơn đến từ các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.
Ông Trump, người đã chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động kinh tế của mình, đã kiềm chế không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại giam ở Tân Cương vì sợ gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Nhiều cộng sự viên hàng đầu và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt, nhưng Bộ Tài Chính đã phản đối. Đạo luật Duy Ngô Nhĩ, do thượng nghị sĩ Rubio và dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa ở bang New Jersey) bảo trợ, sẽ buộc ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, quan chức hàng đầu của Đảng Cộng Sản ở Tân Cương, nơi có các trại.
Vào tháng 10, chính quyền Trump đã đưa một số doanh nghiệp và tổ chức an ninh Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì vai trò của họ trong các vụ truy bức người Hồi Giáo, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đó là một hình phạt quá nhẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.