Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

Phiên xử thứ nhất vụ cựu lãnh đạo Đà Nẵng giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”

Phiên xử thứ nhất vụ cựu lãnh đạo Đà Nẵng giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”

BTV Tiếng Dân
2-1-2020
Sáng ngày 2/1/2020, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử 21 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, xảy ra ở TP Đà Nẵng, khiến ngân sách nhà nước thiệt hại khoảng 22.043 tỉ đồng. 
Các bị cáo quan trọng gồm cựu “thượng tá” tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” và 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến hầu tòa, báo Thanh Niên đưa tin. 
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ năm 2006 đến 2014, bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006 – 2011 và bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011 – 2014 đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai. 
Nguyễn Văn Minh, Văn Hữu Chiến và các đồng phạm đã tạo điều kiện thuận lợi cho Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà, đất công sản của Đà Nẵng nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước 2.422 tỉ đồng.

Bị cáo Văn Hữu Chiến cùng các đồng phạm tại phiên tòa sáng 2/1/2020. Ảnh: Báo TN

Vũ “nhôm” còn lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan để đề nghị họ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ giúp Vũ được nhận quyền sử dụng đất tại 7 dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước thêm 19.625 tỉ đồng.
Báo Tuổi Trẻ có đồ họa thống kê toàn bộ loạt dự án, nhà đất công sản rơi vào tay Vũ “nhôm” ở TP Đà Nẵng.
Báo Dân Việt bàn về điểm đặc biệt trong phiên xử Vũ “nhôm”, 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Điều ít gặp trong các đại án. Theo đó, vụ sai phạm này diễn ra ở TP Đà Nẵng nhưng cơ quan xét xử là TAND TP Hà Nội, VKSND tối cao ban hành cáo trạng và để VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố. Ngoài ra, có tới 18 cựu quan chức được tại ngoại hầu tra, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, gồm hai cựu Chủ tịch Minh và Chiến.  
Một trong các “phi vụ” gây ra thiệt hại khổng lồ đối với ngân sách nhà nước trong quá trình các lãnh đạo TP Đà Nẵng hợp tác với Vũ “nhôm”: Khu đất trị giá hơn 11.300 tỷ được bán cho Vũ ‘nhôm’ với giá 87 tỷ, theo báo Tiền Phong. Đó là dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước ở quận Hải Châu, rộng 29 ha. Năm 2005, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng dự án này. Đến năm 2006, Cty TNHH Daewon (Hàn Quốc) đăng ký đầu tư dự án với cam kết xây dựng sân golf và chịu chi phí san lấp mặt bằng, đê biển.
Lúc này, Phan Văn Anh Vũ “bất ngờ nhảy vào dự án khi tham dự cuộc họp giữa UBND Đà Nẵng và Daewon. Cuộc họp này đi đến thống nhất, với phần diện tích 29ha trong dự án dành cho việc xây dựng biệt thự và nhà liền kề, Daewon phải liên doanh với một Cty Việt Nam để tiến hành khai thác”. Dĩ nhiên đó là Công ty xây dựng 79 của Vũ “nhôm”, đồng phạm Phan Minh Cương chỉ làm lãnh đạo “bù nhìn”. 
Kết quả định giá thể hiện, giá thị trường của Dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại thời điểm khởi tố vụ án tháng 4/2018 là hơn 11.322 tỷ đồng. Nghĩa là hành vi của các bị cáo đã khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại hơn 11.235 tỷ đồng, đã trừ đi số tiền 87 tỷ đồng Vũ “nhôm” bỏ ra để “đi đêm” với các ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Dù là phiên xử vụ sai phạm với số tiền thiệt hại ngân sách rất lớn, nhưng HĐXX vẫn không công bố tài liệu mật ở phiên xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, theo Zing. LS Trần Việt Hùng, người bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến kiến nghị tòa triệu tập đại diện Bộ TN&MT để làm rõ một số tài liệu do cơ quan này đánh giá, trong vụ án còn có một số tài liệu mật và tuyệt mật là các chứng cứ bào chữa, nên LS Hùng đề nghị HĐXX hướng dẫn sử dụng các tài liệu này. Nhưng chủ tọa phiên tòa khẳng định, các tài liệu ở dạng mật và tuyệt mật sẽ không được công bố công khai tại tòa. 
Thêm một chi tiết thể hiện sự không minh bạch: Người giúp Vũ ‘nhôm’ hốt tiền tỷ xin xử vắng mặt, VietNamNet đưa tin. Người đó là bị cáo Phan Ngọc Thạch, cựu GĐ công ty CP du lịch Đà Nẵng. Đại diện VKS lập luận, “tại CQĐT, bị cáo Thạch đã có đầy đủ lời khai, CQĐT cũng đã thu thập đầy đủ tài liệu liên quan đến bị cáo này nên việc bị cáo Thạch vắng mặt trong phiên xử không ảnh hưởng đến phiên tòa”.
Tình tiết đáng lưu ý trong phiên xử thứ nhất vụ sai phạm “đất vàng” ở Đà Nẵng: LS Trần Quang Sơn, người bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến đề nghị triệu tập Chủ tịch Đà Nẵng đương nhiệm, theo VOV. LS Sơn đề nghị HĐXX triệu tập ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đương nhiệm và ông Hoàng Tuấn Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì có liên quan đến một số nhà đất công sản trong vụ án này. Đáp lại, chủ toạ phiên tòa cho biết, nếu cần thiết HĐXX sẽ cho triệu tập.
Trong phần khai báo, Vũ ‘nhôm’ trả lời rành rọt trước tòa về 3 bản án, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Vũ liệt kê bản án 8 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; bản án 15 năm tù cũng của tòa này về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; và bản án 17 năm tù của TAND Cấp cao tại TP HCM về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Thư ký tòa lưu ý chuyện chị gái, anh rể của Vũ “nhôm” đều vắng mặt vì 2 người này đã xuất cảnh từ tháng 11/2017. 
Phiên tòa xử loạt lãnh đạo, quan chức TP Đà Nẵng giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm” dự kiến kéo dài từ ngày 2/1 đến 15/1/2020, làm việc cả các ngày cuối tuần.
Nhận định về vụ xử sai phạm “đất vàng” ở Đà Nẵng:
Đây là phiên tòa xử vụ sai phạm với mức thiệt hại cao nhất cho ngân sách nhà nước từ khi chiến dịch “đốt lò” khởi động từ nửa sau năm 2017 đến nay, tổng thiệt hại ước tính hơn 22.000 tỉ đồng. Mức thiệt hại này lớn gấp 3 lần thiệt hại trong vụ Mobifone mua AVG, khiến cựu Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son ăn cơm tù suốt đời. 
Nhưng nếu so sánh thiệt hại vụ này với vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vụ sai phạm đất đai lớn nhất ở thành Hồ, thì hóa ra thiệt hại ước tính ban đầu của vụ Thủ Thiêm còn lớn hơn. Thanh tra Chính Phủ đã kiến nghị UBND TP HCM phải thu hồi và hoàn trả ngay hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm, sớm có giải pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng với tổng số tiền hơn 4.286 tỉ đồng để đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm. 
Nếu phe “đốt lò” thật sự đã quyết tâm xử lý thích đáng sai phạm Thủ Thiêm trong năm 2020, thì vụ sai phạm “đất vàng” ở Đà Nẵng với mức thiệt hại lên tới 22.000 tỉ chỉ là “bài tập khởi động” trước một chướng ngại còn đồ sộ hơn. Hơn nữa, đến cả sai phạm Thủ Thiêm với thiệt hại phải tính bằng đơn vị chục ngàn tỉ, hóa ra cũng chưa thể sánh bằng tổng thiệt hại mà Ba X và Hai Nhựt đã gây ra cho người dân VN.  
Nhà báo Phạm Việt Thắng vừa viết về bộ tứ Hải Quân Đua Tài, phá nát Thủ Thiêm như sau: “Nhanh thôi, hai anh Hai, một anh Ba (không X) và vài anh nữa sẽ được lên sóng. Đúng thôi, vì nếu không đưa các anh lên sóng kịp thời thì các anh sẽ tị nạnh, trong lúc các anh đầy đủ “thành tích”, nhất là rất có công với ‘đất và người Thủ Thiêm’. Ví như các anh kém cạnh gì anh Tín, anh Tài mà tên tuổi các anh không được cửa lò ông cụ xướng danh. Và hình như có thời các anh tham gia lực lượng hải quân nên lặn sâu và lâu. Nay thì sắp nổi rồi“.
_______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.