Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Phiên xử thứ 9 vụ lãnh đạo Đà Nẵng bán rẻ nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”: Tuyên án

Phiên xử thứ 9 vụ lãnh đạo Đà Nẵng bán rẻ nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”: Tuyên án

BTV Tiếng Dân
13-1-2020
Sau 2 ngày tạm nghỉ đề tòa nghị án, chiều 13/1/2019, phiên tòa xử vụ 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cùng 19 bị cáo đã hỗ trợ “thượng tá” tình báo công an Phan Văn Anh Vũ thu tóm 22 nhà công sản và 7 dự án bất động sản đã bước vào phiên xử thứ 9. HĐXX tuyên án các bị cáo trong vụ thâu tóm đất công tại Đà Nẵng: Phan Văn Anh Vũ lĩnh án 25 năm tù, báo Thanh Niên đưa tin. 
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, bị tuyên án 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt là 25 năm tù. 
Còn bị cáo Trần Văn Minh, cựu chủ tịch Đà Nẵng bị phạt 17 năm tù, theo VnExpress. Bị cáo Văn Hữu Chiến, kế nhiệm Minh, bị phạt 12 năm tù, cũng với 2 tội danh tương tự như Vũ “nhôm”. Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu GĐ Sở Xây dựng, cựu phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, nhận án 5 năm tù; bị cáo Phan Xuân Ít, cựu phó chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng, án tù 6 năm.
Trả lời phỏng vấn trước khi rời tòa, bị cáo Minh cho biết, sẽ kháng cáo “do không đồng ý với hình phạt và nội dung tuyên án”. Người duy nhất không phải ngồi tù là bị cáo Nguyễn Văn Cán, cựu chánh văn phòng UBND Đà Nẵng, do được HĐXX miễn trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
VnExpress có clip, ghi lại lời bị cáo Minh nói lý do “không hài lòng” với phán quyết của TAND Hà Nội, chiều 13/1:
Không chỉ nhận án tù, hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng phải bồi thường hơn 500 tỷ đồng, theo VietNamNet. Đối với 7 nhà đất công sản hiện đã chuyển dịch cho bên thứ 3 không còn nguyên trạng, HĐXX cho rằng cần buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại theo giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án. Vũ “nhôm” phải chịu trách nhiệm bồi thường chính, các bị cáo khác thì căn cứ vào vai trò phạm tội để quy buộc trách nhiệm.
Chẳng hạn như, nhà đất ở 36 – 38 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng, nhà nước bị thiệt hại 983 tỷ đồng, Vũ phải bồi thường 780 tỷ đồng, Minh và Chiến mỗi người bồi thường 49 tỷ đồng. Nhà đất ở 108 Bạch Đằng xác định thiệt hại là 27,6 tỷ đồng, Vũ phải bồi thường 22 tỷ đồng, Minh phải bồi thường 1,3 tỷ đồng, Chiến bồi thường 1,3 tỷ đồng. Nhà đất ở 106 Trần Phú, thiệt hại là 22 tỷ đồng, Vũ phải bồi thường 17 tỷ đồng, Minh và Chiến mỗi người phải bồi thường 1,3 tỷ đồng.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa tổng hợp các mức án trong phiên xét xử hai nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng: Bị cáo Trần Văn Minh bị tuyên phạt 17 năm tù
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Người dân Đà Nẵng nói gì sau bản án của hai cựu chủ tịch UBND? Một người dân ở quận Sơn Trà bình luận: “Họ là những người có trách nhiệm quản lý đất đai lại làm thất thoát ngân sách nhà nước nhưng không thể tự nhiên mà họ làm được. Vậy có sự tham nhũng, hối lộ gì phía sau những quyết định bán đất rẻ cho Phan Văn Anh Vũ hay không? Đây là điều chưa được nói rõ tại phiên xét xử mà người dân rất quan tâm”.
Nhận định về các bản án trong vụ sai phạm đất công Đà Nẵng
Đây là phiên tòa đầu tiên trong năm 2020, liên quan đến chiến dịch “đốt lò”, là chỉ báo cho thấy phe Tổng – Chủ có thật lòng “đốt lò” mạnh tay trước Đại hội 13 như họ đã tuyên bố hay không. Nhưng các mức án lại cho thấy phiên tòa này có nhiều sự dàn xếp, bởi các lý do:
Thứ nhất: Phiên tòa xử vụ sai phạm với tổng thiệt hại cho ngân sách nhà nước lên tới hơn 22.000 tỉ, nghĩa là lớn gấp 3 lần sai phạm trong vụ Mobifone mua AVG (thiệt hại khoảng 7000 tỉ), nhưng lại không có một bản án tử hình hoặc chung thân nào. Trong khi vụ Mobifone mua AVG tạm khép lại với án chung thân dành cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Thậm chí, mức án đề nghị lúc đầu cho Son là tử hình, nhưng được giảm còn chung thân, do Son đã vận động gia đình “gom” vội gần 70 tỉ nộp để “khắc phục hậu quả”.
Còn ở đây, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh bị tuyên án 17 năm tù, tòa mới chỉ yêu cầu khắc phục hậu quả, nhưng ông này đã vội tuyên bố sẽ kháng án. Chuyện ông Minh được tự do trả lời báo chí sau phiên tòa cũng cho thấy yếu tố “du di”. 
Thứ hai: Phiên tòa này có dấu hiệu tòa xử người chết hơn là xử người sống, hay nói cách khác là “đào mả” cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lên xử. Mấu chốt của phiên tòa là khi các bị cáo bắt đầu nói đến vai trò của “cụ Bá” trong vụ sai phạm đất công nghiêm trọng ở TP “đáng sống”, các bị cáo được cho phép nói thoải mái, không bị ngắt lời hoặc bị làm khó dễ khi họ thi nhau vạch trần tác động của phe nhóm Nguyễn Bá Thanh. 
Có ít nhất 3 phiên xử mà trong đó các bị cáo liên tục nói về vai trò của “bác Thanh”, người nhắc tên Thanh nhiều nhất chính là bị cáo Trần Văn Minh. Báo chí cũng “tiếp sức” và ghi lại đầy đủ các lời buộc tội của cựu lãnh đạo, quan chức Đà Nẵng dành cho người sếp khuất mặt của họ. Rõ ràng mục đích của phiên xử này nhắm tới việc quét sạch tàn dư ảnh hưởng còn sót lại của phe Bá Thanh ở Đà Nẵng, hơn là xem xét thiệt hại và hướng khắc phục hậu quả sau sai phạm khủng khiếp ở TP “đáng sống”.
Tóm lại, cái kết có phần không thỏa đáng của phiên tòa xử một vụ sai phạm với thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước, cùng một diễn biến khác là vụ Bí thư Hà thành Hoàng Trung Hải sai phạm hơn 8000 tỉ trong dự án Gang thép Thái Nguyên nhưng chỉ bị cảnh cáo, cho thấy chiến dịch “đốt lò” năm 2020 đã khởi động với nhiều gian nan, chứ không hề suôn sẻ như Tổng – Chủ Trọng đã hứa hẹn.
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.