Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Đồng Tâm phải đồng tâm

Đồng Tâm phải đồng tâm

14-1-2020
Hợp pháp và chính đáng là những gì người dân yêu cầu đối với công vụ, để không xảy ra ở đất nước này bất kì một thảm kịch Đồng Tâm nào nữa.
Tôi gọi đó là thảm kịch, không chỉ là nó tạo ra những cái chết đáng tiếc. Mà chính là từ những cái chết ấy đã tạo ra khả năng người ta sử dụng nó để chuốc độc cả một xã hội trong thù hận, bất tín.
Đó là điều mà chúng ta có thể cảm nhận được trong trời biển chữ nghĩa của thế giới mạng mấy hôm nay. Rờn rợn, tanh tưởi.
Trở lại với sự kiện mà bộ công an cho là vụ gây rối. Thậm chí có người còn nâng quan điểm bằng ngụ ý vụ gây rối ở khu vực mà lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ quốc phòng. Hay định nghĩa đơn giản là vụ chống người thi hành công vụ.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ công an, dù có hơi muộn, đã nhận thức đúng đắn về vai trò đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Có lẽ đây là sự kiện sớm nhất, và Bộ công an cũng là bộ đầu tiên, thực hiện tinh thần tiến bộ của luật tiếp cận thông tin mới có hiệu lực chưa tròn năm.
Cuộc họp báo sáng nay của Bộ công an là một hành động tích cực. Nó cho thấy lãnh đạo ngành công an ý thức được khuôn khổ phải hành động hợp pháp mới có thể trở nên chính đáng và chỉ trên cơ sở như vậy mới phát huy được sức mạnh thống nhất về chính trị.
Là một người viết báo có nhiều năm tường thuật chính trị, tôi nghĩ rằng sự thống nhất chính trị của xã hội được tạo ra chủ yếu bằng hành động hợp pháp và vị thế chính đáng của chính người cầm quyền.
Nói cách khác, sự thống nhất chính trị ấy có hay không chính yếu là ở lời nói và hành động hợp pháp luật, hợp lẽ phải, hợp lòng người của các quan chức và bộ máy của hệ thống chính trị.
Với những thông tin đọc được từ tường thuật của báo Pháp luật TPHCM về cuộc họp báo sáng nay, tôi có niềm tin hơn rằng, không có chủ trương trấn áp bằng hành động tấn công sát hại dân thường. Bạo lực tấn công vào một không gian dân sự làm chết người có thể xuất hiện từ một tình huống mất kiểm soát, không phải từ mọt kế hoạch tác chiến có trong kế hoạch tác chiến khi điều động một cơ số vũ trang ở qui mô như vậy.
Cuộc rượt đuổi những người bị tình nghi vi phạm pháp luật ở chốt cắm đầu cổng làng Hoành đã biến thành một kết cục đụng độ chết chóc. Nó tạo điều kiện cho dư luận xã hội hình dung đó là một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào mục tiêu dân sự.
Chưa có cơ sở khoa học, hợp pháp và xác tín về tội ác man rợ của những kẻ chống đối. Cũng chưa đủ thuyết phục để nhanh chóng trao tặng Huân chương chiến công cho các liệt sĩ. (Tôi xin dùng danh xưng liệt sĩ cho các trường hợp thiệt mạng vì thực hiện công vụ trong sự kiện này, mặc dù tôi nhớ rất rõ các cuộc tranh luận phân biệt thế nào là liệt sĩ, thế nào là tử sĩ với những người hi sinh trong các cuộc đấu tranh giữ nước).
Tôi không rõ các nhà báo có hỏi han Bộ công an cụ thể hơn về cơ sở pháp lí của việc điều động lực lượng vũ trang đến địa bàn làng Hoành. Tuy nhiên tôi cho rằng nên có một văn bản có tính pháp lí cho một cuộc xâm nhập như vậy vào một khu vực dân sự.
Cũng như vậy, nếu cuộc tấn công lúc tinh mơ ấy được dừng lại sau khi phía chống đối sử dụng vũ khí sát thương, để lực lượng chứng năng tiến hành các thủ tục pháp lí cần thiết và yêu cầu sự giám sát có trách nhiệm của đại biểu quốc hội, của chính quyền địa phương, của báo chí, thì mục tiêu tấn công, thậm chí là kết cục tan nát của khu vực trú náu của “đối tượng”, cũng sẽ không là chiếc thòng lọng thít cổ nhân quyền, dân quyền như đã được công chúng cảm nhận.
Còn tính hợp pháp của việc sử dụng vũ trang làm chết người, phá hủy nhà cửa, tài sản, cũng như các hình ảnh bạo lực, chết chóc diễn ra trước mắt phụ nữ, người già và trẻ con… cũng là một cơ sở quan trọng để lực lượng chấp pháp phải tính toán, cân nhắc tính hợp pháp trước khi hành động.
Có thể công tác trinh sát kém, hay kế hoạch tác chiến được chuẩn bị không tốt, đã dẫn đến các thiệt hại cho chính lực lượng thi hành công vụ. Nhưng biến các thông tin trinh sát thành lời buộc tội, thậm chí thành bản án, là điều tuyệt đối không thể chấp nhận, nếu muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
Rõ ràng trong cách tiếp cận của mình, cơ quan chức năng đã sáng suốt để phân tích bất bình của người dân trong tranh chấp đất đai ở khu vực sân bay quân sự Miếu Môn thành ra hai vụ việc. Vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong qui hoạch và thực hiện dự án công trình quốc phòng, và vụ phá rối trị an, có hành động bạo lực khủng bố chống lại công vụ. Đó là cách tiếp cận đúng đắn.
Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta lại viện đến hạn chế của nền tư pháp, đã không tạo ra đủ điều kiện để duy trì sự thống nhất từ những góc nhìn khác biệt cho một sự kiện tưởng chừng như đơn giản ở làng Hoành.
Một toà phá án theo thể thức của người Pháp trước đây sẽ giúp cho công an có thể khẳng định hay không cái nhìn đang làm cho xã hội trở thành đối nghịch về cha con ông Kình: Những người nông dân (thậm chí là những đảng viên) nổi dậy hay là những kẻ khủng bố man rợ? Không thể một mình công an có thể xác định điều đó.
Đồng Tâm như thế mới tạo được đồng tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.