Cái chết của cụ Lê Đình Kình dưới góc nhìn của Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự 2015
15-1-2020
Trước khi bị giết, cụ Lê Đình Kình là một công dân. Cụ có đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định tại các điều 14;15;16;17 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Cụ không có tiền án, tiền sự. Hiện tại, cụ không phải chấp hành bất cứ một bản án nào, do tòa án cấp nào tuyên. Cụ là một đảng viên ĐCS Việt Nam, cho đến lúc chết vẫn chưa bị khai trừ ra khỏi đảng.
Theo thông tin từ cơ quan công an, được các báo quốc doanh đăng tải, thì cụ Lê Đình Kình chế tạo bom xăng, tàng trữ dao, kiếm, lựu đạn… Như vậy, cụ có hành vi có dấu hiệu cấu thành tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, được quy định tại điều 230 BLHS năm 2015, và tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ, được quy định tại điều 233 BLHS năm 2015.
Muốn kết luận được hành vi của cụ có cấu thành hai tội đó hay không, thì phải khởi tố vụ án, tức là khởi tố về hành vi có dấu hiệu phạm tội. Và nếu đủ căn cứ là cụ Lê Đình Kình có dấu hiệu phạm tội, thì phải khởi tố bị can để điều tra. Sau khi khởi tố bị can, nếu thấy cần thiết, thì có thể bắt tạm giam bị can để điều tra.
Cụ Lê Đình Kình có địa chỉ cư trú rõ ràng là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Cụ không phạm tội quả tang, cũng không phải tội phạm bị truy nã. Nên theo quy định tại khoản 3, điều 113, bộ luật TTHS năm 2015, thì không được phép bắt cụ vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ). Như vậy, nếu cụ trở thành bị can của vụ án nói trên, và nếu cụ phải chấp hành lệnh bắt tạm giam, thì cơ quan tố tụng chỉ có thể bắt cụ giữa “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” (truyện Kiều- Nguyễn Du).
Việc bắt cụ phải được thực hiện theo đúng quy định tại điều 113 bộ luật TTHS năm 2015: Phải đọc quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam cho cụ nghe tại nhà. Phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho cụ biết, phải lập biên bản về việc bắt. Phải giao quyết định và lệnh bắt cho cụ. Tất cả mọi việc phải diễn ra dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Cụ Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Cụ đang sống bình yên tại nhà mình. Như vậy, chỗ ở của cụ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của cụ nếu không được cụ cho phép, theo quy định tại điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Tính mạng của cụ được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của cụ trái luật, theo quy định tại điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát cơ động đã đột nhập nhà của cụ Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được cụ cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam và vi phạm điều 158 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác), mà đây lại là việc xâm phạm có tổ chức. Tội này được quy định tại điểm a, khoản 2 điều luật trên, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Không chỉ xâm phạm trái phép, lực lượng này còn đánh, bắn chết cụ, tước đoạt mạng sống của cụ trái luật, vi phạm điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Vi phạm khoản 1 điều 123 BLHS năm 2015, với 2 tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ và có tổ chức (điểm n và điểm o).
Còn 3 cảnh sát cơ động bị chết? Ai giết họ?
Có 3 giả thiết được đặt ra. Thứ nhất là cụ Kình giết. Thứ hai, họ tàn sát lẫn nhau và thứ ba, là họ bị người dân giết.
Giả thiết thứ nhất bị loại trừ ngay. Ở tuổi 84, mắt mờ chân chậm, bị phá cửa vào nhà quá đột ngột. Cụ Kình vừa mở mắt thì đã bị đánh gẫy chân, bị bắn thẳng vào tim ở cự li rất gần. Cụ Kình chết mà chưa kịp hiểu ai đã giết mình, giết bằng vũ khí gì, nói chi đến phản ứng.
Giả thiết thứ hai, thì trên mạng xã hội đã có một thông tin rằng một chú bị trượt chân ngã xuống giếng trời, chết do va đập. Chú thứ hai chết do bị đồng đội bắn nhầm. Và chú thứ ba đang ở trên mái nhà, nghe tiếng súng nổ giật mình ngã xuống, cũng chết. Nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng, và có lẽ cũng chẳng ai có thể kiểm chứng được.
Giả thiết thứ ba, thì cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với 22 người dân Đồng Tâm về các hành vi giết người; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ. Thế có nghĩa là dưới mắt cơ quan CSĐT, 3 CSCĐ chết là do bị người dân làng Hoành giết. Họ có giết người hay không, thì chúng ta hãy chờ xem.
Thế nhưng, trước khi khởi tố bị can đối với 22 người dân Đồng Tâm, tại sao lại không khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở và giết người với những kẻ giết cụ Lê Đình Kình? Chẳng lẽ cái chết của cụ không phải là cái chết? Mạng của cụ không phải là mạng người?
Nếu không dưa được những kẻ giết cụ Lê Đình Kình ra trước vành móng ngựa, thì vụ án này sẽ trở thành một vết bẩn không thể nào rửa sạch được của ngành công an, vẫn tự hào là “giỏi nhất thế giới” này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.