Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

10 điểm tranh luận với post của Lương Lê Minh

10 điểm tranh luận với post của Lương Lê Minh

12-1-2020
Khu vực đất Đồng Sênh nơi xảy ra tranh chấp giữa người dân và chính quyền, theo bản đồ ông Lê Đình Kình cung cấp cho BBC Tiếng Việt.
Gần hai ngày nay tôi lắng lòng mình, thắp một nén tâm hương cho cụ Kình và những người nằm xuống trong biến cố Đồng Tâm.
Hôm nay, có vài người bạn gửi tôi bài viết dưới đây của Lương Lê Minh tiếp nối bài của Pham Phu Thai. Phần liên quan tới bài của Pham Phu Thai tôi đã tranh luận post trước, nay với bài của Lương Lê Minh tôi xin nêu ra 10 điểm như sau:
(1) Bài viết ngay từ khi bắt đầu đã dối trá với chi tiết cụ Kình và những người liên quan chưa từng dám lên huyện đối chất với chính quyền Hà Nội. Ngày 7/7/2017 khi chính quyền HN công bố dự thảo kết luận thanh tra, ông Bùi Văn Kỉnh trong nhóm của cụ Kình đã đại diện dân làng đến tranh luận [1] (clip bên dưới). Sở dĩ cụ Kình không lên huyện là vì cụ từng bị các sĩ quan quân đội, công an lừa ra xem mốc giới rồi đạp lén gãy chân cụ khởi đầu sự kiện Đồng Tâm hồi tháng 4/2017. Cụ đâu dại dột rời khỏi làng, nên đã nhiều lần đề nghị gặp ở xã (tranh chấp ở đâu, đối chất ở đấy) nhưng chính quyền không đồng ý. Riêng phần phản biện của ông Bùi Văn Kỉnh rành mạch rằng khu đất là tổ tiên của làng để lại với các địa danh đồng Sênh, Cổng Đồn từ thời Pháp thuộc thì Thanh tra HN chẳng hề tranh luận mà chỉ có thể nhấn mạnh rằng không có đất đai nào của ông bà tổ tiên, chỉ có của sở hữu toàn dân, của toàn dân tộc Việt Nam.
(2) Tiếp nữa, vấn đề bản đồ là hết sức quan trọng và là điểm yếu trung tâm trong lập luận của chính quyền, như chính tướng Phạm Phú Thái thừa nhận là BQP lẽ ra phải đưa ra bản đồ 1968 thì lại mãi mới tìm ra mỗi bản đồ 1991, hay như ĐBQH Dương Trung Quốc chỉ ra bản đồ duy nhất mà chính quyền đưa ra kỳ thực là một tấm sơ đồ vẽ tay năm 1992 do huyện vẽ, xã xác nhận, 12 năm sau quyết định thu hồi 1980. Thế mà bài viết giải quyết vấn đề này vỏn vẹn chỉ bằng việc nói rằng Sở TN-MT HN đã thuê Xí nghiệp TN-MT 1 đo đạc và đưa ra kết luận, làm như đã có một bên thứ ba trung lập, khách quan, trong khi xí nghiệp này chẳng qua cũng là một đơn vị thuộc Bộ TN-MT [2].
(3) Về chuyện mốc giới trên thực địa thì bài viết chỉ nêu đúng theo kết luận thanh tra, không hề nhắc gì đến quan điểm của phía dân làng là trên thực địa các mốc 27, 28, 29, 30, 61, 62 vẫn nằm ở ranh giới giữa đất đồng Sênh và đất sân bay. Thanh tra HN về thực địa nhưng không hề báo dân để cùng ra đồng đối chứng cột mốc. [3]
(4) Chuyện tướng Thái là phi công xuất sắc, từng hạ cánh thử nghiệm ở sân bay Miếu Môn hay làm đến Phó Tư lệnh PK-KQ chẳng nói lên được điều gì (vì đến Tư lệnh PQ-KQ nhiệm kỳ trước còn bị xử lý vì xà xẻo đất quốc phòng). Bàn chuyện đất đai vẫn phải dựa trên bản đồ, quyết định và biên bản thu hồi, mốc giới thực địa chứ bay giỏi, chức vụ cao đâu nói lên được gì. Nếu nói về đất Đồng Tâm thì phải là cụ Kình, người trực tiếp quản lý đất nông nghiệp và giao đất cho quốc phòng từ năm 1980, phải hiểu rõ hơn một phi công nay đây mai đó chứ, nhưng đâu phải vì thế mà lời cụ Kình đương nhiên đúng mà không cần đến bằng chứng xác thực.
(5) Phần đáng chú ý nhất của bài viết là chỉ ra các hầm bí mật cất giấu máy bay hơn 50 năm trước. Cơ mà nếu đã là hầm bí mật thì sao người dân biết được, mà đã không biết thì sao có thể nói họ cố ý xâm phạm. Thêm nữa, như ĐBQH Dương Trung Quốc chỉ ra lúc thu hồi đất làm sân bay (1980-1981) là khi quan hệ với TQ căng thẳng, còn khi vẽ bản đồ (1992) thì đã bình thường hóa quan hệ nên không còn nhu cầu làm sân bay nữa. Thế mà vẫn để hoang hóa gần 40 năm gây lãng phí, nảy sinh tiêu cực. [4]
(6) Việc chỉ ra có những hầm bí mật thời chiến kỳ thực cũng chẳng ăn nhập gì với lý lẽ của dân làng là sao thu hồi khu 47 ha thì có quyết định, biên bản và đền bù 150,312 đồng năm 1980, phần còn lại sao chính quyền không trưng ra quyết định và biên bản tương tự. [5]
(7) Chuyện công binh san lấp để dân lấn chiếm thì lại càng lố bịch hơn nữa khi chính chính quyền thừa nhận là quân đội giao khoán cho dân canh tác để thu tô. Giao cho người ta ngồi không hưởng tô lợi, tới khi có chuyện lại bảo người ta lấn chiếm là lý lẽ gì đây. [6]
(8) Từ 1991 đến nay quân đội phải đấu tranh quyết liệt để đòi lại đất quốc phòng ư? Nhưng đòi lại để làm gì, có phải để xà xẻo để xây sân golf như ở sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm, hay để chia lô bán nền như sân bay Nha Trang cho một dây tướng lĩnh phải kéo nhau vào tù?
(9) Việc nếu có ai trong dòng họ cụ Kình làm cán bộ xã có sai phạm trong quản lý đất đai thì liên quan gì đến cụ? Thời nào rồi mà người trong họ làm thì mình phải chịu? Riêng việc cụ Kình không hề lên tiếng bảo vệ cho con cháu trong họ nếu những người đó làm sai cũng đã cho thấy sự chính trực của cụ.
(10) Cuối cùng, câu hỏi mấu chốt là vì sao khăng khăng tất cả là đất quốc phòng từ đầu mà chính quyền HN lại lập phương án bồi thường, bố trí tại định cư cho các hộ dân trong này? Nếu đã lấn chiếm đất quốc phòng thì chưa bị phạt đã may, sao lại còn đường bố trí tái định cư? Chưa kể, nếu từ 1986 toàn bộ khu đất đã là sân bay sao lại còn chia ra thu hồi đất giai đoạn 1, giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn? Mà cụ Kình cũng đâu phủ nhận phần đất đồng Sênh có thời được đưa vào quy hoạch làm sân bay, nhưng đâu phải cứ đưa một khu đất vào quy hoạch đương nhiên khu đất đó của mình, nếu 1981 thu hồi (Quyết định 386) mảnh phía Đông (47,36 ha) đúng quy trình thủ tục có đền bù thì nay muốn thu hồi mảnh phía Tây cũng phải làm tương tự. Còn đừng nói chuyện lực lượng mỏng quản lý không xuể ở một đất nước mà dân chỉ cần dựng chuồng lợn hôm nay hôm sau chính quyền đã tháo dỡ nếu không có giấy phép, huống hồ đây là xây cất, canh tác trên đất không phải của mình xuyên suốt 37 năm – thời gian mà quân đội thu hồi đất (mảnh phía Đông) nhưng chẳng hề làm gì.
Tóm lại, bài viết tung hoả mù với đủ thông tin không liên quan, nào là phi công xuất sắc, nào là thủ khoa Học viên KTQS, nào là hầm bí mật chứa máy bay, nào là người trong dòng họ cụ Kình làm cán bộ sai phạm, để né tránh những vấn đề trung tâm của tranh chấp, là thiếu bản đồ gốc, là không trưng ra được quyết định thu hồi, biên bản bàn giao và xác nhận đền bù cho dân, như với lần thu hồi năm 1981.
Tệ nhất, tất cả những lập luận này được đưa ra chỉ sau khi cụ Kình – người am hiểu nhất vấn đề đất đai Đồng Tâm – đã bị giết chết và mọi tài liệu cụ nắm giữ bị tịch thu. Tắt micro của một bên chỉ để cho một bên lên tiếng không phải là cách tranh luận trong xã hội văn minh.
_____
Chú thích:
– Bài của Lương Lê Minh (Mời vào đọc bài của Lương Lê Minh trong link để xem các bản đồ được đăng để nhìn nhận đầy đủ luận điểm của LLM)
– Bài Bàn cờ thế Đồng Tâm tóm tắt lập luận của cụ Kình.
– Bài Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn (từng đăng trên Tuổi Trẻ, sau đó bị gỡ).
[2] Xí nghiệp TN-MT 1 thuộc Bộ TN-MT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.