Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Tin môi trường: Ô nhiễm từ Bắc vào Nam

Tin môi trường: Ô nhiễm từ Bắc vào Nam

BTV Tiếng Dân
30-9-2019
Báo Tiền Phong đưa tin: Ô nhiễm Hà Nội lên ngưỡng tím, chuyên gia cảnh báo không tập thể dục buổi sáng. Từ chiều tối 28/9 đến sáng 29/9, TP Hà Nội tiếp tục trong tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở một số điểm đo đã vượt qua ngưỡng đỏ, ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe tất cả mọi người, sang ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe mọi người. 
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, các trường học hạn chế hoạt động ngoài trời. Người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng.
Nhiều điểm ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người vào sáng 29/9 ở TP Hà Nội, theo ghi nhận của Hệ thống PAMAir. Ảnh: TP
Trang Gia Đình VN đặt câu hỏi: Ô nhiễm không khí báo động ở Hà Nội khi nào kết thúc?  Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP Hà Nội nhận định, chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong vài ngày tới và phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì AQI mới được cải thiện. Con người cứ trông đợi thời tiết chuyển biến mà tự mình không thay đổi thì vòng lẩn quẩn ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Báo Giáo Dục VN có bài: Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm. Hà Nội, thủ đô nhà nước CSVN ngày càng ô nhiễm, còn ở TP HCM, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy, chất lượng không khí từ ngày 3 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, nồng độ bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần.
Về chất lượng nước, “tại một số chung cư tại Hà Nội, người dân đang rất bức xúc với tình trạng nước sinh hoạt bẩn vàng khè, cáu bẩn”. Còn ở miền Nam, chất lượng nước sông Đồng Nai từ Hóa An và Cát Lái “đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Nước của sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm vi sinh cao”.
Người dân thành Hồ bì bõm lội nước
VietNamNet đưa tin: Triều cường chưa chạm đỉnh, người Sài Gòn đã bì bõm tìm đường về nhà. Chiều ngày 28/9/2019, triều cường tại các vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai lên nhanh, khiến nhiều tuyến đường tại quận 1, quận 2, Bình Thạnh, quận 12, chìm ngập trong nước. “Địa bàn quận 2 là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của triều cường. Hàng loạt tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, đường Song Hành, Lương Định Của ngập nặng có nơi hơn nửa mét khiến hàng loạt xe máy chết máy phải dẫn bộ”.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện nay mực nước đỉnh triều tại các trạm Phú An (sông Sài Gòn), Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đều đang dâng cao. Dự báo từ ngày 30/9 đến 1/10, triều cường đạt mức 1,65 – 1,70m (trên báo động III từ 0,15-0,20m) vào lúc 5 – 7 giờ và 17-19 giờ.
Đường Song Hành ngập sâu hơn nửa mét, chiều 28/9. Nguồn: VNN
Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An phân tích“Nếu biết đường phố ở Miami, bang Florida (Mỹ) hiện đang đối mặt với King Tides (Thủy triều Vua)… do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, thì cũng không nên lấy làm lạ gì tình hình triều cường đang xảy ra tại Sài Gòn mấy hôm nay… Đó hoàn toàn không phải do mưa to hay quy hoạch sai gì cả, vì những khu vực bị ảnh hưởng thuộc vùng quận thấp trũng”.
Facebooker Kirk Norring trong nhóm Arctic News lưu ý: Một yếu tố quan trọng của biến đổi khí hậu mà hiện nay người ta ít để ý đến, là hiện tượng La Nina. Nếu El Nino là “pha làm nóng” của Trái Đất, tạo nên các cơn bão nhiệt đới mạnh ở các đại dương, thì La Nina là “pha làm mát”. Lúc trước, La Nina có thể kéo dài từ 7 tới 10 năm, thì bây giờ thời hạn của một đợt La Nina chỉ còn tính bằng tháng. Trong khi El Nino xuất hiện ngày càng nhiều.
_______

Tin Biển Đông: Chuyển động lạ của Hải Dương 8

Tin Biển Đông: Chuyển động lạ của Hải Dương 8

BTV Tiếng Dân
30-9-2019
Vào khoảng 6h24’ sáng ngày 28/9/2019, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã lại rời Đá Chữ Thập, bắt đầu tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông lưu ý, lần này tàu Hải Dương 8 hướng về phía Bắc và đi rất chậm, đường đi hoàn toàn khác so với 3 lần “khảo sát” trước đó. Vào lúc 18h50’ ngày 29/9, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật tình hình thực địa ngày 29/9/2019

Sơ đồ đường đi của Hải Dương Địa Chất 8 và vị trí hiện tại của tàu so với đường bờ biển Việt Nam. Tàu này vẫn đang đi về phía bắc nhưng giữ khoảng cách tương đối gần với bờ biển Việt Nam. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Bài viết phân tích, “tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang đi rất chậm rãi như không có gì phải vội, tiến về phía bắc theo một đường thẳng, cùng với sự hộ tống của ít nhất hai tàu hải cảnh 33111 và 46303, và có thể là cả tàu 3501, vốn đã bật AIS khi rời Đá Chữ Thập, cho thấy đi cùng hướng với nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, nhưng sau đó đã tắt AIS”.
Hiện có 3 khả năng: 1. Tàu Hải Dương 8 vẫn “khảo sát” giống 3 lần trước, vì hiện tàu này vẫn đi rất chậm; 2. Cũng là “khảo sát” nhưng mục tiêu của nhóm tàu Hải Dương 8 nằm xa hơn về phía bắc, chứ không phải Bãi Tư Chính nữa; 3. Nhóm tàu Hải Dương 8 đang trở về đảo Hải Nam, kết thúc các hoạt động xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Khả năng thứ 3 khó xảy ra nhất vì “tình hình ở lô dầu 06.1 vẫn chưa hề giảm nhiệt. Như muốn truyền tải thông điệp, hai tàu hải cảnh hiện đại và được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc là tàu hải cảnh 31302 và hải cảnh 37111 đã thường xuyên bật AIS trong những ngày qua, cho thấy chúng đang ở cự ly rất gần với giàn khoan Hakuryu-5 và tàu hỗ trợ giàn khoan, có những lúc chỉ 2-3 hải lý”.

Tình hình ở lô dầu 06.1. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông
Khoảng cách từ tàu hải cảnh 37111 tới tàu Crest Argus 5, tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hakuryu-5. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phân tích việc đánh dấu chủ quyền: Trung Quốc tuần tra tại các thực thể đang bị tranh chấp. Bài viết dẫn thông tin do Tổ chức AMTI thống kê, xác định, có 14 tàu hải cảnh Trung Quốc phát tín hiệu qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi đang tuần tra qua khu vực Nam Biển Đông trong năm qua. Dĩ nhiên Trung Quốc vẫn còn các tàu “dân quân biển” không bật AIS nhưng tham gia các hoạt động quấy phá.

Thống kê các tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra cụm bãi Luconia, bãi Scarborough, và bãi Cỏ Mây từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019 với chiều dài (m), độ giãn nước (tấn), và số hiệu. Nguồn: AMTI/CSIS/DA ĐSK Biển Đông

Bài viết lưu ý trường hợp tàu Hải cảnh 3308, một tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc thuộc lớp Shucha II: Từ tháng 9/2018 đến tháng 9 năm 2019, tín hiệu AIS cho thấy tàu 3308 đi tuần tra xung quanh bãi Cỏ Mây, bãi Scarborough, và cụm bãi Luconia. Ngoài ra nó còn tham gia quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 và hộ tống tàu thăm dò của Trung Quốc ở phía bắc.
Facebooker Đặng Sơn Duân đưa tinTrung Quốc mới đây âm thầm lắp đặt một cấu trúc nửa nổi nửa chìm ở gần đảo Hữu Nhật thuộc nhóm Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa. Thông báo chỉ mới được Cục Hải sự tỉnh Hải Nam đưa ra sau khi việc lắp đặt được hoàn tất. Giàn nửa nổi nửa chìm này dài 63 mét, ngang 25 mét, cao 14,2 mét, gồm hai mô đun”.
Một độc giả cho biết, giàn nửa nổi nửa chìm đó còn có tên gọi khác là giàn tự nâng, có chức năng khoan thăm dò. Giàn nửa nổi nửa chìm này của Trung Quốc, dù được quảng cáo là sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, là dự án nghiên cứu có tính “đột phá”, cũng chỉ phục vụ mục đích khoan thăm dò.

Thông báo của Cục Hải sự Hải Nam. Ảnh: FB Đặng Sơn Duân

Phó Thủ tướng không dám gọi tên Trung Quốc
Báo Thanh Niên đưa tin: Việt Nam mang vấn đề biển Đông ra Liên Hợp Quốc. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ đêm 28/9, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhắc đến “sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua, nhưng trái với sự mong đợi của người dân Việt Nam, PTT Minh vẫn không dám gọi tên Trung Quốc!
Ông Minh chỉ nói: “Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng, bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của chúng tôi – được xác định bởi UNCLOS. Các bên liên quan cần kiềm chế các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình hoặc gây leo thang căng thẳng trên biển”.
Mặc dù dân mạng bất mãn vì Phạm Bình Minh ‘không dám nhắc tên Trung Cộng’ tại Liên Hiệp Quốc, thế nhưng báo trong nước không nhắc đến chi tiết quan trọng này, mà vẫn hết lòng đề cao công lao ngài Phó Thủ tướng. Một thông điệp không có danh tính người nhận thì bất cứ ai cũng có thể bỏ qua, Việt Nam như thế thì còn trông mong gì quốc tế giúp đỡ vụ Biển Đông?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận“Đã xác định được thủ phạm xâm phạm chủ quyền của VN ở biển Đông: Lào. Hãy tự kiềm chế nghe Lào!” GS Phạm Quang Tuấn viết: “Thực ra ông Phạm Bình Minh cũng ‘công bằng’ đấy chứ. Ông ta đả kích Mỹ mà không nói tên nước Mỹ, phản đối Tàu mà không nói tên Tàu! Có điều, phản đối cấm vận Cuba thì cũng như là gọi đích danh nước Mỹ rồi!
***
Bài của TS Trần Công Trục trên báo Giáo Dục VN: Cảnh giác trước thâm ý “rút mà không rút” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết phân tích chiến lược “xâm lược mềm” của Trung Quốc ở Biển Đông, tạo ra các tình huống “sự đã rồi”, buộc các nước giáp Biển Đông phải chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc, lợi dụng các hoạt động “dân sự” để quấy phá, gây áp lực lên hoạt động thăm dò, khai thác của các nước ASEAN ở Biển Đông. Hơn nữa, ngay chuyện Trung Quốc xây căn cứ trên Đá Chữ Thập đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ lại ‘chọc giận’ Trung Quốc khi đi vào Biển Đông, theo BBC. Chỉ còn 3 ngày trước khi Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh, tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành các hoạt động ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Người phát ngôn của Đệ Thất Hạm đội từ chối xác nhận vị trí tàu này, nhưng cho biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tiến hành hoạt động thường nhật.
_____

Nền ngoại giao Việt Nam dưới thời đảng Cộng sản cầm quyền

Nền ngoại giao Việt Nam dưới thời đảng Cộng sản cầm quyền

Jackhammer Nguyễn
30-9-2019
Không có gì bất ngờ
Bài diễn văn của ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã gây ra nhiều phản ứng bất bình của người Việt.
Bài diễn văn được đưa ra ngay sau hơn hai tháng người Tàu quậy phá ở thềm lục địa Việt Nam, có nguy cơ chưa kết thúc, vậy mà ông Minh không một lần nhắc tới tên người Tàu.
Ông lại đi nói đến nào là giải quyết đa phương, nào là luật quốc tế,… toàn những vấn đề trừu tượng. Đã thế, ông còn kêu gọi chống cấm vận nữa chứ. Mà Việt Nam có đang bị ai cấm vận đâu? Chả hiểu ông kêu để làm gì!
Thế sao không bực mình cho được.
Thực ra những người theo dõi tình hình Việt Nam hiểu rõ bản chất của chế độ hiện hành, hiểu rõ quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á, hiểu rõ ngành ngoại giao của Việt Nam, có thể cũng không bất ngờ. Nhưng bực thì vẫn cứ bực.
Vì sao không bất ngờ?
Vì nền ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao đảng trị. đảng Cộng sản làm hết mọi thứ. Các viên chức ngoại giao cứ như là kẻ thư lại.
Ngoại giao của Đảng
Khi tôi viết như trên, tôi xin gửi lời xin lỗi đến những người bạn mà tôi rất kính nể và mến mộ trong ngành ngoại giao Việt Nam. Thôi thì như một tác giả vừa viết trong một bài đăng trên Tiếng Dân: Chắc nó chừa mình ra.
Tôi có quen, thân và sơ, tổng cộng là bốn vị Đại sứ Việt Nam thời cộng sản. Cả bốn vị đều là những người hiểu biết, làm việc vất vả, và rất có tâm quyết mong muốn Việt Nam trở nên một quốc gia… “bình thường”.
Thế nhưng, chúng ta nên biết rằng đảng Cộng sản Việt Nam có một ban tên là Ban Đối ngoại Trung ương. Không rõ hiện nay mức độ quyền lực của ban này tới đâu, nhưng ban này từng là nơi quyết định mọi lề lối ngoại giao của Việt Nam, chứ đâu phải các vị đại sứ, mà cũng chẳng phải là ông Phạm Bình Minh.
Chúng ta còn nhớ, bố ông Minh là ông Nguyễn Cơ Thạch, cũng từng là Bộ trưởng Ngoại giao vào thời kỳ nước Việt Nam Cộng sản đang muốn phá thế cô lập của mình vì cuộc can thiệp quân sự vào Cambodia. Người ta nói rằng, ông Thạch không muốn Việt Nam dựa vào người Tàu khi ký hiệp ước Thành Đô. Và ông phải lui về vườn vì tay cầm chịch mọi thứ lúc ấy, kể cả ngoại giao là Lê Đức Thọ, hỗn danh Sáu Búa, gạt ông ra ngoài. Sáu Búa là nhân vật quyền lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, một thời gian dài giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nắm hết mọi ngóc ngách đời tư các đảng viên cao cấp.
Ngược thời gian về trước nữa, trong khi đàm phán hiệp định Paris, các vị Xuân Thủy (Ngoại trưởng miền Bắc Cộng sản), Nguyễn Thị Bình (Ngoại trưởng Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bình phong của Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam) có quyết định chi đâu, mọi thứ là tay Sáu Búa trên kia quyết định hết mọi việc.
Mà cũng chẳng riêng gì nước Việt Nam cộng sản có nền ngoại giao đảng trị như vậy. Nếu ai chịu khó tìm đọc quyển sách mà các đoàn viên cộng sản một thời dùng làm sách gối đầu giường “Thép đã tôi thế đấy”, thì thấy rất rõ, quan điểm ngoại giao của người cộng sản, họ không cho rằng cần phải có ngành ngoại giao. Sở dĩ họ cũng có chức này nọ về ngoại giao, chẳng qua là vì họ vẫn còn phải giao thương với phần còn lại của thế giới.
Nhận vật chính trong tiểu thuyết là Paven nói với người tình cũ, Tonia, là vợ của một viên chức ngoại giao Ba Lan (lúc ấy đang có cuộc chiến Soviet – Ba Lan), rằng: (Người vô sản) chúng tôi không cần cái thứ ngoại giao sản phẩm tiểu tư sản, chẳng qua là chúng tôi vẫn còn phải giao thiệp với các người. (Nguyên văn có thể tôi không nhớ một cách chính xác, nhưng đại ý là như vậy).
Vì thế cứ để đảng làm luôn cho tiện vậy.
Một nền ngoại giao thất bại
Thất bại đầu tiên của ngành ngoại giao cộng sản Việt Nam là hiệp định Geneva. Lực lượng Việt Minh, do đảng cộng sản làm nòng cốt, đã có nhiều chiến thắng quân sự, đẩy người Pháp vào thế rất khó khăn, thế mà dưới áp lực đảng của người Tàu, Việt Minh đành chấp nhận chỉ lấy được một nửa nước, để rồi sau đó dấn thân vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài và đau đớn cho đến tận ngày nay.
Có thể người cộng sản tự hào rằng, họ đã chơi trên cơ trong hội nghị hòa bình Paris, vì người Mỹ rút quân, còn lực lượng của họ vẫn còn nằm lại khắp miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho chiến thắng quân sự của họ hai năm sau đó. Nhưng xin thưa rằng, họ, cũng như người anh em thù hận của họ là miền Nam Việt Nam chỉ là con cờ trong ván cờ lớn của các nước lớn. Sự sụp đổ của miền Nam thực sự đã bắt đầu trước đó 3 năm, khi Nixon quyết định chơi con bài Trung Quốc. Người Mỹ không cần miền Nam Việt Nam như một tiền đồn chống cộng sản nữa.
Dù sao ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt được thành công là đã khôn khéo phá bỏ thế cô lập vào thập niên 1990, mở đầu bằng cuộc rút quân khỏi Cambodia. Nhưng đạt được điều đó là do họ, những viên chức ngoại giao, đã được sự ủng hộ quan trọng của ông Võ Văn Kiệt, nhân vật có nhiều quyền lực trong đảng lúc đó.
Từ khi bắt đầu bỏ những ý thức hệ Mác – Lê (ít nhất về mặt kinh tế), có vẻ như đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận khoa học và nghệ thuật ngoại giao, khi họ gửi người đi học ngoại giao ở phương Tây. Trong số những người đó là ông Phạm Bình Minh đương kim ngoại trưởng. Ông Minh và một số vị cựu đại sứ hiện nay của Việt Nam được học trong trường Fletcher lừng danh của Đại học Tufts miền Đông Bắc nước Mỹ.
Thế nhưng họ có được hành động, được áp dụng kiến thức họ học hay không thì là chuyện của…. Đảng.
Và có khi là của… Công an nữa.
Cứ lấy cái chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra mà xét. Ông Đại sứ Việt Nam bên Đức dù có lẩn thẩn cách mấy cũng không thể dại dột làm một chuyện như vậy. Nhưng mà quyền lực của ông trong tòa đại sứ liệu có cao hơn tay an ninh chìm (có khi hắn cũng chẳng cần chìm) được Đảng cài trong đó?
Trong một cuộc hội thảo tại thủ đô Washington DC, tôi gặp ông đương kim Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc. Tôi bèn đến bắt chuyện. Dù sau thì giữa kinh đô nước Mỹ, chúng tôi vẫn là những người nói cùng thứ tiếng. Đại sứ Ngọc có vẻ là một người cởi mở. Thế nhưng cuộc nói chuyện đã không đi tiếp nữa, vì một cô nhân viên tòa đại sứ khi nhìn thấy tôi đã vội vã cuốn quít kéo ông Đại sứ đi chỗ khác, cứ như tôi đang thực hiện “diễn biến hòa bình” với ông Đại sứ vậy.
Trong tình cảnh các cơ quan ngoại giao bị Đảng “thư lại hóa”, các viên chức ngoại giao cao cấp rất ít khi trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài, vì họ phải chờ… chỉ thị trung ương!
Cơ quan ngoại giao cũng trở thành các cơ quan nhà nước như mọi cơ quan nhà nước khác, nơi mà người ta sẽ đưa vào những người con ông cháu cha, hay đút lót tiền bạc để được… “một suất” đi ngoại giao. Có lần một anh nấu bếp của tòa Đại sứ Việt Nam tại một nước nhỏ kia nói với tôi: Sang cái nước này chả kiếm được gì, lần sau chạy qua chỗ nào thơm thơm mới bõ công!
Trở lại câu chuyện ông Pham Bình Minh và bài diễn văn của ông tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, tại sao người ta không ngạc nhiên mà người ta vẫn bực mình? Vì cái cách ngoại giao ấy, mà nói chung ra là cái cách điều hành đất nước hiện nay, nó không bình thường, nó làm xói mòn ý chí mà sức mạnh tiềm năng của dân tộc này.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bà mất gà và ông Phạm Bình Minh

Bà mất gà và ông Phạm Bình Minh

Mạc Văn Trang
29-9-2019
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bị cư dân mạng chửi ê mặt hai ngày qua. Photo Courtesy
1. Ngày trước ở quê tôi, mỗi khi bị mất trộm buồng chuối, quả mít, con gà … các bà thường hay CHỬI rất dài và chửi mấy ngày liền. Nhưng hay nhất là những bài chửi mất gà, bây giờ vẫn còn được lưu truyền trong sách báo và trên mạng.
Chửi là do KHÔNG BẮT ĐƯỢC KẺ TRỘM, tức quá mới chửi; nghi nhà nào ăn trộm thì cứ chõ vào nhà nó mà chửi: “Cha bố tổ năm đời, mười đời thằng nào, con nào mày bắt trộm gà của bà… Ăn thịt con gà của bà thì cả nhà, cả ổ nhà mày sưng hầu tắc cổ”… Cứ thế mà chửi, chứ không nói TÊN cụ thể đứa nào. Chửi rủa như thế cũng rất tác dụng:
a/ Chửi là để khẳng định mình là người chính nghĩa, bị hại, có quyền chửi; kẻ phi nghĩa là tên ăn trộm, phải bị vạch mặt, lên án.
b/ Chửi là cách xả cơn tức giận để giải tỏa nỗi bực tức, uất ức trong lòng, như xả Stress.
c/ Chửi để cả xóm, cả làng biết để cảm thông chia sẻ với mình và cảnh giác với kẻ trộm; tạo dư luận xã hội đồng thuận, cùng lên án kẻ trộm…
d/ Cả nhà, cả họ đứa ăn trộm thấy nhục nhã, tự kiểm điểm nhau, lục đục với nhau. Có trường hợp đại diện bên ăn trộm phải sang nói với bà mất gà: Thằng cháu trót dại, tôi đã dạy bảo nó, xin lỗi bà và đền bù cho bà, bà bớt giận, đừng chửi nữa…
Còn nếu trường hợp THẤY RÕ KẺ TRỘM thì người ta sẽ đánh đuổi, hô hoán làng xóm ra vây “bắt tận tay, day tận trán” và xử tên trộm chứ ai còn tránh nêu tên kẻ trộm và còn chửi chung chung làm gì nữa…
2. TRUNG QUỐC xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất tại Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam… Cả nước Việt Nam và trên thế giới, ai cũng biết TÊN CƯỚP, ĐÓ LÀ TRUNG CỘNG.
Thế nhưng ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng nước ta, phát biểu tại Kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, đã không dám gọi đích danh tên cướp TRUNG CỘNG mà cứ nói chung chung như bà mất gà không biết kẻ trộm là “thằng nào, con nào”; mà “khí phách” đâu được như bà mất gà, đâu dám “chửi” như bà mất gà, mà chỉ kể lể, giãi bầy, kêu gọi chung chung…
Mình có chính nghĩa, tên trộm phi nghĩa, mà không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa, vạch mặt chỉ tên, lên án mạnh mẽ kẻ phi nghĩa, thì ai cảm thông, ủng hộ mình!?
Thực ra ông Phạm Bình Minh cũng tội, ông đâu có được tự do nói theo ý mình, đâu được như bà mất gà, được Tự do suy nghĩ, Tự do bày tỏ chính kiến, cảm xúc! Vậy nên bà con ta cũng nên thông cảm với ông một phần nào!

Hữu Ước thanh minh và kêu la gì vậy?!

Hữu Ước thanh minh và kêu la gì vậy?!

Hữu ước đã làm đơn tố cáo tôi đến nhiều cơ quan; đến giờ phút này tôi chưa làm đơn tố giác tội phạm đối với Hữu Ước; mặc dzù tôi có nhiều bằng chứng đủ căn cứ khởi tố và bắt tạm giam ngay đối với Hữu Ước.
Tại sao tôi chưa làm đơn tố cáo Hữu Ước? Vì:
– Hữu Ước lên báo chí tố cáo và thách đố đe doạ tôi. Tôi khiêm tốn và nhẹ nhàng nhỏ nhoi đáp lại đôi lời trên Facebook của cá nhân tôi cho vụ việc thêm sôi động;
– Hữu Ước làm đơn tố cáo tôi tới nhiều cơ quan; buộc tôi phải phản tố yêu cầu làm rõ và xử lý những vụ việc tiêu cực và tham nhũng của Hữu Ước. Thế là vụ việc mà Hữu Ước cho rằng chưa được trả lời; không hiểu có lợi hay có hại đối với Hữu Ước đây?;
– Tôi biết một số cán bộ đã có đơn tố cáo Hữu Ước lên các cấp với rất nhiều nội dung sai phạm khác nhau. Uỷ Ban kiểm tra Trung ương đang giao cho Uỷ Ban kiểm tra Đảng uỷ Bộ Công an xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, tôi đang chờ kết luận đó có chính xác không? Nếu thiếu nghiêm minh, không toàn diện và có dấu hiệu bao che cho Hữu Ước thì lúc đó đích danh tôi sẽ làm đơn tố cáo Hữu Ước, không thể để ông ta nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho các bạn thêm một số chứng cứ, để xem ai có thể bao che cho Hữu Ước được không?
Tôi nực cười với luận điệu lươn lẹo của Hữu Ước trên bài báo này:

Tướng Ước nói gì về cáo buộc nhận 2 triệu đô, ‘dính’ AVG?

Minh Đức, thực hiện
29-9-2019
TP – Thời gian qua, mạng xã hội (MXH) lan truyền thông tin trung tướng Hữu Ước – nguyên Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân vướng “nghi án” tham nhũng tại dự án nhà ở cán bộ báo CAND, nhận 2 triệu đô từ phi vụ cô gái có bầu với đại gia và “dính” vụ AVG… Tìm hiểu chuyện này, chúng tôi đã gặp trung tướng Hữu Ước.
Tướng Ước giãi bày với phóng viên. Nguồn: Báo TP
Tướng Ước nói: MXH và Luật sư Trần Đình Triển “kết” tôi một đống “tội” trên facebook và bảo tôi phải 3 lần tử hình. Bốn năm qua, tôi có quá nhiều công việc và đang tập trung sáng tác sân khấu, rồi viết tiểu thuyết “Kiếp người” tập 4, tập 5, vẽ tranh để đấu giá cho các chương trình từ thiện… Để trả lời dứt điểm những cáo buộc này, mọi người chờ tới phiên tòa và chờ buổi họp báo về các vụ việc liên quan giữa tôi và thông tin trên MXH.
Tôi mới có báo cáo và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị cho họp báo công bố kết quả điều tra đơn tố cáo của anh Trần Đình Triển về tôi và những tố cáo của tôi về tội vu khống và làm nhục người khác.
Ông có thể cho biết, trên mạng người ta tố cáo ông về những nội dung cụ thể nào?
LS Trần Đình Triển gửi đơn tố cáo tôi một lần, gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội và nhiều nơi lắm. Tất cả đơn chuyển về Bộ Công an, sau đó Bộ thành lập Đoàn công tác do Thiếu tướng Mai Văn Hà (nay là Trung tướng) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ CA) và một số chuyên viên già dặn kinh nghiệm trong nghề điều tra.
Ngoài Đoàn kiểm tra của Bộ thì Công an TP Hà Nội có 2 cơ quan điều tra vào cuộc gồm: Cảnh sát điều tra và Cảnh sát hình sự. Ba đoàn điều tra xác minh về những việc liên quan tới khu đất mà Báo CAND xin thành phố cấp, khu đất tại Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, khu đất tại Bắc Cổ Nhuế, Từ Liêm và khu đất của Tổng cục II Bộ Quốc phòng.
Lô đất nào anh Triển cũng vu cho tôi là “ma thuật” để ăn tiền, và phải sau gần 1 năm, tháng 7/2017, Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị chủ trì họp có cả Đảng ủy, Ban Biên tập của Báo CAND, tôi (Hữu Ước) và cả Trung tá Lê Kim Chi, Phó ban bạn đọc của Báo, người đang bị xem xét kỷ luật… và cũng là người được Đảng ủy giao đi tìm đất cho Báo, đồng thời cũng là người tố cáo (dưới hình thức nghe dư luận) tôi nhận hối lộ 10 tỷ của anh Long đối tác làm ăn với anh Đạt bạc (Công ty Gia Lộc Phát – Công ty làm chủ đầu tư dự án của Báo CAND tại Bắc Cổ Nhuế – Từ Liêm).
Tại cuộc họp, Đoàn công tác kiểm tra của Tổng cục Chính trị đọc kết quả xác minh điều tra, về phần tôi với 3 lô đất trên, tôi không sai phạm gì, không có dấu hiệu tham nhũng tiêu cực. 10 tỷ mà anh Chi tố cáo nhận của anh Long là không có cơ sở, bởi tôi không biết anh Long là ai và ngược lại anh Long cũng không biết tôi là ai.
Trở lại về 3 khu đất, Đoàn kiểm tra của Tổng cục và 2 cơ quan điều tra là Cảnh sát Hình sự và Cảnh sát Điều tra của CAHN có thông báo cho Trung tướng kết luận điều tra không? Cuối cùng là thế nào?
Về nguyên tắc là tôi không được xem các kết quả hay kết luận kiểm tra xác minh hoặc điều tra, mặc dù tôi phải làm việc và chuẩn bị hồ sơ… Anh xem kìa (chỉ vào đống hồ sơ đang chồng dưới đất), tôi phải làm việc với 3 đoàn hết tháng này tới tháng khác, khoảng gần một năm thì kết thúc và tôi không thấy phải kiểm điểm hay phải giải trình với bất cứ đoàn nào.
Lãnh đạo Bộ không yêu cầu tôi phải giải trình bất cứ vấn đề nào. Tóm lại là tôi không sai phạm và vi phạm pháp luật. Với 3 khu đất trên, ông Triển dựng lên những câu chuyện thật to tát, tôi sai phạm, tham nhũng tiêu cực rất nghiêm trọng nhưng thực ra chỉ là những sự việc bịa đặt.
Nhưng nếu những thông tin trên mạng là xác thực thì ông không thể vô can, khi đã ký nhiều văn bản  được cho là “ ma thuật” để trục lợi  tại những dự án này? 
Tôi nói vắn tắt, Đảng ủy và Ban Biên tập báo CAND từ thời anh Ngô Vĩnh làm tổng biên tập chứ không phải tôi, giao cho ông Lê Kim Chi đi xin đất và kết nối với đối tác là các công ty xây dựng có tiềm lực để liên kết làm nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Báo CAND và lo thủ tục giấy tờ với điều kiện bên B là chủ đầu tư, báo làm gì có tiền và có tư cách pháp nhân.
Nếu việc xin đất, liên kết làm nhà ở của cán bộ, chiến sỹ báo CAND hoàn thành, ông Chi được hưởng 2 suất và không phải đóng tiền xây dựng. Vì thế báo CAND không phải bỏ ra một đồng nào cho việc xin đất trên để làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ.
Ấy thế mà LS Triển nói, báo phải bỏ ra gần 2 tỷ để giải phóng mặt bằng, chi phí ở dự án chợ Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh.
Việc nữa là xin đất thành phố rất khó khăn, xin được rồi nhưng không giải phóng được mặt bằng, hoặc lại rơi vào khu quy hoạch công viên nên phải xin khu khác.
Sự thật, hai doanh nghiệp liên doanh với báo có được cấp đất và được sử dụng tại 2 khu đất ở chợ tạm Tân Xuân, Xuân Đỉnh và ở Bắc Cổ Nhuế đâu. Sự thật cuối cùng là liên kết giữa báo và hai công ty kia không thực hiện được.
Vậy thì tại sao lại bảo tôi thu đống tiền từ 2 dự án này? Ông Triển đưa thông tin về việc này tới dư luận cứ như là hai khu đất kia doanh nghiệp chiếm rồi ấy là không trung thực.
“Nhận 2 triệu đô từ phi vụ cô gái có bầu với đại gia”?
Năm 2018, trên facebook, ông bị cáo buộc nhận 2 triệu đô la của một đại gia ở Công viên Ước vì một lá đơn kiện của một cô gái có thai với đại gia này gửi ông khi ông còn làm TBT Báo CAND?
Khi ông Triển đưa lên facebook thông tin này thì ngay sau đó một loạt báo chí hải ngoại, đài phát thanh hải ngoại đọc ra rả ngày đêm là: “Bắt Trung tướng Hữu Ước liên quan tới việc mua dâm của …”. “Đường dây mua dâm của… – bắt khẩn cấp tướng Công an Hữu Ước”….
Theo tôi được biết thì thông tin này được dựng lên từ ông Lê Kim Chi – lính của tôi khi ấy làm Phó ban bạn đọc. Một đêm ông Chi vào một khách sạn, gặp được một cô gái tiếp viên tên là T. Cô ta có kể tâm sự về mối quan hệ với đại gia X và có thai, nhưng vị đại gia cho rất ít tiền.  Ông Chi như vớ được vàng và bảo cô gái là sẽ “dạy” cho đại gia X một bài học. Ông Chi hẹn gặp cô gái ấy tại quán cà phê gần ngã tư Lý Thường Kiệt – Quán Sứ.
Từ câu chuyện cô gái kể ông Chi đọc nội dung đơn để cô chép gửi Thiếu tướng Hữu Ước, TBT Báo CAND. Lá đơn đó ông Chi giữ lại và đưa cho luật sư Triển người bào chữa cho vụ khởi tố ông Chi của Công an TP Hà Nội về tội “Lừa đảo…”. Từ lá đơn này ông Triển viết câu chuyện trên facebook về tội lỗi của đại gia X “có sự tiếp tay của Hữu Ước”, vì thế mới có câu chuyện tố Hữu Ước tống tiền đại gia X 2 triệu đô la.
Đại gia X bị bắt, sự thật sáng tỏ là Hữu Ước chưa bao giờ nhận hối lộ 2 triệu đô la từ ông này.
Tôi nói ví dụ, ở Báo CAND ai cũng biết ông Lê Kim Chi cấp bậc trung tá. Vậy mà, trong văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Triển viết “Thượng tá  Lê Kim Chi”; việc ông Triển viết trong các đơn rằng bố ông Chi là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng không đúng sự thật.
Ngay cả việc tôi làm việc với Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật của Đoàn Luật sư Hà Nội, cụ thể là với luật sư Hoàng Ngọc Biên – Phó Chủ tịch Hội đồng và luật sư Nguyễn Hữu Hiền – Thư ký Hội đồng ngày 16/10/2018 cũng bị ông Triển xuyên tạc. Cuộc làm việc có ghi biên bản, trong đó tôi viết tay thêm là: “Tôi đề nghị có buổi đối chất chứng cứ, tài liệu giữa tôi và ông Triển, xin đề nghị có báo chí dự, công khai trên báo chí”.
Vậy mà ngày 7/11/2018, trên facebook của ông Triển lại viết: “Ông Ước đề nghị được gặp tôi và 2 đại diện HĐKTKL được phân công để hòa giải”. Tôi tự trả lời: “Tôi kiên quyết không gặp ông Ước, tài liệu có dấu hiệu tham nhũng sao lại hòa giải? Trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước và trước dân ở đâu mà gặp nhau để rồi bỏ qua, lấp liếm?”. Việc này là đổi trắng thay đen giữa ban ngày. Toàn thông tin cố tình bịa đặt suy diễn.
Trung tướng Hữu Ước, cựu Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân. Nguồn: TP
Chúng tôi được biết, còn có dư luận ông là người có liên quan tới thương vụ mua bán giữa Tổng Công ty MobiFone – AVG, tiếp đó là vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông? 
Đó là câu chuyện của người ngoài hành tinh chứ không phải chuyện của tôi… Bởi vì ông Triển đánh giá tôi quá cao. Mới đây, một người bạn nhắn tin cho tôi: “Anh Hữu Ước ơi, anh là cái “Rốn” của vũ trụ à? Việc gì anh cũng nhảy vào được. Anh điều hành được cả Bộ trưởng, yếu nhân và các đại gia “khủng” của nước nhà cơ à? Anh giỏi quá, hí…
Với AVG, Truyền hình CAND hợp tác ngay từ đầu trước khi lên sóng để thành lập Công ty Ninh An chương trình lên sóng và lấy tài trợ, quảng cáo. Việc hợp tác giữa ANTV và AVG là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an chứ không phải do tôi là người đề xuất.
Qua 9 năm hoạt động khẳng định, đây là một chỉ đạo đúng đắn sáng suốt và hiệu quả của Bộ Công an. Bởi, truyền hình Công an không được Chính phủ hỗ trợ vốn. Bắt đầu từ tay trắng, nếu Bộ không chỉ đạo liên doanh, hợp tác với AVG thì lấy đâu ra cơ sở vật chất kỹ thuật để truyền dẫn phát sóng và sản xuất chương trình… AVG đầu tư rất nhiều cho Truyền hình CAND mà chưa được hưởng lợi gì. Nếu có lãi của tài trợ, quảng cáo thì cho hết ANTV.
Còn về cá nhân tôi với AVG, trong quá trình điều hành ANTV tôi và lãnh đạo AVG có rất nhiều trục trặc, có giai đoạn căng thẳng. Vì tôi đã phá bỏ một số hợp đồng với AVG vì nó không hợp lý. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Quang Bền đã chủ trì họp gồm: Tổng cục trưởng, tôi (Tổng biên tập), Đảng ủy Truyền hình ANTV và lãnh đạo AVG họp bàn giải quyết vướng mắc để ANTV và AVG tiếp tục hợp tác và hiện nay AVG vẫn hợp tác rất tốt với ANTV.
Như vậy, AVG với tôi đâu phải là một thì làm sao tôi lại là chủ mưu trong vụ mua bán Mobifone và AVG.
Đối với vụ cháy của Nhà máy Bóng đèn Rạng Đông, ông Triển viết “Dấu hiệu vi phạm pháp luật cần khởi tố Hữu Ước”. May quá, nguyên nhân của vụ cháy đã được xác định là do sự cố điện không thì ông Triển lại “buộc tội” tôi là chủ mưu của vụ cháy này.
Tôi đâu biết ai là cổ đông của Bóng đèn Rạng Đông, và làm gì có người thân nào ở Bóng đèn Rạng Đông. Ông Triển đưa tôi vào mối quan hệ thân thiết với vợ chồng bà Yến, ông Đạt. Trong khi vụ việc xảy ra, tôi đã làm đơn và cung cấp bằng chứng có dấu hiệu “Lưa đảo khách hàng và liên doanh ma” với ông Long Cty ty  Gia Lộc Phát  cho Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an đề nghị lập vụ án về Cty Gia Lộc Phát… Mà anh Đạt là “mối” của ông Lê Kim Chi, thân chủ của anh Triển đấy chứ!
Trong một lần trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông có nói, “nhìn tiền như thuốc độc…”, ông nghĩ sao lại đưa ra nhận định như vậy?
Đúng rồi, tôi có nói thế vì tôi luôn nghĩ: “Làm quan mà không nhìn tiền là thuốc độc, thấy tiền cứ tưởng là cái bánh của trời, thì sớm muộn gì không vào tù thì cũng bị mất chức… Tôi lãnh đạo Báo CAND, An ninh Thế giới, Văn nghệ Công an, Cảnh sát Toàn cầu và Truyền hình, Điện ảnh, Phát thanh CAND, tổng cộng là 20 năm, quyền lực có thể nói là nhiều, một ngày ký quá nhiều việc, nhiều tiền mà không nhìn tiền như thuốc độc thì tôi không còn ngồi đây để nhà báo phỏng vấn vì chỉ với 5 năm thôi (2014- 2019) với tôi đã có 9 cuộc thanh tra, kiểm tra và điều tra. Hiện, có Đoàn thứ 10 của Đảng ủy Công an T.Ư đang thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động của Truyền hình Công an thời tôi làm TBT. Ngay cả đến chức danh TBT Truyền hình CAND mà còn có tới 3 đoàn kiểm tra để làm rõ xem có đúng không.
Bởi, thời điểm đó tôi kiêm nhiệm ba chức vụ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Tổng biên tập Báo CAND, Tổng biên tập Truyền hình CAND. Còn với tiền, tôi ký thì một đồng cũng có tới ba đoàn đã kiểm tra.
Đối với tài sản của tôi thì dù là có 1 m2 đất cũng được điều tra làm rõ nguồn gốc. 5 năm qua tôi “mõm” hết cả người. Trung tướng Mai Văn Hà, hiện thay tôi lãnh đạo hệ thống Báo chí Truyền thông CAND, người đã làm trưởng một Đoàn kiểm tra biết hết mọi chuyện của tôi đã nói với tôi: “Chỉ có ai tham gia thanh tra, kiểm tra thì mới hiểu anh thôi. Anh là nghệ sỹ, nhưng anh “thoát” được tất cả gươm giáo bởi vì tay anh sạch, có thế thôi…”
Tôi muốn hỏi Trung tướng, việc ông tố cáo luật sư Trần Đình Triển, việc đó diễn biến thế nào rồi?
Sau khi có đơn của tôi gửi, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội được giao thụ lý để điều tra, xác minh tới nay đã gần một năm. Tôi biết là đã có kết quả điều tra gửi VKS Hà Nội, Tòa án Hình sự Hà Nội và VKSND Tối cao. Tôi không được thông báo và được xem báo cáo kết quả này. Nhưng bằng sự thật và chân lý tôi đã chứng minh việc tôi tố cáo ông Trần Đình Triển vu khống và làm nhục người khác là có cơ sở và bằng chứng. Còn vụ việc tới đâu là thuộc quyền của các cơ quan hành pháp.
Tôi rất có hy vọng về phiên tòa này và đề nghị Bộ hoặc Công an Hà Nội có cuộc họp báo làm rõ mọi chuyện liên quan tới tôi trong thời gian sớm nhất…
Liên quan đến những cáo buộc từ MXH, ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình cho độc giả được không?
Điều bức xúc nhất của tôi là trên MXH lề trái quy chụp, quan chức là quan tham. Thử hỏi nếu thế làm sao đất nước ta có được như ngày hôm nay. Cuộc sống này còn nhiều điều tử tế lắm chứ.
Còn nỗi buồn của tôi là luôn nghĩ con người của cuộc sống hôm nay ít chịu hiểu nhau và cố tình không hiểu nhau. Tôi rất thích câu nói của một danh nhân: “Một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nếu chịu hiểu nhau thì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Đó là một chân lý muôn thuở.
Cảm ơn Trung tướng!

Cục Quản Lý Dược là “tổ chức tội phạm” trong việc nhập thuốc dỏm, thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Cục Quản Lý Dược là “tổ chức tội phạm” trong việc nhập thuốc dỏm, thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Ngày 14/4/1993, tôi ký bút danh Vương Linh viết bài “VỤ QUẢN LÝ DƯỢC BỘ Y TẾ: “CỬA NGÕ” NHẬP THUỐC TÂY DỎM?” đăng trên Báo Phụ Nữ Thứ Tư. Tôi viết tựa theo thể xác định, chị Thế Thanh – Tổng Biên tập, chịu chơi chỉ thêm dấu hỏi vào tựa cho bớt tính khẳng định.
Đây là bài viết chống tiêu cực đơn độc, không được các đồng nghiệp hỗ trợ.
Số là, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, để có nguồn thuốc phục vụ nhân dân, Bộ Y tế đã tiến hành nhập thuốc từ nhiều nước tư bản để thay thế nguồn thuốc XHCN thiếu hụt!
Trước nhu cầu đó, nhiều hãng dược nước ngoài mở văn phòng đại diện tại VN để tiếp thị với các công ty dược phẩm & dược liệu quốc doanh. Được Bộ Y tế giao xét duyệt, cấp số luu hành, DS Phan Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Quản lý Dược, đã thao túng thủ tục để được hối lộ.
Nhiều hãng dược bị làm khó dễ, không được cấp số đăng ký lưu hành, hay được cấp “quota chuyến” để nhập thuốc đặc trị theo nhu cầu của bệnh viện, đã LÀM ĐƠN TỐ CÁO VỤ QUẢN LÝ DƯỢC LÊN BỘ Y TẾ và tôi.
Đầu năm 1993, bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân (một GS có chuyên môn và đạo đức) cho thanh tra Vụ Quản lý dược, thì lòi ra từ năm 1992 trở về trước, Vụ QLD đã cấp số đăng ký (được lưu hành tại VN) cho hơn 1.500 mặt hàng thuốc nhập khẩu.
Trong đó, Vụ QLD cấp số đăng ký “ma” cho 192 mặt hàng thuốc (không thông qua hội đồng xét duyệt, hoặc không kiểm tra chất lượng tại VN, hay thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sản xuất) tức là tỷ lệ mặt hàng “thuốc giả” được phép nhập vào VN chiếm tỷ lệ gần 13% (192/1.500).
Riêng, DS Phan Văn Tín đã cấp đến 149/192 măt hàng thuốc có số đăng ký “ma”. Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân đình chỉ chức Vụ trưởng Vụ quản lý dược của DS Tín, chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra.
Biết khó thoát tội, trưa ngày 5/3/1993, Vụ trưởng Phan Văn Tín đã treo cổ chết tại nhà riêng….
Sau khi DS Tín tự xử, Công an điều tra không khởi tố 2 vụ phó là DS Tạ Ngọc Dũng và DS Phan Xuân Lễ (có hành vi tham gia cấp số đăng ký lưu hành cho 192 mặt hàng thuốc giả vào VN) mà chỉ chăm chăm điều tra hành vi không thu 130.000 USD/282.000 USD lệ phí cấp số đăng ký.
Thư tuyệt mạng của DS Tín viết, ông giao cho DS Lễ phụ trách thu lệ phí, nhưng 8 tháng sau, Công an mới khởi tố DS Dũng về hành vi “không làm đầy đủ trách nhiệm trong việc thu lệ phí công ty của các công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc và dược liệu vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hơn 2 năm sau, ngày 19/4/1995, Công an đình chỉ điều tra DS Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân chỉ còn nước hối thúc Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật DS Dũng và DS Lễ để răn đe, nhưng có “trát” ở trên (có thể của thủ tướng hay phó thủ tướng phụ trách văn xã) yêu cầu ngưng họp xét kỷ luật, nên bộ trưởng Trọng Nhân giơ tay đầu hàng tham nhũng và từ chức vào tháng 10/1995.
Cũng may, DS Dũng và DS Lễ không được lên Vụ trưởng QLD và các thứ trưởng không lên quyền bộ trưởng, mà GS Đỗ Nguyên Phương (có bằng bác sĩ, lấy tiến sĩ chính trị bên Liên Xô) – đang là Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, được điều về làm bộ trưởng.
Việc đầu tiên, bộ trưởng Phương đề nghị Thủ tướng ký quyết định thành lập Cục Quản lý dược trên cơ sở tổ chức lại Vụ Quản lý dược. Ngoài việc đổi tên xả xui, bộ trưởng Phương cũng không đem tài dạy đạo đức, quan điểm, lập trường để dẹp được tham nhũng ở Cục Quản lý dược.
Vì chưa bị bàn tay công an sờ đến, Cục Quản lý dược như đám kiêu binh trong bộ, càng về sau, các ông Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường càng thăng chức như diều gặp gió, cứ ngồi ghế cục trưởng QLD đúng 3 năm là nhảy phóc lên ghế thứ trưởng phụ trách dược.
Tiền đông như quân nguyên, hai cục trưởng này tai tiếng đầy mình, bị các hãng dược tố cáo búa xua, chẳng ra cái giống ôn gì! Riêng thứ trưởng Cao Minh Quang cậy thế liên tục tố cáo nội bộ, mượn tiền tỷ của hãng dược xài chơi, và chỉ đến khi bị UB Kiểm tra TƯ sờ gáy, thì mới bị thủ tướng 3X cách chức!
Vụ án thuốc ung thư giả là giọt nước tràn ly, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Nhân đây, tôi xin Bộ Công an làm ơn làm phước ngăn chặn thuốc giả, để Cục QLD đừng giết bệnh nhân nữa, bằng cách mở “Chuyên án Quản lý dược, bao gồm việc cấp số đăng ký cho thuốc giả và thuốc kém chất lượng và đấu thầu thuốc từ năm 1990 đến nay”.
Không có chuyên án này, thì thuốc giả vẫn tồn tại, dù bà Kim Tiến nói tỷ lệ thuốc giả 0,1% là có giảm, nhưng đây chỉ là dung sai của bà Tiến và của “tử thần” cho phép!
P/S: Trả lời phỏng vấn báo Tin Tức ngày 1/2/2017, bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khoe “đã kéo giảm tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 (nói láo – thay vì 13% của DS Tín) đến nay xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%” là nhờ Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23/8/2013, yêu cầu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu của các hãng sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại VN.
Bà Tiến còn khoe có tới 103 hãng sản xuất dược nước ngoài bị kiểm tra 100% lô hàng như vậy!
Thánh thần ơi! Với các nước khác, chỉ một lần phát hiện thuốc lưu hành kém chất lượng là họ cấm nhập khẩu tất cả mặt hàng của hãng dược đó, còn Cục QLD VN phải tẩn mẫn kiểm tra 100% lô hàng của 103 hãng dược từng bị phát hiện có những mặt thuốc kém chất lượng đang lưu hành tại VN.
Như vậy, còn cả ngàn hãng dược khác – chưa bị phát hiện thuốc lưu hành tại VN kém chất lượng – thì Cục QLD chỉ kiểm tra ngẫu nhiên vài lô hàng của hàng chục mặt hàng thuốc xin cấp số đăng ký mới!
27 năm, mà kéo giảm tỷ lệ thuốc giả (mà được cấp số đăng ký) từ 7% giảm xuống 0,1%, mà bà Tiến vẫn tự hào, cho nên bị cáo Nguyễn Minh Hùng – TGĐ VN Pharma, mới nói thẳng vô mặt tòa: “Thuốc ung thư giả là bình thường”, và bà Kim Tiến vẫn “mồm chu, mỏ nhọn” cãi không phải thuốc ung thư giả!
Trong bài báo nói trên, bà Tiến cho biết “Sẽ triển khai dự án nâng cấp 2 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
Nghĩa là, 2 viện kiểm nghiệm chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế mà đã phát hiện 0,1% thuốc giả và 3% thuốc kém chất lượng, vậy thì đến khi 2 Viện đạt chuẩn quốc tế thì tỷ lệ thuốc giả sẽ tăng lên bao nhiêu hả bà Kim Tiến?
______
Ảnh chụp bài báo cũ của ông Mai Bá Kiếm:

Dấu ấn anh Sáu

Dấu ấn anh Sáu

29-9-2019
Anh Sáu ở đây là anh Phan Văn Sáu – Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, địa phương chi tiền tỷ ra lắp camera ở nhà anh và 15 thuộc cấp.
Anh Sáu, nổi tiếng là hiền lành đến mức không làm mích lòng bất kỳ một ai. Ai cũng nhận xét anh là lúc nào cũng cười cười, gật gật. Hồi anh làm Tổng Thanh tra Chính phủ, cấp dưới đi thanh tra đất đai công sản tại Nghệ An và Khánh Hòa, thanh mãi thanh miết từ cuối 2015 đến nay, không có kết luận. Họp chỉ đạo xử lý vụ AVG, anh cũng không muốn làm mích lòng ai với câu nói bất hủ “Toàn đồng đội cả nên không biết xử lý thế nào”.
Vụ bán Cảng Quy Nhơn, giao anh thanh tra cũng không đâu vào đâu…
Anh không dám làm buồn ai, lại thương lính. Như anh Nguyễn Minh Mẫn, cả cơ quan ai cũng biết là ai, nhưng qua tay anh Sáu, thì được giao chức Quyền Vụ trưởng Vụ 3, chuyên thanh tra lĩnh vực văn hóa. Kết quả (tra gu gồ).
Cũng may, anh ở TTCP chỉ từ 4/2016 đến 10/2017 thì chạy về địa phương. Anh xin thôi nhiệm vì lý do sức khỏe anh yếu, gia đình khó khăn.
Trước khi về TTCP, anh làm Bí thư An Giang, anh cũng hiền khô. Thời đó, buôn lậu tung hoành. Còn gian thương ngành cá tra hại dân vô kể. Anh chưa kịp đóng góp gì cho địa phương thì được ra TTCP.
Rồi anh về Sóc Trăng, anh hiền nổi tiếng. Cấp dưới hết lấy ngân sách làm mấy cái lò đốt rác phun toàn khí Dioxin đến làm lò thiêu xác chưa xài đã sập, anh ngần ngừ mãi không xử sợ lính tâm tư.
Thời của anh, Trịnh Sướng bán xăng giả tung hoành cả tỉnh; đại gia bánh pía thì đòi xử nhà báo… bát nháo vô cùng. Gặp mấy tay tham mưu lắp camera, anh cũng cho lắp luôn, dù đó là ngân sách Đảng.
Thiệt ra, nếu đã xin từ nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ vì sức khỏe, gia đình khó khăn thì anh cũng đừng nên gồng mình về Sóc Trăng làm Bí thư tiếp. Khổ thân anh, mà khổ cho dân. Thời của anh, rất nhiều người gặp anh đều nhận xét: Ổng hiền dữ lắm.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Bao giờ Việt Nam có luật về sách nhiễu và tấn công tình dục?

Bao giờ Việt Nam có luật về sách nhiễu và tấn công tình dục?

26/09/2019
Amanda Nguyễn, 27 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE.
Đinh Yên Thảo

Tuần này, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang nhóm họp tại New York, một phụ nữ gốc Việt là cô Amanda Nguyễn cũng đã có mặt để vận động hành lang LHQ thông qua nghị quyết về quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp thế giới. Trên trang mạng change.org, bản kiến nghị của cô được người ủng hộ vào ký tên hàng giờ, cho đến nay đã có hơn 283 ngàn người ký tên so với mục tiêu đạt đến con số 300 ngàn người.
Amanda Nguyễn, 27 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE với mục đích tranh đấu cho dân quyền của những nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục, được xem là người thay đổi diện mạo của các điều luât liên bang Hoa Kỳ về nạn tấn công tình dục.
Sáu năm trước, năm 2013, cô là một nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp đang trong năm cuối đại học. Khi đi tìm công lý cho mình, Amanda đã nhận ra rằng các luật định và thủ tục hành chính đầy phiền toái và không đồng nhất giữa các tiểu bang đã gây khó khăn rất nhiều cho các nạn nhân. RISE ra đời, Amanda kêu gọi người dân ký kiến nghị trên trang mạng change.org và bỏ công vận động các nhà lập pháp, nhận được vô số sự ủng hộ từ người dân, giới nghệ sĩ và truyền thông. Cuối cùng Đạo Luật Quyền những Nạn Nhân bị Tấn Công Tình Dục (Sexual Assault Survivor's Rights Act) với hơn 20 luật đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và tổng thống Obama ban hành sắc lịnh năm 2016.
Amanda Nguyễn đã nhận được nhiều giải thưởng, mới nhất là được hai dân biểu đề cử giải Nobel Hoà Bình 2019 cùng giải thưởng Heinz Awards trị giá 250 ngàn sẽ được trao vào tháng 10 tới. Câu chuyện của Amanda cho thấy với nỗ lực và sự tiên khởi của một cá nhân trước một vấn đề được xã hội quan tâm cũng có thể tạo nên sự thay đổi rất lớn.
Trong khi đó, 6 tháng trước, một phụ nữ có tên Nguyệt Hà (Hạ?) tại Hà Nội cũng khởi xướng một kiến nghị thư gởi đến Quốc Hội Việt Nam với tên gọi "Kiến Nghị Bổ Sung và Điều Chỉnh Một Số Quy Định Pháp Luật nhằm Phòng Chống một cách Hiệu Quả (Tình Trạng) Quấy Rối và Bạo Lực Tình Dục" trên cùng trang mạng change.org. Kiến nghị ghi là từ "các công dân, nhóm và tổ chức tại Việt Nam" đồng ký tên ngay sau vụ Đỗ Mạnh Hùng đã sàm sỡ với một nữ sinh viên trong thang máy tại Hà Nội nhưng chỉ bị phạt hành chánh với số tiền 200 ngàn đồng VN hồi tháng Ba năm nay.
Mức phạt trò đùa mà Việt Nam cho rằng vì chưa có luật để xử, đã nên sự phẫn nộ cho công luận và người dân. Nên chính vì đó mà các vụ tương tự lại liên tục xảy ra.
Chỉ một tháng sau, cựu Viện Phó Viện Kiểm Soát Nhân Dân Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh lại sờ mó một bé gái trong thang máy. Rồi mới tháng trước, một gã đàn ông khác là Đào Đức Thành không chỉ sàm sỡ với một cô gái tại một tầng hầm chung cư Hà Nội mà còn tát tai cô và những người can ngăn khi bị phản ứng.
Mới nhất là cuối tuần qua, cộng đồng mạng lại phẫn nộ khi tin tức lan truyền về một bác sĩ tại Huế bị cho là hành hung một nữ điều dưỡng phải nhập viện sau khi gạ tình bất thành.
Ngoại trừ Nguyễn Hữu Linh được đưa tin là "bị xử 18 tháng tù", còn lại các vụ việc trên đều là "đang tiếp tục điều tra". Chúng hoặc đã hay sẽ đi vào quên lãng một khi công luận lắng xuống, cho dù có những vụ đã có sẵn chứng cứ, nhân chứng và nạn nhân cùng gia đình lên tiếng tố cáo. Có những vụ các nạn nhân bị buộc phải im lặng vì sự mua chuộc hay hăm doạ từ kẻ phạm tội. Phụ nữ và trẻ nhỏ xem ra chưa được luật pháp bảo vệ như họ cần được bảo vệ. 
Các nguồn số liệu về nạn sách nhiễu và tấn công tình dục tại Việt Nam thường không đầy đủ và thiếu rõ ràng nhưng theo thăm dò từ tổ chức NGO ActionAid 2014 được các báo trong nước và nước ngoài (AFP) trích lại là có đến 87 % phụ nữ và các bé gái Việt Nam cho biết họ từng đối diện việc xách nhiễu tình dục cách nào đó. Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội thì ước tính có khoảng 2,000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm, một con số mà chính trong báo cáo viết rằng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì chúng chỉ được biết đến khi liên quan đến các tội hình sự. Con số có là bao nhiêu thì thực tế là, phụ nữ và những bé gái Việt Nam vẫn đối diện nhiều nguy cơ bị sàm sỡ, suồng sã ngang nhiên nơi công cộng cho đến việc bị tấn công hay cưỡng hiếp chừng nào không có những biện pháp ngăn chận và trừng phạt thích đáng.
Người dân Việt Nam có lẽ cần bắt đầu cần tham gia vào các chiến dịch ký tên vào các bản kiến nghị gởi đến chính phủ về những sự quan tâm cùng các sự bức bối của mình. Trên bản kiến nghị tiếng Việt kêu gọi ngăn chận tình trạng tấn công tình dục sau hơn sáu tháng khởi xướng chỉ được khoảng 25 ngàn chữ ký như hiện nay xem ra là khá ít ỏi so với hàng chục ngàn người vào "like" một tấm ảnh cô người mẫu hở hang hay một đôi dòng trạng thái mời xem sô diễn của một anh hề nhạt nhẽo nào đó. Giải quyết đến đâu là trách nhiệm của chính phủ nhưng sự lên tiếng của công luận nếu đạt đến hàng đôi ba trăm ngàn người tham gia ký tên ắt cũng buộc giới thẩm quyền ít nhiều phải lưu tâm. Dẫu sao cũng đáng mừng khi có người khởi xướng và nhiều người hưởng ứng trong việc kêu gọi thay đổi luật lệ về nạn tấn công tình dục. Trên bản kiến nghị đã dẫn, một cô gái tên THT ký tên với lý do "Tôi ký tên vì tôi và những người bạn gái đã từng bị quấy rầy tình dục ngay ở nơi công cộng (trên đường đi học về)". Một người ký tên khác là NSMN viết "Nếu hôm nay không phải là bạn, ngày mai có thể là chị, em, con cháu của bạn hoặc là chính bạn". Và NCT viết, "Luật pháp cần có các chế tài để bảo vệ các em nhỏ bị xâm hại. Xâm hại tình dục, đặc biệt với trẻ nhỏ phải bị trừng phạt theo tố tụng hình sự". 
Sách nhiễu và tấn công tình dục là vấn nạn của cả thế giới, không riêng gì chỉ Việt Nam. Hoa Kỳ và nhiều nước đã tuyên chiến, đưa ra những luật lệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ trẻ em và phụ nữ, cũng như trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội ở bất cứ hình thức và cấp độ nào, từ việc lưu giữ hình ảnh khỏa thân của trẻ em đã là phạm hình luật, chưa kể đến việc xách nhiễu, tấn công. Cũng một vấn nạn, Amanda Nguyễn đã thành công trong việc thay đổi luật lệ nước Mỹ về vấn nạn này, còn ở Việt Nam,người dân đã lên tiếng và kiến nghị, bao giờ Quốc Hội Việt Nam sẽ đưa ra luật lệ liên quan?
(Từ Dallas, Texas)