Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Con ông Chung "khởi nghiệp"

Con ông Chung "khởi nghiệp"

Trương Châu Hữu Danh
19-7-2019
Bài báo này được đăng trên trang "Doanh nhân và Xã hội", nhưng hiện không truy cập được.
Lại Nguyên Ân
Sau khi hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây ồ ạt đổ vào sông Tô Lịch làm mất toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi đã kích hoạt; cuốn trôi công sức của chuyên gia Nhật Bản trong gần 2 tháng qua, dư luận băn khoăn với câu hỏi: Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật (miễn phí) và ngân sách chi gần 160 tỷ mua hóa chất xử lý ở công ty “con ông Chung”, cái nào hiệu quả hơn?
Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản vừa có công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành về việc lùi thời gian thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch thêm 2 tháng, tới ngày 17/9.
Theo công văn này, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đang được triển khai và kết quả bước đầu rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân. Tuy nhiên, khi mọi việc đang diễn biến rất tốt thì Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào đầu nguồn sông Tô Lịch – nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án!
Lượng nước xả ra rất lớn, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ MỘT cửa xả đầu nguồn duy nhất! Khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá. Các chuyên gia Nhật phải làm lại từ đầu và cần thời gian trên một tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan.
Ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết trong tháng 6 qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đưa chế phẩm Redoxy-3C vào thí điểm một đoạn trên sông Tô Lịch. Cùng thời điểm này, Hà Nội cũng cho thí điểm chế phẩm này ở Hồ Tây. Việc thí điểm chỉ trong vòng một tháng. Sau khi đưa chế phẩm này vào thử nghiệm, bước đầu khu vực thử nghiệm đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có kết quả thử nghiệm khách quan, thành phố đã giao một đơn vị quan trắc độc lập cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi các chỉ số, sự thay đổi của nguồn nước và sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố xem xét các bước tiếp theo. Đến nay, chưa rõ kết quả thế nào nhưng việc thí điểm trên sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C thì đã dừng.
Điều đáng quan tâm là, việc xử lý ô nhiễm do các chuyên gia Nhật thực hiện là miễn phí. Báo chí và người dân ghi nhận các chuyên gia Nhật không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp lội xuống bùn để thực hiện công việc. Việc làm của các chuyên gia Nhật Bản khác hoàn toàn với cách mà chàng sinh viên 20 tuổi con trai Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã làm là mở công ty và bán hóa chất độc quyền cho thành phố xử lý ô nhiễm với số tiền rất khủng.
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Đức Hạnh, 20 tuổi, con trai ông Nguyễn Đức Chung, đứng ra mở Công ty TNHH Arktic tại số 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa. Trụ sở công ty này được đặt cùng với siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Chung. Siêu thị Minh Hoa do vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa và con trai ông Chung là Nguyễn Đức Hạnh đứng tên.
Image result for Hình Nguyễn Đức Hạnh con Nguyễn Đức Chung
Nguyễn Đức Hạnh, con trai ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội. Ảnh trên mạng
Sau khi con trai mở công ty, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo xuất ngân sách mua độc quyền hóa chất RedOxy-3C tại Công ty Arktic. Để giúp Arktic bán được hàng với số lượng lớn dù công ty này chưa từng có kinh nghiệm xử lý ô nhiễm, nhiều sở, ngành ở Hà Nội đã họp bàn liên tục và quyết định chỉ mua duy nhất tại công ty của gia đình ông Chung (con trai ông Chung vẫn đang sống cùng ông) và không mua ở bất cứ nơi đâu.
Image result for Hình Nguyễn Đức Hạnh con Nguyễn Đức Chung
Hai bố con ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh trên mạng do BVN thêm.
Theo hồ sơ do Tổng cục Hải quan đang quản lý, chỉ riêng hóa chất RedOxy-3C, công ty con ông Chung đã nhập về khoảng 420 tấn, giá khai báo hải quan khoảng 90 tỷ đồng. Số hóa chất này bán độc quyền cho Hà Nội, theo chào giá của công ty Arktic là khoảng 158 tỷ đồng! Con số chênh lệch giá gần 70 tỷ đồng, sau khi trừ thuế má và chi phí khác, Arktic phải bỏ túi sơ sơ hàng chục tỷ đồng.
Cho đến nay, việc tiêu tốn ngân sách để mua sản phẩm từ công ty con trai ông Chung đã quá lớn, nhưng kết quả xử lý ô nhiễm rõ ràng không khả quan và thành phố vẫn đang nhờ các chuyên gia Nhật Bản xử lý ô nhiễm.
Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật hay “công nghệ con ông Chung” chưa biết cái nào tốt hơn, nhưng Công ty Arktic do cậu sinh viên 20 tuổi sáng lập đã thu lãi cực lớn từ chỉ đạo mua độc quyền của ông Nguyễn Đức Chung là có thật.
Sau khi dư luận lên tiếng, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cấp dưới thành lập đoàn thanh tra để thanh tra… công ty con mình lập ra. Việc thanh tra có thể cho ra kết quả rất đẹp, rằng không có tiêu cực gian dối, rằng hóa chất này rất tốt và nên sử dụng. Nhưng với cách thức vận hành của Arktic cũng như sự sốt sắng chỉ đạo mua độc quyền của ông Chung, rõ ràng cha con ông không hề trong sáng! Với những gì đang diễn ra, cấp dưới của ông Nguyễn Đức Chung sẽ khó mà “thanh tra” khi chính ông chỉ đạo mua hóa chất từ công ty gia đình ông sở hữu.
Theo GS Mai Đình Yên – chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam – không có lý gì mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lại không biết việc các chuyên gia Nhật đang thí điểm dự án trên sông Tô Lịch trước khi xả nước.
“Vì sao lại xảy ra tình trạng như thế? Nguồn cơn phía sau là gì? Ai chịu trách nhiệm cho việc này khi mà toàn bộ thành quả gần 2 tháng của các chuyên gia Nhật Bản đã thành công cốc chỉ sau một đợt xả nước” – GS Yên nêu, đồng thời cho rằng các bên liên quan cần có cái nhìn tổng thể, hãy nhìn đa chiều để đánh giá khách quan vấn đề, nếu không sẽ dễ gây hiểu lầm.
Đảng, Chính phủ khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, làm giàu chính đáng để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và Tổ quốc. Nhưng với cách khởi nghiệp mà cha con ông Chung đang thực hiện tại Arktic, lợi ích cho bản thân và gia đình đã quá rõ, còn lợi ích cho Tổ quốc, thì phải xem lại.
Việc ông Chung cần làm lúc này, là chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương để vụ việc được khách quan hơn!
T.C.H.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.