Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

BỘ TRƯỞNG THỜI XƯA

BỘ TRƯỞNG THỜI XƯA 


Long Dao

BỘ TRƯỞNG THỜI XƯA 

Hôm trước đọc bài phỏng vấn GS Hoàng Tuỵ, có một chi tiết gợi trí tò mò. Đó là khi ông kể vào năm 1975, bệnh sốt rét đã được giải quyết hoàn toàn ở miền Bắc, nhưng vẫn còn ở miền Nam. Vì thế sau khi thống nhất, sốt rét bùng phát trở lại. Theo lời GS Tuỵ, ông bộ trưởng y tế thời đó đã vào Nam nghiên cứu chữa sốt rét rồi mắc bệnh và chết. 

Vì giáo sư Tuỵ không nói rõ đó là người nào, tôi phải lần tìm lại tiểu sử của 3 bộ trưởng y tế những năm gần đó: Phạm Ngọc Thạch (BT 1959-1968), Nguyễn Văn Hưởng (1969-1974), Vũ Văn Cẩn (1974-1982). Đọc tiểu sử của ba ông có nhiều điều thú vị, tôi tổng hợp ra đây để mua vui cho các bạn. 

1) Ba ông sinh trưởng ở ba miền khác nhau: ông Thạch ở Bình Định, ông Hưởng ở An Giang, ông Cẩn ở Hưng Yên. Thân thế cũng khác nhau, nhưng đều là “học sinh giỏi”, tốt nghiệp Y Khoa Hà Nội, có lẽ rất hiếm vào thời đó. Ông Thạch và ông Hưởng đều được sang học ở Pháp. 

2) Các ông đều là những nhân vật “chuyên giỏi hơn hồng”. Đương nhiên đều là Đảng viên, nhưng trước đó các ông đã là những người lẫy lừng tài năng, được trọng dụng qua các triều đại. Ông Thạch và ông Hưởng mở phòng mạch riêng rất thành đạt giàu có từ trẻ. Ông Cẩn năm 30 tuổi là bác sĩ cho quân đội Pháp, đến 32 tuổi đã là Cục trưởng cục quân y Việt Minh, năm sau mới vào Đảng (!). Các ông đều có những đóng góp rất cụ thể cho y khoa nước nhà, từ nghiên cứu, sản xuất đến tổ chức. 

3) Cuộc đời của các ông chắc đều có thể viết tiểu thuyết hay dựng phim. Như ông Thạch dòng dõi hoàng tộc, bố mẹ mất sớm, lấy vợ Pháp, hai ông bà trải qua nhiều bi kịch vì lựa chọn đi theo cách mạng của ông. Ông được mật vụ Nhật giúp tổ chức Thanh niên Tiền phong để cướp chính quyền của Pháp. Ông Cẩn như trên đã nói, 32 tuổi đã là cục trưởng quân y, 40 tuổi trực tiếp chỉ đạo quân y cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 

4) Dù là bác sĩ, bộ trưởng y tế, nhưng các ông đều mắc bạo bệnh khi đương chức. Ông Thạch vào chiến trường miền Nam, bị sốt rét mà chết (có lẽ cụ Tuỵ nghĩ đến ông khi trả lời phỏng vấn?). Nhưng cũng có thể là ông Cẩn, vì ông cũng mất vì bệnh năm 1982 khi còn khá trẻ. Ông Hưởng cũng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người nên phải rời bỏ chức bộ trưởng. Sau này ông đã tự luyện tập để trở lại bình thường, và xuất bản sách về dưỡng sinh. Ngày xưa đọc truyện Tàu tôi hay thấy có đoạn các lương y thường hay bị trời bắt đi sớm, vì chữa bệnh cho người là trái mệnh trời, không biết có ứng vào các ông hay không?

Không riêng gì bộ y tế, mà các lãnh đạo thời xưa nhiều người thực sự là các nhân vật kiệt xuất của xã hội Việt Nam lúc đó. Như GS Tạ Quang Bửu. Theo Wiki thì lên 7 tuổi ông đã nổi tiếng vì kết quả xuất sắc trong một kỳ thi Hán ngữ-Văn hoá Việt-Toán (thật đáng ngạc nhiên vì ngày xưa đã có thi học sinh giỏi rất toàn diện như vậy!). Sau đó ông đi học Toán và khoa học ở những trung tâm nổi tiếng như Sorbonne và Oxford rổi mới về VN. Có lẽ ông là người duy nhất trên thế giới đã từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục VÀ Bộ Quốc phòng! 

Từ khoảng những năm đầu 90, chất lượng của các lãnh đạo đã đi xuống rõ rệt. Tất nhiên tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân. Các tổ chức, từ quốc gia đến công ty, sau những thành công bước đầu đều có tình trạng “hồng hơn chuyên”. Vì khi đã qua giai đoạn khó khăn, thuận buồm xuôi gió, thì những người kiệt xuất sẽ không được cần đến, mà sẽ là thời của các bạn nhờ nhờ, được lòng quần chúng hơn là có tài năng. Hai là có lẽ từ khi mở cửa kinh tế thì các chức vụ trở nên béo bở hơn, dẫn đến những người cơ hội, thạo “kỹ năng mềm” sẽ đua tranh quyết liệt hơn, đẩy những người có thực tài ra bên lề (điều này cũng đang diễn ra trong nhiều trường đại học ở Mỹ, khi học phí càng cao thì những người có tài về chuyên môn ngày càng ngại làm quản lý, nhường sân cho những người chuyên tâm làm "chính trị" từ trẻ). 

Đó là xu hướng tất yếu, nhưng cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ vì độ vênh giữa suy nghĩ và phẩm chất của hai giới nghiên cứu và quản lý ngày càng lớn, dẫn đến sự dễ đổ vỡ trong tương tác.

3 nhận xét :

  1. Một điều thú vị nữa là tất cả ông ấy và nhiều ông khác nữa ( kể các chính trị gia như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...) được coi là có tài năng và đức hạnh đều học qua các trường của bọn thực dân. Theo ý bài viết này thì "từ những năm đầu 90, chất lượng của các lãnh đạo đã đi xuống rõ rệt"! có nghĩa là mái trường XHCN thua xa trường của bọn thực dân! Các thế hệ "cháu ngoan Bác Hồ" thua cháu ngoan các bác Albert Sarraut,Paul Doumer...
    Trả lời
  2. Nhân tài đất việt thời nào cũng có!chỉ có điều họ có được trọng dụng hay không mà thôi! Thời nay đang có nhiều dấu hiệu đi xuống của xã hội vì đang tồn tại năm dấu hiệu mà cụ Lê Quý Đôn đã đúc kết và để lại di huấn cho đời sau!!!
    Trả lời
  3. Năm dấu hiệu đó là:1.trẻ không kính già.2.trò không trọng thầy.3.tham nhũng tràn lan.4.sỹ phu ngoảnh mặt.5.binh kiêu tướng thoái!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.