Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Này Trump, tôi cũng là người Mỹ

Này Trump, tôi cũng là người Mỹ

Lễ khánh thành Vườn Đô Thị Valley Verde tại San Jose - tác giả Thắng Đỗ bảo trợ cho dự án này, gây hạt giống cơ hữu và huấn luyện cách trồng hoa quả cho người thu nhập thấpBản quyền hình ảnhĐỖ THẮNG
Image captionLễ khánh thành Vườn Đô Thị Valley Verde tại San Jose - tác giả Thắng Đỗ (giữa) bảo trợ cho dự án này, gây hạt giống hữu cơ và huấn luyện cách trồng hoa quả cho người thu nhập thấp
Tổng thống Donald Trump gần đây bị chỉ trích dữ dội vì vài câu 'túyt' như ông vẫn thường làm. Lời phê bình đương nhiên đến từ phe đối lập đảng Dân chủ, nhưng ngay cả trong đảng Cộng hòa, một số chính khách cũng lên tiếng phản đối. 
Lãnh đạo của nhiều quốc gia khác cũng đả kích tinh thần kỳ thị trong 'túyt' này.
Người bênh vực Tổng thống lập luận rằng lời phát biểu này không đụng chạm gì đến cá nhân ai, hoặc chủng tộc và màu da, do đó không có gì là kỳ thị. Họ cũng cho rằng phe đối lập chỉ trích bất cứ điều gì Tổng thống nói; Tổng thống là người ăn nói vụng về, nhưng nói thật, và họ ủng hộ nội dung của lời phát biểu, dịch nguyên văn như sau:
"Thật là thú vị khi thấy các "Nữ Dân Biểu Dân Chủ Cấp Tiến", họ đến từ các quốc gia với chính phủ hoàn toàn là một đại họa, bọn tệ hại, thối nát và bất tài nhất của bất cứ nơi nào trên thế giới (nếu họ còn có chính phủ), bây giờ lớn tiếng hung hăng dạy dỗ người dân Hoa Kỳ, Quốc gia vĩ đại và hùng mạnh nhất địa cầu, cách điều hành nhà nước. Sao họ không về nơi họ đã bỏ đi mà giúp cải thiện các xứ sở hoàn toàn hư hỏng và đầy rẫy tội phạm đó. Làm xong rồi hãy quay trở lại cho chúng ta biết cách cải thiện như thế nào. Mấy xứ đó rất cần sự giúp đỡ của mấy bà, mấy bà đi lẹ lẹ lên. Tôi chắc rằng Nancy Pelosi sẽ rất hân hoan thu xếp cho các bà phương tiện chuyên chở miễn phí". 
Đúng là Tổng thống không gọi đích danh người nào, nhưng bất cứ ai ít nhiều theo dõi tin tức đều hiểu rằng ông ám chỉ "bộ tứ" các nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Rashida Tlaib và Ayanna S. Pressley, trong đó chỉ có Omar là người sinh trưởng tại Somalia và đến Mỹ năm 10 tuổi. 
Ocasio-Cortez và Tlaib, tuy bố mẹ đến từ các xứ sở khác, nhưng họ sinh ra tại Mỹ. Còn gia đình bà Pressley là người da đen đã sống ở Mỹ từ bao nhiêu đời. Xuất xứ khác nhau, nhưng "bộ tứ" này giống nhau ở ba điểm chính: họ là phụ nữ, họ da màu, và họ đã từng công kích mạnh mẽ chính sách của Tổng thống Trump.
Nữ dân biểu Alexandria Ocasio-CortezBản quyền hình ảnhSPENCER PLATT/GETTY IMAGES
Image captionNữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez
Còn để hiểu đoạn 'túyt' trên có kỳ thị hay không, hãy đặt ngược vấn đề.
Trên thực tế, liệu có ai nói với Donald Trump là nếu ông không thích nước Mỹ (ông luôn mồm chỉ trích các chính sách của Mỹ ở các thời tiền nhiệm) thì ông về nước ông đi? Hoặc nếu không phải là Donald Trump mà là các người da trắng khác, liệu có ai nói thế không?
Nữ dân biểu Ilhan OmarBản quyền hình ảnhCHIP SOMODEVILLA
Image captionNữ dân biểu Ilhan Omar
Câu trả lời giản dị là không. Người ta không nói, vì họ coi các nhân vật này là người Mỹ "thật". Làm sao có thể bảo một người Mỹ "thật" đi về nước của mình, làm gì có nước nào để đi về?
Nhưng hầu hết người da màu, kể cả người viết, đã từng bị câu nói đó chĩa vào mình: "không thích hả, không thích thì về đi". Đằng sau câu nói đó là ngụ ý: Da màu không phải là Mỹ "thật". Da màu chỉ được Mỹ cho vào nhập cư; cho vào được thì đuổi ra cũng được. 

Thế nào là người Mỹ?

Thiếu tướng Lương Xuân Việt nói mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là "quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai"Bản quyền hình ảnhSTATESMAN.COM
Image captionThiếu tướng Lương Xuân Việt nói mình là quân nhân Hoa Kỳ nhưng cũng là "quân nhân Việt Nam Cộng hòa thế hệ hai"
Khác với hầu hết các quốc gia khác, nước Mỹ chưa bao giờ là một xã hội thuần chủng. Ngay từ khi những người Anh đến Tân Thế Giới để tránh sự đàn áp tôn giáo ở nước của họ, đã có một số đông người thổ dân da đỏ sinh sống tại đây. Lái buôn người sau đó đưa người da đen đến nước Mỹ để làm nô lệ cho người da trắng. Những đợt di dân khác đón thêm hàng chục triệu người từ Châu Âu và Á, với đủ các màu da. 
Đợt di dân nào lúc đầu cũng bị kỳ thị vì họ mang theo các tập quán, ngôn ngữ và tôn giáo lạ lẫm với những người đến trước. Ngay cả những người từ Châu Âu, như Ý, Bồ Đào Nha, Ba Lan và các xứ Đông Âu khác đều bị cho rằng họ "chưa Mỹ đủ" trong nhiều năm mới đến xứ sở này. Khi được chấp nhận là người Mỹ, họ quay sang kỳ thị các nhóm khác mới đến. Người di dân từ Châu Á đã là nạn nhân của những chính sách kỳ thị như Đạo Luật Cấm Người Hoa, hay việc giam người gốc Nhật vào trại tập trung.
Thế thì ai mới là người Mỹ thật?
Nước Mỹ là quốc gia đã được thành lập dựa trên một số nguyên tắc, chứ không theo bất cứ chủng tộc hoặc tôn giáo nào. Thật thế, Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ có câu "mọi người sinh ra bình đẳng", mà không nói đến màu da hay bất cứ tính dân tộc nào khác. Cùng lúc, Hiến pháp Mỹ chỉ nói về các giá trị dân chủ, tự do và công bằng, và trách nhiệm của mỗi công dân Mỹ là trung thành với Hiến pháp, chứ không với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora người Mỹ gốc Việt, cùng vợ (trái) và con gáiBản quyền hình ảnhVIRGINIA NATIONAL GUARD PUBLIC AFFAIRS
Image captionChuẩn tướng Lapthe Chau Flora (giữa) là một trong các Chuẩn tướng người Mỹ gốc Việt
Tóm lại, định nghĩa về người Mỹ hoàn toàn không dựa trên màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Bất cứ ai sống ở Mỹ hợp pháp, tin vào và trung thành với Hiến pháp Mỹ đều là người Mỹ như nhau.
Vì thế, tôi, một người di dân da vàng, là một người Mỹ chính cống. Có thể tôi nhìn không giống nhiều người Mỹ khác, có thể tôi không sinh hoạt theo tập quán dòng chính, thậm chí có thể tôi nói tiếng Anh với khẩu âm chưa hoàn toàn chuẩn. Nhưng tôi không "ít M‎ỹ" hơn bất cứ ai khác, cũng như tôi không "Mỹ hơn" những người đến sau tôi.
Cho nên, khi bảo một người da màu "về nước đi", câu nói đó ngụ ‎ý là người da trắng "Mỹ hơn" người da màu. Đó là tinh thần kỳ thị, xét người dựa trên màu da hay chủng tộc. 
Xin đừng ai nói với tôi câu đó. Tôi là một người Mỹ hoàn toàn, không hơn không kém bất cứ người Mỹ nào khác.
---
Tác giả Thắng Đỗ là một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, và là thành viên hội đồng quản trị của hội PIVOT (Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến).

Tin liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.