Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Giải mã bí ẩn lịch sử

Giải mã bí ẩn lịch sử

Nguyễn Đình Cống
27-12-2018
Trong lịch sử cận đại VN có 1 sự kiện được nhắc đến nhiều, nhưng chứa 1 bí ẩn lớn, chưa thấy ai công bố lời giải. Sự kiện là vào năm 1945-46 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ nhưng không nhận được trả lời. Bí ẩn là lý do của sự việc không trả lời đó. Đây thuộc vấn đề biết kết quả, cần tìm và giải thích nguyên nhân.
Thư Hồ Chí Minh gửi TT Mỹ. Ảnh trên mạng
Đơn giản nhất là hỏi Tổng thống Mỹ, nhưng ông ta chết mất rồi. Liệu ông có nói với ai hoặc để lại bút tích gì liên quan đến việc này hay không. Tiếc rằng hình như chúng ta chưa bao giờ đề ra và nhờ những nhân vật quan trọng của Mỹ giải đáp. Ngoài ra thì có thể suy đoán, đưa ra giả thuyết rồi chứng minh hoặc bác bỏ.
Gần đây, đọc bài Mênh mông thế sự số 56 của GS Tương Lai, tôi thấy ông viết: “Nhưng vì sao mà những bức thư của Hồ Chí Minh không có hồi âm? Đơn giản chỉ vì, người Mỹ không tìm thấy được chút lợi ích nào trong chuyện chìa tay ra với Hồ Chí Minh của Việt Nam ở sát mép nước Biển Đông tít tắp bên kia bờ Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ”. Có lẽ GS Tương Lai cũng chỉ mới dự đoán thế thôi chứ chưa chứng minh để rút ra kết luận.
Tôi đưa ra giả thuyết theo hướng khác. Khi còn ở rừng núi thời kỳ 1944-45, Hồ Chí Minh đã tốn nhiều công sức để liên lạc với quân Mỹ vì biết rằng chính quyền Mỹ ủng hộ sự giải phóng thuộc địa. Và họ đã có những giúp đỡ tích cực cho Đội quân của Võ Nguyên Giáp. Nhưng cụ Hồ cũng biết Mỹ chống cộng sản.
Để giải quyết mâu thuẫn, không biết ai đã nghĩ ra mẹo giải tán ĐCS Đông Dương. Nếu khôn ra thì giải tán xong ĐCS, cùng với những đảng viên ấy lập đảng mới, lấy tên là đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ chẳng hạn và tạm lờ chủ thuyết cộng sản để tập trung cho độc lập dân tộc. Đằng này không biết ai bày ra kế sách rút vào bí mật. Tưởng như thế lừa được Mỹ, nhưng không lừa được.
Tôi đưa ra giả thuyết rằng chính vì việc này mà TT Mỹ không trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đoán, nếu thực sự vì độc lập dân tộc thì đảng chấp nhận giải tán và lập đảng mới, nhưng vì quá nặng ý thức hệ cộng sản, quá bị lệ thuộc vào Đệ Tam quốc tế mà rút vào bí mật. Khốn nỗi Đệ Tam quốc tế đã bị Stalin giải tán từ 1941, mà là giải tán thật chứ không định lừa ai cả. Lừa thế nào được.
Việc tự tuyên bố giải tán ĐCS Đông Dương vào tháng 11/1945 được viết rõ ràng trong lịch sử, nhưng hình như không có văn bản nào ghi lại quá trình dẫn đến việc này, ai đề xướng đầu tiên, những ai đã tham gia thảo luận và biểu quyết, những ý kiến khác nhau nào đã được thảo luận. Đây cũng là một bí ẩn của lịch sử.
Trong các văn bản, những sử gia và nhà lý luận của Đảng ra sức ca ngợi sự sáng suốt của việc trên, cho rằng đó là một nước cờ cao. Tôi nghĩ hơi khác. Để biết cao thấp đến mức nào phải xem hết những tác dụng tốt và xấu do nó mang lại. Còn bản chất sự việc là lừa dối. Rút vào bí mật mà tuyên bố giải tán là lừa dối. Lừa nhân dân VN, lừa chính phủ Mỹ, lừa toàn thế giới. Lừa xong nhưng không biết cách thông báo ngầm cho ĐCS Liên xô, đến nỗi họ tưởng thật. Thì ra định lừa Mỹ nhưng Mỹ không mắc mà Liên xô lại mắc. Nghe nói hồi năm 1950, khi Hồ Chí Minh sang Liên Xô, bị Stalin hỏi, tại sao giải tán ĐCS, phải thanh minh mãi mới được.
Việc TT Mỹ không trả lời các thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo một lý do đẹp cho hành động xấu của nhiều quan chức và tổ chức của ĐCSVN. Rất nhiều thư, kiến nghị của các cá nhân hoặc tập thể gửi đến tổ chức hoặc CB lãnh đạo của ĐCS VN không bao giờ nhận được tin phản hồi chứ đừng mong được trả lời. Khi gặp trực tiếp được ai đó để hỏi, họ trả lời như sau: Thì TT Mỹ có trả lời thư Hồ Chí Minh đâu mà bảo chúng tao trả lời cho chúng mày. Câu trả lời rất đáng được ghi vào tuyển tập các sự kiện lạ của thế giới.
Đoán rằng đã có người ngấm ngầm nghiên cứu và giải mã bí ẩn trên, nhưng chưa công bố kết quả, tôi chỉ đưa ra giả thuyết (đoán) chứ chưa phải là kết luận nghiên cứu, chỉ là một gợi ý để nghiên cứu sinh nào về sử có thể nâng thành đề tài luận án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.