Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Vua chém gió

Vua chém gió

Đỗ Thành Nhân
31-12-2018
Ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội, hay nói về “vua tập thể”; với những câu nổi tiếng như: “Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng sẽ trở thành ông Vua tập thể, ông Vua cộng sản mất rồi. Như vậy là Đảng chủ, Đảng toàn trị chứ không phải dân chủ nữa” (1)
Hay như câu: “Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời Cộng hòa XHCN”. (2)
Bài viết này phát triển ý tưởng “vua cá nhân” trong “vua tập thể” của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nghĩa “vua” được hiểu là người có năng lực trong một lĩnh vực nắm giữ trọng trách quốc gia; hoàn toàn không có ý như “vua” của các triều đại quân chủ.
***
Đầu năm 2016, hòa trong tinh thần chào mừng Đại hội đảng XII thành công tốt đẹp, tôi thu thập dữ liệu xây dựng phần mềm Tra cứu tìm hiểu 200 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII” (3).
Sau đó, cơ quan an ninh mời làm việc mấy ngày về động cơ, mục đích, nguồn thông tin xây dựng phần mềm và chia sẻ lên facebook (tôi sẽ viết lại chuyện này khi thấy thích).
Từ số liệu phần mềm (tháng 2/2016), xử lý phổ tuổi của Ủy viên Bộ chính trị (xem hình), có những điều ngẫu nhiên thú vị:
Phổ tuổi 55 đến 63 là 9 năm, gồm 17 người phủ tương đối đều, thì có 2 khoảng trống cũng đúng 9 năm. Về phía thấp là ông Võ Văn Thưởng, 46 tuổi; về phía cao là ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi. Với 3 khoảng thời gian 9 năm, giữa người cao nhất và người thấp nhất tương đương với một thế hệ. Xét về mặt tuổi tác thì ông Nguyễn Phú Trọng đáng cha ông Võ Văn Thưởng.
Nếu có sự kế thừa trong Đảng và theo như những câu nói của ông Nguyễn Văn An, thì nếu ông Trọng là “vua cha” thì ông Thưởng là “vua con” (ngẫu nhiên thứ hai là ghép lại thành “Trọng Thưởng”).
Cái ngẫu nhiên thứ ba, ông Trọng khởi điểm là cán bộ cơ quan Đảng; còn ông Thưởng lại là cán bộ Đoàn; mà Đoàn lại là cánh tay đắc lực của Đảng.
Cái ngẫu nhiên thứ tư là ông Trọng là tiến sĩ xây dựng Đảng ở Liên Xô còn ông Thưởng học ban triết học Mác Lê Nin tại Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Phú Trọng đến nay là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, có thể nói là “vua”. Nhưng dấu ấn ông Trọng để lại trong người dân cả nước nhiều hơn là “người đốt lò vĩ đại”. Đó là công cuộc chống tham nhũng trong Đảng mà từ những nhiệm kỳ trước đó không làm được.
Ngoài những chức vụ ông Nguyễn Phú Trọng đảm trách; có thể gọi thêm là “vua đốt lò”, sau khi chọn thì “củi” nào cho vào lò cũng cháy tuốt.
***
Vậy thì nên gọi ông Võ Văn Thưởng là “vua” gì?
Là Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất, là thế hệ “quy hoạch” sẽ tiếp nhận chuyển giao điều hành quốc gia trong tương lai, với vai trò là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi nghe ông Thưởng tuyên bố rất ư là triết học duy vật biện chứng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”(4).
Nhiều người vui mừng, hy vọng; đồng thời với công cuộc đốt lò của cụ Tổng Bí thư sẽ tạo ra bước đột phát về lý luận và thực tiễn.
Không những ở Trung ương, mà đi xuống địa phương nào ông Thưởng cũng hô hào, chỉ đạo phải đối thoại, đối thoại và đối thoại. Ví dụ như:
Tiếp xúc cử tri Đồng Nai, nơi ông Thưởng làm Đại biểu Quốc hội, “ông Võ Văn Thưởng đề nghị chính quyền địa phương phải tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân, cầu thị, lắng nghe người dân trình bày và giải quyết thấu tình đạt lí; Phải làm hết trách nhiệm trên cơ sở tôn trọng lợi ích của dân chứ đừng e ngại, né tránh.”(5)
Về Quảng Ngãi, nơi ông từng làm Bí thư, ông Thưởng chỉ đạo: “Đảng muốn mạnh, Đảng phải lắng nghe dân. Chính quyền muốn mạnh thì chính quyền phải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của dân để giải quyết cho tốt“(6). Thậm chí nhiều người dân nghe ông Thưởng nói trên TV, phải thán phục là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói hay thật!
Xem clip của Đài PTTH Quảng Ngãi:
Video Player
00:00
01:07
Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài sự chỉ đạo cấp dưới đối thoại; chưa bao giờ thấy ông Thưởng tổ chức đối thoại theo đúng nghĩa “sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” (4).
Nếu như có đối thoại, tranh luận để “tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” thì chắc chắn ông Võ Văn Thưởng sẽ đến nỗi: cuối năm 2017 “Tôi cũng băn khoăn lo lắng là cán bộ, đảng viên của mình đi tìm kiếm thông tin xấu nhiều quá, chính điều này làm cho phức tạp tình hình” (7);
Cuối năm 2018 ban hành các quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; theo đó: “Người làm báo không đưa ra các quan điểm, chia sẻ cá nhân, hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân đã viết, đăng tải và trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác” (8).
Đơn giản một điều là: chân lý bao giờ cũng duy nhất. Hoặc như ông bà thường nói “vàng thật thì sợ gì lửa”.
***
Tóm lại:
Nghe Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói về đối thoại và chỉ đạo cấp dưới đối thoại rất nhiều, nhưng lại chưa bao giờ thấy thực sự đối thoại.
Với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được tôn vinh là “người đốt lò vĩ đại” – “vua đốt lò”; thì ông Võ Văn Thưởng nên gọi là “vua” gì cho phù hợp. Không lẽ là “vua chém gió” như dân mạng xã hội hay nói đùa với nhau?!
Tôi cũng mong ông Võ Văn Thưởng thực sự “đối thoại”, ít nhất đến nay tôi cũng đã gởi cho ông ba cái đơn rồi.
Nên nhớ, đến lúc này ông Võ Văn Thưởng vẫn là UVBCT trẻ nhất!
____
Ghi chú:
(3) Phần mềm “Tra cứu tìm hiểu 200 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII” còn lưu tại địa chỉ: https://www.mediafire.com/folder/8qn9hw1vd4747/Prg_UVTW_K12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.