Lộ trình dân chủ hóa cho Việt Nam
Nguyễn Kiều Dung (1)
Khi xem xét các đề xuất lộ trình dân chủ trước đây, có hai điều đặc biệt quan trọng mà tôi thường thấy thiếu vắng, đó là: (i) Xây dựng nền móng tri thức cho một nền dân chủ (bao gồm nâng cao dân trí) và (ii) Đảm bảo nền dân chủ vận hành hiệu quả.
Hoàn cảnh Việt Nam hiện nay rất khác với Liên Xô và Đông Âu thời 1989. Như tôi luôn khẳng định (2): 43 năm sau thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam đang ở tính trạng đặc biệt yếu kém, với thu nhập/đầu người và năng suất lao động đứng gần bét ASEAN (chỉ hơn Campuchia, thua cả Lào). Mức thu nhập đầu người 4.4 triệu/tháng năm 2017 là mức rất thấp, không đủ sống. Luật pháp, chính trị, giáo dục, báo chí, văn hóa, khoa học kỹ thuật, tài nguyên môi trường đều ở mức đáng xấu hổ, nhân cách người Việt bị hủy hoại nặng nề, do việc lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm triết lý chủ đạo và việc chính trị hóa trường học. Những người can đảm nhất dám phê phán để xã hội tốt lên thì bị đàn áp, trong khi những kẻ ngậm miệng, luồn cúi thì được tôn vinh. Đó là những minh chứng sống động cho năng lực lãnh đạo kém cỏi, triết lý quản lý xã hội bệnh hoạn của Đảng cũng như sự thất bại của mô hình chính trị. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt nam chưa trên đà lao xuống vực như Liên Xô, Đông Âu thời 1989 hay Venezuela mới đây chưa khiến cho các lãnh đạo Đảng phải hốt hoảng cân nhắc chuyển đổi chính trị ngay.
Có một số người hy vọng TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành một Gorbachev của Việt nam. Cho dù (một xác suất vô cùng nhỏ) ông Trọng có tư tưởng như vậy, người Việt cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam
để thấy rằng mọi sự sẽ không diễn ra như Liên Xô. Nghĩa là đứng trước một ngôi nhà đổ nát sắp sụp, lãnh đạo phải quyết định đánh bộc phá để phá sập cho nhanh để xây cái khác. Nhiều người khác phân tích những lời nói của ông Trọng và cảm thấy thất vọng. Tôi nghĩ rằng ông Trọng nói gì không quan trọng. Có nhiều điều ông ấy nói nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, lại làm ngược lại. Chẳng hạn vụ nhất thể hóa, nhiều người đã chỉ ra cách đây 2 năm ông ấy nói hoàn toàn khác. Hoặc khi mới trở thành Tổng Bí thư, ông Trọng cho biết không có ý định làm điều gì đột phá, chứ không hề thổ lộ một kế hoạch “đốt lò” rầm rộ như hiện nay. Nếu thời cơ chưa đủ chín, số người bảo thủ trong BCHTƯ còn đông đảo, thì việc sớm hở ra “tư tưởng Gorbachev” sẽ chỉ khiến các thế lực bảo thủ phản ứng dữ dội và tìm cách tiêu diệt. Bài học Triệu Tử Dương vẫn còn nguyên giá trị.
Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng hi vọng ông Trọng trở thành một Gorbachev Việt nam là vô cùng nhỏ và không đáng để trông đợi. Khả năng cao là ông ấy chỉ có ý định chống tham nhũng, tinh giản bộ máy nhà nước, và giảm bớt ảnh hưởng của Đảng (thông qua cắt giảm số tờ báo tuyên truyền cho Đảng, theo thông tin báo chí đã đưa), đợi khi nào Việt Nam trở nên giàu có rồi tính tiếp. Nhưng nếu vậy, không có gì đảm bảo những người kế nhiệm sẽ tuân thủ kế hoạch của ông, và công sức của ông sẽ xuống sông, xuống biển. Đấy là chưa kể, cứ tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế trong khi kết quả rất kém như thời gian vừa qua, đồng thời duy trì những chủ thuyết phát triển cũ kỹ giáo điều như Chủ nghĩa Marx-Lenin đến nỗi phá hoại nền luật pháp, nền giáo dục, nền chính trị, nền báo chí, nền khoa học…, tạo sự giả dối tràn lan trong xã hội, hủy hoại nhân cách người Việt, là cái giá quá đắt mà dân tộc phải trả.
Trên thực tế, tất cả những gì đáng gọi là thành tích của Đảng khiến Việt Nam tạo được ấn tượng đối với thế giới là chiến thắng trong đối đầu quân sự với Pháp và Mỹ giai đoạn trước 1975. Những điều Đảng đã thực hiện từ khi thống nhất hai miền Nam - Bắc đến nay chỉ là sửa sai chứ không đáng gọi là thành tích. Xã hội miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa đã có những nền tảng tốt của một kinh tế thị trường và của một nền dân chủ đa nguyên. Thế nhưng sau 1975, Đảng phá bỏ hết những nền tảng đó, để rồi năm 1986, nhận ra sai lầm lại quyết định sửa sai bằng phá rào Đổi mới để áp dụng kinh tế thị trường. Ngay cả công cuộc chống tham nhũng ngày nay của ông Trọng cũng chỉ là sửa sai (các đảng viên tham nhũng cho nên Đảng phải trừng phạt) thậm chí còn mang tiếng là đấu đá nội bộ chứ không phải thành tích. Suốt từ 1975 đến nay, hết thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác của Đảng nối đuôi nhau đi vào lịch sử như một đám người thiển cận, bất tài, thậm chí kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
Cách duy nhất để ghi điểm với nhân dân lúc này là cởi mở mạnh mẽ về chính trị. Ông Trọng (và những người kế nhiệm ông) cần thấy được sứ mệnh lịch sử của mình và nỗ lực tối đa để dân chủ hóa. Quan điểm của tôi là ông Trọng nên tập trung sức lực loại bỏ những thành phần bảo thủ và bổ nhiệm những người cấp tiến vào những vị trí cao nhất trong Đảng để chuyển đổi dân chủ càng sớm càng tốt để bảo vệ thành quả Đổi mới Chính trị. Việc này thậm chí còn quan trọng hơn là chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, những người Việt yêu quý tự do cũng cần thiết kế một lộ trình dân chủ có khả năng giải tỏa những lo lắng của người dân, và chuẩn bị cho một biến cố đặc biệt (nếu có), chẳng hạn một cú sốc kinh tế, chính trị, hoặc khoa học kỹ thuật, dẫn đến việc Đảng bắt buộc phải nhanh chóng chuyển đổi chính trị. Có 2 cách để tuyên truyền cho người dân: (i) Tuyên truyền rộng rãi cho đại chúng; (ii) Tuyên truyền cho nhóm người nổi tiếng (những người có ảnh hưởng đối với xã hội nhờ vị trí lãnh đạo, nhờ công việc mà họ phụ trách, hoặc khả năng thu hút sự quan tâm của công chúng nhờ tài năng hoặc hoàn cảnh đặc biệt, v.v…). Trước nay mọi người vẫn chỉ quan tâm chủ yếu đến cách (i). Cách này tôi nghĩ không đem lại nhiều hiệu quả lắm với điều kiện hiện nay. Tôi nghĩ hiện nay nên tập trung vào cách thứ hai. Các tổ chức chính trị, dân sự ở ngoài có thể thành lập các trang web “Những người Nổi tiếng” để thu hút sự quan tâm của họ nếu như không thể tiếp cận họ.
Tôi đề xuất một Lộ trình Dân chủ gồm 3 giai đoạn như dưới đây. Trong mỗi giai đoạn có nhiều nhóm hoạt động được tiến hành song song.LỘ TRÌNH DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM (Dự kiến tổng thời gian để hoàn thành lộ trình: 7 -10 năm) | |
Các hoạt động | |
GIAI ĐOẠN I | (Giai đoạn I lẽ ra phải được tiến hành từ cách đây 30 năm, khi bắt đầu Đổi mới. Bây giờ cũng là rất muộn để bắt đầu sửa sai.) |
Xây dựng nền móng tri thức cho một nền dân chủ | Xây dựng tẩng lớp học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính và nhân bản (3). Chấm dứt chính trị hóa hệ thống nghiên cứu và giảng dạy. Phổ biến quan điểm khuyến khích học hỏi tất cả những tinh hoa Pháp lý và Chính trị của thế giới trên truyền thông đại chúng. Xây dựng chương trình giáo dục Pháp lý và Chính trị hiện đại từ bậc tiểu học trở lên. Xây dựng triết lý chính trị chủ đạo của quốc gia phù hợp với một nền chính trị đa nguyên. Chuyển chủ nghĩa Marx-Lenin trở thành triết lý chính trị thứ yếu. Thảo luận rộng rãi về mô hình dân chủ phù hợp cho Việt Nam. |
Phát triển các quyền dân sự | Xây dựng nhà nước pháp quyền (tam quyền phân lập) Phát triển các thể chế/chính sách nhằm tăng cường các quyền dân sự (quyền biểu tình, quyền lập hội, các tổ chức dân sự độc lập, xã hội dân sự, báo chí tư nhân…) Phát triển các thể chế/chính sách Dân chủ - Hòa giải - Khoan dung để phục vụ chuyển đổi dân chủ. Ân xá vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. |
Chỉnh đốn Đảng để phục vụ dân chủ hóa | Tiếp tục quyết liệt chống tham nhũng và các loại tội phạm khác liên quan đến đảng viên. Loại bỏ các thành phần bảo thủ, có tư tưởng ngăn cản tiến trình dân chủ hóa trong đội ngũ lãnh đạo Đảng. Bổ nhiệm những người có tư tưởng cấp tiến vào đội ngũ lãnh đạo cao nhất. |
GIAI ĐOẠN II | (Giai đoạn II có thể bắt đầu ngay sau khi lực lượng ủng hộ dân chủ trong BCHTƯ Đảng lấn át được lực lượng bảo thủ) |
Thay đổi bản chất mô hình chính trị | Đổi tên nước, tên đảng (không mang tên Đảng cộng sản, nhà nước Xã hội Chủ nghĩa nữa, theo đề nghị năm 2015 của nhóm 126 trí thức). Trung lập hóa quân đội (theo đề nghị trước đây của nhiều nhân sỹ, trí thức). Lan tỏa tinh thần Dân chủ - Hòa giải - Khoan dung trong toàn xã hội |
Đàm phán các nguyên tắc dân chủ, ân xá, và nhân quyền cho những người liên quan đến Đảng | Đảng Cộng sản và đại diện các đảng phái, tổ chức dân sự, chính trị đối lập người gốc Việt cả trong và ngoài nước tiến hành đàm phán để thống nhất các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi và ân xá cho các đảng viên cộng sản, và đảm bảo quyền lợi của những người có công với Đảng trong 3 cuộc chiến tranh, đảm bảo các (đương/cựu) nguyên thủ quốc gia và thân quyến được bảo vệ quyền lợi và an ninh suốt đời nếu sinh sống ở Việt Nam. Các cuộc đàm phán này sẽ được giám sát bởi các tổ chức quốc tế. Trong quá trình đàm phán, tiến hành trưng cầu dân ý rộng rãi về các nguyên tắc kể trên để điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của công chúng. Các nguyên tắc được thống nhất sau các cuộc đàm phán này sẽ được ký cam kết và ghi vào Hiến pháp dân chủ trong tương lai. |
Đàm phán với các quốc gia dân chủ để hình thành liên minh bảo trợ chuyển đổi dân chủ | Đảng Cộng sản và đại diện các đảng phái, tổ chức dân sự và chính trị đối lập gốc Việt đàm phán với các quốc gia phát triển có nền dân chủ vững mạnh (v.d. Mỹ, Canada, Úc, cộng đồng châu Âu) để hình thành một liên minh bảo trợ dân chủ cho Việt Nam trong vòng 20-50 năm ngay sau khi chuyển đổi dân chủ. Liên minh này có thể đưa quân đội, cố vấn chính trị/quân sự đến đóng trên lãnh thổ Việt nam và được phép can thiệp quân sự khi cần thiết để đảm bảo nền dân chủ và nhân quyền ở Việt nam vận hành tốt. Khi gần kết thúc thời hạn 20-50 năm, nhân dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu quyết định về việc có cần gia hạn bảo trợ hay không. |
Tiếp tục các nhóm hoạt động của Giai đoạn I | Tiếp tục hoàn thiện các công việc còn dang dở của giai đoạn I. |
GIAI ĐOẠN III | (Giai đoạn III có thể bắt đầu ngay khi các cuộc đàm phán của giai đoạn II kết thúc) |
Giảm thiểu những xáo trộn, đấu tố và trả thù. | Khuyến khích các (đương/cựu) lãnh đạo Đảng Cộng sản còn nhiều nghi vấn tham nhũng và các tội phạm khác nhưng chưa thể xử lý hết ra nước ngoài định cư. Ân xá phần lớn những đối tượng này sau một khoảng thời gian, khi tinh thần hòa giải, khoan dung trong xã hội đã đạt mức tốt. |
Sửa đổi và thực thi Hiến pháp dân chủ | Sửa đổi Hiến pháp để trở thành một hiến pháp thực sự dân chủ (cho phép đa đảng, bầu cử dân chủ toàn quốc v.v…) và đưa vào Hiến pháp những nguyên tắc đã được đàm phán ở Giai đoạn II. Liên minh các quốc gia bảo trợ đem quân đội và cố vấn đến đóng quân lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam. Thực thi các điều khoản khác trong Hiến pháp. |
Đảm bảo các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và chống lại ảnh hưởng phi dân chủ từ bên ngoài | Hiến pháp dân chủ cần ghi rõ đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, ngăn ngừa và chống lại mọi tác động xấu từ các quốc gia phi dân chủ, và từ các tổ chức, và cá nhân liên quan đến các quốc gia đó. (Điều này cho phép thực thi các biện pháp ngăn chặn những hành vi xấu từ Trung Quốc và cộng đồng Hoa kiều ở Việt Nam). |
Tiếp tục một số nhóm hoạt động của Giai đoạn I. | Tiếp tục hoàn thiện các công việc còn dang dở của giai đoạn I. |
Con đường dân chủ hóa của các quốc gia trên thế giới rất đa dạng và phong phú. Một số quốc gia đã tiến hành chuyển đổi một cách rất hòa bình (chẳng hạn như Mông Cổ). Hạnh phúc là trên đường chứ không chỉ là đích đến. Điều quan trọng là người dân Việt Nam không nên mất niềm tin. Mỗi người hãy tích cực lên tiếng đòi hỏi các quyền dân sự chính đáng, trước tiên vì lương tâm của mình, chưa nói đến những mục tiêu to lớn hơn như chuyển đổi xã hội.
GIẢI THÍCH LỘ TRÌNH DÂN CHỦ
Xây dựng tầng lớp học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản: việc này sẽ hỗ trợ: (i) Nâng cấp các ngành khoa học Pháp lý và Chính trị nói riêng, và toàn bộ nền khoa học Việt Nam nói chung; (ii) Cải tạo hiệu quả hệ thống luật pháp, cơ chế, và chính sách; (iii) Tăng cường các quyền dân sự cho người dân thông qua thiết kế các thể chế/chính sách Dân chủ song song với việc thiết kế các thể chế/chính sách Hòa giải và Khoan dung; (iv) Lan tỏa tinh thần Dân chủ - Hòa giải - Khoan dung trong toàn xã hội; (v) Góp phần chuyển đổi dân chủ một cách hòa bình và bền vững.
1. Xây dựng Nhà nước pháp quyền: đây là gợi ý của nhiều cơ quan phát triển quốc tế, chẳng hạn Ngân hàng Thế giới (4). Ở một số quốc gia như Campuchia, tam quyền phân lập được ghi vào Hiến pháp. Ở nhiều quốc gia khác, mô hình này không được ghi vào Hiến pháp nhưng cũng phân tách thành ba cơ quan (hành pháp, lập pháp, tư pháp) riêng biệt. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các cơ quan phát triển quốc tế, quốc hội cần bao gồm các nhà lập pháp chuyên nghiệp và có năng lực chuyên môn pháp lý cao (5). Không nhất thiết phải có một nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh mới có thể tiến hành Giai đoạn III, tuy nhiên các thành tố cơ bản của nhà nước này phải được xây dựng ngay từ Giai đoạn I.
2. Chỉnh đốn Đảng để phục vụ dân chủ hóa: Đây là các hoạt động cần thiết để thu hồi lại các tài sản cho quốc gia và trừng phạt đáng kể các tội phạm trước khi thực thi Hiến pháp dân chủ ở Giai đoạn III. Nhóm các hoạt động này cần được Đảng tự thực hiện ở Giai đoạn I và II để tránh đấu tố và trả thù bởi các nhóm đối lập.
3. Thay đổi tên Đảng: đây là việc riêng của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên sự thay đổi là cần thiết để kế thừa lợi ích từ những thành tích của Đảng trong quá khứ và tránh những ảnh hưởng xấu từ thuật ngữ Cộng sản, và tăng tính cạnh tranh của Đảng trong một nền dân chủ đa nguyên.
4. Đàm phán với các quốc gia dân chủ để hình thành liên minh bảo trợ chuyển đổi dân chủ: Thông thường, các quốc gia không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trừ phi có các điều ước quốc tế hoặc quy định trong Hiến pháp, hoặc xảy ra vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên diện rộng (ví dụ diệt chủng). Trước đây Việt Nam Cộng hòa đã từng được Mỹ bảo trợ và nếu không có sự phá hoại của Bắc Việt, nền dân chủ ấy sẽ ngày một tốt lên (6). Người dân Việt Nam ngày nay dường như rất nuối tiếc và sẽ dễ dàng chấp nhận một sự bảo trợ dân chủ như vậy. Hiện nay, mặc dù nền dân chủ Hàn quốc vận hành khá tốt, nước này vẫn yêu cầu Mỹ tiếp tục đóng quân trên nước mình như một hình thức bảo trợ quân sự và chống lại Bắc Hàn. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản là nhân tố quyết định để duy trì hòa bình, ổn định, và phát triển của khu vực Đông Bắc Á suốt 65 năm nay.
Khác với thời Việt Nam Cộng hòa, việc hợp pháp hóa quyền can thiệp của Liên minh bảo trợ (quy định trong Hiến pháp) sẽ cho phép các quốc gia này can thiệp sâu hơn để đảm bảo nền dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam vận hành tốt. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng quyền can thiệp, việc can thiệp quân sự chỉ được phép trên cơ sở: (i) Có đơn yêu cầu can thiệp từ đại đa số các tổ chức chính trị lớn của Việt Nam; (ii) Dựa trên các đánh giá của các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Quan sát Nhân quyền Quốc tế, Nhà báo Không biên giới, Nhà Tự do, Chỉ số Dân chủ Quốc tế v.v..; (iii) Có sự thỏa thuận giữa các quốc gia trong liên minh bảo trợ; (iv) Chỉ can thiệp trong một số trường hợp được quy định sau quá trình đàm phán. Việt Nam có thể kêu gọi hỗ trợ tài chính của nhóm quốc gia bảo trợ tuy rằng có thể trả một phần chi phí để nuôi quân đội của liên minh đóng trên đất mình, hoặc trao đổi lợi ích bằng cách khác với nhóm các quốc gia này.
5. Dân chủ hóa là cách tốt nhất để chống các nguy cơ từ Trung Quốc: Việc để người dân tự do chống các nguy cơ từ Trung Quốc là cách tốt nhất để huy động lòng yêu nước và phát huy nguồn lực trí tuệ to lớn trong dân, đảm bảo các quyền dân sự chính đáng, và tránh được những bế tắc, khó xử về ngoại giao. Dân chủ hóa cũng là cách tốt nhất để cổ vũ lòng yêu nước Việt từ cộng đồng Hoa kiều. Thực tế cho thấy, ngay cả ở những quốc gia gần 100% gốc Hoa như Đài Loan, người dân cũng kịch liệt phản đối ý tưởng thống nhất, và tìm mọi cách để dân chủ hóa Trung Hoa đại lục. Ở nhiều quốc gia dân chủ khác, người Hoa tham gia vào nghị viện, thậm chí thống đốc bang. Tuy không tránh khỏi một số vụ gián điệp cho Trung Quốc, cộng đồng Hoa kiều nói chung đã hỗ trợ đắc lực chính phủ các nước đó chống lại sự bành trướng cả về vật chất và tư tưởng của Trung Quốc, và tìm mọi cách chuyển dịch dân chủ và tôn trọng nhân quyền về quê nhà. Có được những điều đó là nhờ các quyền tự do và dân sự quý báu ở các xứ sở dân chủ, điều vô cùng khác biệt so với ở Trung Quốc, mà cộng đồng Hoa kiều không đời nào đánh đổi. Quan trọng hơn cả, Đảng cần phải từ bỏ ý nghĩ rằng mình thông minh hơn và có trách nhiệm hơn người dân trong việc bảo toàn lãnh thổ và chống lại các nguy cơ từ Trung Quốc.
6. Vấn đề người có công, và những anh hùng, liệt sỹ hi sinh chống lại sự can thiệp của ngoại bang: Ở các quốc gia phát triển, người dân thường không phân biệt người lính đã chiến đấu hi sinh, hoặc chịu thương tật vì Tổ quốc do đảng nào cử đi. Tướng có thể sai, nhưng lính luôn luôn đúng. Bất kể cuộc chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa, đúng đắn hay là tính toán sai lầm của các tướng lĩnh, người lính và tất cả những người đã đóng góp công lao, xương máu cho cuộc chiến đều được tri ân. Tất cả các cựu chiến binh đều được ghi công như những người đã phục vụ Tổ quốc. Chính vì vậy, tất cả những người đã đóng góp công lao, xương máu trong các cuộc giao chiến với Pháp, Mỹ hoặc Trung Quốc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam Cộng hòa đều cần được ghi nhận. Việc thay đổi đảng cầm quyền không thể là lý do ảnh hưởng đến việc này.
------------
Chú thích:
1. Tác giả tốt nghiệp Tiến sỹ Kinh tế từ Đại học Bang New York, Albany, Hoa kỳ (SUNY). Bài viết đã được đăng trên: http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
2. Xem bài: “Nhân vụ Giáo sư Chu Hảo, Suy nghĩ về việc xây dựng một tẩng lớp Học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản”. http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
3. Xem bài: Nhân vụ Giáo sư Chu Hảo, Suy nghĩ về việc xây dựng một tẩng lớp Học giả Pháp lý và Chính trị đẳng cấp, liêm chính, và nhân bản. http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com
4. Xem thêm Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035
5. Xem thêm Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035
6. Đảng Cộng sản đã phá tan những nền móng dân chủ của chế độ Việt Nam Cộng hóa, và thủ tiêu những trí thức có uy tín cao trong xã hội, có khả năng phát triển một nền dân chủ đúng nghĩa, và đang chuẩn bị trở thành thủ tướng Việt Nam Cộng hòa như GS Nguyễn Văn Bông. Xem thêm: http://danviet.vn/tin-tuc/toi-am-sat-nguoi-sap-lam-thu-tuong-sai-gon-48833.html
Hà nội 29/12/2018
N. K. D.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.