Chỉ đạo hội nghị Chính phủ: Thâm ý nào của ông Trọng?
Thường Sơn
Đúng là thâm ý Nguyễn Phú Trọng- một ‘người Bắc, có lý luận’ và không thiếu chất thâm nho.
Ngày 28 tháng 12 năm 2018, người vừa trở thành ‘tổng chủ’ đã nghiễm nhiên dự hội nghị của chính phủ với các địa phương và lãnh luôn trách nhiệm ‘phát biểu chỉ đạo’, mà không phải là vai trò của Thủ tướng Phúc được nói lời cuối cùng.
‘Tổng chủ’ phát biểu chỉ đạo hội nghị của Chính phủ với các địa phương vào ngày 28 tháng 12 năm 2018.
Hình ảnh trên cũng rất giống với thế ngồi ngay chính giữa - vị trí chủ tọa - của Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an trung ương Nguyễn Phú Trọng, trong khi bí thư cơ quan này là Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì chỉ ngồi kế bên như thể ‘chầu rìa’.
Tròn một năm trước, Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên ‘dự họp và chỉ đạo Chính phủ’ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng Mười Hai năm 2017.
Khi đó, ông Trọng đã làm được một việc mà các đời Tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời Chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 cho đến khi chết cũng chẳng hề làm được: ‘dự họp và chỉ đạo Chính phủ’.
Ngay sau khi báo chí Việt Nam phát tin về ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lần đầu tiên dự họp Chính phủ tháng 12/2017”, đài BBC đã nêu ra một số bình luận đầy ẩn ý chính trị và không kém hài hước:
“Sự kiện này không tránh khỏi tạo nên bình luận về quyền lực dường như ngày càng tăng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam”.
“Theo nguyên tắc tổ chức và điều hành quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới, các nước theo chế độ tổng thống chế (Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia) thì Tổng thống cũng là ‘người đứng đầu Chính phủ’”.
“Nhưng ở các nước có cả hai chức danh Thủ tướng và Tổng thống thì nguyên thủ quốc gia không chủ trì họp Chính phủ vì đó là việc của Thủ tướng”.
“Việc nguyên thủ quốc gia chủ trì cuộc họp của Chính phủ không phải là chuyện bình thường ở quốc gia vẫn có chức danh Thủ tướng”.
“Thường thì Tổng thống chỉ chủ trì họp Chính phủ khi có sự kiện gì đặc biệt hoặc muốn giám sát công việc của nội các”.
“Riêng tại một số quốc gia còn lại theo mô hình có một Đảng cộng sản lãnh đạo, báo chí quốc tế chú ý đến một xu hướng như ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình trở thành ‘chủ tịch của đủ mọi thứ’’.
“Theo New York Times, ông Tập ngoài ba chức to nhất là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn nắm hơn 10 chức vụ, gồm cả chủ tịch nhóm công tác về an toàn mạng internet, ban điều hành về Đài Loan…”. “Trang The Economist thì trích lời nhà nghiên cứu Úc, Geremie Barmé, nói một cách hình ảnh rằng ông Tập không còn là CEO của China Inc. mà là COE, ‘chairman of everything’ (chủ tịch của tất cả mọi thứ)”.
Nhưng ông Trọng không quan tâm đến việc BBC nói gì về ông ta.
Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng ‘tôi bất ngờ…’ sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến ‘từ thuở bé đến giờ mới được dự họp Chính phủ’ - một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng ‘được mời dự’ và như thể chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của Chính phủ vào tháng 12/2017, mới thấy thái độ tự tin của Tổng bí thư Trọng đã dâng cao đến thế nào ngay vào thời điểm đó.
Trên khuôn ảnh được báo chí Nhà nước đăng tải về phiên họp Chính phủ vào tháng 12/2017, người ta trông thấy ông Nguyễn Phú Trọng ngồi chính giữa hàng ghế chủ tọa đoàn. Bên phải của ông Trọng là Trần Đại Quang - Chủ tịch nước, còn bên trái ông Trọng là Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng, và ‘cánh tay trái’ của Thủ tướng Phúc là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thành phần chủ tọa phiên họp trên có vẻ không còn đơn thuần là một cuộc họp nội bộ Chính phủ, mà giống như một buổi họp của ‘Bộ Chính trị thu gọn’…
Thời gian vùn vụt lao qua. Chẳng mấy chốc Bộ Chính trị đã thu gọn còn hơn cả thế: tuy vẫn giữ nguyên số ghế, nhưng chỉ còn 3 thay vì 4 người trong ‘tứ trụ’.
Một trong những thay đổi đáng nói nhất là khác hẳn với lối ‘dự họp và chỉ đạo Chính phủ’ không mấy chính danh một năm trước, giờ đây ông Trọng đã có đầy đủ tư cách ‘nguyên thủ quốc gia’ để không những dự họp đều đặn và chỉ đạo các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, mà còn có thể triệp tập họp đột xuất Chính phủ để ‘nghe báo cáo’ về những nội dung mà trước đây chỉ Thủ tướng Phúc và vài Phó Thủ tướng mới được biết và được bàn…
T. S.VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.