Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

10 sự kiện nổi bật về tự do ngôn luận năm 2018

10 sự kiện nổi bật về tự do ngôn luận năm 2018

31-12-2018
Tại Việt Nam, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin, kênh vận động và phanh phui nhiều sai phạm liên quan đến môi trường, tham nhũng, và bất công. Cộng đồng Facebook tại Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào khi luật An ninh mạng sắp có hiệu lực trong vài giờ tới? Năm 2019 dự báo sẽ là một năm đầy hứa hẹn với tiềm năng sáng tạo của cư dân mạng để lên tiếng trước những bất công xã hội.
Còn dưới đây là bảng tổng kết của nhóm Save NET về 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2018 về Tự do ngôn luận, Quyền riêng tư, cũng như Tự do Internet.
1. #METOO VIỆT NAM
Tháng 4/2018, phong trào #Metoo Việt Nam được các nữ nhà báo phát động trên Facebook, nhằm đáp lại sự kiện một thực tập sinh tại báo Tuổi trẻ lên tiếng vì bị cưỡng bức dẫn đến ý định muốn tự tử. Ngay sau đó, hàng loạt các bài viết đã xuất hiện để chia sẻ về trải nghiệm bị quấy rối/xâm hại tình dục khi làm việc trong môi trường báo chí. Facebook một lần nữa trở thành nền tảng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
2. BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT ĐẶC KHU VÀ LUẬT AN NINH MẠNG
Tháng 6/2018, một cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp cả nước, thu hút hàng chục ngàn người, nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ mối lo ngại về chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như về nguy cơ tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân bị xâm hại bởi Luật An ninh mạng. Người dân cũng chứng kiến sự đàn áp nặng nề từ chính quyền, khi hàng trăm người bị bắt bớ, đánh đập; hàng chục người bị kết án vì gây rối trật tự công cộng.
3. QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT AN NINH MẠNG
Ngày 12/6/2018, Quốc hội Việt Nam thông qua luật An ninh mạng bất chấp làn sóng phản đối từ người dân cùng những quan ngại đến từ quốc tế. Luật An ninh mạng trở thành luật gây tranh cãi nhất và đứng thứ 4 trong top 10 danh sách các sự kiện được tìm kiếm trên Google năm 2018.
4. LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN CÓ HIỆU LỰC
Ngày 1/7/2018, luật Tiếp cận Thông tin chính thức có hiệu lực, ghi nhận quyền tự do thông tin của người dân và trách nhiệm minh bạch, nghĩa vụ giải trình của nhà nước. Theo đó, nhà nước phải công khai thông tin đến toàn bộ người dân và người dân có quyền truy cập, yêu cầu các thông tin do các cơ quan nhà nước tạo ra và quản lý, trừ những thông tin nằm trong danh mục bí mật nhà nước.
5. BÁO TUỔI TRẺ ONLINE BỊ ĐÌNH BẢN 3 THÁNG
Tháng 7/2018, báo Tuổi trẻ Online bị Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt hành chính 220 triệu đồng và đình bản 3 tháng với cáo buộc nội dung bài viết liên quan đến luật biểu tình và nội dung trong phần bình luận của độc giả “gây mất đoàn kết dân tộc”.
6. PHÁT HIỆN GIAN LẬN THI CỬ Ở HÀ GIANG BẰNG FACEBOOK
Một nhóm giáo viên dạy học online ở Hà Nội đã nhận ra sự bất thường trong điểm thi đại học tại tỉnh Hà Giang khi ghi nhận phản ứng từ chính các học sinh ở địa phương này trên Facebook. Bằng những lập luận thể hiện sự bất thường về mặt số liệu và thống kê, cũng như đưa ẩn danh một số thông tin tố cáo có cơ sở từ các học sinh, các thầy giáo chính là người khởi xướng cho việc phanh phui thành công nạn gian lận nâng điểm thi trong quá trình chấm thi chưa từng có tiền lệ. Đây là một trong nhiều sự việc được lên tiếng và giải quyết nhờ tận dụng nền tảng Facebook.
7. HÀ NỘI ĐỀ XUẤT THU PHÍ DỊCH VỤ KHI CHIA SẺ DỮ LIỆU DÂN CƯ
Cũng trong tháng 7, thành phố Hà Nội đề xuất với chính phủ thí điểm việc thu giá dịch vụ đối với việc “cung cấp, chia sẻ dữ liệu dân cư” cho các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này bao gồm thông tin cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
8. FACEBOOK TUYÊN BỐ KHÔNG CUNG CẤP THÔNG TIN CHO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/9/2018, đại diện Facebook đã khẳng định “Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị”.
9. GIÁO SƯ CHU HẢO BỊ KỶ LUẬT ĐẢNG VÌ XUẤT BẢN SÁCH KHAI DÂN TRÍ
Tháng 10/2018, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Chu Hảo bị kỷ luật Đảng. Một trong số các lý do chính là do ông đã “cho xuất bản sách, phát ngôn có nội dung trái quan điểm, đường lối của Đảng”. Phản ứng lại quyết định này, hàng trăm đầu sách về tự do, dân chủ của NXB Tri Thức đã được người dân “săn lùng” trên khắp toàn quốc, trong đó có những cuốn tiêu biểu như Đường về nô lệ, Bàn về Tự do, Nền Dân trị Mỹ, Bốn tiểu luận về Tự do, hay Các Mô hình quản lý nhà nước hiện đại.
10. QUY TẮC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CHO BÁO CHÍ
Chiều ngày 25/12, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo, và công bố ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội cho những người làm báo Việt Nam. Theo đó, người làm báo Việt Nam không được làm rất nhiều điều khi tham gia mạng xã hội, đáng chú ý như: đăng tải bài viết trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước, hoặc trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác; hoặc chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.