Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (Bài 9)
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4894
Câu hỏi: Phong trào Dân chủ có cần ranh giới, chiến tuyến không? Tại sao lại cần và cần để làm gì?
Trả lời: Phong trào Dân chủ cần ranh giới, chiến tuyến vì ba lý do:
Một là, Chiến tuyến xác định ranh giới giữa Phong trào Dân chủ và đối tượng đấu tranh của phong trào dân chủ. Đối tượng đấu tranh của Phong trào Dân chủ là Đảng Cộng sản, tổ chức áp đặt, thực hiện và duy trì chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Đối tượng đấu tranh trực tiếp, trực diện của phong trào dân chủ chính là bộ máy tuyên truyền và bộ máy đàn áp của chế độ. Bộ máy tuyên truyền đang hàng ngày, hàng giờ tô hồng chế độ, lừa bịp người dân, vu khống cho người đấu tranh. Bộ máy đàn áp, ngoài việc đàn áp người dân trong các chính sách ăn cướp của mình (như cướp đất), còn đàn áp người đấu tranh và phong trào dân chủ. Đây là hai lực lượng đại diện trực tiếp của thế lực cầm quyền. Một lực lượng không kém phần nguy hiểm mà phong trào dân chủ cần cảnh giác và đấu tranh, đó là lực lương dư luận viên, dư luận viên trá hình và dân chủ cuội. Đây chính là lực lượng gây hỗn loạn trong nhận thức và gây mâu thuẫn chia rẽ trong phong trào dân chủ.
Hai là, xác định chiến tuyến để bảo vệ người đấu tranh và phong trào dân chủ. Theo lo-gic thông thường, chúng ta đều biết rằng, trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, ngoài việc nhận diện đối phương, chúng ta cũng cần phải nhận diện đồng đội, người cùng chí hướng và chiến tuyến với mình. Nhận diện được đồng đội thì mới có sự giao lưu, trao đổi và tạo ra mối liên hệ để cùng nhau hành động. Sức mạnh của phong trào chính là sức mạnh từ những mối liên hệ, liên kết và sức mạnh tổng hòa của số đông. Việc xác định chiến tuyến, hay nhận diện những người thuộc phong trào dân chủ cũng dựa trên hai tiêu chí căn bản, đó là lực lượng và nhận thức (quan điểm)…
Phong trào Dân chủ có nhiều người tham gia ở từng cấp độ, mức độ khác nhau, do nhận thức và bản lĩnh, cũng như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng người. Về cơ bản, phong trào dân chủ bao gồm những thành phần sau: những người phản tỉnh, những người bất đồng chính kiến, những người ly khai, những người phản kháng, những người hoạt động và đấu tranh nhân quyền, cuối cùng là những người đấu tranh dân chủ.
Việc bảo vệ lẫn nhau giữa những người trong phong trào dân chủ có hai phương diện, bảo vệ ở ngoài đời và bảo vệ quan điểm của nhau cũng như quan điểm chung.
Ba là, vạch rõ ý đồ xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến để gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ. Trong chiến lược đối phó của Nhà cầm quyền và An ninh Việt Nam với phong trào dân chủ, việc cài cắm người vào phong trào dân chủ là một chiến lược ưu tiên. Với những mục tiêu quan trọng của chiến lược, thu thập thông tin để nắm bắt tình hình của các cá nhân, hội nhóm và của cả phong trào, từ đó lên kế hoạch đối phó. Mục tiêu thứ hai, đó là gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ. Trong mục tiêu thứ hai này, một chiến lược quan trọng đó là gây mâu thuẫn chia rẽ thông qua việc gây nhiễu loạn thông tin, gây hỗn loạn trong nhận thức và quan điểm.
Câu hỏi: Có thể cho biết những thủ đoạn gây mâu thuẫn chia rẽ trong phong trào dân chủ của nhà cầm quyền bằng việc xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến?
Trả lời: Trong quá trình thực hiện chiến lược gây mâu thuẫn chia rẽ nội bộ phong trào dân chủ, bằng việc gây hỗn loạn về nhận thức và quan điểm, An ninh Việt Nam đã chỉ đạo dư luận viên trá hình và dân chủ cuội sử dụng hai chiến thuật song song.
- Bảo vệ các quan điểm đúng một cách lý thuyết, chung chung không gắn với thực tế ở Việt Nam và nhất là không gắn với cuộc đấu tranh mà phong trào dân chủ đang theo đuổi. Có rất nhiều quan điểm cho vấn đề này; ví dụ: phê phán và lên án tất cả những cái sai, bất kể là sai như thế nào, bất kể là ai sai. Cộng sản sai cũng phê phán, dân chủ sai cũng phê phán. Chống độc tài nói chung chứ không chỉ chống độc tài cộng sản, cần bạch hóa tất cả để chứng tỏ người đấu tranh và phong trào là minh bạch, trong sáng. Những vấn đề này, mới nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng trong môi trường của Việt Nam, và gắn với cuộc đấu tranh với đối tượng độc tài toàn trị là vô cùng tai hại và nguy hiểm.
- Không cần có chiến tuyến, không cần bảo vệ nhau giữa những người cùng trong phong trào, thậm chí cùng hội nhóm. Chỉ có đúng và sai (lý thuyết) chứ không cần gắn với môi trường và cuộc đấu tranh nào...
- Không cần có chiến tuyến, không cần bảo vệ nhau giữa những người cùng trong phong trào, thậm chí cùng hội nhóm. Chỉ có đúng và sai (lý thuyết) chứ không cần gắn với môi trường và cuộc đấu tranh nào...
Câu hỏi: Cần quán triệt những đối sách nào để vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu âm mưu gây mâu thuẫn chia rẽ của nhà cầm quyền thông qua việc xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến?
Trả lời: Trước âm mưu và thủ đoạn của thế lực cầm quyền, những người đấu tranh dân chủ, phong trào dân chủ cần làm gì để hóa giải hay hạn chế hậu quả của chiến lược thâm độc này?
Chúng ta cần quán triệt một số vấn đề về nhận thức và tư tưởng sau:
a/ Ý thức về vấn đề chiến tuyến
Đây là vấn đề quan trọng nhất để hóa giải chiến lược gây mâu thuẫn, chia rẽ nói chung cũng như trong lĩnh vực nhận thức, quan điểm nói riêng. Khi người đấu tranh có ý thức về vấn đề chiến tuyến, ý thức được môi trường và cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tham gia, thì tự khắc sẽ có những ứng xử và hành động phù hợp. Chúng ta sẽ không làm phức tạp thêm tình hình cũng như không rơi vào bẫy gây mâu thuẫn, chia rẽ của thế lực cầm quyền. Ý thức được chiến tuyến, có nghĩa là chúng ta ý thức được chúng ta là anh em, có cùng mục đích, lý tưởng đấu tranh cho một xã hội tự do - dân chủ. Ý thức về chiến tuyến sẽ có những tác động tới các khía cạnh tâm lý sau:
- Trao đổi, tranh luận quan điểm, nhận thức trên tinh thần tương kính. Đây là yêu cầu, cũng là tiền đề để xây dựng văn hóa tranh luận mà chúng ta chưa có. Khi tranh luận có sự tương kính, có văn hóa thì rất hiếm khi xảy ra mâu thuẫn, chia rẽ. Nếu xác định chúng ta cùng một chiến tuyến, là anh em thì trước sau gì cũng sẽ có sự tương kính, đạt được sự tương kính.
- Xác định là anh em cùng chiến tuyến, chúng ta còn có sự nhường nhịn, hạn chế được tính hiếu thắng trong tranh luận của mỗi người. Khi đã có sự nhường nhịn lẫn nhau, các cuộc tranh luận sẽ không thể đi tới sự chia rẽ và mâu thuẫn mà đối phương mong đợi.
- Ứng xử cao nhất trong tinh thần anh em cùng chiến tuyến, đó là việc bảo vệ lẫn nhau trước sự tấn công của đối phương về nhận thức và quan điểm. Nếu không hoặc chưa xác định là anh em, có khi chúng ta cũng ngại tham gia vào các cuộc tranh luận rất lung tung hiện nay. Nhưng khi xác định là anh em, chúng ta sẵn sàng bảo vệ những người đồng đội của mình, tất nhiên là bằng những lập luận và nhận thức đúng.
b/ Trang bị nhận thức đúng về những vấn đề phức tạp, dễ gây tranh cãi
Khi muốn gây sự hỗn loạn trong nhận thức, quan điểm thì thế lực cầm quyền luôn nhắm tới những “điểm mờ” trong nhận thức. Đó là những vấn đề mới nghe qua thì đúng, hợp lý trên khía cạnh lý thuyết, không đặt trong bối cảnh cụ thể nào. Hoặc đánh đồng bối cảnh của Việt Nam với các nước khác, khi mà những nước đó đã có những quyền tự do cơ bản cũng như tự do dân sự. Chính vì vậy, những người đấu tranh cần trang bị đầy đủ nhận thức về các vấn đề cơ bản trong đấu tranh, bám sát thực tiễn vận động của cuộc đấu tranh để tìm câu trả lời cho những vấn đề phức tạp, dễ nhầm lẫn thường xảy ra.
Hà Nội, ngày 13/12/2018
N.V.B.Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4894
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.