Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Nhà hoạt động Phan Vân Bách và bạn bè bị hành hung vô cớ tại Lâm Đồng

Nhà hoạt động Phan Vân Bách và bạn bè bị hành hung vô cớ tại Lâm Đồng

Minh Hải

Nhà động Phan Vân Bách ở Hà Nội cho dư luận quan tâm được biết là vào ngày 21/12/2018 vừa qua, ông và bạn bè của ông ở Lâm Đồng bị “côn đồ” mặc thường phục vô cớ hành hung thô bạo. Cùng với nhiều vụ hành hung tương tự xảy ra trước đó, cho thấy một sự vô pháp luật nơi đây…
Vụ hành hung xảy ra vào ngày 21/12/2018, ban đầu anh Phan Vân Bách từ Hà Nội lên Lâm Đồng ngoài lý do chữa bệnh mất ngủ thì cũng là dịp để gặp gỡ những bạn bè mà anh quen biết. Anh Bách đến nhà anh Phạm Thế Lực ở huyện Đơn Dương để chữa bệnh, tại đây phía Công an và An ninh ở Lâm Đồng nói chung là không cho anh Bách cư trú ở địa phương. Anh Bách không đồng ý bởi phía Công an, An ninh không đưa ra lý do rõ ràng. Ngay sau đó, có một người thường phục xông vào hành hung anh Bách và anh Lực. Anh Bách buộc phải rời nhà anh Lực ở huyện Đơn Dương để sang nhờ chị Yến và anh Đặng Ngọc Sỹ ở huyện Đức Trọng giúp đỡ, chị Yến và anh Sỹ là hai người bạn mà anh Bách có quen từ trước, đồng thời cũng là những người theo đức tin Kito.
Khi anh Bách đến nhà chị Yến tạm cư trú để lánh nạn, anh Sỹ gọi điện báo chính quyền địa phương về tình hình của anh Bách và đăng ký lưu trú nhưng phía chính quyền thông báo, thuyết phục gia đình chị Yến là anh Bách phải trục xuất đi chứ không được ở. Gia đình chị Yến không đồng ý với yêu cầu của phía chính quyền đưa ra.
Chị Yến chia sẻ phản ứng của chị tại thời điểm đó:
“Gia đình chị mới nói là vậy các anh phaỉ đưa ra các căn cứ: Anh này (anh Phan Vân Bách) vi phạm những gì? Có bị truy nã hay là không? Nếu đầy đủ thì chúng tôi sẽ giao người, chúng tôi mang người đến giao luôn. Nhưng phía chính quyển địa phương không đưa ra được căn cứ nào”
Chị Yến và anh Sỹ quyết định hướng dẫn anh Bách lên cơ quan Công an địa phương để đăng ký lưu trú. Trước khi vào trụ sở Công an làm việc, anh Bách, chị Yến và anh Sỹ có tập trung tại quán Cà phê Sapphire gần cao tốc Liên Khương (Đức Trọng) để uống cà phê, nói chuyện những vấn để trăn trở của đất nước. Mọi người đang nói chuyện khá vui vẻ và ôn hòa thì anh Sỹ có nhận một cuộc điện thoại của một nhân viên Công an-An ninh tên là Toàn ở huyện Đức Trọng. Sau đó thì anh Toàn này cũng đến uống cà phê nói chuyện với mọi người. Nói chuyện được một lúc thì anh Toàn xin phép đi, đi khoảng 5 phút thì anh Bách, chị Yến và anh Sỹ tiếp tục ngồi uống cà phê, nói chuyện, bất ngờ có tốp côn đồ mặc thường phục tấn công anh Bách. Chị Yến và anh Sỹ bỏ chạy nhưng vẫn bị những tên côn đồ đuổi theo hành hung hết sức thô bạo. Kết quả cuộc hành hung thô bạo này, anh Bách và chị Yến bị thương tích khá  nhiều chổ trên người.
Anh Bách thuật lại ở Live Stream Facebook:
“Khi ba anh em đang ngồi nói chuyện ở quán cà phê Sapphire thì bất ngờ tôi cảm giác có những cú đánh từ đằng sau vào đầu, vào người tôi rất quyết liệt, dữ dội và rất là mạnh mẽ có tính chất cố ý giết người bằng những cú đánh rất nguy hiểm. Trước đây tôi cũng là một người tập võ nên tôi hiểu được những cú đánh của những đòn đánh này, liên tiếp vào đầu, vào mặt, vào ngực của tôi dẫn đến choáng váng”
Với vụ hành hung này, phía Công an thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng có làm việc với anh Bách, anh Sỹ và chị Yến nhưng theo mọi người đây chẳng qua là hành động làm theo quy trình chứ chẳng đem lại kết quả gì.
Trong năm 2018, tình trạng côn đồ, những kẻ mặc thường phục ở Lâm Đồng nói chung đã xem thường pháp luật, vô cớ và ngang nhiên tấn công, khủng bố các nhà hoạt động xã hội, đã bị báo đài, truyền thông tự do lên tiếng khá nhiều, đồng thời các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng cực lực lên án. Đơn cử như:
Vào ngày 22/6/2018, Chánh trị sự Hứa Phi, một người hoạt động cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị một nhóm côn đồ hành hung thô bạo, kèm theo hành động xúc phạm là cắt đi chùm râu nơi cằm của ông. Trước khi vụ hành hung xảy ra, một viên công an tên Long công tác ở xã Hiệp Thạnh đến nhà của ông Hứa Phi đưa giấy yêu cầu ông vào ngày 23/6 phải lên Ủy ban xã Hiệp Thạnh làm việc liên quan đến việc ông Hứa Phi không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an huyện Đức Trọng. Ông Hứa Phi cho dư luận quan tâm được biết là vụ hành hung cũng như việc Công an đến nhà đưa giấy mời là nhằm mục đích ngăn cản ông đi gặp đại diện Đại sứ quán Úc vào ngày 25/6/2018 liên quan đến đối thoại nhân quyền  Việt - Úc.
Một vụ hành hung thô bạo khác là vào ngày 27/6/2018, nhà hoạt động Đinh Văn Hải cùng một người bạn bị một nhóm côn đồ hành hung thô bạo, thương tích nghiêm trọng sau khi hai người đến thăm hỏi gia đình nhà hoạt động vì người lao động bà Đỗ Thị Minh Hạnh ở huyện Di Linh do nhiều ngày bà Hạnh bị những kẻ mặc thường phục khủng bố, ném đá, thậm chí là chất nổ vào nhà. Vụ hành hung đã khiến ông Hải gẫy xương ở tay, xương đòn ở vai trái và nhiều vết thương tích ngoài da trầy xước, đổ máu.
Vụ hành hung cuối cùng mà người viết được biết và có thông tin lên trang Việt Nam Thời Báo là trường hợp của nhà hoạt động Trần Văn Chúc (SN 1985. Cư trú thôn 6, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bị hành hung thô bạo vào đêm ngày 6/7/2018.  Theo anh Chúc chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, điạ điểm mà anh bị bọn côn đồ hành hung là tại một căn nhà trong rẫy ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm cách xa nơi gia đình anh đang cư trú nhưng cùng huyện. Anh Chúc nói vào tối ngày 6/7/2018, bọn côn đồ khoảng 3 người đã bất ngờ cầm hung khí xông vào nhà anh, hành hung anh đến gẫy xương tay cộng với những vết thương tích trên cơ thể. Anh Chúc khẳng định những kẻ này là công an, nhân viên vũ trang giả dạng côn đồ. Và vụ hành hung được anh Chúc cho rằng nó có liên quan đến việc anh biểu tình, bày tỏ quan điểm chính kiến phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng 2018.
Cũng xin được nói thêm, nhiều người hoạt động xã hội đã mấy tháng qua không liên lạc được với anh Chúc. Có nguồn thông tin chưa kiểm chứng cho biết là anh Chúc đã bị Cơ quan Công an bắt giam vào dịp lễ Quốc khánh 2/9/2018.
M.H.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.