Tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt là tất yếu!
Mạc Văn Trang
1-1-2019
Đúng ngày 01/01/2019 cư dân mạng khai bút, bỗng rờn rợn sợ “con ngáo ộp” Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực!
Thực ra chẳng có gì đáng ngại, nếu ta không vi phạm vào 14 điều quy định. Ta chỉ nói lên SỰ THẬT, CHỐNG THAM NHŨNG, BẤT CÔNG, PHÊ PHÁN CÁI XẤU, CÁI ÁC, CÁI PHI LÝ, BÌNH LUẬN những TIN TỨC BÁO CHÍNH THỐNG ĐƯA RA và trình bầy Ý KIẾN XÂY DỰNG một cách đàng hoàng. Ta không vu cáo, bịa đặt, xúc phạm danh dự ai; không kích động bạo lực, hận thù, chia rẽ đồng bào; ta chỉ lên án giặc ngoại xâm, nội xâm và kẻ tay sai cho giặc…
Thời phong kiến – đế quốc, dân mất trộm con gà còn chửi cho cả làng, cả tổng biết; nay mất đất, mất nhà, mất tự do sao không chửi! Vậy thì có gì mà sợ!
Không ai ngăn cấm được sự TỰ DO SUY NGHĨ, TỰ DO BIỂU ĐẠT của con người, vì đó là nhu cầu tự thân của mỗi con người bình thường. Đã là nhu cầu, tức là cái CẦN THIẾT TẤT YẾU phải được đáp ứng thì con người mới có thể sống và phát triển bình thường.
Nhà Tâm lý học Mỹ nổi tiếng A.H. Maslow từ 1943, đã đưa ra hệ thống thứ bậc nhu cầu cơ bản của con người, có tính nhân loại phổ quát. Đó là:
– Những nhu cầu sinh lý: thức ăn, nước uống, thở không khí, vệ sinh, tình dục…
– Nhu cầu An toàn, được bảo vệ, chăm sóc …
– Nhu cầu được yêu thương của gia đình, nhóm bạn bè, cộng đồng…
– Nhu cầu được tôn trọng, tin tưởng…
– Nhu cầu được thể hiện bản thân: tự do suy nghĩ, sáng tạo, biểu đạt…
– Sau này nhiều người phát triển thêm những nhu cầu về thẩm mỹ, tâm linh…
“Thứ bậc” chỉ là xem nhu cầu nào cấp thiết hơn với đời sống của con người; còn khi xã hội đã phát triển, các nhu cầu này diễn ra đan xen nhau, đồng thời trong cuộc sống hàng ngày của con người. Chẳng hạn trong một bữa nhậu giữa các bạn bè, thì không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn uống, mà ở đó còn thể hiện tình cảm yêu mến, tôn trọng lẫn nhau, tự do chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm…
Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của con người càng trở nên đa dạng, phong phú, và nhu cầu tình thần ngày càng quan trọng hơn. Người ta ly hôn, tự tự, bỏ việc, bỏ xứ sở ra đi nhiều khi vì nhu cầu tinh thần nhiều hơn là vì thiếu cơm no, áo ấm, nhà ở…
Ở đây chỉ muốn nói đến một nhu cầu tinh thần: Tự do suy nghĩ và Tự do biểu đạt. Nhu cầu này xuất hiện rất sớm từ trẻ 3 – 4 tuổi và rõ nhất khi 5 tuổi. Sự phát triển tự nhiên giúp trẻ 3-4 tuổi, biết nghĩ, biết nói; nó nói điều gì, người lớn không hiểu, hoặc hiểu sai đi để trêu nó, nó sẽ tức, phát khóc lên. Trẻ 5 tuổi khi nói điều gì nó nghĩ là đúng mà người lớn không công nhận, nó sẽ cãi rất hăng…
Một nền giáo dục lành mạnh thì trẻ từ 5 tuổi đã được khuyến khích Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt cả trong nhà trường, gia đình và xã hội. Nhờ đó trẻ vừa phát huy được năng lực, sở trường, cá tính ngay từ nhỏ, vừa sớm trưởng thành về nhân cách; nhờ đó 15 – 16 tuổi trẻ đã làm chủ bản thân trong các hành vi xã hội, có thể đi đây đi đó và 18 tuổi đủ trưởng thành nhân cách công dân có bản lĩnh.
Như ta thấy em gái 5 tuổi ở Anh phê phán Thủ tướng May không quan tâm đến trẻ em tị nạn, hay em trai 10 tuổi ở Mỹ phát biểu ủng hộ tổng thống Trump một cách rất hùng hồn, lưu loát. Nếu người lớn bắt bẻ, các em này sẽ cãi lại hăng lắm.
Nền giáo dục của ta thì trẻ em 3 tuổi đang hồn nhiên, vào Mẫu giáo bắt đầu khoanh tay, nói theo cô, làm theo cô răm rắp để được Phiếu Bé ngoan; nói khác, làm khác là hư, có khi bi trừng phạt. Lên Tiểu học, Trung học thì phải học thuộc và làm theo những bài văn mẫu mới được điểm cao; nghĩ khác, nói khác đi là “lạc đề” điểm kém, thậm chí còn bị phê phán, viết “Bản kiểm điểm”. Tất cả phải rập khuôn, theo mẫu như đồng phục!
Nói con nít làm chi. Đến đảng viên 50 – 60 năm tuổi đảng, 70 – 80 tuổi đời, là giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ… cũng còn cấm không được nghĩ thế này, không được nói thế kia, không được viết thế nọ!
Không có cách nào khác, mỗi con người muốn trở thành NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH, phải tự giải thoát cho mình khỏi nỗi sợ hãi, dám Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt những điều lương tâm thúc giục, mà pháp luật không cấm.
Năm mới, cầu mong Thế hệ trẻ sớm trưởng thành và cả Dân tộc ta trưởng thành hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.