Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Giàu có sao lại chăm chăm mọi cách 'bóp cổ' dân nghèo?

Giàu có sao lại chăm chăm mọi cách 'bóp cổ' dân nghèo?

Thảo Vy  

Nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, cựu Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên, kể rằng “cô chủ tiệm cà phê cóc ở vỉa hè đầu hẻm nhà tôi thắc mắc: Tình hình kinh tế nước nhà ngon lành rực rỡ như vậy, sao mấy ổng không giảm bớt gánh nặng thuế má cho dân, mà còn lăm le oánh thuế những người lao động mạt hạng ở vỉa hè như tụi tui cùng những người ‘tay làm hàm nhai’ như các chú xích lô, ba gác, xe ôm... Tăng trưởng kinh tế kiểu gì mà kỳ cục zậy!”.
“Chúng ta có thể yên tâm đã vượt thu ngân sách trung ương, mấy năm trước thì rất vất vả, đến phút chót vẫn phải đốc thu quyết liệt. Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát, chưa bao giờ chúng ta xuất siêu trên 7 tỷ USD”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo như vậy trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối cùng của năm 2018, diễn ra chiều 27-12.
clip_image002
Cũng trong chiều 27-12, thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê cho biết quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. [http://bit.ly/2EsgoPY]
Cùng thời gian công bố bản thông cáo báo chí nói trên của Tổng cục Thống kê, chỉ số trên trang ‘đồng hồ nợ công’, phiên bản tiếng Việt, cho biết với tỷ giá USD/VNĐ của ngày 27-12-2018, thì mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh mức nợ công tương đương 56.381.851 đồng, tức 2.430 USD. 
Như vậy, với người dân lao động, họ được quyền mang con số GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD trong năm 2018 mà Tổng cục Thống kê đưa ra, sau đó trừ khoản nợ công do Chính phủ gây nên, thì GDP bình quân đầu người phải chăng chỉ còn nhỉnh hơn 100 USD/năm?
Có vẻ lạc nhịp khi nhìn sang thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay khi VN Index từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10-4), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30-10). Nay thì vẫn quanh con số 900.
Câu hỏi khác, nếu tăng trưởng thật sự đầy phấn khích như thông báo của Tổng cục Thống kê, xem ra các đại biểu Quốc hội đã sai lầm khi đồng ý thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít từ 1-1-2019, so mức cũ là 3.000 đồng/lít. [http://bit.ly/2ThsZ2x]
“Việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa trên sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính đã giải trình như vậy với các đại biểu Quốc hội, và cho biết ngân sách sẽ có thêm gần 15.000 tỷ từ thuế thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu.
Nếu so với con số thống kê đầy lạc quan công bố hôm chiều 27-12-2018 như nói ở trên, thì chỉ xét riêng chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu cho thấy sẽ làm sụt giảm GDP bình quân đầu người, khi mà chính sách thuế mới đi vào áp dụng trong vài ngày tới đây, theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thì vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất.
VCCI lý giải, chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% -35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 -59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành.
Những người lao động – nói như lời của nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng - mạt hạng ở vỉa hè cùng những người ‘tay làm hàm nhai’ như các chú xích lô, ba gác, xe ôm... thì khi tăng thuế bảo vệ môi trường, họ sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khó tránh, bởi xăng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề. Giá xăng tăng, chi phí sản xuất của nhóm lao động này bị ảnh hưởng trực tiếp.
Hiện tại, mỗi lít xăng gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, thuế môi trường trong năm 2018 là 3.000 đồng/lít. Người lao động cạnh tranh với nhau về giá, như người làm vận chuyển hay bán hàng, đâu dễ gì tăng giá được. Cuối cùng họ phải gánh số tiền 1.000 đồng này vào mức thu nhập. Coi như đã nghèo, còn mắc cái eo và phải gánh thêm khoản nợ công từ chính phủ gây ra.
Trong tháng cuối cùng của năm 2018, với áp lực nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đưa ra hoạch định thu phí môi trường với khí thải đối với phương tiện giao thông. Hoạch định đó được chính bộ này khẳng định với báo chí rằng đã được sự thuận tình của phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
“Nghiên cứu, đề xuất gì cũng phải thể hiện sự hợp lý, hợp tình, chứ không thể tùy tiện được. Xe cộ chỉ khi nổ máy mới tạo ra khí thải. Mà muốn máy nổ thì phải sử dụng xăng dầu. Xăng dầu đã nộp thuế bảo vệ môi trường thì thu thêm phí chi nữa vào khí thải?
Tốn tiền thuế trả lương cho trí tuệ cỡ này thật phí sức dân! Cần xôi chè cúng đổi tên Bộ Tài chính thành Bộ Bóp cổ thôi!”. Ông Tư sửa xe gắn máy ở khu chế xuất Tân Thuận mà nhóm phóng viên Việt Nam Thời Báo từng phỏng vấn [http://www.vietnamthoibao.org/2018/12/vntb-thue-khoan-co-khac-gi-hui-chet.html], nhận xét.
Liên quan chuyện khí thải, Luật sư Nguyễn Thu Trang thắc mắc, vì sao Việt Nam không vận dụng Nghị định thư Kyoto năm 1997 biến đổi khí hậu Công ước khung của Liên hợp quốc [http://bit.ly/2EsjjaN], hiệu lực từ 16-2-2005 trong tạo nguồn thu ngân sách?
Ở đây có hai ý, Việt Nam có thể bán hạn ngạch như quy định của Nghị định thư Tokyo [tìm hiểu thêm ở trang https://www.rggi.org/]; hoặc nếu không còn ‘quota’, thì cần đánh thuế vào khí thải từ sản xuất công nghiệp, như các nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam.
Xem ra nếu đã hài lòng với nhận định ‘GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây’ như thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê, thì hãy chấm dứt ngay việc chăm chăm tìm mọi cách để bóp cổ dân nghèo của Bộ Tài chính.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Hưng Đạo Vương trả lời cho vua Trần Anh Tông lúc lâm trọng bệnh, trong đó có câu: “Vả lại, khoan dân lực để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”. (Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, trang 80).
T.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.