Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư đảng CSVN, qua đời
BBT Tiếng Dân
1-10-2018
Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cho biết, ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, đã qua đời lúc 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống. Sinh ngày 2-2-1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông giữ chức Tổng Bí thư hơn 6 năm, từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997. Trước đó, ông giữ chức Thủ tướng 3 năm, từ năm 1988 đến năm 1991.
Nhà báo Đà Trang cho biết: “Chuẩn bị hậu sự cho cụ, gia đình có nguyện vọng đưa cụ về quê Thanh Trì. ‘Tổ chức’ và gia đình cùng lo đất (mộ phần). Tổng cộng chừng một ngàn vài trăm mét vuông. Mọi việc đã hoàn tất“.
Trước đó, nhiều lần có tin đồn ông Đỗ Mười qua đời. Vài tờ báo trong nước phủ nhận tin đồn bằng cách đưa tin ông đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Quân đội. Ba ngày trước, báo VietNamNet có bài: Đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nhưng đọc qua nội dung, chẳng ai biết ông còn sống hay đã chết.
***
Chiều nay, nhà báo Bá Tân, đã gửi cho Tiếng Dân bài viết có tựa đề: “Ông Đỗ Mười trở thành nữ nhi thời Bắc thuộc“.
Ông Bá Tân viết: “Báo VietNamnet vừa đưa ông Đỗ Mười ra “trình làng” theo cái kiểu nữ nhi thời bắc thuộc. Thời bắc thuộc, kéo dài cả ngàn năm, trai-gái không được chạm mặt nhau trước khi cưới hỏi, chứ đừng nói tự do tỏ tình. Ngay cả khi bên nhà trai sang “chạm ngõ” thì chỉ có bậc cao niên thưa chuyện với nhau, còn cô gái, nhân vật chính của sự việc, vẫn phải nấp kín trong buồng, trong bếp.
VietNamNet đưa ông Đỗ Mười ra “trình làng” na ná như vậy. Đọc bài của VietNamnet, nói về ông Đỗ Mười, người ta không hề thấy bóng dáng hoặc ngôn từ trực tiếp của nhân vật ấy. Nữ nhi thời bắc thuộc phải trốn trong bếp, trong buồng. Còn ông Đỗ Mười, bằng “nghệ thuật” viết bài lạ đời của VietNamnet, chẳng biết trốn ở đâu, và tại sao phải trốn kín đâu đó.
VietNamNet có dụng ý “nâng” nhưng viết kiểu đó trở nên phản tác dụng, hóa ra “dìm” người ta một cách chua chát. VietNamnet, báo chí quốc doanh nói chung, nhiều khi trở thành “vật chứng” làm cho đại thi hào Nguyễn Du sống mãi với thời gian: Thương nhau mà lại bằng mười hại nhau.
Sinh, lão bệnh, tử là quy luật. Chỉ trừ thần-thánh, ma-quỷ là không chết. Còn con người, đã là người, đố ai thoát được cái chết. Vả lại, ông Đỗ Mười đã trên 100 tuổi, chết càng đúng quy luật. Kéo dài thoi thóp bằng máy, vừa khổ mình, vừa tội người, sống như thế có bằng chết hay không. Mọi thứ, kể cả cái chết, làm trái quy luật chỉ gây thêm tác hại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.