Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Nhân tri dân chủ (phần 1)

Nhân tri dân chủ (phần 1)

GS Lê Hữu Khóa
3-10-2018
Một dân tộc “nhắm mắt” chịu đựng độc tài phản dân chủ,
dân tộc đó phải nhận trách nhiệm “tự mở mắt”
để dẹp độc tài, dọn đường cho dân chủ tới cứu mình!
Nhân tri luôn có nhân lý tới từ kinh nghiệm, mang lý trí và trí tuệ của nhân loại qua nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của nhân thế đang sống trong cùng một nhân tình, nơi mà kiến thức của nhân sinh được xếp đặt thành hệ thống, có lớp lang thứ tự, tạo tiền đề để xây dựng nhân tríNhân tri dân chủ có thể được hiểu như năng lực của nhân loại tìm tự do để gầy dựng hạnh phúc cho chính mình; như nội lực mưu cầu đạo lý hay, đẹp, tốt, lành cho cuộc sống cho hiện tại và cho tương lai; như sung lực sẳn sàng hành động chống độc tài, độc trị, độc tôn, độc đảng; như mảnh lực biết đứng lên để đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tham quyền, tham quan. Đó là khi tri lực dân chủ đã thành hùng lực giờ đây trực diện để đấu tranh chống bất công, chống luôn bọn lãnh đạo bất tín với dân tộc, bất trung với tổ tiên, bất tài trước các quyết sách để phát triển đất nước. Chính tri lực dân chủ làm nên nhân tri dân chủ, mà không một bạo quyền nào có thể ngăn cản được, không một tà quyền nào ngăn chặn được!
Tri lực dân chủ
Khi nguyên cứu về các thể chế dân chủ để định đạng một nền văn minh mới cho một dân tộc, cho một xã hội đủ tri lực (sức mạnh của tri thức) để gỡ bỏ hệ độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc quyền, độc tôn), thì ta thấy dân chủ mang ba thể dạng khác nhau:
– Dân chủ tới với kết quả đấu tranh của các phòng trào xã hội đòi dân chủ để đòi tự do, bình đẳng, nhân quyền…bằng chính kinh nghiệm nạn nhân của mình trong quá khứ và hiện tại; đã từng bị đày ải trong hoàn cảnh không có tự do, bị lừa gạt bởi một chính quyền trực tiếp là tác giả sinh ra bất công ngay trong xã hội, không tôn trọng nhân quyền, vì chính quyền này luôn tìm mọi cách giết dân chủ ngay trong trứng nước.
– Dân chủ xây qua bầu cử để có chính quyền mới tự do hơn, công bằng hơn, nhiều nhân quyền hơn với các định chế mới và cơ chế mới, bảo đảm được các đòi hỏi chính đáng của các phong trào xã hội đấu tranh trên các giá trị dân chủ này. Xây để dựng, dựng để bền qua thời gian, qua các thử thách, thăng trầm của thời cuộc, trong đó các giá trị nhân văn và nhân bản phải được bảo trì, như để bảo vệ nhân quyền qua thể chế dân chủ.
– Dân chủ động trong xã hội dân chủ, trong sinh hoạt dân chủ, trong đời sống dân chủ, cụ thể là hàng ngày linh động thực hiện các điều khoản mà các đảng phái đã hứa với nhân dân, nhất là đảng cầm quyền phải thực thi các lời hứa đã có trong chương trình tranh cử của họ, nếu không thực hiện, tức là bội tín, thất hứa thì sẽ thất cử trong nhiệm kỳ tới. Chính chu trình nhiệm kỳ hoá là thời gian thoả thuận quản lý của một chính quyền với nhân dân, đây là một luật chơi hiệu quả chống hệ bất (bất tín, bất trung, bất tài, bất lực) của các đảng phái, của các chính khách hứa xuôi mà không thực hiện được, hứa mà không làm thì phải bị loại ra khỏi chính quyền qua tuyển cử.
Khi điều tra kỹ về ba quá trình dân chủ tới-dân chủ xây-dân chủ động, ta nhận ra phạm trù xây dựng một xã hội dân chủ cho một dân tộc chọn văn minh, lấy nhân quyền làm gốc, với các định chế được công pháp bảo đảm, các cơ chế được công luật bảo vệ, thì ta sẽ nhận ra:
– Hệ tín của một đảng phải sẽ làm nên chữ tin của dân chúng đối với một chính quyền, tại đây niềm tin của quần chúng được các phong trào xã hội bảo vệ tới cùng. Và chuyện lạ-mà-hay của các chế độ dân chủ là luôn có các phong trào xã hội mới để bắt buộc các chính quyền, các đảng phái phải tôn trọng lời nói, lời hứa, hơn thế nữa họ phải làm ngày tốt hơn, ngày hay hơn các chương trình của họ, tức là khá hơn cả lời nói, lời hứa của họ trong bối cảnh cạnh tranh dân chủ. Nếu không sẽ có các đảng phái khác làm hay hơn họ, thì họ sẽ thất cử trong nhiệm kỳ mới.
– Hệ tranh qua cạnh tranh giữa các đảng phái, hội đoàn có mặt thường xuyên trong một xã hội dân chủ, đây là thực tế của đời sống dân chủ, là thực thể của sinh hoạt dân chủ cho cá nhân, cho tập thể, cho cộng đồng, làm nên tri lực dân chủ. Tại đây, cạnh tranh giữa các đảng phái, hội đoàn có quan hệ mật thiết với các phong trào đấu tranhđòi bình đẳng, công bằng, tự do… để chống bất bình đẳng, chống bất công, chống độc tài. Chính sự liên đới cạnh tranh-đấu tranh tạo ra tri lực dân chủ có mặt rỏ ràng trong quan hệ xã hội và có đóng góp tích cực làm mới, làm đẹp, làm tốt, làm lành, làm hay các quan hệ xã hội sẳn có qua tự do của công dân, qua tự chủ của thiện nguyện, qua tự lập của các sáng kiến vì nhân đạo và nhân phẩm.
– Hệ kháng trong đó sức đối kháng của các đảng phái thiểu số trong bầu cử, vẫn có chỗ đứng, ghế ngồi trong lập pháp, qua quốc hội và nghị viện để tạo ra lực lượng đối kháng vừa thanh tra, kiểm soát, vừa nhận định, phê bình đường đi nước bước của đảng đa số đang nắm chính quyền. Song hành cùng tri lực đối kháng, có vai trò và chức năng của các hội đoàn, tập thể, cộng đồng xây dựng các phong trào đề kháng chống lại các bộ luật mới làm thiệt thòi quyền công dân, các đạo luật mới làm tổn thương nhân quyền, các chính sách mới làm tổn hại truyền thống, di tích, văn hoá…
Chính sức liên minh đối kháng-đề kháng nên luôn có phản kháng trong các xã hội dân chủ; và chính hệ khángnày đóng vai trò không những trong thông tin, truyền thông, mà còn cả trong lý luận và diễn luận để một chính phủ phải xem lại các đề án của mình, để một chính quyền phải xét lại các ý đồ của mình. Từ đó, tri lực dân chủ chính là hùng lực dân chủ cấm ngặt chuyện cả vú lấp miệng em, như Việt tộc phải trả giá quá đắt trừ khi có độc tài của ĐCSVN.
Thế liên hoàn tín-tranh-kháng khi làm hùng lực cho tri thức dân chủ, nên xã hội dân chủ mở cửa rộng rãi cho công dân đấu tranh vì công bằng, cho tập thể đấu tranh vì tự do, cho cộng đồng đấu tranh để phát triển đất nước theo hướng văn minh, từ đó bảo vệ được văn hoá của một dân tộc phải là văn hiến của một giống nòi. Không như hiện nay, ta thấy ĐCSVN để Tàu tặcchiếm đất, biển, đảo; không để Tàu hoạ ô nhiễm môi trường, môi sinh; không để Tàu hoạn hảm hại dân tộc bằng thực phẩm độc hại; không để Tàu nạn trùm phủ lên số phận Việt tộc hậu nạn qua hệ xâm (xâm lấn-xâm chiếm- xâm-lăng-xâm) của Tàu tà!
Nhiều định hướng của ĐCSVN trong thế kỷ XXI này đều là đại hoạ cho Việt tộc, đại hoạ khi bị rơi vào bẫy của phương trình tàu tặc-tàu hoạ-tàu hoạn-tàu nạn, nơi mà các lãnh đạo của ĐCSVN đã chọn lựa cứu đảng, hơn là cứu nước, và trước một đàn anh cộng sản như Tàu, khi chúng không hề có phong cách đại quốc của các minh sư như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, mà chỉ là bọn Tàu tặc, (như thảo khấu và thuỷ man) chỉ biết trộm, cắp, cướp, giật từ tài nguyên tới đất, biển, đảo của Việt tộc. Thì tại đây, danh sách của bọn lãnh đạo không những không cứu nước mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp bán nước thật dày đặc: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh… qua mật nghị Thành Đô, và lộ liễu nhất hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc vẫn đang cúi đầu nhận lịnh của Tàu tà. Từ khai thác bauxite Tây Nguyên tới thảm hoạ môi sinh các tỉnh miền trung do Formosa gây ra, giờ thì lén lút tính chuyện đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), cho tới việc lưu hành nhân dân tệ ngay trên đất Việt. Mọi đại hoạ sẽ báo động một chân trời tối nghịch của diệt vong!
Nếu nhân tri dân chủ có mặt tại đất Việt, thì sẽ có kinh nghiệm của phương Tây với vai trò của Cours de compte (thanh tra kế toán quốc gia), xuyên hành pháp, thấu lập pháp, sáng tư pháp. Cơ quan thanh tra này bất chấp mọi quyền lực của chính quyền hay chính phủ, để đưa mọi hệ tham (tham quan, tham quyền, tham nhũng, tham ô) ra công luật, để đưa ra ánh sáng mọi hệ bất (bất tài, bất trung, bất tín, bất lực) ra công pháp, nhất là vạch mặt, chỉ tên bọn ký sinh trùng sống nhờ hệ độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc quyền) và nêu rõ tội trạng của chúng trước công quyền, để bảo vệ công lý. Chính công lý, có rễ từ công bằng, có cội từ công tâm, mới xử được rạch ròi dã tâm bán nước của bọn sâu dân mọt nước!
Nội lực dân chủ
Khi nghiên cứu các kinh nghiệm dân chủ từ phong trào cho tới thể chế, từ xã hội cho tới pháp quyền, từ định chế tới công dân trong một quốc gia thực sự có dân chủ, các chuyên gia thấy luôn có các phong trào mới, các tập thể mới, các cộng đồng mới ngày ngày sinh ra trong sinh hoạt dân chủ, rất sinh động mà chính những các chính quyền độc tài thường ngày xuyên tạc về các thể chế dân chủ, họ bôi nhọ sinh hoạt dân chủ rồi kết luận hồ đồ là luôn có biến động, rồi biến loạn trong các xã hội dân chủ.
Nhưng qua đây phải thấy là nội lực của dân chủ luôn biết mở cửa sổ nhà của mình để lấy không khí lành bên ngoài, luôn biết ra khỏi nhà của mình để học chuyện hay, ăn món ngon, uống giếng lành, chọn mặc đẹp để vui sống, để sống vui, và vui sống-sống vui, tức là biết sống! Chính nội lực dân chủ này biến mỗi cá nhân giờ thành công dân, hơn thế nữa trở thành chủ thể dân chủbiết bổn phận đối với dân tộc, biết trách nhiệm đối với đất nước, biết quyền lợi của mình qua công bằng-tự do-bái ái.
Và hơn thế nữa, chủ thể dân chủ này còn biết nắm hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo), cụ thể là có sáng kiếnđể làm tốt hơn đời sống xã hội, biết sáng lập ra các tập thể, các cộng đồng với các phương án mới làm đẹp hơn quan hệ xã hội, qua đó có sáng tạo để làm hay hơn các sinh hoạt xã hội. Nội lực dân chủ đã có trong nội lực lịch sửcủa con người, nhất là lịch sử của hơn ba thế kỷ qua trong quá trình xây dựng dân chủ, ban đầu tại phương tây, giờ đã lan rộng trên toàn thế giới, tại đây nội lực dân chủ đã hoá giải-để-hòa-giảimột cách rất thông minh ba biến số, cũng là ba hàm số mà nhiều người tưởng là hằng số, không sao thay đổi được:
– Biến số sử, mà theo thói thường là mạnh được yếu thua, sinh ra cá lớn nuốt cá bé, tạo ra bất bình đẳng kẻ ăn ốc người đổ vỏ, tạo bao bất công chuyện cốc mò cò ăn, từ đó sinh ra độc tài cả vú lấp miệng em, với tham nhũng qua tham quan: cướp ngày là quan. Chính thực thi dân chủ là để xoá tất cả các chuyện trên đã có trong lịch sử, vì nhân quyền của dân chủ không thể chấp nhận các chuyện này, phải dẹp chúng! Phải nắm sử tính, để hiểu sử liệu, để tìm ra sử luận với đạo lý mới: không lập lại các bất công đã có trong lịch sử của con người! Sử tính giúp dân chủ sáng tạo qua hệ luận: lấy lý luận của tri thức về bất bình đẳng để xây dựng lập luận về công bằng, hiểu tai họa của độc tài qua giãi luận lịch sử để sáng tạo ra diễn luận dân chủ mà xóa bỏ độc tài.
– Biến số giáo, tức là tôn giáo được xem như niềm tin vô điều kiện vào một đấng linh thiêng đã có trước dân chủ, nhưng quá trình đấu tranh của nhân quyền để có dân chủ đã tạo dựng nên giáo dục dân chủ, trong đó tôn giáo vẫn được tôn trọng, nhưng không còn quyền lực để ảnh hưởng tới chính trị, để chi phối chính giới, để tác động tới chính khách, để thao túng chính quyền. Ngày mà tam quyền phân lậpđã sáng lập và phân quyền rõ ràng cho được lập pháp, hành pháp, tư pháp, cũng là ngày mà quyền lực của giáo hội tại Âu châu phải tách ra khỏi quyền lực chính trị. Đây là một chiến thắng lớn của dân chủ, nó quyết định các hướng đi tới của nhân loại trong các cuộc cách mạng, từ khoa học tới kỹ thuật, từ công nghệ tới công nghiệp, từ thông tin tới truyền thông, từ luật pháp tới tư pháp, từ tự động hoá tới toàn cầu hoá…
– Biến số công xuất hiện thì tôn giáo sẽ lùi ra, trong đó công pháp khẳng định không ai có thể đứng trên luật pháp, tại đây công quyền xác chứng không có đảng phái nào, lãnh tụ nào đứng ngoài công luật. Chính cái công này không những điều khiển cái luật, mà nó điều hành luôn các định chế, các cơ chế, nó nói rõ bổn phận của một công dân đối với dân tộc qua nghĩa vụ, nó nói rõ trách nhiệm các đảng phái, các hội đoàn, các phong trào qua đời sống xã hội, quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội. Cùng lúc, chính cái công này biết tôn trọng nhân quyền của công dân, biết tôn trọng dân chủ của đa số, biết tôn trọng tiếng nói và đòi hỏi của thiểu số, nhất là cái công phải biết không những tôn trọng mà còn phải bảo vệ đời sống cá nhân của mỗi công dân. Là biến số của sự tiến bộ, nên cái công biết bảo đảm cái , vừa theo nghĩa của luật pháp và vừa theo nghĩa của đạo lý.
Hãy nhớ lại các chọn lựa chính sách độc đoán phản dân chủ của ĐCSVN đều là đại nạn cho Việt tộc, từ khi lập đảng những năm 1930 cho tới ngày chia cắt đất nước với 1954, các lãnh đạo của ĐCSVN luôn lệ thuộc vào phong trào quốc tế cộng sản, trong đó phản xạ khoanh tay nhận lịnh hai đàn anh Liên Xô và Trung Quốc của Hồ Chí Minh, luôn bắt buột dân tộc ta phải trả những cái giá rất đắt.
Trong giai đoạn 1954 tới 1975, với cuộc chiến huynh đệ tương tàn cùng bao hậu quả từ cải cách ruộng đất tới các trại cải tạo sau 1975, dẫn tới các dòng người bỏ đất nước ra đi tìm tự do, cái giá còn đắt hơn nữa với loại lãnh đạo kiểu Lê Duẩn, là dân Việt sẵn sàng: đánh Mỹ cho Liên Xô và Trung Quốc.Một sự lệ thuộc từ tư duy tới hành động, từ phản xạ tới quyết sách, luôn coi thường xương máu đồng bào, lấy chiến tranh để củng cố bạo quyền, xem thường mọi mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, gạt bỏ mọi cơ hội để nước ta có tầm phát triển ngang hàng với các láng giềng cùng tam giáo đồng nguyênvới ta (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc).
Nếu tri thức dân chủ có mặt trong đa nguyên hoặc có trong minh trí của các minh chủ, minh chúa, minh vương, thì cả dân tộc có thể tránh được bao hậu quả và hậu nạn tới từ độc đảng lấy độc tài để có độc quyền qua độc trị, đang đưa Việt tộc vào tử lộ Tàu nạn hiện nay. Tại đây, tri thức dân chủ của phương tây bó buộc kẻ lãnh đạo phải có năng lực chuyên môn (compétence)dựa trên học hàm và học vị được minh chứng qua học lực (qualification), nếu không đạt được điều kiện này, thì dân tộc đó thật vô phúc!
Khi nghiên cứu về dân chủ, Tocqueville cẩn thận đề nghị là nếu muốn dân chủ bảo vệ quyền lợi của công dân, thì các thể chế dân chủ phải bảo vệ ngay trên thượng nguồn các điều kiện bình đẳng để mỗi cá thể được hưởng công bằng từ ngay từ sơ sinh tới lúc trưởng thành. Cụ thể là công bằng xã hội phải được tổ chức ngay trong các điều kiện ban đầu của đời người, từ vật chất tới giáo dục, từ kinh tế tới văn hoá… chính điều kiện bình đẳng thượng nguồn, tạo ra thành công về công bằng trong xã hội.
Từ đây, ta thấy nội chất bất công mà ĐCSVN đã tạo ra chống dân chúng, phản quần chúng trong sân chơi-luật chơi về bình đẳng, vì họ đã dùng lý lịch để loại các công dân không đồng ý với họ, họ đã dùng thẻ đảng để chọn, tuyển, lựa, lọc người vào nguồn máy của họ, mà trong đó muốn thăng quan tiến chức thì phải là đảng viên. ĐCSVN lại còn cơ chế hoá một cách quái thai nhất là cho hệ thống đảng (chính uỷ, đảng uỷ…) “song hành” cùng hệ thống chính quyền để điều khiển, để thao thúng, để áp chế chính phủ, từ đó tạo ra bao bất bình đẳng mà hậu nạn là bất công trong mọi định chế vĩ mô, trong mọi cơ chế vi mô.
Khi nhận định về các điều kiện bình đẳng để có công bằng tự trên xuống dưới, từ khi ra đời tới khi trưởng thành, Tocqueville lấy cá thể giờ là công dân trong thể chế dân chủ để làm gốc rễ cho tri thức dân chủ, và sau hai thế kỷ con người đã có những bước tiến rõ rệt về tổ chức các nguyên tắc công bằng ngày càng phong phú. Sau các cuộc cách mạng về khoa học, kỹ thuật, thông tin, truyền thông, văn hoá, giờ đây là mạng xã hội qua internet nơi mà tin tức, dữ kiện, chứng từ xuất hiện để phản biện, công dân trong phản luận dân chủ, từ đó vai trò đấu tranh dân chủ vì công bằng và tự do luôn được thay đổi theo hướng đi lên; mà các chuyên gia về các thể chế dân chủ gọi tên nó là sự khủng hoảng tăng trưởng (crise de croissance).Tại đây xuất hiện hai dữ kiện mới của dân chủ:
– Xã hội dân sự đối diện để đối chất với chính quyền dân chủ do dân bầu ra, tức là bầu rồi, thắng cử rồi nhưng vẫn phải chịu hệ kiểm (kiểm soát, kiểm tra, kiểm toán…) trong mọi công trình, trong mọi chính sách, trong mọi phương án từ hiện tại tới tương lai.
– Dân chủ của những bản sắc trực diện để trực tiếp đòi hỏi quyền bảo vệ bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hoá, nơi mà bản sắc của thiểu số luôn bị đe doạ bởi các áp lực kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của các cường quốc.
Sự khủng hoảng tăng trưởng là sự khủng hoảng để trưởng thành, để vững mạnh trong phát triển và vững vàng trong các thử thách khi đối diện với các lực lượng quá khích hoặc cực đoan luôn muốn phá hoại sinh hoạt dân chủ để đưa độc tài vào xoá dân chủ, lấy độc trị để diệt nhân quyền, đưa độc đảng vào triệt tự do.
Dân chủ luôn có các địch thủ muốn thủ tiêu nó, luôn có các đối phương muốn xoá bỏ nó, để áp đặt độc tài mà mục đích là chỉ phục vụ cho một người, một đảng, mà quên tiền đồ của tổ tiên, quên quyền lợi của dân tộc, tại đây một thể chế dân chủ muốn sống còn nó phải tự hiện đại hóa nó qua hai phương hướng sau:
– Dân chủ phải luôn đào sâu nội chất đạo lý công bằng-tự do-bác ái của nó, là phục vụ mọi người, tuân thủ đa số mà không quên thiểu số, đạo lý của nó không được bỏ sót ai, không được phân biệt đối xử với bất cứ ai, không được kỳ thị với bất cứ đoàn thể, sắc tộc, tầng lớp xã hội nào.
– Dân chủ phải luôn mở cửa để tiếp nhận mọi tiến bộ của nhân loại từ khoa học tới kỹ thuật, từ thông tin tới truyền thông, từ hợp tác quốc tế tới toàn cầu hoá… tất cả dựa trên nhân quyền để củng cố nhân đạo, tăng cường nhân từ, bảo vệ nhân phẩm.
Chính nội lực dân chủ này làm nên sung lực dân chủ trong hành động của mỗi công dân!
_____
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên BÁO TIẾNG DÂN đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp qua TRỰC LUẬN(l’argumentation directe), XÃ LUẬN(l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 trong VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).
____
Mời đọc lại các bài khác của tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc  —  Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt!  —  Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN  —  Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối!  —  Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? —  Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3) —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 1)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 3)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 4)—  Nhân lý dân chủ (Phần 1)  —  Nhân lý dân chủ (Phần 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.