Nguyên Ngọc, đảng viên lão thành và là nhà văn nổi tiếng có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh trung học Việt Nam, và Mạc Văn Trang, PGS-TS, nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục và có trên 54 năm tuổi Đảng, tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 26/10, để phản đối quyết định kỷ luật của Đảng đối với Giáo Sư Chu Hảo.
Đảng ‘ngày càng xa rời’ và ‘tự diễn biến’
Quyết định này của ông Nguyên Ngọc, theo lời lý giải của ông trong tuyên bố thoái Đảng, có nguyên nhân trực tiếp là việc Tiến sỹ Chu Hảo, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng kỷ luật vì có những bài viết, phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
“Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS. TS. Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay,” ông viết trong Tuyên bố được đăng tải trên trên trang Facebook ‘Lão mà chưa an’.
Trong tuyên bố thoái Đảng, Nguyên Ngọc lên án Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị mà ông đã gia nhập, chiến đấu và phụng sự trong 62 năm qua là ‘đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc’.
“Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, đã tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước,” ông viết. “Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.”
Trong những năm gần đây Nguyên Ngọc đã là một tiếng nói mạnh mẽ phản biện các đường lối của Đảng cộng sản cầm quyền, nhất là các chính sách về tài nguyên, môi trường và đối ngoại với Trung Quốc. Cho nên, việc ông tuyên bố thoái Đảng là điều đã được nhiều nhà quan sát dự đoán từ trước.
Thật ra, trong bản tuyên bố được đăng hôm 26/10, ông Nguyên Ngọc cũng nói rằng ông ‘đã suy nghĩ và định làm việc này (thoái Đảng) từ lâu’ và việc công bố ‘quyết định đã chuẩn bị từ trước’ vào lúc này là để ‘tỏ rõ thái độ’ với quyết định kỷ luật ông Chu Hảo.
Nội dung Tuyên bố thoái Đảng của ông gần như là lời phản đối mạnh mẽ việc Đảng thực thi kỷ luật đối với ông Chu Hảo – người mà ông Nguyên Ngọc cho là ‘có công lớn với đất nước và dân tộc’, người mà ông ‘có vinh dự và tự hào là bạn thân’ và ‘đã cùng làm việc và tham gia các hoạt động xã hội nhiều năm nay’.
Ông lên án việc kỷ luật này là ‘hành động thực hiện chính sách ngu dân, kiềm hãm nhân dân trong vòng tăm tối để dễ lừa dối và đàn áp’ và là ‘chủ tâm đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm, luôn hành động và phát ngôn theo lương tâm của mình’.
Ông giãi bày rằng ông tự nguyện vào Đảng lúc đầu là ‘vì yêu nước’ và ‘hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc’. Sau khi vào Đảng, ông đã tham gia vào cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên, ông nói rằng ông ‘vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là lớp trẻ’.
Nhà văn Nguyên Ngọc, tên thật là Nguyễn Văn Báu, năm nay 86 tuổi. Mặc dù nguyên quán ông ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, các tác phẩm nổi tiếng của ông đều viết về đất và người và cuộc chiến đấu giữ nước của các dân tộc ở Tây Nguyên do ông có thời gian lăn lộn trong công cuộc kháng Pháp ở Tây Nguyên.
Từng tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và từng là tổng biên tập báo Văn Nghệ, các tác phẩm ‘Rừng Xà Nu’ và ‘Đất nước đứng lên’ của ông lâu nay được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa để dạy cho học sinh Việt Nam về tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của người dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc ông quay đầu trở thành nhân vật đối lập với Đảng Cộng sản, hiện chưa rõ trong thời gian tới các tác phẩm của ông có bị đưa ra khỏi sách giáo khoa hay không.
Biến chất và tha hóa ‘không thể cứu chữa’
Gần như đồng thới với việc ông Nguyên Ngọc thoái Đảng, một trí thức khác là PGS-TS Mạc Văn Trang, người từng nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục và có trên 54 năm tuổi Đảng, cũng công bố trên Facebook quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên nhân trực tiếp khiến ông Trang chính thức ra khỏi Đảng, theo lời ông, cũng là để ‘tỏ rõ thái độ’ trước việc ông Chu Hảo bị kỷ luật mặc dù ông đã ‘rời xa Đảng từ năm 2000’.
Cũng giống như ông Nguyên Ngọc, ông Mạc Văn Trang cho rằng ông vào Đảng với lý tưởng ‘độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân’. Nhưng giờ đây ông cho rằng Đảng ‘đã biến chất hoàn toàn’, ‘đảng viên ngày càng tha hóa’ đến mức ‘không thể nào cứu chữa được’.
Ông bác bỏ sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và kêu gọi ‘đa đảng’, ‘tam quyền phân lập’ và ‘xây dựng xã hộ dân sự’.
“Tôi rời bỏ Đảng vì thất vọng với những gì Đảng đã và đang làm, bất chấp bao ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ của những người như Chu Hảo; bất chấp những tiếng kêu thảm thiết của biết bao người dân bị cướp bóc, đàn áp, bất công một cách oan ức, thảm khốc,” ông viết trên trang Facebook cá nhân của ông.
Các ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang không phải là những trường hợp đầu tiên đảng viên có tên tuổi tuyên bố thoái Đảng. Hồi cuối năm 2013, ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã công bố quyết định ra khỏi Đảng với lý do tương tự như của ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang là ‘Đảng không còn như trước mà đã suy thoái biến chất, là Đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc’.
Đến đầu năm 2014, ông Đặng Xương Hùng, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Geneve, Thụy Sỹ, cũng công bố việc ông đã thoái Đảng để ‘bắt đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam’ do ‘Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.