Câu chuyện nhất thể hóa
Nguyễn Đình Cống
2-9-2018
1- Vài chuyện ở cơ sở
Năm 2011, TS Lê Văn Thành được quyết định làm Hiệu trưởng Đại học Xây dựng sau một quá trình tranh cử và bầu cử gay go qua các vòng. Sau khi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng ít lâu, Thành hỏi ý kiến tôi về chủ trương nhất thể hóa chức danh Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy. Hình như cấp trên định dùng ĐHXD làm thí điểm trong các trường ĐH.
Thành hơi ngần ngại, chưa biết nên như thế nào. Tôi động viên, khuyến khích Thành nhận làm vì biết rõ Thành có phẩm chất tốt. Tôi nhận xét ở các trường ĐH, nói Đảng ủy lãnh đạo toàn diện nhưng thực chất lu mờ, không có cũng được, thậm chí nếu không có đảng ủy còn tốt hơn. Trong nhiều khóa Ban giám hiệu và Đảng ủy ở ĐHXD (và chắc ở các trường khác cũng thế), nhiều việc quan trọng được thảo luận trong Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học, việc đem ra đảng ủy thường chỉ là hình thức.
Trong một khóa trước, giữa Hiệu trưởng và Bí thư ở trường tôi có nhiều điểm bất đồng, không có sự gắn bó, gây nên cảnh lục đục trong gần suốt nhiệm kỳ, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhà trường. Tôi thấy cả 2 người đều có lỗi, nhưng phần chính thuộc bí thư vì trình độ non yếu, bảo thủ nặng, lại thích tỏ ra có quyền hành. Hiệu trưởng được sự tín nhiệm của đông đảo cán bộ trong trường. Bí thư được các đảng ủy viên bầu tại đại hội. Tôi hỏi nhiều đảng ủy viên, sao lại bầu ông ta làm bí thư. Tuy ông có bằng tiến sĩ, nhưng thực tế tỏ ra có trình độ và phẩm chất yếu kém so với mặt bằng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở trong trường. Tất cả đều trả lời là do cơ cấu, ông ta đã được Thành ủy chọn làm cán bộ nguồn, được cho đi học bồi dưỡng ở Học viện Hồ Chí Minh. Tôi góp ý với vài đảng ủy viên là bạn thân tình, rằng các vị có trình độ, có bằng cấp cao mà xử sự trong việc bầu lãnh đạo theo cách của kẻ nô lệ, vô học. Các bạn phân bua: “Gặp thời thế, thế đành phải thế”.
Tôi đã tích cực góp ý và vận động Thành nhận làm thí điểm nhất thể hóa. Kết quả khá tốt đẹp. Tiếp sau Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Phạm Duy Hòa cũng kiêm luôn bí thư và làm việc tốt. Họ làm việc tốt vì cơ bản họ là người có phẩm chất. Việc nhất thể hóa chỉ là điều kiện phụ, giúp cho họ tránh được sự lãng phí thì giờ vô ích vào những việc mang tính hình thức.
2- Chuyện mới của quốc gia
Bây giờ toàn quốc đang bàn đến việc nhất thể hóa chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng. Đã có khá nhiều bài bàn luận. Một số cho là hay, là cần. Số khác cho là không nên vì sẽ mang lại điều xấu, điều dở. Nhiều người băn khoăn, không biết như vậy làm cho tình hình đất nước biến đổi thế nào. Tôi cho rằng tình hình có thể tốt lên hoặc xấu đi phụ thuộc vào phẩm chất người được chọn giao trách nhiệm nhất thế hóa.
Ở Trung quốc Tập Cận Bình đã làm được. Ở Việt Nam một số cơ sở (cơ quan, phường, xã, huyện…) đã nhất thể hóa, ở trung ương Nguyễn Phú Trọng đang muốn kiêm luôn chức Chủ tịch nước như họ Tập bên Tàu.
Xét sự hoạt động của hệ thống quản lý xã hội của Việt Nam, nó nặng nề, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, phạm nhiều sai lầm, nhiều lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu là sự chồng chéo 3 hệ thống: Đảng, Chính quyền, Mặt trận và việc chọn người theo lối dân chủ giả hiệu đảng cử dân bầu. Trong tình hình đó, việc nhất thể hóa vai trò người đứng đầu có tác dụng chủ yếu đối với cá nhân người đó và ảnh hưởng đến xã hội do phẩm chất người đó.
Trong một xã hội dân chủ đa nguyên không cần gì nhất thể hóa. Nó chỉ được nêu ra trong chế độ đảng trị toàn diện. Chủ tịch nước thuộc toàn dân, Tổng bí thư của đảng. Có 2 cách đi đến nhất thể hóa. Cách 1- Đảng cử trước, dân bầu sau theo lối dân chủ giả hiệu (đảng cử dân bầu). Cách 2- Dân bầu Chủ tịch trước theo dân chủ thật sự, đảng bầu Tổng bí thư sau. Nếu bầu trùng nhau thì nhất thể hóa, không thì thôi (Dân bầu đảng cử). Bầu cử dân chủ thật sự là phải có tranh cử, có vận động, có đối thoại công khai v.v…
Việt Nam đang kiên trì lối đảng cử dân bầu. Mọi việc thảo luận và quyết định tại Bộ Chính trị, sau đó đưa ra Ban chấp hành trung ương và Quốc hội để làm trò dân chủ giả hiệu, như thế thì khó mà chọn được người có phẩm chất tốt theo ý kiến của đại đa số nhân dân.
3- Bình luận
Một số người đồng tình, cho rằng: “nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam”. Họ còn lập luận nhiều điều hay ho như cho là nhất thể hóa gần như là chế độ bán tổng thống ở nhiều nước cộng hòa, là làm giảm nhẹ biên chế vốn rất cồng kềnh v.v… Tôi thấy những lập luận của họ hoặc là chủ ý ngụy biện, hoặc là rơi vào mơ tưởng chung chung, hy vọng vào một người cầm đầu anh minh, liêm chính. Họ tạm bỏ qua tình hình thực tế.
Số người không đồng tình cho rằng nhất thể hóa xẩy ra thì chắc chắn Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm trọn quyền lực. Mà thực tế chứng tỏ ông Trọng là người quá bảo thủ, rất kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, rất chống đối đa nguyên và tam quyền phân lập, có những nhận thức sai về giai cấp và con đường phát triển xã hội, rất thân thiện với bọn bành trướng Đại Hán Tập Cận Bình.
Người ta suy luận rằng nhất thể hóa rơi vào tay ông Trọng thì ông ta sẽ kéo lùi dân tộc Việt thêm nữa, sẽ đẩy đất nước Việt phụ thuộc vào Tàu Cộng nhanh hơn nữa, sẽ đẩy mạnh sự đàn áp dân chủ và nhân quyền mạnh hơn nữa. Nhất thể hóa ở VN hiện nay chủ yếu tạo chính danh cho ông Nguyễn Phú Trọng trong công việc đối ngoại mà thôi (đối nội không cần). Một số người hy vọng ông Trọng sẽ đổi mới tư duy. Đó là hy vọng hão huyền. Trong một tổ chức, đổi mới tư duy cơ bản phải là dùng người có tư duy mới thay cho người có tư duy cũ. Việc một người có tư duy lạc hậu đã trở thành thâm căn cố đế, chịu tác động bên ngoài để thay đổi tư duy là việc rất ít khi xẩy ra.
Nếu thực sự muốn tăng cường hiệu lực của chính quyền thì cần tìm cách xóa bỏ sự chồng chéo của 3 tổ chức (Đảng, Chính quyền, Mặt trận), tìm cách thoát khỏi chủ nghĩa Mác Lê và Trung cộng. Việc nhất thể hóa có thể làm theo cách dân bầu đảng cử, còn nếu cứ giữ nguyên việc đảng cử dân bầu với dân chủ giả hiệu trắng trợn thì tuy có thể tạm giữ được quyền lực, nhưng không tạo được lòng tin của dân. Như vậy, đúng ra là phản đối việc một Tổng bí thư như ông Trọng kiêm luôn Chủ tịch nước chứ không phản đối việc nhất thế hóa nói chung. Tốt nhất là bỏ điều 4 của Hiến pháp và không cần bàn đến nhất thể hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.