Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Cái chết của Trần Đại Quang và “thời điểm chín muồi” để nhất thể hóa chức danh


Cái chết của Trần Đại Quang và “thời điểm chín muồi” để nhất thể hóa chức danh

Châu Minh Dũng
4-10-2018
Chưa đầy một tuần sau quốc tang của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chiều ngày 3/10/2018, hầu như tất cả các tờ báo “lề đảng” đồng loạt đăng bài thông báo: Đã đến thời điểm thích hợp để nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Theo đó, trong buổi họp Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra cùng ngày, 100% đại biểu tham dự đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 21/10/2018.
Con số 100% đại biểu đồng thuận hầu như luôn xuất hiện khi tầng lãnh đạo tối cao của chế độ muốn gửi thông điệp rằng mọi thứ đã được sắp đặt đâu vào đấy. Bên cạnh đó, bộ máy tuyên truyền của chế độ được bật đèn xanh để đăng tin, bài bình luận, rằng đã đến lúc nước Việt Nam cần có Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, một diễn biến quen thuộc có vai trò “dọn đường” cho bước chuyển đổi đã được sắp đặt trong bóng tối.
VOV có bài tổng hợp ý kiến của ông Vũ Mão, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giải thích rằng, đây là “thời điểm chín muồi” để nhất thể hóa chức danh (VTC và Dân Trí sau đó dẫn lại bài này). Zing có bài dẫn lời ông Lê Quang Thưởng, cựu Phó ban Tổ chức Trung ương, khẳng định ông Trọng đủ uy tín làm Chủ tịch nước. Viet Times trích lời ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nói rằng chuyện nhất thể hóa chức danh này là “ý Đảng, lòng Dân”. Một số người thạo tin về chuyện cung đình như nhà báo Huy Đức cũng viết bài ủng hộ nhất thể hóa chức danh(LS Lê Văn Luân đã phản biện luận điểm của ông Huy Đức, cho rằng nhất thể hóa như vậy thì có thể dẫn tới nhà nước cộng hòa bán tổng thống).
Chỉ qua một buổi chiều, dư luận phía đảng nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung như thể đã “đồng thuận” cho một cá nhân được thu tóm quá nhiều quyền lực. Dĩ nhiên, đó chỉ là bức tranh chắp vá được các cơ quan tuyên truyền cộng sản vội vã dựng lên, để che giấu một sự thật hoàn toàn không đơn giản như vậy. Ngay cả các đảng viên chúng tôi quen cũng bất ngờ, trước đó họ còn đồn đoán rằng ông Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân, thậm chí có thể là Hoàng Trung Hải, sẽ được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.
Chỉ một buổi chiều, yếu tố vô tình, tàn độc trong mối quan hệ giữa các “đồng chí” cộng sản đã được công khai. Các tờ báo đảng hầu như không còn để tâm đến một quốc tang vừa diễn ra cách đây chưa đầy một tuần, thi nhau tô vẽ cho sự kiện nhất thể hóa chức danh. Chỉ mới vài tuần trước, cũng chính bộ máy tuyên truyền này còn ca ngợi ông Trần Đại Quang trong vai trò Chủ tịch nước. Các cựu lãnh đạo đảng phát biểu ủng hộ ông Trọng mà không sợ dân nghĩ: Nói như các ông thì chẳng hóa ra ông Trần Đại Quang chết rất đúng lúc để tạo nên “thời điểm chín muồi”?!
Diễn biến này càng khiến nghi vấn về ánh mắt thù hằn của người nhà ông Trần Đại Quang, hướng về ông Nguyễn Phú Trọng trong tang lễ, có thêm cơ sở. Cái chết của ông Quang diễn ra vừa nhanh vừa “đúng quy trình”, để tạo nên “thời điểm chín muồi” cho ngài Tổng Bí thư tham quyền cố vị, thuận lợi hơn nắm luôn hai chức lãnh đạo cao nhất nước. Tuy nhiên, nếu điều này đúng là sự thật, một nguyên thủ quốc gia ám sát một nguyên thủ khác để thu tóm quyền lực, thì đây không còn là chuyện để đùa nữa, mà nền chính trị Việt Nam đang bước vào giai đoạn bất ổn mới.
Ám sát đối phương để chiếm quyền, đó là luật rừng. Lãnh đạo tối cao của một quốc gia mà dùng luật rừng, thì còn hy vọng ổn định gì cho quốc gia đó? Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền về “luật pháp xã hội chủ nghĩa ưu việt”, nhưng sau cùng thì thứ “luật pháp ưu việt” đó không hơn luật rừng. Chế độ cộng sản Bắc Việt đã được khai sinh từ dối trá và bạo lực, nên đến giờ phút này, các “đồng chí” ở cấp cao nhất vẫn chỉ biết dùng dối trá và bạo lực để đối xử với nhau.
Vấn đề là trong các đời Tổng Bí thư trước ông Trọng, họ dùng dối trá và bạo lực ở hậu trường và cố gắng thể hiện sự đoàn kết ở bên ngoài. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ dùng mọi thủ đoạn hạ bệ ông Hồ, ông Giáp, nhưng vẫn ca ngợi và sử dụng ông Giáp như một biểu tượng tuyên truyền cho chiến dịch cưỡng chiếm miền Nam. Chính họ hiểu hậu quả không thể lường trước sẽ tìm đến, nếu họ không gìn giữ được diện mạo “ổn định”. Còn bây giờ, lòng tham quyền lực của người lãnh đạo cao nhất đã bất chấp cả những quy luật bất thành văn, vốn đã duy trì cấu trúc của chế độ từ năm 1975 đến nay.
Người dân chắc chắn không ngu, chắc chắn không “đồng thuận” trong chuyện nhất thể hóa chức danh như bộ máy tuyên truyền cố gắng tô vẽ. Người dân biết đặt nghi vấn: Trong một vụ ám sát, một trong các phương pháp xác định kẻ chủ mưu bằng cách quan sát người được lợi nhất từ vụ giết người đó. Sự hoang mang đã bắt đầu xuất hiện ở ngay những người dân vốn rất an phận và xa lánh chính trị, đến cả những người chạy xe ôm và xe ôm công nghệ cũng thấy không ổn khi ngài Tổng Bí thư thẳng chân bước tới ngồi vào ghế của Chủ tịch nước, ngay sau cái chết không minh bạch của vị Chủ tịch nước này.
Dù ông Trọng và các đồng sự của ông ta dựa trên lý do nào để tin tưởng vào sự ổn định của chế độ cộng sản Việt Nam sau ngày nhất thể hóa chức danh, sự thật vẫn là: Họ đã tạo ra một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho nền chính trị Việt Nam trước ngày chế độ cộng sản kết thúc. Theo đó, ngay cả những lãnh đạo cấp cao vẫn có thể thủ tiêu nhau để thuận lợi chiếm đoạt quyền lực của nhau. Bạo lực công khai xuất hiện ở tầng cao nhất của chế độ, hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cho các cấp thấp hơn, như câu nói của ông bà ta: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Về phần ông Trần Đại Quang, với tư cách là sĩ quan an ninh, rồi sau đó là Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước, ông ta đã cố sức duy trì chế độ cộng sản và khủng bố người dân, trấn áp các tiếng nói đối lập. Hậu quả mà ông ta phải gánh cho những việc làm thất nhân đó là nhiều tháng sống dở chết dở trước khi ra đi. Ông ta vào áo quan chưa được một tuần thì các “đồng chí” đã sắp xếp chu toàn để cướp lấy hết những gì ông ta từng có. Với diễn biến tuyên truyền mấy ngày qua, có lẽ những người cộng sản chẳng còn quan tâm xem ông Trần Đại Quang chết có nhắm được mắt hay không. Phải chăng đó là báo ứng cho những thủ đoạn hết sức tàn bạo mà ông Quang đã áp dụng trong đợt trấn áp biểu tình ở Tây Nguyên năm 2004, sau khi ông Quang được thăng cấp thiếu tướng chỉ trong 8 tháng?
Phần lớn các đảng viên, sĩ quan an ninh mà chúng tôi tiếp xúc, vẫn còn duy trì niềm tin vào ông Trọng và các cộng sự. Họ nói rằng ông Trọng làm tốt và xứng đáng kiêm luôn hai chức danh, theo đúng luận điểm mà bộ máy truyền thông cộng sản đang ra sức tuyên truyền. Vấn đề là một lãnh đạo chấp nhận dùng luật rừng như vậy có thể bảo đảm một tương lai thỏa đáng cho những người đã trót đặt niềm tin vào ông ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.