Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Bản tin ngày 5-10-2018

Bản tin ngày 5-10-2018

Nhân quyền ở Việt Nam
Hôm nay, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử nhóm Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, gồm các thành viên: ông Lê Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Từ Công Nghĩa, cùng tu sĩ phật giáo Phan Trung. Tất cả đều bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tất cả những người trong nhóm này bị bắt vào tháng 11/2016, sau gần hai năm, cuối cùng mới được đưa ra xét xử. Hôm 3/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi hủy bỏ mọi cáo buộc đối với năm người trong nhóm: Việt Nam: Hãy chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động Các thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị đưa ra xử.
Nguyễn Văn Đức Độ (bên phải) đội chiếc mũ có biểu tượng nhân quyền, và Lưu Văn Vịnh (bên trái) tại một cuộc biểu tình ủng hộ môi trường. Ảnh: HRW
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Việc truy tố năm người cho thấy không hề có dấu hiệu chấm dứt tình trạng chính quyền đàn áp các tiếng nói kêu gọi đa nguyên chính trị, dân chủ hay tôn trọng nhân quyền… Năm nhà vận động có nguy cơ ngồi tù với mức án nhiều năm chỉ vì dám phê phán Đảng Cộng sản”.
Trước đó, LS Nguyễn Văn Miếng cho biết: “Liên minh dân tộc Việt Nam là một tổ chức còn trong trứng nước trên cơ sở nhận định cho rằng thể chế chính trị hiện nay đã lỗi thời nên sẽ bị đào thải, chuyển sang thể chế mới đa nguyên, đa đảng, cho phép tự do thành lập các hội đoàn, đảng phái để thu hút nhân tài, xã hội sẽ có sự cạnh tranh chính trị, từ đó lựa chọn được đường lối đúng đắn đưa đất nước đi lên”.
Ông Trọng sẽ trở thành nhân vật quyền lực nhất, sau Lê Duẩn
Sau khi TBT Trọng được ủy viên BCH TW đảng cử ra nắm chức Chủ tịch nước, BBC có bài viết về phản ứng của dư luận đối với sự kiện này. Nhà báo David Hutt viết trên Asia Times, nói rằng, rất cả quyền hành đều nằm trong tay ông Trọng và rằng, “nếu việc sáp nhập diễn ra, vốn gần như chắc chắn, ông Trọng có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất trong chính trường Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn“.
TS Phạm Quý Ngọ đặt vấn đề, liệu khi ông Trọng nắm “quyền lực tuyệt đối”, có làm cho ông ta “tha hoá tuyệt đối” hay không? TS Lê Trung Tĩnh nhận định, dù có nhiều quyền lực nhưng ông Trọng cũng phải đối mặt với thách thức lớn, đó là trách nhiệm đối với 100 triệu dân, ngoài 4 triệu đảng viên.
Nguyễn Bắc Son: bị cách cái chức không còn; Trần Văn Minh: bị khai trừ đảng
Hội nghị Trung ương 8 đã cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI với ông Nguyễn Bắc Son. Thông Tấn xã VN đưa tin, ông Son bị “cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016“, nhưng hai cái chức này của ông Son đâu còn nữa mà cách?
Vụ cách chức này tương tự như vụ kỷ luật cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, cả hai ông đều bị cách chức khi không còn chức. Nhưng mà Việt Nam không nên làm ồn ào vì coi chừng tụi Mỹ sẽ học theo. Sau khi mãn nhiệm, nêu bên tư pháp Mỹ tìm thấy Donald Trump có tội, họ sẽ cách mất cái chức cựu tổng thống 45, khai trừ ông ta ra khỏi danh sách tổng thống Mỹ, coi như nước Mỹ bị khuyết mất một “cựu tổng thống Mỹ”!
Cũng tại Hội nghị TƯ 8, ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng bị khai trừ ra khỏi đảng, vì có liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”. Theo kết luận, thời gian giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2011-2014, ông Minh đã vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
Quốc tang ông Đỗ Mười
Việt Nam sẽ tổ chức quốc tang cho cựu TBT Đỗ Mười trong hai ngày cuối tuần, 6 và 7/10/2018, tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức lúc 13 giờ, ngày 7/10 tại quê ông ta ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Rút kinh nghiệm sau cái chết của ông Trần Đại Quang, việc xây lăng mộ cho ông Đỗ Mười không được báo chí đưa tin rùm beng để tránh bị mang ra mổ xẻ. Nhưng theo VietNamNet, việc xây dựng lăng mộ cho ông Đỗ Mười ở quê nhà đang được triển khai gấp rút.
Báo chí lần này cũng không dám ca tụng ông Đỗ Mười kiểu như học trò nghèo “bắt đom đóm làm đèn học“, nhưng vẫn có bài như: Ngôi nhà cấp 4 giản dị của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ở quê nhà.
Tượng Đỗ Mười trong ngôi nhà ông ở Thanh Trì, HN. Ảnh: VNN
Như tin đã đưa, Đỗ Mười là một trong những nhà lãnh đạo được cho là có trình độ học vấn thấp nhất. Ông ta được biết đến qua vụ “cải tạo công thương nghiệp”, “đánh tư sản mại bản”, phá hoại đất nước. Dù Đỗ Mười rất tự hào về thành tích này, nhưng theo giới phân tích, những hệ lụy mà ông ta gây ra, làm đất nước tụt hậu cho tới ngày nay.
Cựu giám đốc bệnh viện giả điên để né tội
Báo Thanh Niên có bài: Khởi tố nguyên giám đốc bệnh viện tỉnh ‘bỗng dưng có bệnh án tâm thần’. Dù đang bình thường, nhưng sau khi bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Nguyễn Mạnh Cường, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, bỗng có giấy chứng nhận tâm thần, mất 76% khả năng lao động!
Ông Nguyễn Mạnh Cường bị điều tra về những sai phạm khi xây dựng dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông vào năm 2011, gây thất thoát, lãng phí ngân sách trong việc quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế tại bệnh viện này.
Cựu thượng tá, Phó phòng cảnh sát kinh tế bị bắt về tội dâm ô
Báo Người Lao Động đưa tin: Bắt 1 cựu phó Phòng Cảnh sát kinh tế về hành vi dâm ô nữ sinh lớp 9. Công an TP Thái Bình quyết định khởi tố, bắt giam ông Phạm Văn Lam, phó Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình, cùng hai người khác là Phạm Như Hiển và Phạm Đức Việt, với tội danh: “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi“.
Giáo dục Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Sinh viên Đại học cũng đau đầu vì lạm thu. Bài báo cho biết, việc lạm thu không chỉ xảy ra ở bậc tiểu học hay trung học mà ngay cả trong các trường đại học, sinh viên cũng phải đối mặt với đủ các kiểu tận thu. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng bị tố thu vượt trần học phí trái với quy định.
Trường ĐH Ngoại ngữ Huế cũng bị phản ảnh về những khoản thu bất hợp lý. Theo đó, nhiều sinh viên đến trường để xin giấy xác nhận “đã thi qua môn ngoại ngữ không chuyên”, nhằm bổ sung vào hồ sơ xin việc, họ đã bị chuyên viên thu 50.000 đồng, dù quy định nhà trường không thu tiền khoản cấp giấy xác nhận này.
Nhà hát 200 tỉ đồng lợp mái bằng tôn
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin: Nhà hát hơn 200 tỉ đồng nhưng lại lợp… tôn. Công trình nhà hát và triển lãm nghệ thuật tỉnh Bình Thuận được xây dựng với mức đầu tư 200 tỉ đồng, nhưng trong bản vẽ thiết kế lại sử dụng vật liệu mái lợp bằng tôn thép liên kết đinh vít. Ngoài ra, vị trí xây dựng công trình là quá nhỏ, giao thông xung quanh khó khăn, phức tạp, khi tổ chức sự kiện lớn sẽ không đủ sức chứa khối lượng khán giả tham dự…
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.