Dấu hỏi việc ông Trương Minh Tuấn bị kỷ luật về Ban Tuyên giáo Trung ương
Diễm Thi, RFA
2018-08-02
2018-08-02
Điều chuyển theo ý đảng
Vừa qua từng có những trường hợp điều chuyển quan chức bị kỷ luật về một cơ quan khác trước khi chính thức bị đưa ra xét xử và tuyên án tù như trường hợp ông Đinh La Thăng bị đưa về làm phó Ban Kinh Tế Trung ương. Và rồi bị đưa ra xét xử trong hai vụ án với tổng mức án tù lên đến 31 năm.
Trong trường hợp ông Trương Minh Tuấn, bị ngưng chức Bộ trưởng Thông Tin- Truyền Thông, lại được điều chuyển về Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nơi được cho nắm lực lượng báo chí; thường được mệnh danh là nhóm ‘quyền lực thứ tư’ trong xã hội; khiến dư luận thắc mắc.
Vậy thực chất biện pháp kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn là thế nào, ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng trước đây ông Trương Minh Tuấn có quyền lực bao trùm và mạnh hơn rất nhiều khi ông Tuấn giữ hai chức vừa bên đảng vừa bên chính quyền. Lúc đó có thể coi là người của đảng nắm khối chính quyền. Còn bây giờ chỉ là người của đảng thôi:
Rõ ràng ở đây có ý nghĩa kỷ luật đối với Trương Minh Tuấn và do vậy mới thu hẹp quyền lực của Trương Minh Tuấn và đưa về Ban tuyên giáo Trung ương. Nếu mà không bị kỷ luật thì ông Tuấn vẫn làm Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông và kiêm luôn Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương.
Cái quyết định đưa Trương Minh Tuấn về làm Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương khá lạ lùng. Tại vì vào tháng 8 năm 2016 thì chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ định ông Trương Minh Tuấn làm Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương và kiêm Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông.
Ban đầu chúng ta có thể ngạc nhiên về chuyện này, nhưng nhìn sâu một chút chúng ta có thể nhìn thấy sự điều chuyển hai nhân vật này đều nằm trong sự tính toán cả. - Nhà báo Ngô Nhật Đăng
Một sự kiện được nhiều người quan tâm là vào ngày 12 tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu tán thành; bất chấp mọi kêu gọi và phản đối dự luật này của người dân từ trong ra ngoài nước. Luật này bị cho nhằm xiết chặt thêm nữa quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Theo nhận định để thực thi luật này kể từ đầu năm 2019, chính phủ Hà Nội phải chuẩn bị nhân sự cho việc này. Việc điều chuyển ông Trương Minh Tuấn về làm Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương và thay thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng về làm Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông có phải là một bước củng cố nhân sự hay không, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:
Luật An ninh mạng đã được thông qua thì ta nhìn thấy ngay sự thuyên chuyển giữa ông Tuấn và ông Hùng có liên quan luật an ninh mạng. Vì ngoài chuyện chế tài để ngăn cản mạng xã hội, chúng ta phải cần có về mặt kỹ thuật, nên chuyển ông Hùng thay ông Trương Minh Tuấn là một bước đi tiếp của chế độ.
Ban đầu chúng ta có thể ngạc nhiên về chuyện này, nhưng nhìn sâu một chút chúng ta có thể nhìn thấy sự điều chuyển hai nhân vật này đều nằm trong sự tính toán cả.
Ông Trương Minh Tuấn được nói là một người theo sát lý tưởng của đảng cộng sản vì ông viết rất nhiều tác phẩm về chống, đề phòng tự diễn biến trong đảng. Ông Tuấn cũng được coi là một người lập đi lập lại không biết mệt mỏi tư tưởng của ông Nguyễn Phú Trọng, ít nhất liên quan đến việc chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đảng tức là nghị quyết trung ương 4. Hơn nữa, ông Trương Minh Tuấn là một người thực hiện quy hoạch báo chí một cách khá là sắt đá, và đã có biệt danh là “sát thủ báo chí”. Dưới thời ông Trương Minh Tuấn, việc kỷ luật các nhà báo và các tờ báo rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng ông Tuấn được chuyển về một nơi rộng quyền hơn chức vụ cũ, ông Phạm Chí Dũng phân tích:
Rộng hơn và hẹp hơn. Rộng hơn có nghĩa là bao gồm định hướng, tư tưởng, chính sách và trùm lên tất cả, không chỉ Bộ Thông tin - Truyền thông mà còn các bộ ngành khác liên quan tư tưởng, tuyên giáo, trong đó đặc biệt là Bộ công an và trong đó đặc biệt liên quan đến luật an ninh mạng đã được thông qua và sẽ đưa vào triển khai từ đầu năm 2019. Hẹp hơn là về mặt quyền lực.
Ông Dũng cũng đặt ra một dấu hỏi là động thái Bộ chính trị chỉ định ông Trương Minh Tuấn làm Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương mới đây nó có ý nghĩa gì, tại sao lại phải nhắc lại chuyện đã xảy ra từ tháng 8 năm 2016 tới nay. Ông nói thêm:
Phải chăng đó một động tác mà ông Trọng muốn vớt vát thể diện cá nhân cho Trương Minh Tuấn, để dư luận hiểu rằng Trương Minh Tuấn vẫn còn chức, chức Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương.
“Vòng kim cô” của báo chí trong nước
Xin được nhắc lại Ban Tuyên giáo Trung ương là sự hợp nhất từ Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Nhiệm vụ của ban này thì rất rộng, nhưng nhiệm vụ chính được nhà báo Phạm Chí Dũng cho RFA biết:
Nhiệm vụ chính của Ban tuyên giáo trung ương là định hướng về công tác tư tưởng, cộng tác tuyên giáo mà cụ thể là công tác định hướng về những hoạt động của hệ thống bao chí nhà nước, tức bao gồm hơn 800 tờ báo nhà nước. Thứ hai là khối trí thức, trong đó có khối văn nghệ sĩ. Và một số công việc khác nhưng chủ yếu liên quan khối báo chí, khối truyền thông, và sau này là một công việc rất quan trọng là mạng xã hội, internet.
Trong đó ông Trọng một lần nữa nêu lại yêu cầu đối với Ban Truyên giáo trung ương là công tác đấu tranh với luận điệu sai trái xuyên tạc còn yếu, nên phải đẩy mạnh hơn nữa. - Ông Phạm Chí Dũng
Tầm quan trọng của công tác này được chứng minh qua cuộc gặp mới nhất của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với Ban Tuyên Giáo Trung Ương hôm 1 tháng 8 vừa qua.
Ông Phạm Chí Dũng cho biết nội dung chính của cuộc gặp:
Trong đó ông Trọng một lần nữa nêu lại yêu cầu đối với Ban Truyên giáo trung ương là công tác đấu tranh với luận điệu sai trái xuyên tạc còn yếu, nên phải đẩy mạnh hơn nữa. Cái thứ hai là phải đánh giá được tác động của mạng xã hội đối với xã hội là như thế nào?
Cũng theo ông Dũng, để thực hiện những nhiệm vụ như vậy thì Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên có những cuộc họp giao ban định kỳ đối với những cơ quan thuộc về chính quyền chẳng hạn như Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ công an. Trong những cuộc giao ban đó thì không chỉ định hướng với báo chí mà còn yêu cầu chính thức với báo chí về những nội dung có thể đăng hoặc không được đăng, có thể gọi là cấm đăng, và xử lý một số tờ báo bị coi là sai phạm. Cho nên đối với dư luận của nhà nước thì từ lâu họ coi Ban tuyên giáo trung ương như là một cái vòng kim cô trên đầu họ.
Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương là nơi mà đảng tập trung những nhân vật ‘lão luyện’ có khả năng vạch ra chủ trương, đường lối nhằm bảo vệ sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.