Có Bác sĩ nào cố ý làm chết người hay không?
Thảo Vy
Chắc chắn là không. Tuy nhiên thế nào là bác sĩ đã vô ý làm chết người trong vụ án 9 bệnh nhân thiệt mạng khi chạy lọc thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiếp tục tạo nhiều tranh luận trái chiều, chủ yếu là đối nghịch về cách hiểu giữa giới y khoa với bên tố tụng.
Sau hơn một tháng từ ngày trả hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) khởi tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư). Ngày 24-8, ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nâng số bị can trong vụ án lên 6 người.
Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: PLO
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình cũng vừa ra quyết định thay đổi tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương từ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang Vô ý làm chết người, với khung hình phạt từ sáu tháng đến 10 năm (theo điều 98 Bộ luật hình sự 1999). Đây là lần thứ ba Bs Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, lần đầu tiên là tội Vi phạm quy định về chữa bệnh.
Nếu ‘không cố ý’ thì khi ấy bác sĩ Hoàng Công Lương phải làm gì?
Nguyên nhân gây ra 9 cái chết, đã được cơ quan giám định pháp y đưa ra rõ ràng, đó là lượng hóa chất tồn dư trong nguồn nước dùng để chạy lọc thận.
Trước đó, sáng 29-5-2017, có 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì gặp dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo, bác sĩ Hoàng Công Lương, người phụ trách việc chạy thận, đã “chủ quan không kiểm tra lại hệ thống máy, không xác minh lại thông tin, không báo cáo với trưởng khoa”.
Ghi nhận từ giới thầy thuốc ở khoa lọc thận của bệnh viện chuyên về thận niệu lâu đời nhất Sài Gòn, thì việc lập luận buộc tội đó có ít nhất 4 điểm không phù hợp với góc nhìn y khoa. Thứ nhất, Bs Hoàng Công Lương không được đào tạo kiểm tra hóa chất tồn dư trong cột lọc. Thứ hai, Quy trình chạy thận nhân tạo theo Quyết định 1338/2004/QĐ-BYT không quy định việc Bs Lương phải kiểm tra hóa chất tồn dư trong cột lọc. Thứ ba, Bs Lương nhận được điện thoại thông báo hệ thống máy đã sửa xong có thể chạy thận, có biên bản bàn giao máy, vậy việc kiểm tra thông tin là không cần thiết. Thứ tư, Bs Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo nên không cần thiết phải báo cáo trưởng khoa.
“Chữ ký ra y lệnh để cứu chữa cho bệnh nhân, nếu bác sĩ không ký để ra y lệnh thì sẽ không còn công việc gì để làm. Căn cứ vào đó để buộc tội Bs Lương đã ‘vô ý làm chết người’ là không thuyết phục”. Một bác sĩ chuyên khoa II, ngoại Niệu, cho biết.
Viên thuốc có tác dụng chữa bệnh nhưng nó cũng chính là thuốc độc
Lý thuyết được dạy trên giảng đường đại học Y khoa, là câu chuyện của ‘viên thuốc có tác dụng chữa bệnh, nhưng nó cũng chính là thuốc độc’.
“Hậu phẫu, gần như bệnh nhân nào cũng được y lệnh truyền chai Paracetamol dung tích 100ml, liều 1.000mg. Sau đó giảm dần, chuyển sang thuốc viên liều 500mg. Ngộ độc gan, tăng men gan khi sử dụng Paracetamol là lẽ đương nhiên. Do đó, điều dưỡng luôn nhắn bệnh nhân nếu không quá đau đớn, đừng dùng Paracetamol”. Điều dưỡng Trần Thị Hà, khoa Niệu B của Bệnh viện Bình Dân, nói.
Trong hầu hết trường hợp, không thể dựa vào việc bệnh nhân uống thuốc xảy ra tai biến chết người vì tác dụng phụ, luật pháp bỏ tù bác sĩ về tội đầu độc bệnh nhân.
“Mổ thất bại dẫn đến bệnh nhân tử vong, thú thiệt tôi ám ảnh suốt cả tháng trời. Mặc dù mổ thành công đến trên cả trăm ca khó, nhưng chỉ cần một ca thất bại là bần thần suốt. Cảm giác tội lỗi cho một sự kiện bi thảm sẽ cô lập người thầy thuốc, đó chính là hình phạt nghiêm khắc nhất”. Bác sĩ N.P.C.H. chia sẻ với người viết trong một gặp gỡ thân tình.
Thảm họa 9 bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được đặt trong bối cảnh một vụ tai nạn (tắc trách?), mà Bs Lương và đồng nghiệp của ông không được cảnh báo trước, nên không có cách nào để ngăn chặn; và vì như thế nên cũng không thể cho rằng việc ký y lệnh y lệnh chạy thận của Bs Lương là hành vi ‘vô ý làm chết người’.
Cách cáo buộc tội danh hình sự trong lãnh vực y khoa không thể giống như những lãnh vực xã hội, ngành nghề khác. Nó là một đặc thù. Các bác sĩ, điều dưỡng làm việc theo nhóm. Hệ thống y tế luôn tổ chức thiết kế để đảm bảo rằng những sai lầm của cá nhân, sẽ được sửa chữa trước khi nó gây ra những kết cục bất lợi cho bệnh nhân. Do đó cách tiếp cận tập trung vào một con người cụ thể, có tác dụng an ủi cho các nhà quản lý rủi ro và an ủi xã hội. Nhưng nó không thỏa mãn các nhân viên y tế, bởi trong hoàn cảnh tương tự, bất cứ ai cũng sẽ mắc phải sai lầm như Bs Lương. Và khi người bác sĩ không phải là chuyên gia, thì họ sẽ có nguy cơ bị đổ lỗi.
Đồng ý là việc lượng giá Bs Lương “có tội hay không có tội” khi vụ án đang điều tra “là can thiệp vào tính độc lập của toà án”; và nói theo ngôn ngữ tố tụng, là không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, Nhà nước. Thế nhưng cũng có những luật sư am tường giới y khoa, cảnh báo nếu mai đây Tòa án tiếp tục bỏ tù Bs Lương, sẽ giống như một câu chuyện ngụ ngôn được cơ quan tư pháp viết nên, nhưng người đọc chỉ nhìn thấy mỗi trang bìa.
T.V.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.