Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việt lớp Một (Phần 1)
Phạm Toàn
29-8-2018
Tôi không xài Phây-búc. Nhưng hai hôm nay, họa sĩ Phan Nguyên trên Phây của anh đã gọi đích danh tôi, nhắc tôi có ý kiến. Tôi đã trân trọng hồi đáp rất ngắn gọn. Sau đó, họa sĩ chỉ hỏi thêm đôi ba điều chi tiết. Tôi cũng đã hồi âm ngay. Tới lúc này, có lẽ bạn tôi đã hơi yên lòng.
Tôi cũng đã đọc những điều luật sư Lê Văn Luân giận dữ đòi đưa một số “tội phạm” ra tòa. Tôi rất yêu quý luật sư Lê Luân, và chắc chắn hai chúng tôi vẫn là bạn của nhau. Tôi phải viết bài này không để “chạy tội”, mà vì tự thấy mình là người trong cuộc.
Tôi có trách nhiệm viết bài này để mọi người cùng hiểu cách tổ chức học sinh lớp Một học tiếng Việt.
Xưa nay, có hai cách học để biết đọc biết viết tiếng Việt.
1. Cách học thứ nhất – “đánh vần theo chữ”
a. Thời kỳ đầu
Cách học này có ít nhất từ đầu thế kỷ 20 khi chữ quốc ngữ được đem dùng với tư cách chính thức, do đó trẻ em phải học từ lớp Đồng ấu (bây giờ là lớp Một).
Trẻ em đi học được dùng bộ sách khai tâm có nghĩa là mở cửa tâm trí và sau này được đổi thành vỡ lòng (chữ “vỡ” không có nghĩa là “tan vỡ” mà mang nghĩa “khai mở”, “vỡ vạc”).
Đại thể khai tâm hoặc vỡ lòng đều bắt đầu bằng học các con chữ: a, b, c …
Các tác giả tìm mọi cách để học trò mau thuộc các con chữ. Sách vỡ lòng thời tác giả bài này bắt đầu đi học (quãng năm 1936) gồm có a quả na, e kéo xe, ê con dê, i đi học, u đánh đu, ư các lư, ơ quả mơ, o cái mo, ô cái ô, …
Sau đó là học sang vần bằng ba, bă, bâ, be, bê, bi, bo, bô, bơ, bu, bư… ca, că, câ, ke, kê, ki, co, cô, cơ, cu cư … cha, chă, châ, che, chê, chi, cho, chô, chu, chư…
Cách đánh vấn những vần bằng như sau: [bê]-[a]-[ba] … [bê]-[á]-[bá] … [bê]-[ớ]-[bớ] … Sai lầm ngay từ đầu: các bán nguyên âm [ă] và [â] không bao giờ đứng một mình mà luôn luôn cần âm khác khép lại – thí dụ [băn] [bân] [căn] [cân] [chăn] [chân] …
Sau các vần bằng học sang vần trắc như [an] [ăn] [ân] … [ai] [ay] [ây] … [anh] [ach] … [uông] [ương] [uyt] [uyêt] …
Cách đánh vần một tiếng có vần trắc, thí dụ tiếng [nguyệt] diễn ra như sau: [en] [dê] [u] [ngu] [y-cờ-lét] [i] [nguy] [ê] [nguê] [tê] [nguyêt] [nặng] [nguyệt]… Thí dụ tiếng [nghiệm] đánh vần như sau: [en] [dê] [hát] [i] [nghi] [ê] [nghê] [em-mờ] [nghiêm] [nặng] [nghiệm]. Sai lầm của cách đánh vần này là bắt học trò chấp nhận những điều vô nghĩa lý. Mời các bạn đánh vần lại tiếng [nguyệt] và tiếng [nghiệm] để tự xác định cái gì là vô nghĩa lý …
b. Thay đổi giữa những năm 1930
Cách học thứ nhất để biết đọc và viết tiếng Việt theo lối “đánh vần theo chữ” vẫn có kết quả, vì người ta … vẫn thấy nó có kết quả.
Nghe đồn là những tù nhân biết chữ đã dùng Truyện Kiều để dạy “đánh vần theo chữ” và những bạn tù rồi cũng biết đọc và viết tiếng Việt như thường.
Vẫn hơn học chữ Nho. Vẫn biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ.
Nhưng đến giữa những năm 1930, nhu cầu muốn cho nhiều người dân biết đọc và viết tiếng Việt hơn, một số nhà trí thức đã thay đổi cách “đánh vần theo chữ”. Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Công Mỹ … đã thay cách học theo hướng tôn trọng ngữ âm tiếng Việt hơn.
Sự thay đổi được Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ thực hiện. Người ta vẫn bắt đầu bằng dạy chữ viết, nhưng cách đánh vần thì thay đổi theo hướng ngữ âm. Tên gọi các chữ ghi phụ âm không còn là bê xê xê-hát dê đê như của “Tây” nữa mà gọi tên theo âm thành bờ cờ chờ dờ đờ … không gọi e-lờ em-mờ en-nờ nữa mà gọi lờ mờ nờ … từ đó có cả loạt như trờ thờ sờ xờ vờ …
Cách đánh vần [tờ] [i] [ti] đã xóa bỏ cách đánh vần [tê] [i] [ti], hoặc xóa bỏ lối [en] [dê] [hat] [i] [nghi] để chỉ còn [ngờ] [i] [nghi] …
Còn đối với những vần trắc thì cách đánh vần vẫn là “mô tả theo trật tự các con chữ”. Thí dụ [i] [ê] [nờ] [iên] để mô tả những chữ ghi tạo thành vần [iên]. Tương tự như vậy, ta có [u] [ô] [ngờ] [uông] hoặc [ư] [ơ] [ngờ] [ương] hoặc [o] [a] [nhờ] [oanh], …
Tức là sự thay đổi theo hướng ngữ âm của Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ mới chỉ dừng lại ở các phụ âm, còn đại thể vẫn tiếp tục con đường “đánh vần theo chữ”.
c. Tiếp nối từ 1945 đến 1980 và CT-2000
Sau tháng Tám năm 1945, sách Vỡ lòng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về cơ bản vẫn đi theo cách dạy của thời Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ.
Mối quan tâm của nhà soạn sách tập trung vào những từ ngữ và bài đọc “phục vụ” được các thăng trầm và biến thiên của cuộc sống mới. Trong kháng chiến thì sách có giặc Pháp, giết giặc, vũ khí, du kích, lập công, tiếp lương tải đạn, anh hùng La Văn Cầu … Rồi tiếp tục còn có cả tăng gia sản xuất, bèo hoa dâu, tổ đổi công, … Thay đổi liên tiếp các năm, có cả hợp tác xã, địa chủ, ác bá, kể khổ, tòa án nhân dân, làm thủy lợi …
Các nhà giáo biên soạn sách Vỡ lòng khi đó vẫn chưa nghĩ đến học tiếng Việt là học một ngôn ngữ. Các nhà giáo soạn sách Toán khi đó cũng chưa nghĩ đến môn Toán là việc học về quan hệ của số mà nghĩ đến giết bao nhiêu giặc hoặc bắt bao nhiêu tù binh, hoặc thu thêm bao nhiêu chiến lợi phẩm coi như đó là sự đóng góp của Giáo dục!
Sách Học vần năm 1980
Sau sự kiện lớn của cả dân tộc năm 1975, sự nghiệp Giáo dục có hai sự kiện rất quan trọng: thống nhất hai hệ thống giáo dục và thay đổi cách học tiếng Việt ở lớp 1 mở đầu cho nhiều cải cách khoa học khác.
Bộ sách này vào cuộc năm 1980 khi sách Tiếng Việt lớp 1 của hệ thống Công nghệ Giáo dục cũng vào cuộc năm 1979 – sẽ được phân tích ở phần về “Cách học thứ hai” bên dưới.
Bộ sách Học Vần biên soạn công phu dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Nhất và một số cộng tác viên kỳ cựu như Trịnh Mạnh, Nguyễn Thượng Luyến, vv. Tên sách không gây ấn tượng về phương pháp, vì nó như thể rút ngắn tên gọi Vần quốc ngữ đã tồn tại nhiều chục năm.
Tiết học đầu tiên của sách này là học chữ O với hình ảnh con gà kêu o o thành ra chữ O… Nó dạy trẻ em phân tích một tiếng theo sơ đồ thao tác có tên Tổng–Phân–Hợp. Bước 1 có tên Tổng chỉ việc học sinh nhìn thẳng vào tiếng nguyên mà đọc. Phân là phân tích tiếng vừa đọc. Hợp là đọc lại cả tiếng đã phân tích.
Với một tiếng [ba] và các tiếng chỉ có một phần đầu và một nguyên âm là âm chính, thì sơ đồ thao tác trên chưa lộ ra là không hợp lý. Khi sang những tiếng có vần khó, thì sơ đồ Tổng–Phân–Hợp không bảo đảm thành công.
Nguyên nhân sâu xa của sai lầm Tổng–Phân–Hợp là do tác giả đã áp dụng máy móc phương pháp global thông dụng và họp lý cho trẻ em học các tiếng Ấn-Âu có biến hóa hình thái. Tiếng Việt đơn âm tiết có cấu trúc ngữ âm gần như dễ nhất thế giới không cần dến phương thức global.
Bộ sách Học Vần lặng lẽ thực hiện thêm một thời gian … vài chục năm, chẳng thấy công bố sơ kết hoặc tổng kết gì. Và sách Tiếng Việt lớp 1 của chương trình CT-2000 ra đời.
Sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000
Sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000 có tác giả là Đặng Thị Lanh, một nhà giáo có chức vụ cao. Sách này tuy nằm trong bộ sách CT-2000 nhưng nằm ngoài trách nhiệm của tổng chủ biên.
Tác giả Đặng Thị Lanh đã dành thời gian vài năm nghiên cứu cách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo hướng Công nghệ Giáo dục. Có lẽ vì Đặng Thị Lanh nhìn rõ tính khoa học hợp lý của sách Công nghệ Giáo dục. Mà quả thực là trong thời gian sách Học Vần sống lay lắt, thì sách Công nghệ Giáo dục đã lan ra 43 tỉnh và thành phố trong cả nước. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh,có tới 60 phần trăm lớp 1 đã dùng sách theo hướng Công nghệ Giáo dục.
Rất tiếc, sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000 đã không thực sự có hướng đi khoa học rõ rệt. Sách của CT-2000 mặc dù được Luật giáo dục mới thông qua quy định “sách giáo khoa” (hiểu ngầm là sách của Nhà nước soạn và in) là “pháp lệnh”. Nhưng vừa vào đời năm 2004 thì đến năm 2008 đã xuất hiện dư luận có chữ để đặt tên là quá tải. Rồi đã xuất hiện những lời kêu gọi “bảo đảm chất lượng”, “giảm tải”, “giảm tải sâu”, … rồi chiến binh VNEN xuất trận… Và bây giờ tình hình ra sao, cả nước đều biết.
Chỉ có một điều cả nước chưa biết: tính khoa học của cách dạy tiếng Việt cho con em lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục. Và điều kỳ lạ nữa là tại sao bỗng dưng sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục lại đang bị ồn ào chê trách…
Và chê trách vào một khúc “dở hơi” nhất: nào có ai gọi tên chung cho ba chữ c, chữ k và chữ q là chữ [cờ] chứ? Có ai dùng chỉ một tên đặt tên ba người con của mình nhỉ?
Vậy nên, đến đây, xin bà con làng xóm khối phố vui lòng đọc những điều tác giả mô tả về cách dạy học Công nghệ Giáo dục này – một cách học thứ hai, theo đường lối ngữ âm học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.