Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Hành xử pháp trị


Hành xử pháp trị

31-8-2018
Khởi kiện một vụ án nào đó ra toà, đối với hành vi quản lý và ban hàn chính sách của nhà nước, là một hành vi văn minh và nó dẫn tới những kết quả mà ở đó, nếu chính sách là tốt đẹp và đầy đủ cơ sở, nó sẽ được chấp thuận, ngược lại, nếu nó còn thiếu khuyết hoặc sai lầm nó sẽ bị thải bỏ.
Khởi kiện ra toà án để chứng minh điều đó qua những chu trình và chứng cứ nghiêm ngặt, khoa học, là một hành vi văn minh của xã hội văn minh. Nhà nước pháp quyền thể hiện chính ở điều này. Vì vậy mà khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh về nhập cư, có hàng chục luật sư khởi kiện ra toà án ngay tức thì và kết quả ra sao thì các vị đã biết.
Đến nay, có hai chính sách đáng được quan tâm bậc nhất: đầu tiên là, cho sử dụng thanh toán tiền nhân dân tệ của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam tại vùng biên giới với nước này; và hai, sử dụng sách giáo khoa mới sau khi được cho là đã thực nghiệm 40 năm và nay cho áp dụng đại trà, trong khi đang có một chương trình khác được áp dụng chính thức.
Việc sử dụng đồng tiền nước khác thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ quốc gia mình là một hành vi có dấu hiệu xâm phạm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tiền tệ, vì rằng, đây là chủ quyền đơn nhất và duy nhất mà chỉ nhà nước mới có thẩm quyền cao nhất để quy định về đồng tiền sử dụng giao dịch trên lãnh thổ của mình.
Việc tranh luận dựa trên các diễn đàn là một điều tốt, nhưng đưa nó ra toà để chứng minh sự hợp lý hay phi lý của nó còn tốt hơn hẳn là túm năm tụm ba tranh cãi với nhau. Thông qua một thủ tục pháp lý để chứng minh là điều tốt đẹp nhất và sáng suốt nhất mà xã hội văn minh nào cũng sẽ vận dụng. Vì qua toà án, nó sẽ xác lập địa vị pháp lý của thứ mà được đem ra toà án phân xử sau khi được chứng minh bằng một chu trình mà người ta gọi là “công lý có tổ chức”.
Vậy mà có một đại biểu quốc hội làm trong ngành đòi hỏi sự khoa học tỉ mỉ trước sinh mệnh con người, lại cho rằng việc khởi kiện đó là việc chỉ nhằm mục đích tạo dư luận để làm tiếng hay thu hút sự chú ý của xã hội.
Tôi không hiểu một người với vai trò lập pháp, là đại biểu đại diện cho nhân dân, và như vậy đương nhiên là trước cả tôi, tại cơ quan lập pháp, lại có một cái nhìn thực sự thiếu thiện cảm và sai lệch về một hành xử đặt trên hết là pháp quyền về tính thượng tôn của pháp luật như thế?
Và tôi cũng lấy làm lạ về việc một đại biểu lại coi công dân của quốc gia hành xử theo luật pháp, với tư cách cả là một người làm nghề luật và làm chủ quyền lực chính trị, lại chỉ được nhìn nhận một cách tệ hại như vậy trước các sự kiện hệ trọng của đất nước và dân tộc. Chẳng lẽ không có công dân nào nghiêm túc và tử tế, nhất là khi họ đấu tranh cho điều gì đó đang xảy ra trong lòng xã hội, mà lại hoàn toàn theo luật pháp và cao hơn cả là Hiến pháp? Hay người ta không quen với việc kiện tụng các chính sách và các đạo luật ra toà, mà người ta quen nghe chỉ đạo hoặc ngồi trên chỉ đạo cả rồi? Người ta khuyến khích dân chúng im lặng chấp nhận, hoặc lên tiếng gào thét trên diễn đàn rồi bỏ qua hoặc hành xử theo kiểu tuỳ tiện vô pháp?
Một lần nữa lại cần khẳng định một vấn đề mà chính quyền này đang thiếu, đó là cơ chế Bảo hiến, tức bảo vệ hiến pháp bằng Toà án hiến pháp, nơi canh giữ và gìn giữ quyền lực và ý chí thực sự của nhân dân trước bất cứ thiết chế quyền lực trong bất kỳ trường hợp nào vào mọi thời điểm mà nó tồn tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.