Lít-va, câu chuyện một nước nhỏ bị kẹt giữa hai nước lớn
Kiều Phong
29-8-2018
Năm 1941, binh đoàn Đức ung dung tiến vào nước Lít-va. Khắp nơi treo những biểu ngữ “Deutschland, Deutschland über alles!” (Nước Đức, nước Đức ở bên trên tất cả). Đó là khi nước Đức có chính nghĩa là vừa giải phóng nước Lítva khỏi ách xâm lược của Liên Xô.
Do đã một lần bị những người Bôn-sê-vich (do Liên Xô tài trợ) lừa gạt một lần, cho nên lần này cũng chẳng mấy ai hào hứng với chính quyền mới thân Đức, vì biết đâu dân tộc mình sẽ bị lừa gạt một lần nữa? Người Đức bảo là đem lại độc lập cho Lítva, trong khi không thể giấu giếm cổ vũ để Lítva sát nhập vào Đệ tam đế chế của Đức. Có những khách sạn còn công khai treo những tấm biển có đề dòng chữ “Nur Für Deutsche!”, nghĩa là dành riêng cho người Đức. Bầu không khí càng thêm căng thẳng như vậy.
Khoảng 5 thế kỷ trước đó, vào năm 1410, tại Griunvanđ, trên một địa điểm của nước Phổ (tên gọi cũ của nước Đức) đã xảy ra một cuộc chiến giữa quân Đức đánh nhau với liên quân Ba-lan và Lítva, quân Đức thất bại thảm hại. Đó là thời dùng kỵ binh trong chiến tranh, còn bây giờ người ta dùng xe tăng.
Quân Đức dễ dàng đánh đuổi quân Nga, lật đổ chính quyền thân Nga và lập nên chính quyền mới thân Đức, đứng đầu bởi thủ tướng Ambraidiavichux. Vị thủ tướng này là một người Lít-va không thể nghi ngờ gì cả, cũng giống như các thành viên trong nội các của ông ta, suốt ngày hứa về nền độc lập cho Lítva mà chẳng thấy đâu. Dân Lítva vì vậy càng về sau càng ngán ngẩm nước Đức, nhưng với họ dù sao nước Đức vẫn hơn hẳn nước Nga, ít nhất thì quân Đức không giết hại phụ nữ.
Giữa người dân Lítva vẫn có sự chia rẽ sâu sắc, muốn tiến thân trong xã hội thì phải chọn giữa một là thân Đức, hai là thân Nga. Trong trường hợp thân Đức, người ta phải chứng minh là mình có thể tích hộp sọ lớn hơn hoặc bằng thể tích hộp sọ người Arien tối thiểu để được công nhận là dân Đức thượng đẳng, hoặc xứng đáng được hòa vào dòng máu Đức.
Trong trường hợp thân Nga, người ta nếu không muốn sống chui lủi như một con thú bị săn thì phải tìm cách chứng minh với bà con làng xã là hồi trước đi lấy đất của hàng xóm đem chia lẫn nhau trong cải cách ruộng đất xã hội chủ nghĩa chỉ là bất đắc dĩ. Tuy vậy vẫn có không ít thanh niên Lít-va không hiểu được vấn đề thì đi đầu quân cho đoàn thanh niên Côm-xô-môn (tương tự như đoàn thanh niên Mao Trạch Đông hay đoàn thanh niên Hồ Chí Minh) và bị sát hại dã man dưới sự truy nã của binh lính Đức.
Bấy giờ, cả Đức và Nga đều cố gắng rủ rê, lôi kéo thanh niên Lítva về phía mình. Nỗ lực của quân Đức là làm sao để những tư tưởng trong cuốn “Mein Kampf” (Cuộc chiến đấu của tôi) do quốc trưởng Hít-le viết phải được phổ biến khắp thanh niên Lít-va. Berlin đã chọn một người vùng Giêmaitia- một bộ lạc cổ xưa của dân tộc Lítva để làm tư lệnh, nhưng những nỗ lực gây dựng tình cảm quần chúng dành cho quân Đức không cho kết quả mong đợi. Chỉ có những ngày đầu người Đức vào là lá cờ chữ vạn đen trên nền trắng được người dân tặng hoa, sang đến vài tuần sau thì những bông hoa héo đi và người dân chẳng thèm thay hoa mới. Về phía Nga-xô, Mát-xcơ-va cũng tuyên truyền được cho một số thanh niên đi theo đoàn thanh niên Côm-xô-môn, từ đó Nga giật dây cho những người này đánh Đức.
Về những thanh niên cộng sản Lítva, họ nổi tiếng với sự can trường và thường liều lĩnh trong niềm tin quyết thắng. Đến nỗi, tầng lớp tinh hoa của Lítva cho rằng họ tự tin bởi vì họ ngu dốt, vì chỉ có những kẻ ngu dốt mới đi giúp những kẻ ngoại bang là Liên Xô xông vào cướp bóc đồng bào mình.
Người Bôn-sê-vich rất giỏi trong việc ép buộc dân chúng làm cuộc đấu tranh giai cấp, xúi bẩy anh em trong nhà chống lẫn nhau và Nga dễ dàng từ xa thống trị. Một xã hội không thể đồng đều về nhận thức, cho nên ở Lítva có những gia đình mà chồng thì vô thần triệt để, trong khi vợ thì rất tin vào Chúa. Cũng có những gia đình, có khi anh cả là cảnh sát trưởng của cả một thành phố sắp sát nhập vào Đệ Tam đế chế, trong khi cô em gái thì đang giấu một đại đội trưởng Hồng quân ở trong nhà kho. Bố mẹ họ, tầng lớp người già mới chỉ vừa thoát khỏi ách nô lệ ghê tởm của Liên Xô thì nói rằng chỉ cần con đừng đi theo bọn chống lại Chúa Trời- tức là những tên Bôn-sê-vich vô thần là được.
Giữa tình thế bị kẹt giữa hai nước lớn là nước Đức và nước Nga như vậy, vẫn có những thanh niên Lítva tài giỏi đủ sáng suốt nhận ra vấn đề. Họ làm việc công sở cho chính quyền thân Đức, nhưng trong lòng không quên một ngôn ngữ, một dân tộc, một tổ quốc. Những thanh niên này tỏ thái độ bất tuân, người Đức biết nhưng vẫn không đuổi việc. Họ vừa gọi những bạn bè cuồng Đức bằng cụm từ “con lợn Giêmaitia lai Đức”. Nền tảng Thiên Chúa Giáo tại Lítva làm cho chủ nghĩa cộng sản buộc phải văng ra khỏi xứ này. Đồng thời, lòng tự hào dân tộc cũng thôi thúc thanh niên tìm cách thoát ra khỏi nước Đức. Những thanh niên ưu tú đó nhận định rằng, Lítva không có dân số hàng trăm triệu người vì là nước nhỏ, cho nên không cho phép mình tiến hành những cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Do đó, những gia tộc lớn kiểm soát tầng ngầm vận động trong xã hội Lítva vừa phản đối nghiêng hẳn theo Đức, cũng vừa phản đối nghiêng theo Nga.
Dù muốn hay không thì tầng lớp tài hoa ấy cũng không thể bắt cỗ xe chiến tranh dừng lại được. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Lítva bị ép sát nhập vào Liên Xô, cuộc sống của người dân còn khổ hơn cả thời dưới Đức. May mắn thay, năm 1991, Liên Xô tan rã. Lítva lại giành được độc lập và quốc gia nhỏ bé này lại được sống thanh bình như hồi thành lập nền cộng hòa.
Ngày nay, thu nhập bình quân của một người dân Lítva cao gấp 3 lần bình quần đầu người nước Nga và xấp xỉ bằng 3 phần 4 bình quân đầu người nước Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.