Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Hà Nội: Ký hay không?


Hà Nội: Ký hay không?

Bs Nguyễn Đan Quế 
29-8-2018
Ngày 30-7-2018 Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) kêu gọi Hà Nội phê chuẩn những công ước còn lại của ILO. Đây là những công ước lao động cốt lõi để Hiệp định Tự do Mậu dịch Việt Nam – Liên minh Âu châu (EVFTA) được Liên minh Âu châu phê chuẩn.
Cho đến nay, Hà Nội mới phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của ILO. Còn thiếu 3 liên quan đến: chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết.
Hiệp định Tự do Mậu dịch Việt Nam – Liên minh Âu châu (EVFTA) đề cao tự do mậu dịch và nhân quyền. Sở dĩ đã hơn 3 năm mà Hiệp định vẫn chưa được Liên minh Âu châu phê chuẩn vì Hà Nội có những vi phạm nhân quyền trầm trọng.
EVFTA là một hiệp định “dựa trên luật lệ”, Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Âu châu nói với báo chí hôm 27-7-2018 ở Saigon. Nghị viện Âu châu đòi hỏi những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thi hành.
Ông Bernd Lange nói rõ rằng, dù việc phê chuẩn 3 công ước còn lại của ILO không nhất thiết phải thực hiện ngay. Nhưng việc ký các công ước này của ILO cho thấy Việt Nam cam kết tôn trọng (quốc hội biến thành luật) những quyền cơ bản của công nhân ghi trong hiệp định EVFTA. Sau đó, Liên minh Âu châu mới vạch ra lộ trình đi đến phê chuẩn và thực thi nó.
Trong cuộc phỏng vấn với Vietnam News, Bernd Lange cho biết văn bản của hiệp định đã được dịch sang 24 thứ tiếng để chuyển cho 28 nước thành viên Liên minh Âu châu. Đại diện Quốc hội Âu châu nói ông trông đợi hai bên có thể chính thức ký và phê chuẩn hiệp định chậm nhất vào tháng 3-2019 trong nhiệm kỳ này của Quốc hội Châu Âu, trước khi nhiệm kỳ mới bắt đầu vào tháng 5-2019.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam hy vọng EVFTA tạo ra cú hích quan trọng cho kinh tế Việt Nam, vì hầu như toàn bộ các loại thuế quan sẽ được xóa bỏ. Liên minh Âu châu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo ước tính EVFTA sẽ tăng khoảng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương người lao động so với không ký được EVFTA.
Sau hơn 3 thập niên mở cửa, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá, chủ yếu dựa trên đầu tư nước ngoài và vay nợ quốc tế; còn thương mại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Hậu quả là: ngân sách thu ít, phải trả tiền lời, tính năng động bấp bênh không bền vững. GDP 2018 khoảng trên dưới 6,5% với tham nhũng đầy rẫy, nội lực yếu không có sức đề kháng, xâm hại môi trường như vụ Formosa Hà Tĩnh (2016) gây ô nhiễm 4 tỉnh dọc miền Trung Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong…
Sau hơn một thập niên gia nhập Cơ quan Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trong: Thâm hụt mậu dịch lớn với Trung quốc; bị Mỹ tố cáo không tôn trọng luật chơi, ăn gian, dối trá, không sòng phẳng, thủ lợi và Mỹ đang cho điều chỉnh lại theo hướng bình đẳng – có đi có lại.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nay chỉ còn biết trông chờ vào phao cứu sinh EVFTA. Khốn thay, lại đang gặp khó khăn với Liên minh Âu châu do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, gây khủng hoảng ngoại giao với Đức và Slovakia.
Trong nước, công nhân các khu công nghiệp nhà nước hoặc vốn nước ngoài không vui vì lương chết đói, đi làm bị một ách hai ba tròng: chủ bóc lột với đồng lõa của chính quyền thông qua công đoàn nhà nước, đình công thì bị công an đàn áp. Công nhân không có tiếng nói. Không biết trông cậy vào ai.
Thêm nữa, bóng ma thương chiến Mỹ – Trung, hai thị trường xuất khẩu (sang Mỹ) và nhập khẩu (từ Trung quốc) lớn nhất của Việt Nam, có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, tiêu cực nhiều hơn tích cực, khó xử: từ phá giá đồng bạc đến ngăn chặn hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa hay các xí nghiệp Trung Quốc có thể di tản, sang VN lánh nạn…
***
Trên trường quốc tế, các siêu cường đang ‘sắp xếp’ lại chiến lược toàn cầu của mình, chủ yếu dựa trên sức mạnh mới Kinh tế Kỹ Thuật Số, với nhiều ‘bước ngoặt’ phức tạp trong đó có mậu dịch thế giới, để đi vào Thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới: Hợp Tác Bắc – Nam.
– Khối Bắc khoảng 20 nước, 1/3 dân số toàn cầu, nơi mà cách mạng Số đang diễn ra như vũ bão, với 5 trung tâm quyền lực hàng đầu là: Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga.
– Khối Nam hơn 180 nước lớn nhỏ với 2/3 dân số thế giới, đang được thúc đẩy làm Cách mạng Kỹ nghệ Hóa, do các nước Khối Bắc chuyển giao (thông qua vốn – kỹ thuật – quản lý), nhằm lấp bớt hố xa cách các nước giầu với các nước nghèo.
Giữa 5 trung tâm quyền lực Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga đang hình thành THẾ LIÊN HOÀN VỪA HỢP TÁC VỪA CẠNH TRANH nhằm chi phối Khối Nam qua đầu tư và thương mại (như EVFTA).
***
Phao cứu sinh EVFTA lởn vởn trước mắt Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh quốc nội và quốc tế như vậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải quyết định: Không ký hay ký công ước quyền lao động:
>>> Không ký 3 công ước về chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết của ILO, thì không có EVFTA, kinh tế Việt Nam có nguy cơ phá sản. Không ký còn lột mặt nạ đảng cộng sản Việt Nam hiện nguyên hình phản động, vì những công ước của ILO rất tiến bộ, nhằm bảo vệ quyền lợi thiết thân của công nhân trên khắp thế giới chống bóc lột của giới chủ, lạm dụng của chính quyền các nước sở tại, và ủng hộ kết nối giữa các công đoàn (ngành nghề, địa phương).
>>> Còn ký sẽ được hưởng lợi lớn từ EVFTA. Khổ nỗi, nếu ký thì phải chấp nhận Công đoàn Độc lập. Điều mà Hà Nội xưa nay không muốn.
Miếng ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng ham
(Kiều)
Đây là cơ hội bằng vàng để công nhân Việt Nam vân động cho ra đời những công đoàn độc lập, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình; đồng thời trở thành một trong những động lực chính để Dân Chủ Hóa Việt Nam, sát cánh cùng nông dân và giới trẻ Việt Nam.
Mỹ rút ra khỏi TPP và Liên minh châu Âu phê chuẩn EVFTA là những thuận lợi lớn để Dân Chủ Hóa Việt Nam. Chúng tôi cảnh cáo chính phủ Shinzo Abe của Nhật (cầm trịch CP-TTP sau khi Mỹ rút khỏi TPP): Không nên vì tham vọng chiến lược của mình mà ‘đi đêm’, đánh đổi nhân quyền lấy lợi ích kinh tế, cấp các khoản vay dễ dãi (để lờ bồi thường chiến tranh), hay tham dự những dự án có tính trình diễn tuyên truyền ủng hộ Hà Nội… Chúng tôi kêu gọi Nhật hoàng và người dân Nhật ghi nhớ những gì Nhật đã gây ra tại Việt Nam hồi thế chiến thứ hai. Hãy là siêu cường có trách nhiệm với dân Việt, nhất là với lao động Việt.
Bs Nguyễn Đan Quế
Cao Trào Nhân Bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.