Từ luận tội đến truất phế Donald Trump
Thạch Đạt Lang
29-8-2018
Việc truất phế một tổng thống hay thủ tướng lãnh đạo các nước phương Tây như Mỹ, Đức, Pháp… thường hiếm khi xảy ra, lý do là nhiệm kỳ chỉ khoảng vài năm, nên khi lãnh đạo bất tài, không đủ khả năng, làm việc không hiệu quả, không có tư cách, … người dân sẽ không bầu cho họ trong nhiệm kỳ tới nữa.
Trừ trường hợp lãnh đạo phạm lỗi lầm nghiêm trọng, nguy hiểm đến an ninh, quốc phòng, hay phạm tội đại hình như trốn thuế, rửa tiền… thì may ra có thể dẫn đến truất phế.
Nước Mỹ hiện đã trải qua 243 năm với 45 đời tổng thống, chỉ có 2 tổng thống bị đem ra luận tội (impeach), nhưng không bị truất phế (depose).
Người thứ nhất là Tổng thống Andrew Johnson, bị kết tội lạm quyền (Tenure of Office Act) khi ông ta tự ý sa thải bộ trưởng Bộ Chiến tranh Edwin Stanton nên đã bị Quốc hội mang ra luận tội năm 1867-1868.
Người thứ hai là Tổng thống Bill Clinton, bị Quốc hội mang ra luận tội năm 1998-1999 vì cản trở công lý và nói dối khi tuyên thệ, liên quan đến mối quan hệ tình ái với cô Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh ở tòa Bạch Ốc.
Cả hai đều bị kết tội, nhưng không bị truất phế vì không đủ 2/3 số phiếu ở Thượng viện.
Người thứ ba suýt bị luận tội nhưng đã từ chức trước khi bị đem ra mổ xẻ là Tổng thống Richard Nixon, dính dáng đến chuyện nghe lén đảng Dân Chủ, gây ra vụ nhơ nhớp chính trị lớn nhất nước Mỹ hồi thập niên 1970, còn được gọi là Watergate.
Tuy truất phế một tổng thống rất khó, nhưng Donald Trump, tổng thống đương nhiệm thứ 45 của Mỹ lại đang bấn lên, khi tuần qua, ông ta tuyên bố: Nếu tôi bị luận tội, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và mọi người sẽ nghèo đi.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao ông Trump lo sợ chuyện bị truất phế đến độ phải đem chuyện sụp đổ của thị trường chứng khoán ra hù, dọa dân chúng, mong mỏi người dân giúp ngăn chận chuyện này, trong khi cuộc luận tội vẫn chưa diễn ra và cho dù ông ta có bị mang ra luận tội đi nữa, việc truất phế ông vẫn còn rất nhiêu khê với những thủ tục kéo dài?
Mới đây Trump lại gửi tin nhắn moi móc chuyện email của bà Hillary Clinton, cho rằng FBI chỉ điều tra 3.000 email trong số 675.000 emails bà Hillary sử dụng tài khoản cá nhân bất hợp pháp ra làm ầm lên trên mạng xã hội Twitter. Để làm gì, nếu không ngoài mục đích làm cho người dân Mỹ quên đi tin nóng là Giám đốc Tài chính (CFO) của Trump Foundation là Allen Weisselberg tự nguyện ra đầu thú với các công tố liên bang để được hưởng quyền miễn truy tố hình sự?
Việc Trump lo lắng chắc chắn không phải là chuyện gái gú, trả tiền bịt miệng cô diễn viên phim người lớn là cô Stormy Daniels hay người mẫu Playboy Karen McDougal, mà chuyện lớn hơn là những việc làm mờ ám bên trong đế chế Trump.
Từ những thông tin bị rò rỉ ban đầu xem ra chẳng có gì, thế nhưng con chuột đang dần dần trở thành con voi khi tháng 4/2018 FBI bất ngờ khám xét tư gia, phòng làm việc, khách sạn… của Michael Cohen, là luật sư riêng của ông Trump trong nhiều năm trời, tịch thu cả ngàn cuộn băng ghi lại những cuộc nói chuyện giữa Cohen và thân chủ. Cuộc khám xét này được ông Trump đánh tráo khi nói là “cuộc tấn công vào đất nước chúng ta”.
Xin được nhắc lại, trong khi là ứng cử viên tổng thống năm 2016, do sợ chuyện ăn bánh trả tiền của mình bị lộ, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, Trump đã nhờ Michael Cohen, luật sư riêng của mình, chi trả cho cô Stormy Daniels $130.000 đô la và Karen McDougal $150.000 để mua sự im lặng.
Sự việc này nghiêm trọng bởi vì nó ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, cũng như số tiền kia được lấy ra từ quỹ tranh cử của ông Trump. Theo luật bầu cử ở Mỹ, đây là chuyện vi phạm nghiêm trọng về tài chánh. Từ đó, các công tố liên bang và FBI dần dần phăng ra những chuyện bê bối khác của các nhân vật thân cận nhất với tổng thống Mỹ.
Sau khi Michael Cohen điều đình với các công tố để được giảm khinh, David Pecker là bạn thân của Trump, đột nhiên đầu thú với công tố liên bang, xin khai hết những việc làm có liên quan tới ông Trump để được hưởng quyền miễn truy tố hình sự.
David Pecker là Chủ tịch và là CEO của American Media Inc., nơi phát hành tờ báo lá cải National Enquirer. David Pecker đã giúp đỡ Trump bằng cách mua câu chuyện ngoại tình giữa Trump với cô McDougal giá $150.000, nói rằng sẽ đăng trên National Enquirer, nhưng mua là để bịt miệng cô này, chứ không hề đăng báo.
Ngay sau đó, đến lượt Allen Weisselberg, Giám đốc Tài chánh (CFO) của Trump Foundation và là tay hòm chìa khóa hơn 40 năm qua của gia đình Trump, cũng đã nối gót David Pecker, đồng ý hợp tác với các công tố liên bang để khai ra những vụ gian lận tài chính của ông chủ mình, khiến cho Trump hoảng hốt, tinh thần bấn loạn, dẫn đến việc có những tuyên bố ngớ ngẩn về thị trường chứng khoán hay viết tweet nói về chuyện email của bà Hillary Clinton.
Đó là chưa kể vụ điều tra người Nga can thiệp vào bầu cử của Mỹ năm 2016 vẫn còn đang tiếp diễn.
Trở lại vấn đề, để luận tội một tổng thống, hiến pháp Mỹ quy định ở Điều I (article I), phần 2 (section 2), điều khoản 5 (clause 5) cho phép Hạ viện toàn quyền luận tội. Điều I, phần 3, khoản 6 cũng quy định cho Thượng viện toàn quyền tìm cách buộc tội.
Khi Hạ viện buộc tội, tất cả mọi luận cứ đều phải dựa vào tiêu chuẩn mà hiến pháp quy định ở Điều II, phần 4 như sau: Tổng thống, phó tổng thống và tất cả nhân viên dân sự của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ phải rời khỏi chức vụ khi bị kết tội biển thủ, lừa đảo, phản bội, hối lộ và những tội đại hình, lạm dụng quyền lực…
Thủ tục luận tội có thể do một dân biểu, dưới sự tuyên thệ, đưa ra một bản cáo trạng hoặc được yêu cầu tiếp xúc với một ủy ban thích hợp. Một quyết định sau đó sẽ được chuyển cho ủy ban tư pháp Hạ viện. Khi đa số ủy viên của ủy ban tư pháp đồng ý, một quyết định sẽ được công bố trước toàn thể Hạ viện rằng, tổng thống đã vi phạm một hay nhiều điểm trong bản luận tội.
Sau đó toàn thể dân biểu sẽ thảo luận và bỏ phiếu cho toàn bộ hay từng điểm của bản luận tội. Khi Hạ viện đồng ý sự truất phế, một chủ nhiệm ủy ban truất phế sẽ được chọn lựa, người này sẽ trình nội vụ lên Thượng viện. Tương tự như một phiên tòa thường lệ, chủ nhiệm ủy ban truất phế có nhiệm vụ như một công tố viên (prosecutor).
Sau khi Thượng viện nhận được bản luận tội tổng thống từ Hạ viện, Chủ tịch ủy ban truất phế của Hạ viện sẽ trình bày trước Thượng viện bản cáo trạng, vì những vi phạm nào cần phải truất phế tổng thống, sau đó báo cáo lại cho Hạ viện là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Diễn tiến tiếp theo ở Thượng viện được tiến hành theo hình thức của một phiên tòa, mỗi bên đều được phép đưa ra nhân chứng cũng như đòi hỏi sự đối chiếu diễn tiến các sự việc. Thành viên của ủy ban truất phế sẽ đưa ra những cáo buộc, yêu cầu truất phế tổng thống và dĩ nhiên, tổng thống có quyền đưa ra nhân chứng, biện hộ cho những sai phạm của mình.
Sau đó, Thượng viện sẽ tranh luận về các cáo buộc, bỏ phiếu kín, quyết định có truất phế tổng thống hay không? Hiến pháp quy định, phải đủ 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý thì quyết định truất phế mới có hiệu lực. Thượng viên Mỹ có 100 người, hiện tại đảng Cộng Hòa có 50 TNS, Dân Chủ 47, Độc Lập 2, một ghế bị thiếu là Thượng nghị sĩ John McCain mới qua đời. Muốn truất phế Donald Trump cần phải có 67 TNS bỏ phiếu YES sau bản luận tội của Hạ viện.
Hiện tại Hạ viện chưa tiến hành hạch tội Trump. Nhưng việc tự nguyện xin khai báo để được hưởng quyền miễn trừ, không bị truy tố hình sự của Allen Weisselberg, người giữ tay hòm chìa khóa cho Donald Trump mấy chục năm qua là một quả đấm như trời giáng, trúng vào mặt Trump, khiến ông ta tối tăm mặt mũi, chưa biết sẽ phải phản ứng ra sao trước nguy cơ những bí mật về tài chánh như trốn thuế, rửa tiền, khai phá sản… sẽ bị phơi bày.
Việc luận tội hay truất phế Trump còn đòi hỏi thêm thời gian điều tra và tùy thuộc vào những vi phạm về tài chánh của ông ta nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, khi những nhân vật thân cận nhất của Trump như Michael Cohen, David Pecker và Allen Weisselberg tự nguyện xin khai báo với công tố liên bang, đã lý giải được một điều gây tranh luận từ trước đến nay: Tại sao Donald Trump không công khai hồ sơ thuế?
Ở một số nước Âu châu và Mỹ, trốn thuế, rửa tiền là những tội đại hình khó có thể bỏ qua hay giảm khinh bất kể là ai. Chính những lem nhem tài chính mới là sợi dây thòng lọng đang dần dần quấn quanh cổ Tổng thống Mỹ hiện nay, chứ không phải những liên hệ mờ ám với người Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, khi đảng Cộng Hòa còn chiếm đa số ở Hạ viện và kiểm soát Thượng viện, việc truất phế ông Trump vẫn còn nan giải, trừ khi họ thấy giữ ông ta lại hoàn toàn gây bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của đảng Cộng hòa trong hiện tại và tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.