Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Huy động 60 tỷ USD: nên bắt đầu với việc cưỡng chế từ 'tứ trụ'?

Huy động 60 tỷ USD: nên bắt đầu với việc cưỡng chế từ 'tứ trụ'?

Ánh Liên
Hình như ở khu vực Đồng Bẩm, Thái Nguyên, nửa đêm hôm qua nơi mộ cũ của bà Nguyễn Thị Năm có tiếng thì thầm: “Nào hai thằng con sĩ quan bị thải của mẹ đâu, đến đây đỡ mẹ dậy một tí, đạn găm sâu quá một mình mẹ không thể gượng dậy nổi”. Có tiếng đáp từ xa vọng đến của cả hai con: “Ô, mẹ định dậy làm gì thế? Già rồi nằm nghỉ cho khỏe mẹ ơi”. Tiếng từ trong mộ nói vọng ra: “Thì nghe nói những người bắn mẹ năm nào nay đang gặp cơn túng quẫn. Họ muốn kiếm cho đủ mỗi người vài biệt thự để lại cho con cháu. Mà mẹ thì… hồi ấy họ vét chưa hết nên hình như cũng còn một ít tiền chôn, chẳng có là bao, mà lại là tiền kẽm thời cũ. Nhưng… thôi thì cũng muốn dịp này báo đáp họ một thể cho trọn nghĩa vẹn tình”...
Kết quả hình ảnh cho Ảnh bà Nguyá»…n Thị Năm  Bà Nguyễn Thị Năm cùng các con với gương mặt thánh thiện
Bauxite Việt Nam
Một bài viết gây chú ý trên báo Vietnamnet với tiêu đề: Nợ công 3,5 triệu tỷ đồng, quên 60 tỷ USD 'ngủ yên' trong két. Trong tin bài này, đặt vấn đề vì sao cần phải chú ý đến 50 tỷ USD đang ngủ trong dân? Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây, ngoài vốn vay nước ngoài, Chính phủ chủ trương vay từ nguồn trong nước, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, ngoài ra còn vay Quỹ bảo hiểm xã hội... đã trở nên hạn chế. 
Cùng lúc đó, trong fanpage Tin Quân sự với lá cờ đỏ sao vàng chia sẻ một trạng thái trong đó trích dẫn: đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Hãy cùng nhau dâng hiến vì Đảng, Nhà nước, Chính phủ thân yêu.
Thực tế, số tiền nhàn rỗi trong dân (qua ngoại tệ, vàng) là rất lớn. Một công ty ở phía nam thông qua dự án iFan đã lừa đảo nhà đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, và công ty này chỉ đóng thuế 1,5 triệu đồng Việt nam. Số lượng người Việt nam chơi trong lĩnh vực tiền ảo (bitcoin) với giá trị tiền sở hữu cá nhân từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng không phải là hiếm.
Nhà nước có thể huy động nguồn tiền này, và chính nó sẽ đảm bảo thay thế cả nguồn tiền vay ODA trong thời gian sắp tới (khi tính ưu đãi sẽ chấm hết). Vấn đề là: nhà nước làm sao để vay.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiEV3IkngJKboIbOO-AyM-cuaiF6B4JGCzbyXsgdpmgFCBbzvBR0oDGoPjjGQ8UDTB9Lyg6a9R-w4wPav8d9whYus_H0vSvbYyBRkN0Q9AlOxahA7tRfsOuM12RChUbN9ymfym4BnhWzOY/s640/tp18-cong-trai-xay-dung-tq-500d-1987.jpg
Ảnh minh họa.
Bằng uy tín? Thực tế, nhà nước đã và đang tiến hành đảm bảo vay bằng yếu tố này trong nhiều năm qua thông qua trái phiếu và vay Quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng cả hai nguồn vay này, hoặc đang ế ẩm (trong 5 tháng đầu năm của năm 2018, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 900 tỷ đồng/ 3.500 tỷ đồng dự kiến, nghĩa là 'ế ẩm'), hoặc luôn trong tình trạng báo động vỡ quỹ (vì sự hoàn lại của Chính phủ chậm chạp, bản thân Chính phủ vừa qua cũng thừa nhận nợ Quỹ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, và đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Cả hai yếu tố này cho thấy 'uy tín' của Chính phủ trong việc hoàn lại nguồn vốn vay là khá thấp, sự hiện diện của đợt phát hành Công trái năm 1980 cũng như chiến dịch đổi tiền 1985 tái hiện trong tiềm thức của không ít người, và ý thức thường trực về uy tín của Chính phủ của người dân hiện nay không khác gì đợt khủng hoảng về niềm tin đổi tiền năm 80.
Đó là chưa kể những bài học 'đầy xương máu' từng xảy ra với bà địa chủ Nguyễn Thị Năm (người từng hiến 20.000 đồng bạc Đông Dương) hay nhà tư sản Trịnh Văn Bô (ít nhất 2.000.000 đồng bạc Đông Dương), cho đến những nhà tư sản tại miền Nam sau năm 1975 đã gián tiếp tạo ra một bài học kinh nghiệm: nên hay không nên 'vượt khó cùng Nhà nước XHCN'.
Nếu dân không có niềm tin thì Chính phủ cần ra quyết sách gì để có thể huy động được 60 tỷ USD? Đặc khu cũng có thể là một câu trả lời, bởi việc đưa 3 đặc khu vào hoạt động, thì chỉ tính riêng tiền thu từ đất đã lên đến 9,5 tỷ USD. Do đó, bản thân bà Chủ tịch Quốc hội nôn nóng đến mức nhấn mạnh 'phải bàn ra luật đặc khu' không phải là không có lý. Và tiến hành áp dụng 'mỗi tỉnh thành là một đặc khu' như đã từng biến mỗi tỉnh thành là một pháo đài, hay một nhà máy đường về mặt Nghị quyết không phải là khó.
Nếu các phương cách nêu trên (đặc khu và thậm chí thuyết phục người dân mua trái phiếu Chính phủ) vẫn chưa thể giải quyết ngân khố kiệt quệ, thì Nhà nước có thể chú ý đến đề xuất của TS Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội) trong một hội luận gần đây trên BBC Việt ngữ. Đó là, Nhà nước nên 'kêu gọi vốn từ các quan chức Chính phủ vì những người đó rất giàu, những quan chức này đang sống nhờ vào chế độ nên nếu họ đứng ra đầu tư, đóng góp cho chế độ thì cũng là điều tốt, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân'.
Ý kiến này khá hợp lý, và có tính khả thi cao. Bởi đội ngũ quan chức hiện thời phải là tấm gương đi đầu trong việc ủng hộ và tán thành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Bản thân những phát lộ về khối tài sản, cũng như thân nhân của đội ngũ quan chức cũng cho thấy, các quan chức rất 'siêng năng làm ăn', và có tích lũy nguồn tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng (cả về mặt động sản lẫn bất động sản). Nguồn tài sản này lại được hưởng đặc quyền là 'không kiểm kê' vì tính nhạy cảm của nó, nghĩa là bản thân đội ngũ quan chức đã lách một số thuế khá lớn từ nguồn tài sản hiện có này. Do vậy, việc tiến hành huy động nguồn tiền 60 tỷ USD trong dân là có thể thực hiện được khi bản thân đội ngũ quan chức đã làm gương.
Để thực hiện tốt có thể tiến hành quy trình huy động cưỡng chế trong 4 vị 'tứ trụ': Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, huy động các vị Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp theo là hơn 500 vị ĐBQH khóa XIV,... Nếu vẫn không đủ 1/2 (của 60 tỷ USD) thì huy động tiếp tục trong đội ngũ lực lượng Vũ trang nhân dân gồm: công an nhân dân và quân đội nhân dân. Tiếp tục huy động từ những người đảm nhiệm hoặc hoạt động trong nhà nước và gia đình họ cho đến những người cảm tình với Đảng và Chính phủ.
Quyền lợi đến đâu thì huy động đến đó; chức vụ cao đến đâu thì mức độ hy sinh cho Tổ quốc đến đó. Tổ quốc hiện nay đã làm quá nhiều cho đội ngũ quan chức, cung ứng cho họ không những nhà biệt phủ, xe siêu sang, mà còn giúp con cái họ được học tập, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài,... Và vì vậy, họ phải là tấm gương sáng nhất cho câu trả lời: ta làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Hay sát hơn là trả lời đúng đắn cho câu hỏi 'làm gì cho đất nước' của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lý tưởng CNXH và con đường tiến lên XHCN có thành hiện thực hay không, nhà nước có vượt qua những khó khăn về nguồn tiền hay không giờ đây sẽ phụ thuộc vào bản thân các đội ngũ quan chức.
Hợp lý đấy chứ sao không?
A.L.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.