Phá giáo sư và “bình đẳng” xã hội
Lò Văn Củi
29-08-2018
Anh Năm Ba gác vừa ngồi xuống ghế thì thở cái phì, rồi kêu liền:
– Cho… ca trà đá luôn chị Tư ơi, mệt quá, nóc một ca mới đủ.
Anh Sáu Nhặt hỏi tới:
– Vô mánh, chạy nhiều cuốc quá sao anh Năm?
Anh Năm uống ực ực rồi đáp:
– Cả đống cuốc luôn, mà là mấy cuốc… “xe ôm” chở mấy nhóc đi học, hết học trường học lớp, tới học thêm học bớt, học đủ thứ, chịu hông thấu.
Anh Bảy Cà khịa cười hehe:
– Ráng chịu cực đi anh Năm, rồi sắp tới sẽ… chịu thêm khổ.
Anh Sáu trợn mắt:
– Vụ gì nữa đây?
Anh Bảy giải đáp:
– Thì theo lời cái ông “học cao hiểu rộng”, ông phó giáo sư Bùi Xuân Hải, hiệu phó Trường Đại học Luật thành Hồ, tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vào ngày 21/8, ông ta nói: “Đã học thì phải thi”. Và thòng thêm: “Tại sao chúng ta không tổ chức thi trung học phổ thông 2 lần mỗi năm?”
Chú Tám Thinh không thể nhịn được:
– Trời ơi là Trời! Tới nước này sao Trời!
À, cái thể loại này là thể loại sung sướng, ngồi phòng lạnh, được 9 người dân cong lưng cày ải nuôi ăn nuôi mặc. Đó là theo ông phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam tính toán, dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ đàng hoàng chứ không phải nói khơi khơi đâu.
Sung sướng như heo nên các ông các bà mụ mị, rững mỡ, nghĩ những chuyện tào lao mía lao, hại dân hại nước mà thôi. Học sinh thi một lần đã chết lên chết xuống, tổ chức tốn không biết bao nhiêu tiền của, vậy còn cố đẻ thêm ra nữa. Thể loại này là phá giáo sư chứ giáo sư cái nỗi gì.
Ăn tàn phá hại chưa đủ, được vua đòi tiên, tham lam vô độ. Đẻ ra nhiều thứ cũng là một cách để tham lam, tham nhũng. Càng thi nhiều thì càng gian lận nhiều, càng kiếm chát nhiều.
Bà con cô bác ngồi uống cà phê mà thấy cũng mệt mỏi như anh Năm. Ông Thầy giáo nói tiếp:
– Người ta thực hiện chánh sách rất là tốt đó chứ. Chánh sách bình đẳng xã hội đó.
Anh Sáu lại trợn mắt:
– Bình đẳng hả ông Thầy? Bình đẳng chỗ nào đâu?
Ông Thầy bĩu môi:
– Thì bình đẳng… cho một số người thôi, số quan chức cán bộ á, còn dân đen thì mặc kệ dân chứ.
Anh Sáu hiểu ra, gục gật liên hồi:
– Dạ, dạ, phải rồi, phải rồi. Bình đẳng như kiểu của ông tiến sĩ Trần Quang Tuyến, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, và nhóm của ổng thực hiện lần đầu tiên về chuyện con ông cháu cha vừa công bố ha. Theo đó thì, những người trẻ có cha chú làm quản lý có cơ hội chọn được công việc tương tự cao gấp hơn 18 lần so với những người có cha chú làm công việc lao động phổ thông, và thu nhập của con cha chú cao hơn gần 146% so với lao động phổ thông.
Ông Hai Xích lô e hèm:
– Chánh sách “bình đẳng” này có từ rất lâu rồi đó nghen. Nhớ hồi bao cấp hông? Thời mua bán bằng tem phiếu. Một ông cán bộ cấp cao với tem phiếu thịt 4,2kg, đường 2kg mỗi tháng. So với nông dân mua được… 0,3kg thịt và… 0,1kg đường mỗi tháng, thì thịt của cán bộ và nông dân chỉ chênh lệch có… 14 lần, 20 lần về đường thôi chứ bi nhiêu. Các ông cán bộ còn có cửa hàng sang trọng riêng nữa, dân đen bon chen rã người còn chưa mua được.
Anh Bảy chốt lại:
– Chánh sách nhứt quán, được áp dụng xuyên suốt ghê ta. Bởi nên quan ngày càng giàu, dân ngày càng mạt, đất nước ngày càng điêu linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.