Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Lưu Trọng Văn - Không quên…

Lưu Trọng Văn - Không quên…


Con tàu vượt biên, khoảnh khắc ngày 13.8.1981. Ông Hùng là người lưng trần, khi đó ông 34 tuổi.

Con số 13

Thật kỳ lạ, hôm qua gã dính cùng lúc với 5 con số 13 - con số mà người phương Tây coi là xui xẻo.

Ngày 13.

Gã bay lúc 13 giờ.

Số ghế ngồi 13.

Bay từ Thụy Điển đi Bỉ là chuyến bay thứ 13 trong cả hành trình châu Âu của gã.

Thụy Điển là nước thứ 13 gã đặt chân đến trong hành trình.

Gã ghép lại xâu nhòm đám mây đen mịt mù ngoài ô cửa và người thường xuyên tâng tâng khi máy bay liên tục lọt ổ... gà mà thon thót tim. 

He, được cái gã ngồi bên một nàng rất xinh. Thỉnh thoảng tay nàng chạm tay gã. Và, khi máy bay tâng tâng, gã tìm mắt nàng để níu sự bình yên, nàng lại nở một nụ cười rất... tình.

Rồi thì máy bay cũng hạ cánh để lại trên đường băng năm con số 13 ấy.

Trương Quyền - một cô nàng, từng là nữ sinh Quy Nhơn xinh đẹp mà gã quen khi cùng Trần Đăng Khoa và Hoàng Anh Sướng đi dự khai trương cây cầu ở vùng núi Tây Bắc đón gã.

Gã được đến một ngôi nhà ở một làng rất đẹp. Gã được ba má của Quyền hái rau dền, bầu và khổ qua (mướp đắng) trong vườn đãi một bữa cơm thuần Việt.

Ông Trương Hùng. Ảnh Lưu Trọng Văn
Bỗng điện thoại reo.

Ba của Quyền nói chuyện với ai đó mà gã nghe rõ: Ồi, anh Cảnh à, làm sao tôi quên được ngày 13 tháng Tám này chứ. Ngày mà tôi với anh sau một tuần lênh đênh trên biển vì tàu hư, chúng mình tưởng chết rồi thì được một chiếc tàu của Bỉ cứu. Quên sao được 13 tháng Tám năm 1981. Chà, 37 năm rồi.

Đúng, hôm nào tụi mình đi viếng mộ ông thuyền trưởng đã quyết định cứu chúng mình nghe. Không có ông ấy tất cả chúng mình thành mồi cho cá rồi.

Gã thấy trên khoé mắt của ông Trương Hùng dòng nước mắt.

Thế là thêm con số 13 nữa.

Con số định mệnh may mắn với hơn 50 người dân nước gã: Được sống.

Gã được xem những tấm hình do ông thuyền trưởng người Bỉ chụp con tàu vượt biên.

Bây giờ thì nước mắt chuyền qua gã...

Thuyền trưởng là người đứng thứ hai bên phải hàng cuối, ảnh chụp khi tất cả được cứu lên tàu.
Không quên...

Gã đã quyết định không đến Berlin hứa hẹn những cuộc gặp gỡ bạn bè Võ Thị Hảo, Vũ Lương, Mạnh Hùng, Lê Minh Hà, Lê Thị Minh Hà mà gã quý mến.

Gã đến hải cảng Oostende - nơi có Nghĩa trang Hàng hải yên nghỉ những thuyền trưởng, thủy thủ của Bỉ đã vì biển khơi mà ra đi.

Gã nói với ông Trương Hùng - người cùng 64 người dân Quy Nhơn, trong đó có 40 đứa trẻ vượt biển ngày 5.8.1981 và sau 9 ngày lênh đênh trên biển vì tàu chết máy được thuyền trưởng tàu E R Brugge cứu vớt: Tôi muốn được viếng mộ thuyền trưởng của con tàu E R Brugge.

Trước khi lên xe đi hải cảng Ootende vợ ông Hùng cho gã xem tấm hình bà chụp với 6 người con tại Quy Nhơn khi nhận được tin chồng mình và 64 thuyền nhân đã thoát chết.

Bà không nói gì mà chỉ im lặng khóc.

Ông Hùng ở tuổi 70 lái xe đưa gã đi. Con đường xa. Dọc đường ông Hùng kể gã nghe hành trình làm thuyền nhân như hàng trăm ngàn thuyền nhân của một thời quá nhiều bất hạnh của nước gã.

Ông bảo: Biết có thể chết mà vẫn đi. Vì cuộc sống của vợ và 6 đứa con thôi. 

Bia do 64 thuyền nhân Việt Nam lập cho vị thuyền trưởng người Bỉ đã cứu sống họ.
Gã sẽ kể lại câu chuyện này vào dịp khác. Bây giờ thì trước mặt gã là nơi yên nghỉ mãi mãi của thuyền trưởng Jacques Pierlood với dòng số 1931-1984 và tấm hình của ông trên trang sách cuộc đời in dòng chữ: Những người Việt Nam chạy nạn chính trị chúng tôi không bao giờ quên ơn ông.

Tấm bia tưởng niệm đặt trên mộ thuyền trưởng Jacques này do ông Hùng và những thuyền nhân được thuyền trưởng Jacques cứu sống, lập nên khi biết tin ân nhân của mình bị chết vì bệnh đột ngột khi cùng con tàu E R Brugge lênh đênh trên đại dương.

Đứng trước mộ thuyền trưởng Jacques, ông Hùng chắp tay nói tiếng Hà Lan: chúng tôi đói khát trên con tàu gỗ chết máy suốt 7 ngày 7 đêm giữa biển, bao con tàu đi qua nhưng không tàu nào dừng lại mặc tiếng gào khóc của đàn bà và trẻ nhỏ.

Tưởng nhớ ân nhân.
Jacques ơi, ông đã ra lệnh con tàu của mình dừng lại. Ông đã cho chúng tôi nước uống, bánh mì. Ông đã cho các bác sĩ chăm sóc những người kiệt sức.

Ông đã đưa chúng tôi đến bến bờ Tự do.

Ông không vợ con, cha mẹ không còn. Chúng tôi sẽ mãi mãi là người thân của ông. 

Gã đã chắp tay trước mộ Jacques: Tôi từ Việt Nam xa xôi rất tiếc không còn cơ hội được mời ông đến thăm đất nước tôi, được mời ông đi thăm biết bao cảnh đẹp quê hương tôi để nói với ông rằng: chẳng ai muốn từ bỏ quê hương của mình.

FB LƯU TRỌNG VĂN 14 và 18.08.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.