Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Không còn ngân sách để đầu tư phát triển

Không còn ngân sách để đầu tư phát triển

bauxitevn2:10 PM

Lan Hương
clip_image002
Một người bán hàng rong đạp xe qua một trung tâm mua sắm cao cấp ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 7 năm 2017. AFP photo
Vấn đề ngân sách quốc gia bội chi hay nói cách khác là khoản thu không đủ cho các khoản chi xảy ra không ít lần tại Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Tài chính mới công bố hồi trung tuần tháng 8 cho thấy Việt Nam lại bội chi ngân sách nửa đầu năm 2017.

Không còn tiền đầu tư phát triển đất nước

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 666.000 tỉ đồng (làm tròn), trong khi đó tổng chi ngân sách lũy kế sau 7 tháng ước khoảng 695.000 tỷ đồng.
Bộ này cũng nói rõ là trong số khoản phải chi tiêu thì chỉ có 120.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trả nợ lãi là gần hơn 62.000 tỷ đồng và chi thường xuyên là khoản lớn nhất với con số là hơn 511.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Uỷ ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc chi tiêu ngân sách của Việt Nam nửa đầu năm 2017 rơi vào tình trạng rất căng thẳng vì quá nhiều khoản phải chi, không còn tiền để đầu tư phát triển đất nước. Ông phân tích:
Hiện nay tình hình chi ngân sách của Việt Nam rất trầm trọng. Chi thường xuyên chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ thì chiếm đến 24,5%. Như vậy không còn khả năng chi cho đầu tư.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này thì nguyên nhân dẫn đến khoản chi thường xuyên cao đến vậy là do tình trạng chi tiêu quá lãng phí:
Tình trạng chi tiêu một cách lãng phí, hình thức là hết sức phổ biến và chưa được ngăn chặn. Những khoản chi như đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài, rồi thì chi cho lễ tân, giao lưu tiếp khách đã vượt chi rất nhiều. Việt Nam lại còn chi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức chính trị, xã hội, cũng đều chi từ ngân sách.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nêu một ví dụ mà ông cho là phản cảm gần đây nhất là chuyện ông Hữu Thỉnh, người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đã trình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xin hỗ trợ mua xe ô tô cho ông. Ông này giải thích là với chức danh của ông phải được hưởng chế độ xe như bộ trưởng nhưng 10 năm nay ông phải đi mượn xe và xe đó quá cũ. Ông Thỉnh giãi bày rằng “đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy”.
Một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét rằng ngoài mức chi thường xuyên quá cao, Việt Nam còn đang phải đối mặt với một khó khăn nữa là việc trả nợ:
Nói chung thâm hụt ngân sách của Việt Nam là bệnh trầm kha, nan y. Có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như đầu tư công thì dàn trải, không có hiệu quả hay sử dụng vốn không có hiệu quả và thường thì kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Quan trọng là trong cái thu ấy thì chi thường xuyên chiếm 70%. Phần lớn còn lại là để trả nợ, cho nên chi đầu tư rất thấp. Cho nên trả nợ là một trong những nguyên nhân làm cho bội chi tăng.
clip_image004
Bộ ấm chén tỉnh Vĩnh Phúc làm quà tặng. newszingvn
Theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp thì trong nửa đầu năm nay, Việt Nam phải chi ra 9000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ để trả tiền lãi cho các khoản nợ.
Tính đến cuối năm ngoái, mức nợ công của Việt Nam đã là 63,6% GDP. Tuy nhiên đầu năm nay, Bộ Tài chính dự báo là năm 2017-2018 mức nợ công sẽ không dừng lại mà sẽ tăng lên đến ngưỡng 65% GDP.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết đây mới chỉ là con số mà Bộ Tài chính thừa nhận là nợ của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Ông phân tích rằng theo thông lệ quốc tế thì các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước đáng lẽ ra cũng phải được tính vào khoản nợ ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm. Nếu tính theo cách này thì con số nợ công của Việt Nam có thể lên đến 210% GDP như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia của Tổ chức Thống kê Liên Hiệp Quốc đã công bố trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

“Thuốc” chưa trị được “bệnh”

Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Năm ngoái Bộ Tài chính cũng cho biết là mức bội chi cả năm ước tính hơn 192 ngàn tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, bội chi 256 ngàn tỷ đồng. Năm 2014 là hơn 249 ngàn tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Việt Nam cũng thường xuyên đề ra giải pháp là phải giảm chi thường xuyên. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua mục tiêu là giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% vào năm 2020. Đầu năm nay tại Hội nghị tổng kết của ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi.
Giải thích lý do bội chi ngân sách xảy ra triền miên nhiều năm ròng mà chưa có những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng này. Tiến Ngô Trí Long cho rằng các biện pháp đã được đưa ra nhưng không phải một sớm một chiều đã mang lại kết quả:
Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả.
Thời gian gần đây người dân bày tỏ bức xúc về những vụ việc được cho là lãng phí ngân sách nhà nước chẳng hạn như vụ tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua ấm chén làm quà tặng nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh này. Số tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.
Hay chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng làm kỷ niệm chương tặng người lao động giữa lúc ngành than phải đối mặt với với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt giảm.
Tại Hải Phòng, người dân lên án việc chi 200 tỷ đồng xây công trình nhạc nước rồi bỏ không và cuối cùng phải phá dỡ đi.
Tại Gia Lai, giấy tờ sổ sách cho thấy năm 2015 Văn phòng HĐND tỉnh này đã dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách tiếp khách trái quy định.
Đó là còn chưa kể nhiều tượng đài trị giá hàng ngàn tỷ đồng được xây dựng trong khi cuộc sống của vô số người dân còn nghèo đói, nhiều trẻ em không được đến trường.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lại cho rằng nguyên nhân chính làm cho vấn đề chưa được giải quyết là do việc thực thi và tôn trọng luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm túc:
Hầu như mỗi một cấp đều tìm cách chèo chống, tìm cách chi và có khoản thu trong đó có những khoản thu chi không báo cáo và không nằm trong sổ sách. Cho nên tình hình thực sự rất phức tạp và đã đến lúc phải thay đổi hẳn việc thu chi ngân sách của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội mà dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để sống.
Vị nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng này cũng đề xuất rằng Việt Nam cần thực hiện nghiêm việc chi tiêu tiết kiệm, truy cứu trách nhiệm của những người lãng phí ngân sách và cắt giảm số lượng các hội và tổ chức do ngân sách Nhà nước bảo trợ.
L.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.